Đời sống văn nghệ
Trần Quang Long và Quán Bạn
15:37 | 23/09/2011
TRẦN THỊ KIÊN TRINH Đã không ít lần tôi được nghe những câu chuyện của các anh kể về một thời trai trẻ. Tuổi trẻ hiến dâng, tuổi trẻ xuống đường, tuổi trẻ lên rừng kháng chiến và những đêm không ngủ.
Trần Quang Long và Quán Bạn
Nhà thơ Trần Quang Long - Ảnh: TL
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Khi kể về anh Trần Quang Long, anh Nguyễn Hữu Ngô như có cả một kho chuyện mà có lẽ ai cũng muốn nghe.

Thời đó, hai anh vẫn thường gặp nhau: ăn cơm ở nhà nhau, đi chơi với nhau, ngủ ở nhà nhau. Café Dung ở Thành Nội là nơi hai anh vẫn thường lui tới nhất.

Quán café Dung hồi đó rất đông khách. Bên tách café các anh vẫn luôn bận tâm làm thế nào để có phương thức đấu tranh chống chính quyền tay sai của Mỹ một cách hiệu quả nhất.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, hai anh tự hỏi: Tại sao mình không mở quán café để tụ tập anh em?

Và điều đó đã thành hiện thực.

Vào khoảng tháng 8 năm 1964, Quán Bạn ra đời.

Quán là một căn nhà nhỏ có gác gỗ khiêm tốn nằm trên phố Đào Duy Từ, thành phố Huế (23 Đào Duy Từ, Tp Huế. Nay là 39 Đào Duy Từ, Tp Huế).

Quán Bạn đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè.

Những ngày đầu quán thật sơ sài, chỉ mấy bộ bàn ghế sẵn có hai anh đã mang từ nhà đến. Ngay cả ly cốc, phin lọc café các anh cũng lấy ở nhà mình tới.

Bạn bè biết tin kéo đến mở hàng thật đông. Không đủ điều kiện phục vụ, một số anh em đã chung tay góp tiền mua sắm thêm nhiều đồ dùng khác...

Hăng hái hơn cả phải kể đến anh Hồ Đăng Định (Định Lạc Thành) hiện đang định cư tại Mỹ, anh Lê Văn Sâm (hàng xóm của Quán Bạn), nay đang sống ở Sài Gòn.

Quán ngày càng đông vui, quy tụ được nhiều bạn bè anh em, chủ yếu là tầng lớp thanh niên tiến bộ: sinh viên, giáo sư đại học, bạn bè văn nghệ (anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan...).

Quán thường xuyên có mặt giáo sư Đỗ Long Vân. Thỉnh thoảng anh Lê Hiếu Đằng (luật sư - nguyên Phó Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh) hồi đó ở tù ra cũng đến với anh em.

Từ khi có Quán Bạn hai anh ít khi về nhà. Các anh ăn và ngủ qua đêm ở đó - trên căn gác gỗ.

Ở Quán Bạn, anh Long phụ trách mảng văn hóa, văn nghệ, anh Ngô được giao nhiệm vụ quản lý quán kiêm thủ quỹ.

Cung cách phục vụ ở quán thật không giống ai. Khách đến uống café có thể tự tay pha lấy theo sở thích. Có người hào phóng còn từ chối số tiền thừa mà chủ quán trả lại.

Quán thường đông khách vào khoảng từ 7 đến 8 giờ tối.

Hồi đó, ở Huế đang có phong trào chống chính quyền tay sai của Mỹ do bác sĩ Lê Khắc Quyến - Chủ tịch Hồi đồng Nhân dân Cứu quốc lãnh đạo.

Để ủng hộ phong trào này, anh Trần Quang Long và Nguyễn Hữu Ngô đã thảo ra những tuyên cáo phản đối các tướng: Khánh, Khiêm, Trí, Mậu - những tay sai đắc lực của chính quyền thân Mỹ thời bấy giờ.

Bản tuyên cáo được in ra thành nhiều bản áp phích và nhanh chóng được dán khắp nơi trong thành phố với sự tham gia của nhiều anh em trong Quán Bạn. Đề tài bên ly café của các anh không gì khác ngoài khẩu khí chống chính quyền tay sai của Mỹ.

Quán Bạn cũng đã từng tham gia đoàn biểu tình do bác sĩ Lê Khắc Quyến tổ chức. Trước khi xuống đường nhóm Quán Bạn đã in thông báo số 1 chống Mỹ và bọn tướng lĩnh Cần Lao dán trước cửa quán:

“Đả đảo Nguyễn Khánh”.

“Đả đảo độc tài quân phiệt”.

“Xé bỏ hiến chương Vũng Tàu”.

Giữa dòng người biểu tình của nghiệp đoàn xích lô chở thương binh, xe lam chở học sinh, giáo sư đại học trong chiếc áo choàng đen, là anh em nhóm Quán Bạn đi sau biểu ngữ với dòng chữ “Đả đảo Đỗ Mậu hiếp dâm văn hóa”. Thỉnh thoảng nhóm dừng lại, tách ra khỏi đoàn biểu tình đọc to tuyên cáo số 1 thật hùng hồn càng thu hút sự chú ý của mọi người. 

Quán Bạn trở thành cái gai trước mắt chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ.

Phải nhổ bỏ cái gai này thôi!

Chúng dùng những thủ đoạn quen thuộc.

Khoảng chục tên du đãng, mặt mày thô lỗ, ồn ào tiến vào quán. Chúng quậy phá dọa đập quán. Cũng may trong quán lúc đó có một nhân vật rất thiện cảm với các anh có biệt danh “Năm Móng Rồng” có uy tín với nhóm giang hồ đứng ra can thiệp nên mọi chuyện được dẹp yên.

Nhưng chỉ mấy ngày sau, anh Trần Quang Long đã bị cảnh sát ngụy quyền bắt tại nhà riêng khi quán còn chưa mở cửa.

Hay tin, anh Nguyễn Hữu Ngô vội rời Huế, vào Tuy Hòa lánh nạn. Nhưng ba ngày sau anh Ngô cũng bị bắt tại Tuy Hòa.

Sau khi anh Long và anh Ngô bị bắt, Quán Bạn hoạt động một thời gian nữa do anh Lê Văn Sâm làm chủ quán, nhưng cuối cùng cũng buộc phải đóng cửa theo lệnh của tướng Nguyễn Chánh Thi ở Huế.

Thời gian thật ngắn ngủi, nhưng Quán Bạn đã gây ra tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh chống chính quyền tay sai ngày ấy. Lại thêm một mốc son in đậm dấu ấn một thời trai trẻ các anh đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ Quốc.

Để rồi hôm nay, trong lòng thành phố Huế thân yêu đã có thêm một con đường mang tên anh - đường Trần Quang Long, như một tình cảm ấm áp người dân xứ Huế dành cho anh.

(Viết theo lời kể của Nguyễn Hữu Ngô, 12/4/2011)
T.T.K.T
(271/09-11)








Các bài mới
Các bài đã đăng