Tác giả-tác phẩm
Bản in đầu tiên của bài thơ "Huế tháng Tám"
15:05 | 13/03/2012

LẠI NGUYÊN ÂN

Bạn đọc ngày nay đều biết bài thơ Huế tháng Tám nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, bài thơ được in trong tập Từ ấy và cho đến nay đã có mặt ở hầu hết các tuyển tập thơ Tố Hữu, đã đi vào sách giáo khoa của nhà trường phổ thông.

Bản in đầu tiên của bài thơ "Huế tháng Tám"
Nhà thơ Tố Hữu năm 1945 - Ảnh: TL

Tuy nhiên, có lẽ còn ít bạn đọc biết rằng bài thơ ấy ở lần in đầu tiên, lại có một nhan đề khác và về mặt văn bản cũng có một số khác biệt với bản đang phổ biến hiện nay.

Trong việc làm thơ xưa nay, việc nhuận sắc, sửa chữa là một việc thông thường. Đối với người nghiên cứu và tìm hiểu thì các khác biệt trên các dị bản lại có nhiều điều lý thú, cho thấy nhiều phương điện khác nhau của hoạt động sáng tạo. Hơn nữa, nếu tính chỉnh thể của một tác phẩm được quan niệm không chỉ trong nội bộ văn bản mà còn cần được quan niệm trong sự thống nhất của văn bản tác phẩm với trạng thái xúc cảm và nhận thức của một thời điểm sáng tác nhất định thì dị bn đầu tiên bao giờ cũng có một ý nghĩa đặc biệt, cho dù nó không phải là dị bản cuối cùng - được lưu hành rộng rãi - của tác phẩm đó đi nữa.

Để giúp bạn đọc hiểu thêm, chúng tôi xin giới thiệu sau đây đôi nét về dị bản đầu tiên này của bài Huế tháng Tám.

Trên tạp chí Ánh Sáng (cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Huế, tức là của Đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương Huế) xuất bản ở Huế, số kép 12-13 ra ngày 19-8-1946, số đặc biệt của tạp chí này kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám, có đăng một bài thơ của Tố Hữu nhan đề: 23-8-1945, nhan đề gắn với ngày cách mạng thắng lợi ở cố đô.

Toàn bộ bài thơ như sau:

23-8-1945

Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác,
Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau
Chân nôn nao như khách đợi mong tàu
Bước dò bước, không biết sau hay trước.
Tim hồi hộp, vì sao? Ai hẹn ước
Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao?
Mắt đỏ lòe, như lửa hay như sao?
Người hay bóng? Ngoài vào hay trong tới?
Giáng từ trên hay là vươn từ dưới?
Huế ngây thơ, lo lắng, những tâm linh
Khát khao hoài. Trinh nữ ấy đang rình
Sau cửa hé, người yêu chưa biết mặt…

Trên Hương giang, hoang mang đò lạnh ngắt
Tiếng đàn im, ca kỹ nép phương nào?
Trăng thì thầm chi với sóng xôn xao?
Đức Kim Thượng đêm nay trong ngọc điện
Ngự lên lầu, trông lên cao: xao xuyến
Muôn vì sao… lạnh lẽo thấm hoàng bào
Người rùng mình tưởng đứng đỉnh cù lao
Nỗi cô độc giữa gió triều biển động.
Đôi gốc đại nghiêng nghiêng tàn lay bóng
Sầu thâm cung vờ vật dưới sân chầu
Người đứng đây, trăm họ đang về đâu?
Đỉnh thần đó, rầu rầu thân đá trắng
Quá khứ nặng đè xuống đầu cúi lặng…
Cánh tay nào cất nổi gánh giang sơn?
Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn
Máu giải phóng đã lôi lòng nhân loại!
Nên Kim thượng đêm nay vui… chiến bại
Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son
Người phải lui cho Dân tiến, Nước còn
Thôi thôi vậy. Tiên vương ôi, nghiệp đế!
Người đã quyết "không làm vua nô lệ"
Xuống làm dân nước độc lập hoàn toàn…
Và rạng ngày, chiếu xuống khắp dân gian:
"Trẫm hy sinh cả ngai vàng, bệ ngọc"

Chừ đây Huế, Huế ơi! Ha ha! cười mà khóc
Ta say rồi, ha ha, khóc mà cười!
Nước mắt ta trào húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười, rợn óc.
Ta ôm nhau, đấm nhau quay lăn lóc
Hả hê chưa! Ai dám bịt mồm ta?
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta điên, điên thần thánh?
Ngực lép bốn ngàn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui nghe ngộ quá!
Thôi cơm làm chi, cho ta chum nước lã,
Khát khát ghê, uống nứt cả buồng gan.
Nóng chết người! da thịt ta khô ran
Xé toạc áo, đánh trần phi giữa phố.
Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi!
Vàng vàng bay đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác.
Ôi thiên đường! Tai mê man lắng nhạc
Từ muôn phương nghe gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
                                                            Tố Hữu

Xin khỏi chép thêm ra đây bài Huế tháng Tám trong dạng thức hiện nay, vì bạn đọc có thể tìm được trong các tuyển thơ Tố Hữu. Chỉ xin nói thêm một số lời có tính chất bình chú.

Cả bài 23-8-1945 giống như bài Huế tháng Tám, tựa như một hợp khúc gồm 3 đoạn chính.

Ở đoạn 1 (15 câu đầu), sự khác biệt giữa hai dị bản không nhiều. Mấy câu của 23-8-1945:

Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao?
Mắt đỏ lòe, như lửa hay như sao?
Người hay bóng? Ngoài vào hay trong tới?

Đến Huế tháng Tám được sửa thành:

Ai đang về? Đáng đó thấp hay cao?
Mắt sáng ngời, như lửa hay như sao?
Người hay mộng? Ngoài vào hay trong tới.

Có thể đoán rằng phương hướng thay đổi, nhuận sắc ở đây là nhằm điều chỉnh lại cách hình dung về cách mạng trong nhận thức khi đó, bớt đi sắc thái bộc trực khi đó (có thể thành khiếm nhã trong cảm thụ của độc giả sau này), làm cho nó có thêm sắc thái chín chắn, làm cho cách nói trở nên trang nhã hơn, tuy rằng cũng để mất đi (làm sao khác được!) nét ngây thơ, ấu trĩ của kỷ niệm cũ.

Mấy chữ trong các câu:

Huế ngây thơ, lo lắng, những tâm linh
Khát khao hoài. Trinh n y đang rình



Trên Hương Giang hoang mang đò lạnh ngắt.

được sửa thành:

Huế xôn xao lo lắng, những đêm mơ
Khát khao hoài, như cô gái mong ch



Trên Hương Giang mênh mang đò lạnh ngắt

có vẻ như chỉ thay cách nói, cách gọi, cho nó vừa "ngày nay" hơn, lại vừa giản dị, nhã nhặn hơn, thật ra cũng là đưa cách nhận thức mới để điều chỉnh lại cách nhận thức của thời kỳ ấy.

Ở đoạn hai, cảnh hoàng cung, về đại thể, sự sửa chữa cũng không nhiều. Đây là đoạn của loại trữ tình nhập vai, thử nhập vào vai Đức Kim Thượng để diễn tả sự lung lay, thoái lui của ngôi vua trước làn sóng cách mạng của toàn dân. Dấu ấn lịch sử của việc diễn tả đoạn này khá đậm cho nên trong Huế tháng Tám sau này, tác giả đã cho in một lời chú thích: "Bài thơ này làm trong thời kỳ Bảo Đại còn được Chính phủ Dân chủ Cộng hòa cho giữ chức cố vấn, sau khi hắn thoái vị trước áp lực của cách mạng". Tuy nhiên sự đối chiếu sẽ cho ta thấy là nhà thơ không nệ lắm vào tính chất lịch sử ấy, ông mạnh dạn sửa chữa để các thế hệ độc giả trẻ khỏi nhận lầm ý nghĩa của một sách lược cách mạng khi thực chất nhu nhược và phản bội của "đức vua" còn chưa lộ ra. Câu:

Cánh tay nào cất nổi gánh giang sơn?

như từ vai "đức vua" mà nói, đã được thay bằng lời khẳng định từ phía cái tôi trữ tình của nhà thơ, nó rắn rỏi hẳn cho dẫu câu thơ có trở nên ít nhiều trúc trắc: Một ngai vàng không thể thắng cả giang sơn.

Và cả mấy câu cuối trong dị bản đầu tiên:

Máu giải phóng đã lôi lòng nhân loại
Nên Kim Thượng đêm nay vui... chiến bại
Để toàn dân chiến thắng, giữ ngôi son
Người phải lui cho Dân tiến, Nước còn!
Thôi thôi vậy! Tiên vương ôi, nghiệp đế
Người đã quyết "không làm vua nô lệ"
Xuống làm dân nước độc lập hoàn toàn...
Và rạng ngày, chiếu xuống khắp dân gian
"Trẫm hy sinh cả ngai vàng, bệ ngọc".

dẫu có nét mỉa mai không dấu giếm, nhưng vẫn còn tỏ thiện cảm với ông vua chiến bại này khi ông ta còn chưa trốn chạy cái trách nhiệm thông thường của công dân một nước độc lập. Nhưng đến Huế tháng Tám, chân tướng Bảo Đại đã lộ rõ, nhà thơ đã sửa lại khá nhiều:

Máu giải phóng đã sôi lòng nhân loại
Người phải xuống, đêm nay, đêm chiến bại
Để toàn dân chiến thắng, giữ ngôi son
Người phải lui cho Dân tiến, Nước còn
Dân là chủ, không làm nô lệ nữa
Hãy mở mắt: quanh hoàng cung biển lửa
Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao
Mở mắt trông: trời đất bốn phương chào
Một dân tộc đã ào ào đứng dậy!

Có lẽ vấn đề sửa chữa ở đây không phả là ở câu chữ, dẫu có như thế thật. Cái quan trọng ở đây là có cả sự thay đổi của thể tài. Nếu những câu này ở 23-8-45 là sự xen kẽ và bổ sung nhau giữa trữ tình nhập vai với lời đối thoại khuyên nhủ của cái tôi trữ tình (của nhà thơ) trước "Đức Kim Thượng", thì cũng những câu này ở Huế tháng Tám lại chủ yếu là phát ngôn của cái tôi trữ tình, hơn nữa cái "tôi" này đã hòa vào quần chúng cách mạng, đại diện cho quần chúng cách mạng để nói sự thật vào mặt cái con người từng làm "vua nô lệ" ấy. Không còn chuyện ông ta xuống chiếu thoái vị, hy sinh ngai vàng nữa. Ngay cả cái tuyên bố "không làm vua nô lệ" của ông ta cũng không còn đáng nói nữa. Cái đáng nói là sự đứng lên của cả một dân tộc.

Như thế, chính tiến trình nhận thức lịch sử đã đưa đến sự sửa chữa nói trên. Ở đây, thơ, ghi sự kiện tại chỗ đã chuyển thành thơ chính luận lịch sử. Yếu tố hồi cố với cái nhìn có điều chỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa tinh thần và lời lẽ những câu thơ cuối đoạn thứ hai này.

Ở đoạn 3, như ta biết, là đoạn bùng nổ của tâm trạng trữ tình trước thắng lợi vĩ đại của cách mạng. So sánh dị bản ở 23-8-45 với Huế tháng Tám, ta không thấy sự khác biệt bao lăm ở tinh thần, ở nhận thức, ở xu thế chung. Nhưng lại có sự khác biệt khá nhiều ở chữ dùng, ở lời lẽ, và qua đó, ở các sắc thái biểu cảm, ở mức độ thể hiện sức bùng phá của niềm vui giải phóng, niềm vui thắng lợi. Ngay trong những câu:

Nước mắt ta trào húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười trận khóc!

(vốn là: Cổ ta ré trăm trận cười rợn óc) và:

Ngực lép bốn ngàn năm trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi

Vốn chủ yếu được giữ nguyên như bản đầu tiên, nhưng các nhà phê bình đã có thể nói đến sự vận dụng các thủ pháp của thơ siêu thực.

Thế thì trước những câu trong Huế tháng Tám:

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy.
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi.
Ta ôm nhau hôn nhau từng mái tóc,
Hả hê chưa ai bịt được mồm ta
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh trong 23-8-45 lại vốn là:

Chừ đây Huế, Huế ơi! ha ha! cười mà khóc
Ta say rồi, ha ha, khóc mà cười
Ta ôm nhau, đấm nhau quay lăn lóc
Hả hê chưa! Ai dám bịt mồm ta
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta điên, điên thần thánh

và nhất là những câu này nữa (không còn giữ lại trong Huế tháng Tám):

Thôi cơm làm chi, cho ta chum nước lã
Khát khát ghê, nóng nứt cả buồng gan
Nóng chết người! da thịt ta khô ran
Xé toạc áo, đánh trần phi giữa phố.

Không biết liệu rằng trước những câu như vừa dẫn ở dị bản đầu tiên, ngươi ta còn có thể chứng minh cho yếu tố siêu thực đến đâu! Song le, vấn đề chưa hẳn đã ở việc duy danh định vị vào quan hệ với một trường phái nghệ thuật nào đó. Ở đây có sự diễn đạt một niềm vui thuần túy tinh thần (niềm vui giải phóng, niềm vui độc lập, niềm vui cách mạng) bằng cách phô bày những trạng thái thể chất, những trạng thái nhục thể. Ta có thể liên tưởng những câu thơ dẫn trên với cách biểu cảm của hội họa hay điêu khắc. Sự biến dạng đến cực đoan của hình thể có thể gợi lên ấn tượng mạnh về trạng thái cảm xúc. Với một niềm vui xé ra, một niềm vui điên lên, một niềm vui nổ tung, khó có thể làm hiện hình lên được qua những tư thế cân bằng, chừng mực.

Và đứng về phương diện đó, sự sửa chữa hoặc tước bớt các chữ dùng và câu thơ trong Huế tháng Tám, tuy vẫn còn đậm niềm vui say trong ngày cách mạng thắng lợi nhưng cũng đã để mất không ít những tư thế và trạng thái say sưa đến cuồng nhiệt của ngày ấy.

Sau bốn chục năm, cái cuồng nhiệt phấn khích đến cực đoan ngày đó dẫu không thể phục hiện lại hoàn toàn, nhưng vẫn gây được ấn tượng mạnh ở những thế hệ độc giả sinh sau về một ký ức khó phai mờ trong lịch sử dân tộc.

3-5-1985
L.N.A
(SH21/10-86)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng