Tác giả-tác phẩm
Chuyến độc hành nhìn lại
15:35 | 28/10/2008

NHỤY NGUYÊN

Truyện ngắn của Nguyên Quân trong Vòng tay tượng trắng (Nxb. Văn Học, 2006) khá mộc mạc ở cả đề tài và lối viết, nhưng cũng nhờ cái mộc mạc đó đã hút được nguồn nguồn mạch sống.

Số truyện viết trên nền “giấy bố” đều rất thành công. Căn nhà dưới tàn bông nhãn, Cậu bé và con khỉ, Chuyện từ thời chiến, Ông bố vợ... Những cái tên nghe đơn giản song đọc truyện rồi mới vỡ ra, rằng không nhất thiết phải thay bất kỳ một cái tên nào khác mĩ miều hơn.

Cậu bé và con khỉ gần như là truyện viết cho thiếu nhi song mang tầm để người lớn suy ngẫm. Hẳn tác giả đã quan sát kỹ trong thời gian dài mới viết được mấy trang văn về những biến thái tâm lý của con khỉ cũng như cậu bé. “Nhớ bầy đàn, con khỉ ngồi bất động trên nhánh cây cao nhất mà sợi dây cho phép. Cái đầu gục xuống giữa hai gối chân, thế ngồi ủ rũ ấy làm cậu bé liên tưởng đến con gà mắc dịch”. “Nỗi nhớ cũng có thể giết chết một sinh vật” - Câu nói của ông bố khiến cậu bé bần thần, và sau đó xin thả nó về rừng. Sau một tuần được thả về rừng, nó trở lại với cậu bé cùng vô số vết thương trên thân. Cậu bé không hiểu nổi. Cậu không hiểu vì sao sau một năm ở cùng cậu, nó linh hoạt vui vẻ, những tưởng đã quên cội nguồn... Cậu không hiểu tại sao đồng loại lại cắn xé nó. Đoạn văn dưới đây khá sâu sắc ở khía cạnh phân tích nỗi buồn của cậu bé thông qua chú khỉ chẳng rõ đang nghĩ gì về bầy đàn của nó: “Màu mây xanh trên nền trời phản chiếu trong đôi mắt nó sẫm tối mờ đục dần. Cúi xuống sát gần cậu bé cố lắng nghe tiếng khò khè đứt quãng từ cổ họng chú khỉ. Nhưng nó không thể kể cho cậu bé nghe. Nó chẳng sử dụng được ngôn ngữ loài người. Tiếng xào xạc của ngọn gió sớm lùa qua kẽ lá cũng chẳng nói được chuyện gì đã xảy ra với chú khỉ khi về lại với bầy đàn...”.

Chiến tranh bom đạn là nỗi ám ảnh với bất cứ ai từng kinh qua, thời hậu chiến còn tiềm ẩn nhiều vỉa tầng ảm đạm hơn mà mỗi nhà văn muốn khai thác phải thật khéo léo. Chuyện từ thời chiến có góc nhìn chân thật, không dễ được chấp nhận cách hơn chục năm về trước. Anh là một sĩ quan chế độ cũ giữa cơn hoảng loạn rút chạy... bây giờ đã thành đạt. Sự đầy đủ về vật chất không làm mờ đi hình bóng một người lính anh từng chôn cất sơ sài. Theo dòng tin trên ti vi, anh đã đến với người mẹ suốt mấy mươi năm cạn khô tuyến lệ mong tìm ra nắm xương của đứa con. Nhưng, khi cùng với đoàn người tìm ra nơi mình chôn cất thì “không ai dám khẳng định bộ hài cốt bọc kín trong tấm pon-so của quân đội Sài Gòn kia có đúng là một chiến sĩ giải phóng”. Nỗi đau hằn trong đôi mắt hút sâu, mờ đục của người mẹ. Ai sẽ minh oan cho người lính giải phóng? “Chính tôi đã giết chết anh!...” Lâu quá rồi, có thể anh quên; quên lửng đi tấm pon-so cùng số quân trang cá nhân của ngụy mà người sử dụng hồi đó chính là anh. Bởi thế anh không nghĩ tới chuyện mình phải thú nhận cái tội tày đình ấy. Truyện hấp dẫn được người đọc chính nhờ vậy. Đây là tình huống khá đắt trong vô số các tình huống của thời hậu chiến. Nó đắt, không phải chưa ai nghĩ tới (thực tế có nhiều người lính Mỹ qua Việt Nam tìm hài cốt của “đối thủ” mình từng bắn chết - chôn cất) mà chính là ở cách thức thể hiện, mức độ gửi gắm.

Bóng lửa bên sông cũng là một truyện có được chiều sâu cảm xúc nhờ gây dựng trên nền sự ảm đạm, trên ranh giới của bến Âm và bờ Dương tại một ngôi làng cổ. Làng Phước Tích xưa có tập tục lạ: trừ ngôi mộ duy nhất của một vị khai canh được yên nghỉ tại làng, còn lại tất thảy con cháu khi chết đều phải đưa qua sông Ô Lâu an táng nơi dải đất có tên Hà Cát (sống ở Cồn Dương, thác về Hà Cát/ một bước sang sông mấy nhịp chèo). Sông Ô Lâu đoạn chảy qua làng cổ Phước Tích được xem như sợi chỉ mong manh chia thành hai bến Âm - Dương. Bờ Dương: “những chiếc thuyền buôn vẫn lui tới tấp nập ở cái bến gạch tương truyền đã được hàng trăm năm tuổi. Tiếng cười nói, trêu đùa của những anh chàng thương lái với mấy cô gái làng đang tranh thủ bốc xếp nào chum, lọ, nồi niêu xuống thuyền vang động cả một vùng sóng nước. Xa hơn, con đường làng nổi bật lên màu đỏ thẫm như màu gốm non trong những cái lò đang nhả từng cụm khói trắng đục lên bầu trời”. Bên bờ Âm, chỉ độc nhất mỗi nhân vật “Gã”. Gã được hoài thai từ những cơn oằn oại, đau buốt của mẹ trong cái đêm bị cưỡng hiếp. Gã là giọt máu bị pha lẫn mùi đất sét, mùi tanh nồng sông nước, mùi tro than lạnh; gã thẫn thờ ném những bông hoa dại xuống mặt sông đang hút sinh khí của ngày... “Con đường mòn ngoằn ngoèo, len lỏi giữa bãi tha ma dẫn từng bước chân nặng trĩu của gã về đến gần căn nhà rách nát, trống toang, tạp nham đủ thứ loại vật liệu tranh tre nứa lá gom góp dọc theo con sông sau từng mùa lũ”. Hai cõi thế nhân trái ngược, song chỉ có cõi Âm nhìn về cõi Dương. Người bên bờ Dương không muốn hoặc không dám nhìn về cõi Âm, trừ phi họ bị dồn vào bước cùng. Đấy là trường hợp của một người đàn bà: “chị nằm co quắp, áo quần ướt đẫm, tả tơi... mái tóc đen dày che kín khuôn mặt tái xanh, đầy những vết bầm tím, khiến gã giật mình”. Đây là một nút thắt của truyện. Gã, người từng tống táng không biết bao xác người xuống ba tấc đất; gã chưa bao giờ giật mình trước những oan nghiệt. Gã không tin bên bờ Dương lại có những góc đời oan nghiệt như người đàn bà đang lả đi trong vòng tay của gã giờ đây. Một người đàn bà tàn rũ bước vào cõi Âm, nhưng lại thức dậy trong gã sinh khí của một con người: “gã cảm thấy nhột nhạt, rậm rựt khắp người”. Tại đó, bên ngọn lửa từ đống củi rều vớt được trong trận lũ, bàn tay chai sần vết đào huyệt của gã đã truyền cho người đàn bà chút nóng ấm. Người đàn bà tỉnh dậy, vẫn chưa hoàn hồn bởi “những cú đấm đá hung tợn của lão chồng già nát rượu, đầy quyền lực mà bố mẹ chị đã đem cái tuổi trăng tròn của chị gán ghép vào; khi cùng đường trốn chạy chị cũng đã nhảy xuống sông, bơi qua bến Âm”. Bây giờ chị tỉnh táo hơn bao giờ hết. Chị sợ lệ làng với tội lăng loàn hơn là sợ người chồng đã đẩy chị qua bến Âm này. “Về bến Âm mà không được làng cho khua chiêng gióng trống là một sỉ nhục lớn, chẳng những cho người đã chết, mà còn lưu xú cho cả gia đình họ tộc đến mấy đời”... Chị vùng mình khỏi vòng tay của gã. Chị nhảy xuống sông, bơi, bơi trong hơi tàn lực kiệt... Con người trọng tiếng thơm khi chết là một nét đẹp văn hóa mà nay đã phai lạt nhiều trên khắp các vùng quê. Bóng lửa bên sông mang nặng tính nhân văn, để lại niềm ray rứt khôn nguôi cho người ở bến Dương.

Bóng lửa bên sông, có một chi tiết rất cảm động: “Ngọn lửa từ đống củi rều vớt được trong trận lũ tháng trước, cứ bùng lên rồi tắt ngấm, tỏa khói mù mịt theo từng ngọn gió phát ra từ cái quạt bằng mo cau... Ngày xưa mẹ gã cũng hong ấm cho gã bằng ngọn lửa, bằng bụm khói cay xè của loại củi rều ẩm ướt... lại thấy nhớ tới tiếng ho sặc sụa của mẹ”. Ngồi với một người đàn bà đang đánh thức giống đực trong mình mà gã lại nhớ mẹ - điều tưởng chừng phi lý. Gã sinh ra và lớn lên ở bến Âm; từ khi mẹ gã chết cho đến nay, gã chưa hề chạm tay vào da thịt người đàn bà nào khác. Thế nên bên người đàn bà gã mới nhớ mẹ; gã mới kìm nén được dục vọng giữa lúc người đàn bà kia trần truồng trong tấm mền của mẹ gã để lại…

Căn nhà dưới tàn bông nhãn được lồng trong mảng kịch câm giữa hai anh em. Có đối thoại đấy song là đối thoại với tâm trạng. Ở đấy, “từng chi tiết vụn vặt từ quá khứ, như phép mầu đưa trả tôi về bồng bềnh trên những năm tháng vô tư, ngỗ nghịch mà đã từ lâu lắm rồi tôi quên khuấy, đánh mất trong bộn bề cuộc sống”. Ở đấy hiện lên khung cảnh gia đình họ một thời khốn đốn: “Lúc anh chưa tròn tuổi thôi nôi, ba tôi đã bị chúng bắt, với tội danh hoạt động tuyên truyền chống phá nhà nước bảo hộ của đại Pháp. Mẹ tôi sau nhiều ngày bồng bế đứa con dại, lang thang khắp các trại giam để dò hỏi mà chẳng có tin tức gì về chồng”... Căn nhà tuềnh toàng nương nhờ bóng mát của tàn bông nhãn chỉ là một hình tượng mơ hồ, để từ đó gieo vào lòng người cái mênh mang của nỗi buồn không hình hài giữa thế giới vô thanh. Truyện không thiên về kết cấu, tình huống. Nó trôi êm như một tản văn, như tiếng mọt gặm nhấm mảng tình câm trong đêm của những người mất ngủ.

Cũng nhân vật “Tôi”, truyện Bồng bềnh tiếng chuông như là sự nối dài cái chết của người anh trong Căn nhà dưới tàn bông nhãn - cũng với bốn nhân vật trung tâm là cha mẹ và hai anh em (chỉ người chị dâu thay cho em dâu; cũng có một cuộc chuyển nhà và chùm nhãn vặt ngoài vườn). Riêng chuyện “anh” là con ông bác chỉ là một vết xóa để phân định ranh giới giữa hai truyện. Tác giả đã khai thác mỏ quặng trên ở một tầng vỉa sâu hơn. Cái chết của người anh để lại nỗi ám ảnh, bứt rứt cho “tôi”, cho chị dâu và cha mẹ. Tình huống anh lăng nhục một cô gái để rồi câm lặng mang nỗi uất hận xuống mồ chẳng hề khiên cưỡng. Mạch của câu chuyện rất tự nhiên, tuy hơi ảm đạm. Người chết họ nghĩ gì? Đó là câu hỏi mà tác giả đặt ra cho tất thảy những ai chưa trọn nghĩa với người thân, với cuộc đời đã lỡ “mang tiếng” ở trần gian.

Nhìn chung văn Nguyên Quân thiên về tự sự, ít đối thoại. Bạn đọc sẽ như trôi trong hoài niệm ở Tiếng kèn biển, Chuyến xe ngày hai tám, Căn nhà dưới tàn bông nhãn, Bồng bềnh tiếng chuông, Lằn roi,… Bởi thuộc dòng văn cổ điển nên trong truyện ngắn của Nguyên Quân gần như vắng bóng những trường đoạn tươi mát. Như gã tìm trầm chưa vợ gặp cô giáo đã li dị chồng trên Chuyến xe ngày hai tám. Ngay đến người con gái “năm năm chôn ba đời chồng” trong Màu hoa của đá cũng khước từ vòng tay của người yêu cũ.

Rải rác trong tập của Nguyên Quân có một vài tình huống, chi tiết không cần thiết. Trong chuyến độc hành trên con đường văn nghiệp tính đến tập truyện này, ngoái đầu lại chợt nghĩ: những truyện tốt nhất của Nguyên Quân đều đã đăng ở tạp chí Sông Hương, nơi anh thường lui tới cùng bè bạn nhấp ly cà phê chuyện phiếm.                                                                                                                                    N.N

(TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng