Tác giả-tác phẩm
Tính nghiêm túc của một tuyển tập thơ
15:39 | 28/10/2008
PHƯỚC GIANGTrung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục vừa tuyển chọn và giới thiệu 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX.Việc này thực hiện trong hai năm, theo ông Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân thì kết quả thật mỹ mãn: hơn 10.000 phiếu bầu, kết quả cuối cùng “không ai bị bỏ sót” và “trong 100 bài đã được chọn chỉ chênh với các danh sách khác khoảng 5-7 bài”.

Việc tổ chức công bố kết quả này vào Ngày Thơ Việt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội có thể xem là sự khẳng định công khai của Hội Nhà văn Việt .
Nếu quả như thế thì thật đáng mừng. Tuyển tập thơ sẽ là món quà vô cùng quý giá không chỉ cho những người yêu thơ, nó còn là báu vật cho hàng triệu người Việt xa quê, cho bạn bè quốc tế hiểu tinh hoa một thế kỷ thơ Việt Nam, và đặc biệt, nó là cẩm nang cho hàng triệu học sinh, sinh viên trong học hành và thi cử. Chính ông Lê Lựu cũng ý thức rõ mục đích thay đổi sách giáo khoa văn học trong tương lai, khi ông cho rằng tuyển thơ “giúp NXB Giáo Dục nhìn lại được thẩm mỹ thơ của công chúng và giúp họ có sự lựa chọn rộng rãi và mềm mại hơn khi đưa thơ vào chương trình giáo dục. Những bài thơ trong sách giáo khoa trước đây có lẽ hơi khô khan và mang nặng tính giáo dục, mà học sinh còn cần cả những cái khác nữa, trước hết là cần thơ phải hay”. (Tuổi trẻ online ngày 5/3/2007).

Đã là tuyển chọn thì bao giờ cũng mang tính chủ quan của người tuyển, khó tránh khỏi hợp ý người này, khác ý người kia. Tuyển thơ lại càng khó, không tránh khỏi tranh cãi. Muốn có sự đồng thuận rộng rãi 100 bài thơ hay nhất, tinh hoa một thế kỷ thơ Việt đòi hỏi tính nghiêm túc của sự tuyển chọn rất cao. Chúng tôi thực sự băn khoăn trước kết quả của cuộc tuyển chọn này.
* Đây có đúng là 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX không? Câu trả lời của chúng tôi là: Không.
Nếu chỉ lấy một tiêu chí “Những bài thơ hay nhất thế kỷ XX” thì tuyển thơ phải loại đi rất nhiều bài không thể xem là hay nhất thế kỷ, không mấy ai biết, để nhường chỗ cho những bài thiếu vắng nhưng từ lâu đã đi vào lòng người. Tôi tin rằng nếu người bình chọn là học sinh, sinh viên thì đa số sẽ biết những bài thơ hay như Vội vàng của Xuân Diệu, Lá diêu bông của Hoàng Cầm, Việt Bắc của Tố Hữu, Các vị La hán chùa Tây Phương của Huy Cận, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy...; chứ chẳng mấy ai biết Một vị tướng về hưu (dễ nhầm với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp!), Gửi bác Trần Nhuận Minh, Dặn con, Tháp Chàm, Nói sao cho vợi, Một ngày ta ngoái lại, Bông và Mây, Trời và Đất, Những đứa trẻ chơi trước cửa đền...

* Đây có phải là 100 nhà thơ xuất sắc nhất của thế kỷ XX không? Câu trả lời cũng là: Không.
Tôi tôn trọng các nhà thơ, nên tin rằng nhiều người có tên trong tuyển này không khỏi băn khoăn khi được đặt ngang hàng với Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên... trong tốp 100 nhà thơ xuất sắc nhất thế kỷ.
Bài Hai sắc hoa ti gôn có một thời được nhiều người thuộc, nhưng bài thơ ấy và tác giả T.T.K.H thuộc tốp 100 hay nhất thế kỷ thì chưa phải.
Thế kỷ XX, đã tính đến Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, sao không có Chu Mạnh Trinh, đã có Sóng Hồng, sao không có Phan Bội Châu?; đã có Nguyễn Đức Mậu, Trúc Thông, Vũ Đình Minh thì cũng có thể có Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Chiến...; có Đinh Thị Thu Vân, Lê Thị Mây sao không có Thúy Bắc, Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến v.v..
Trần Đăng Khoa từng giới thiệu Trần Nhuận Minh được công chúng đánh giá là Đỗ Phủ của Việt Nam, rằng ông Minh, ông Khoa như là Đỗ Phủ, Lý Bạch. Tôi cho rằng ông Khoa thì chẳng Lý Bạch tí nào, còn ông Minh với Nhà thơ và Hoa cỏ, có nét trầm tư mặc tưởng đồng điệu với thơ Khoa trong Góc sân và khoảng trời, cái nét ưu tư từng trải rất hiếm có ở trẻ em tám chín tuổi. Ở nước ngoài thì không rõ (ông Khoa nói thơ ông Minh được dịch ra nhiều thứ tiếng), chứ trong nước thì người đọc biết đến ông này ít hơn nhiều so với những tên tuổi vắng mặt trong tuyển này như Thạch Quỳ, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Nhuận Cầm...

* Đây có phải là những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất cho mỗi tác giả không? Câu trả lời cũng lại là: Không.
Nói đến Nguyễn Bính, người đọc thường nghĩ đến Chân quê, Lỡ bước sang ngang... chứ không ai nghĩ Những bóng người trên sân ga là bài thơ xuất sắc nhất của ông. Tiêu biểu cho thơ Tố Hữu không phải Khi con tu hú, Bùi Minh Quốc không phải Có khi nào, Trần Đăng Khoa không phải Gửi bác Trần Nhuận Minh, Hữu Thỉnh không phải Nghe tiếng cuốc kêu...
Với Tố Hữu, chọn Khi con tu hú là không nên. Chẳng nhẽ toàn bộ sự nghiệp thơ của ông, chủ yếu với hàng loạt tập thơ sau này, từ Việt Bắc, Gió lộng, Máu và hoa, Theo chân Bác... sản phẩm đích thực của văn học cách mạng lại không chọn được bài nào?
Trần Đăng Khoa nổi tiếng là thần đồng thơ và dừng lại với Góc sân và khoảng trời. Một Trần Đăng Khoa thơ ở tuổi trưởng thành đứng khuất lấp rất xa phía sau các bậc đàn anh trên thi đàn, những Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Vương Trọng, Trần Mạnh Hảo, Thạch Quỳ, Phan Thị Thanh Nhàn...; đến nỗi gần đây Nhà xuất bản Thanh niên cho biết người đọc ngày nay vẫn tưởng Khoa đang tuổi khăn quàng đỏ! Sao lại chọn Gửi bác Trần Nhuận Minh? Đành rằng cái chất thù tạc này vốn có từ thuở thiếu nhi, nhưng cái mảng “kính thưa, kính gửi, kính tặng” ấy tự tác giả cũng bỏ bớt đi nhiều mỗi lần tái bản, chẳng nhẽ lại tiêu biểu cho Trần Đăng Khoa.

Phải chăng Hội đồng tuyển chọn muốn người đọc hiểu phong cách đa dạng hơn của mỗi tác giả? Nếu vậy thì có thể chọn bài thơ khác. Chẳng hạn, khi đón trước thời cuộc mà những cục đất trở thành ông bình vôi, những nhân vật trồi lên trong xã hội hiện tại, Hữu Thỉnh có một bài thơ với những câu như:
Mưa rơi hạt chắc đầu bông rụng
ếch nhái kêu ran, cỏ hội hè
hạt lép vồng lên trương với gió
đồng như canh bạc, nước như mê...
Tóm lại, để có 100 bài thơ của những tác giả tiêu biểu nhất, tinh hoa của một thế kỷ thơ Việt cần sự tuyển chọn nghiêm túc và công phu hơn nữa.
P.G

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng