Tác giả-tác phẩm
Từ hai bài thơ VÃNG ĐÀ NẴNG QUÂN THỨ và GIAN THỰC, bước đầu tìm hiểu tinh thần yêu nước, thương dân của Đặng Huy Trứ
10:32 | 13/07/2012

PHẠM TUẤN KHÁNH - VŨ THANH

Trong văn học Việt Nam thế kỷ XIX có một nhà thơ được "thần siêu" coi là "bạn băng tuyết" và được văn nhân Trung Quốc đương thời gọi là "thi hào" - Đó là Đặng Huy Trứ. Sự nghiệp chính trị và văn học của ông vào giai đoạn đó khá nổi tiếng và được đề cao nhưng đến nay vẫn ít người biết đến.

Từ hai bài thơ VÃNG ĐÀ NẴNG QUÂN THỨ và GIAN THỰC, bước đầu tìm hiểu tinh thần yêu nước, thương dân của Đặng Huy Trứ
Chân dung Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) - Ảnh: internet

Đặng Huy Trứ (1825-1874), người thôn Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên, xuất thân từ một gia đình có truyền thống học vấn và yêu nước. Năm 22 tuổi đỗ tiến sĩ nhưng bài thi phạm húy nên bị cách cả tiến sĩ lẫn cử nhân. Ngay năm ấy (1847), ông lại đi thi hương và đỗ giải nguyên ; mãi 1856 mới được ra làm quan. Lúc đầu tập sự ở Quảng Nam, sau làm tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), tri phủ Xuân Trường, rồi ngự sử ở kinh. 1864, làm bố chánh Quảng Nam, 1865 và 1867, sang Hương Cảng, Áo Môn thăm dò tình hình bọn Tây dương, tìm phương sách cứu nước và mua vũ khí đánh Pháp. Đặng Huy Trứ có đóng góp trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự; thuộc phái "chủ chiến" trong triều đình Huế và theo đuổi sự nghiệp này đến cùng. Ông cũng có nhiều chủ trương cách tân nhằm cải thiện cuộc sống khốn cùng của nhân dân và đưa đất nước lên con đường "tự cường, tự chủ". 1871, Đặng Huy Trứ làm khâu phái quân vụ đánh dẹp quân Thanh ở biên giới, cùng Hoàng Diệu. Sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ nhất, ông cùng Hoàng Kế Viêm rút lên Đồn Vàng, Hưng Hóa chống Pháp và mất tại đây lúc 49 tuổi.

Đặng Huy Trứ làm thơ từ lúc 15 tuổi, để lại 12 tập gồm 1250 bài in trong Đặng Hoàng Trung thi sao. Ông còn có 4 cuốn Đặng Hoàng Trung văn sao và gần 10 cuốn khác (1). Thơ văn ông nổi bật ở lòng yêu nước, thương dân, thể hiện một nhân cách cứng cỏi trước những thăng trầm của thời cuộc và phần nào khắc họa được bộ mặt của một giai đoạn lịch sử.

Mấy năm gần đây, nhóm "Trà Lĩnh" gồm một số nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã bỏ công sưu tầm, nghiên cứu và dịch thơ văn Đặng Huy Trứ, chuẩn bị cho cuốn sách giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ở đây, chỉ xin giới thiệu hai bài thơ ông viết khi mới ra làm quan, từ đó bước đầu tìm hiểu tinh thần yêu nước, thương dân của nhà thơ quê hương.(2)

Đó là bài Vãng Đà Nẵng quân thứ tức sự (Đến quân thứ Đà Nẵng) và tiếp đó là bài Gian thực (Miếng ăn gian nan), đều viết vào năm 1856, được phát hiện ra trong Đặng Hoàng Trung thi sao(3). Đây chưa phải những bài thơ tiêu biểu nhất trong văn nghiệp Đặng Huy Trứ; chúng tôi đề cập đến vì bài thứ nhất nói về việc đánh Pháp, viết ra trước 1858, thời điểm đến nay vẫn được coi là chính thức mở đầu cho giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp, cũng chính thức mở đầu cho giai đoạn văn học yêu nước chống Pháp. Bài thứ hai như một sự bổ sung đầy ý nghĩa cho bài trên, thể hiện sâu sắc thêm lòng yêu nước, thương dân của nhà thơ họ Đặng:

Bài Vãng Đà nẵng quân thứ tức sự:

Như kim Đà Nẵng nhất Dương di,
Hạp cảnh binh dân bôn mệnh bì.
Cửu nguyệt tam thu hàn lao hậu
Thiên môn vạn hộ khiết khuy kỳ
Tây chinh sĩ khí phong sương khổ
Nam cố thần trung tiêu cán ti.
Nhục thực ngã như mưu vị quốc,
Chiến hòa dữ thủ thực cơ nghi.

Dịch thơ:

Một vùng Đà Nẵng: rợ Tây dương,
Giữ nước, quân dân mệt lạ thường
Cuối tiết tàn thu cơn lũ lụt.
Muôn nhà thiếu bữa cảnh thê lương.
Diệt thù, sương gió thương quân sĩ
Lo nước, đêm ngày bận đế vương.
Ăn lộc, ta càng lo việc nước,
Tính sao? Hòa chiến, giữ hay nhường?
(TRẦN LÊ VĂN dịch)

Và bài Gian thực (cú dụng thực tự)

Bát chính nhất viết thực,
Thực nãi dân sở thiên.
Bất đắc dĩ khử thực,
Canh thực vô dư niên.
Ngọc thực bất hoàng hạ,
Nhục thực thùy vị mưu.
Năng binh hoắc thực giả
Khả vô lạp thực ưu.
Tố thực cổ sở sỉ,
Túc thực dân nãi thư.
Dân bất đắc nhi thực,
Ngô đắc nhi thực chứ.

Dịch thơ:

Tám điều, ăn trước hết,
Dân lấy ăn làm trời.
Nhịn ăn cực chẳng đã.
Lo ăn, không làm ngơi.
"Ăn ngọc" chẳng nhàn hạ
"Ăn thịt" lo cho ai?
Khiến người ăn rau đỡ
Lo gạo ăn hôm mai.
Ăn bám xưa coi nhục,
Đủ ăn dân mới nhàn
Dân miếng ăn chẳng có
Ta ngồi ăn sao đang?
(VŨ ĐÌNH LIÊN dịch)

Bài Vãng Đà nẵng quân thứ tức sự được làm trong hoàn cảnh nào? Và có thể coi là một trong những bài thơ yêu nước chống Pháp vào loại sớm nhất mà ta chưa biết đến không? May mắn là tác giả đã có lời dẫn ở đầu bài thơ:

"Tháng tám (Bính Thìn - 1856), thuyền Tây đến đỗ ở bến Trà Sơn. Án sát Tôn Thất Dũng đem binh đến và cùng lãnh binh Phạm Truật đôn đốc việc đánh giữ. Chưa tới 10 ngày, bọn Tây dương bắn phá đồn lũy và bắt giữ quan binh của ta. Việc được tâu lên, vua sai các ông Trần Hoằng, Đào Trí, Nguyễn Duy đến đánh đuổi. Án sát Tôn Thất Dũng, lãnh binh Phạm Truật bị cách chức và giao cho các quan được cử đến tùy nghi sai phái. Quan, binh ở đây trải hai tháng vất vả theo lệnh vua phòng giữ bờ cõi- Tháng mười, tôi được phái đi kiểm tra tàu thuyền, qua nơi đây, nhân đó làm thơ".

Như vậy, bài thơ trên viết vào lúc mà cuộc tấn công xâm lược của quân Pháp chưa thật sự mở màn nhưng những hành động khiêu khích của chúng thì đã diễn ra và bị đánh trả. Theo những tài liệu mà chúng ta có được thì có lẽ đây là một trong vài bài thơ sớm nhất nói đến việc đánh Tây. Bài thơ mang đậm tính hiện thực phần nào nói lên được quyết tâm sát cánh bên nhau cùng đánh "rợ Tây dương" bảo vệ đất nước của quân dân Đà Nẵng, mặc dù gặp biết bao gian nan vất vả: sau lũ lụt, nhà nhà đói kém... Nhưng quan trọng hơn nữa, bài thơ đã đề cập thẳng vào một vấn đề chỉ vài năm sau sẽ trở thành thời sự nóng hổi: vấn đề đánh hay hòa? Đất nước đang đứng trước nguy cơ, bên ngoài thì "rợ Tây dương", bên trong thì lũ lụt, dân đói ăn trầm trọng. Bọn Pháp thì đưa thư xin thương thuyết rồi xin "cho" buôn bán, "cho" đặt lãnh sự, "cho" truyền đạo... Vậy cho cái gì và không cho cái gì? Với linh cảm nhạy bén và chín chắn của một trí thức luôn quan tâm đến vận mệnh của đất nước, nhà thơ đã phần nào nhìn thấy trước những khó khăn chủ quan và khách quan khi phải đương đầu với một kẻ thù còn rất "lạ" đối với dân tộc.

Sau này, khi tình thế đã thay đổi, ông nói dứt khoát hơn. Đó là lúc thực dân Pháp đã lộ rõ bộ mặt giả dối, đã chiếm Gia Định và trong triều đã xuất hiện hai phái rõ rệt: chủ hòa và chủ chiến. Phái chủ hòa lại là số đông và gồm các đại thần trong Viện cơ mật. Tiếc thay và cũng là một thử thách cho Đặng Huy Trứ, trong số này lại có Trương Quốc Dụng, thầy học cũ của ông, có Trần Văn Trung bạn thân của bác ruột ông và là học trò cũ của ông nội ông. Mặc dù rất có hiếu với thầy nhưng không vì thế mà Đặng Huy Trứ tự ràng buộc mình vào tư tưởng, thái độ của thầy. Ý chí kiên định đó của ông đã được làm sáng tỏ trong bài thơ được viết vào năm 1859 khi ông mới chỉ là một "vị thần" ở phủ huyện, theo Hoàng Kế Viêm thủ pháo ở bến Triều, Thanh Hóa:

Pháo thanh lôi động phong thiên lý
Hỏa đạn yên phi thủy vạn tầm
Trực đãi thiêu tàn Tây tặc phủ
Kình đào thứ hậu tịch vô âm.
(Đặng Hoàng Trung thi sao, quyển 5, tờ 7)

(Ầm ầm pháo nổ ran muôn dặm
Mù mịt khói bay tỏa vạn trùng.
Chỉ đợi thiêu tàn gan ruột giặc,
Sóng kình từ đó bặt tăm không).

Thật là những lời thơ hào hùng của một người tin tưởng vào thắng lợi của việc mình làm. Ông không còn gọi Tây là "di" nữa mà là "tặc" và chỉ đợi "thiêu tàn" chúng, khiến cho sóng kình im bặt. Đặng Huy Trứ rất am hiểu về quân sự, khi đất nước đang đứng trước hiểm họa bị xâm lược, ông đã chú ý sưu tầm binh thư. Năm 29 tuổi (1854) ông soạn lại cuốn binh thư Vũ kinh thành Vũ kinh trích chú. Năm 1859 được người bạn đưa cho xem cuốn binh thư Ký sự tân biên do Lương Mộng Thiều viết dưới thời Tây Sơn, ông mừng và luôn đem theo bên mình. Năm 1869 đã viết lời tựa và cho in, nhờ đó cuốn sách còn được lưu truyền cho đến nay (4).

Nhưng muốn hiểu rõ hơn con người Đặng Huy Trứ, phải đi sâu tìm hiểu quan điểm, tư tưởng cũng như tình thương yêu của ông đối với dân, từ đó mới thấy được cơ sở lòng tin của ông vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Đặng Huy Trứ hiểu rất rõ rằng không thể chỉ dựa vào "ầm ầm pháo nổ" mà thắng được giặc; sâu xa hơn phải dựa vào sức mạnh của lòng dân:

Binh thị trảo nha quan thắng phụ
Dân duy huyết mạch hệ an nguy
…...

Tự cổ nhân hòa đệ nhất nghĩa
Thiên thời, địa lợi tận do chi.

(1859. Quyển 5, tờ 16)

(Binh là móng vuốt quan hệ đến việc thắng, bại.
Nhưng chỉ dân mới là huyết mạch quyết định đến sự an nguy của đất nước.
… …

Từ xưa nhân hòa là nghĩa lớn nhất
Còn thiên thời, địa lợi cũng từ đấy mà ra)

Tưởng như còn vang vọng đâu đây tư tưởng chiến lược "dựa vào sức dân" "nhân kiệt nên địa linh" của Nguyễn Trãi xưa kia. Đối với Đặng Huy Trứ, thắng hay bại trong một trận đánh, chủ yếu là nhờ ở quân đội - Nhưng an nguy của cả dân tộc thì phải trông vào dân. Huyết mạch mà cạn thì nanh vuốt cũng cùn đi mà thôi. Nhân hòa là cái đại nghĩa "đệ nhất". Có nhân hòa sẽ có tất cả, sẽ phát huy được cái ưu thế của thiên thời và địa lợi.

Nhưng muốn có nhân hòa, việc trước hết là phải đánh Tây. Đánh Tây là hợp lòng dân, là trừ được kẻ thù lớn nhất, bảo đảm được quyền lợi lớn nhất của cả dân tộc. Trong bài văn viếng Phạm Trọng Vũ, tham tri bộ lễ, Đặng Huy Trứ, lúc đó đang làm ngự sử trong triều đã đặc biệt nhấn mạnh: "ngày nay, việc lợi hại nhất của quốc gia chỉ có một việc là đối phó với bọn Tây dương". Những câu này ông viết vào lúc Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp ký hàng ước dâng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp, viết ở bên cạnh vua, khi ông vua này đã nghĩ đến chuyện nhượng bộ.

Suốt chặng đường sau của cuộc đời, Đặng Huy Trứ luôn suy ngẫm để tìm ra phương sách cứu nước, đưa dân thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Ông là một trong những người trong giai đoạn này đã hiểu được rằng: muốn thắng được kẻ thù thì phải hiểu rõ chúng. Thực dân Pháp từ phương Tây đến với "tàu đồng chạy như bay, súng bắn xuyên cả thành đá", thật khác xa với kẻ thù truyền thống trong lịch sử từ phương Bắc đến. May mắn là Phạm Phú Thứ trong Viện cơ mật cũng nghĩ như ông. Phạm Phú Thứ tâu lên vua, ông được giao nhiệm vụ sang Hương Cảng, Áo Môn để thăm dò tình hình bọn Pháp và mua khí giới đánh Pháp. Chính những ngày bôn ba hải ngoại, mặc dù có lúc ốm nặng, ông đã suy nghĩ về con đường "tự cường, tự chủ" của đất nước, mưu việc khôi phục lại những vùng đã mất vào tay kẻ thù. Những suy nghĩ này được viết ra dưới dạng hư cấu ra một nhân vật có cảm tình và am hiểu Việt Nam tên là "Dã Trì chủ nhân", đến thăm ông khi ông đang ốm nặng - cái ốm của ông mà cũng là cái "ốm" của đất nước. Đặng Huy Trứ rất biết căn bệnh đó bắt đầu từ triều đình. Bởi vậy, trước khi sang Trung Quốc, trong bài thơ họa lại bài tiễn tặng của Nguyễn Văn Siêu - tin rằng chuyến đi này ông sẽ tìm ra phương sách cứu nước - ông đã buồn bã trả lời bạn: mọi tâm huyết của ông chắc chắn sẽ không được Tự Đức đồng tình nhưng không vì vậy mà ông từ bỏ ý chí của mình:

Chí quyết thu bờ cõi
Danh nên để cõi ngoài.
… …

Những muốn tay vung cánh
Phải đâu lo sập trời!
Thương mình trung tín mỏng
Vua luống bỏ ngoài tai.

Khi về nước, Đặng Huy Trứ đã đưa bài văn mình viết - thực chất là một phương án cứu nước - cho những người cùng chí hướng xem, trong đó có những sĩ phu nổi tiếng về lòng ái quốc như người em Nguyễn Tri Phương, con trai Doãn Uẩn và ông Ích Khiêm... Khỏi bệnh ông mừng và viết: "Từ nay về sau lại được nhìn thấy trời đất... được thấy anh hùng hào kiệt có thể tiễu trừ lũ bạch quỷ, thu phục lục tỉnh, khiến cho ngựa Tây không dám chăn thả nước Nam, để hả cơn giận thần dân, trả mối thù quân phụ..." (Bài tặng lương y Ngô Văn Thiều, 1868, quyển 12, tờ 13). Ý chí ấy ông theo đuổi cho đến cuối đời.

Nhưng muốn đánh được Tây, muốn tạo được thế "nhân hòa" thì một việc cấp bách cần phải được giải quyết tốt: đó là vấn đề ăn mà dân "coi như trời", nhất là trong tình hình nhiều nơi bị mất mùa, đói kém. Nội tình có tốt đẹp, ổn thỏa mới có thể thắng được một kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần về vũ khí. Trong bài Gian thực, Đặng Huy Trứ đã chỉ ra trách nhiệm của từ vua đến quan đối với miếng ăn của dân: "Ăn ngọc", vua không được nhàn hạ. "Ăn thịt", quan phải lo cho ai? Làm sao cho "kẻ ăn rau" khỏi có cái lo về hạt gạo ăn hàng ngày? Kẻ thống trị phải lo cho dân ăn tạm đủ trước khi nói đến những chuyện xa xôi khác. Ông cũng chỉ ra nỗi nhục của những kẻ ăn bám, mà chẳng khó khăn gì lắm ta cũng hiểu đó là những bọn "ăn ngọc", "ăn thịt", đối lập với những người "lo ăn làm không ngơi" nhưng chẳng bao giờ đủ ăn.

Khi đã chính thức ra làm quan, có trách nhiệm về quyền hạn rồi, ông luôn lo cho dân mà trước tiên là miếng ăn của dân. Năm 1858, khi còn làm tri huyện, ngồi trước bát cơm, ông luôn nghĩ đến vợ chồng người dân cày chịu bao cay đắng để có được bát cơm và tự nhủ "Người quân tử không ăn không" (quyển 4, tờ 6, 24). Từ sáng sớm, ông đã lội qua những đám cỏ hoang đi thăm lúa, lắng nghe tiếng nói trên đường, trong ngõ của dân. Biết trời làm lụt, làm hạn là điều khó tránh, ông lập ngay kho nghĩa lương, tích trữ thóc để khi cần thì có sẵn mà giúp dân. Ông ra lệnh cấm giết trâu bò, thân chinh đôn đốc việc đào sông đưa nước vào ruộng. Năm 1862, triều đình ký hàng ước giặc Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Mấy tỉnh phía Nam Thừa Thiên trở thành một "tiền đồn" trọng yếu, nhưng hạn hán kéo dài, dân đói bỏ quê hương đi khắp nơi kiếm ăn (q.7, tờ 1). Sĩ phu Quảng Nam cử một đoàn về kinh xin với Phạm Phú Thứ, tham tri bộ lại, cử Đặng Huy Trứ vào lo cứu dân. Đến nơi, ông lao ngay vào việc cứu đói, cứu hạn, kêu gọi mọi người cứu giúp nhau. Ông tổ chức phát cháo cho dân: mỗi nhà giảm bớt một phần cơm thì có thể nuôi được bốn, năm đoàn dân đói (Bài Phát cháo, 1864, (q.7, tờ 12).

Hạn mùa xuân tạm yên thì mùa thu bão lớn ập đến. Nhìn cảnh tan hoang mà đau lòng, ông lại lao vào cứu dân, lại lo đến miếng ăn của dân. Một mặt tâu lên nhưng không cần chờ lệnh vua, ông mở ngay kho nhà nước ra phát chẩn (Bài Bão Lớn, q.7, tờ 20). "Phải quyền biến mà làm, miễn là có lợi cho dân, tội vạ mình ta chịu có khó gì". Ông xác định nhiệm vụ cho các quan: Dân không chăm sóc, chớ làm quan! Dân đang trong cảnh "gạo châu, củi quế", quan phải "như chó, như ngựa" đáp lại lòng mong mỏi của dân. Bọn cường hào tìm cách hại ông, vu cáo ông, rồi hối lộ ông, ông đuổi chúng ra khỏi nhà mà vẫn còn ghê tởm chỗ ngồi của chúng. Năm 1861, ông dâng lên vua năm điều thỉnh cầu, vạch ra những mánh khóe cường hào chiếm ruộng, bóc lột dân và xin thi hành chính sách ruộng đất bảo vệ quyền lợi cho dân (Bài Năm điều thỉnh cầu, 1861, q.5, tờ 4). Trong một bài sớ cầu mưa, Đặng Huy Trứ đã vạch rõ nguyên nhân mọi nỗi khốn cùng của người dân không ở đâu xa xôi mà chính là ở "kẻ chăn dân". "Hạn đã quá lâu. Tội ở kẻ chăn dân. Người chăn dân có tội thì đem chém, đem giết, chứ dân có tội gì mà bắt chịu thảm khốc này"(5).

Vì dân, vì nước, ông không nề hà việc gì, kể cả những việc mà kẻ sĩ coi thường như lập cơ quan Bình chuẩn, buôn bán nhằm tạo ra nguồn tài chính cho quốc gia, khi nguồn lợi trong Nam đã mất vào tay kẻ thù. Vì miếng ăn của dân - "đại gian thực" - ông đã làm việc đến "canh khuya mới đi nằm và dậy trước nha lại, ăn thì chỉ một món cho xong, cùng chia xẻ gian khổ với dân"(Việc công bận tự an ủi, q.7, tờ 11).

Ông là người "tiên ưu hậu lạc" mà vẫn chưa bao giờ thấy mình hơn người. Trong thơ văn của ông, có lúc ông tự coi mình là người "chăn dân", là "cha mẹ của dân". Nhưng về sau ông đã tự gọi mình là "khuyển mã" của dân:

Khuyển mã ngô sinh tứ thập niên
Đồ đa tuế nguyệt cánh đa khiên.
(1836, q.7, tờ 36).

(Khuyển mã đời ta bốn chục năm
Uổng bao năm tháng, lắm sai lầm).

Đã hết lòng vì dân, còn tự trách mình lắm sai lầm, cho là kém cỏi để uổng bao năm tháng! Con người ấy, tấm lòng ấy thật đáng quý biết bao!

***

Từ hai bài thơ làm khi mới bước chân vào con đường làm quan của Đặng Huy Trứ, chúng ta đã tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của ông để làm sáng tỏ một vài khía cạnh trong tinh thần yêu nước, thương dân của nhà thơ. Càng đi sâu vào thơ văn ông, chúng ta càng trân trọng tấm lòng hết mình vì nghĩa lớn, càng quý trọng nhân cách, ý chí kiên định của nhà thơ trước cơn phong ba của dân tộc đã tìm về với nhân dân, cống hiến đời mình cho nhân dân. Xin mượn lời Đoàn Hữu Trưng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa "Chày vôi" (1866), chống lại chính sách đầu hàng của Tự Đức, để kết thúc bài viết này. Trước khi lên đoạn đầu đài, Đoàn Hữu Trưng đã viết Trung nghĩa ca. Ông đã nghĩ đến những người yêu nước, thương dân mà ông sắp phải từ biệt: Nguyễn Tri Phương, Thân Văn Nhiếp... Và ông đã nghĩ đến Đặng Huy Trứ:

Khu gian (6) Đặng Trứ làm đầu,
Chiếc thuyền thương mãi qua Tàu sang Tây.

Hà Nội tháng 8-1986
P.T.K - V.T
(SH22/12-86)



------------------
1. Xem lược truyện tác gia văn học Việt Nam của Trần Văn Giáp, Nxb. Khoa học Xã hội, tập 1, tr. 401, Hà Nội 1971.
2. Những tài liệu dùng trong bài viết này là do nhóm Trà Lĩnh cung cấp.
3. Quyển III, tờ 13, Thư viện Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu VHV 833.
4. Xem báo Nhân dân ngày 21-7-1985
5. Đặng Hoàng Trung Văn Sao, Q.1, tờ 17, 29, Thư viện Hán Nôm VHV 834.
6. Khu gian: đuổi giặc.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng