ĐẶNG TIẾN
Kỷ niệm 3 năm ngày mất nhà thơ Tế Hanh (16.7.2009 - 16.7.2012)
Mùa Hạ.
Tế Hanh.
Anh đến nhân gian một ngày hạ chí, 15-5 nămTân Dậu, suy ra ngày dương 20-6-1921, cũng vào ngày hạ chí, rồi ra đi một buổi trưa hè, 16-7-2009.
Tế Hanh sáng tác tập thơ Nghẹn ngào chủ yếu vào kỳ nghỉ hè, 1939 và được giải khuyến khích Tự lực văn đoàn năm đó. Đến ngày anh mất là 70 năm. Những con số như là mệnh số. Đôi lời thơ giản lược đời anh:
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp lánh
Tháng 6-1956, Tuyển Tập, tr.90
Hay là:
Trái tim mùa hạ say sưa nở
Mắt nắng long lanh khắp ngã đường
(…) Hồn trưa rạo rực mong ai đó
Suối đỏ lan tràn đến tận đâu?
Hè 1969, Tuyển Tập, tr. 214
Tế Hanh bắt đầu nổi tiếng với một tác phẩm chưa hề được xuất bản là Nghẹn ngào, sau này sẽ được tăng cường, đổi tên là Hoa niên, nhà Đời Nay xuất bản giữa năm 1945, ít người đọc vì thời cuộc lúc đó[1].
Nhiều người biết thơ Tế Hanh là qua Thi nhân Việt nam, 1942, do Hoài Thanh và Hoài Chân trích dẫn, là những bài Quê hương, 1939, Lời con đường quê, 1937, Vu vơ, sau đổi tên là Những ngày nghỉ học, 1938, và Ước ao. Riêng bài Quê Hương đươc phổ biến rộng rãi nhờ dược in trong các sách giáo khoa bậc tiểu học, theo chương trình Trần trọng Kim từ thời kháng chiến chống Pháp và nhiều khi được đổi tên, như Làng đánh cá, ngày nay nhiều người cao tuổi còn nhớ. Tại miền Bắc và cả nước sau này, bài Nhớ con sông quê hương, 1956, hay Vườn xưa, 1957, được giảng dạy ở các lớp phổ thông nên nhiều người biết. Tế Hanh là một tác gia có quần chúng.
Ngoài ra, về mặt văn học một số người biết hai bài Quê hương và Những ngày nghỉ học qua lời giới thiệu trên báo Ngày Nay, Hà Nội, cuối năm 1939 khi nhóm Tự lực Văn đoàn trao giải thưởng cho Tế Hanh. Bài viết có hiệu lực vì ký tên Nhất Linh:
«Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sỹ có tài, ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc. Và để diễn tả tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ. Ông chỉ còn chờ thời gian để gặp nhiều cảnh và viết thêm được nhiều bài thơ hay [2]».
Nhất Linh trong lời giới thiệu nhanh và khái quát đã có nhận định tinh tế - cũng như Hoài Thanh sau đó: tâm hồn phong phú, rung động sâu sắc cần «thời gian để gặp nhiều cảnh», «cảnh» đây là phong cảnh hay hoàn cảnh. Tế Hanh không làm thơ bằng trí tưởng (imaginaire) như nhiều nhà thơ khác. Đây là sở trường cũng là sở đoản của anh.
Trải dài non 70 năm, sáng tác Tế Hanh có thể thu lại trong hai chữ «tình cảnh». Cảnh do tình cảm tạo ra như trong Nhớ con sông quê hương ; tình do cảnh ngộ tạo ra, như cuộc chia ly Nam Bắc; cũng có bài thơ hay lọt ra ngoài quỹ đạo đó, nhưng không nhiều.
Khởi thủy thơ Tế Hanh là thơ học trò, rung cảm cũng tàn theo những mùa hoa phượng. Hoa niên gồm 40 bài; đưa vào Tuyển Tập 1987 còn lại 10 bài, bỏ rớt ¾, tỷ lệ ngược lại so với Xuân Diệu, tập Thơ Thơ, 1938, đưa vào Tuyển Tập 1986 được ¾. Lửa Thiêng của Huy Cận cũng đại khái như vậy. Cả ba vị đều là quan chức quyền thế, chắc là không ai o ép. Nhưng gạt bỏ đến ¾ tập thơ đầu tay chắc cũng có phần đau xót.
Ví dụ bài Quyển vở nháp dù không hay vẫn tiêu biểu cho đặc điểm của Tế Hanh, và một lối thơ thời đại:
Những vở soạn bài hay toán, luận
Địa dư, cách trí… dáng lo âu
Chỉnh tề, đầy đủ như ông giáo,
Vở nháp lôi thôi giống học trò.
Hoa niên, 1945, tr26
Bài này còn có tác dụng sư phạm, dạy các em tập làm văn. Bài Những đêm tối được Hoài Thanh trích đoạn:
Kìa lên em! Rực rỡ bốn phương trời,
Đôi mắt to ném lửa sáng muôn nơi…
Hoa niên, tr 44
Là một bài thơ hay, dù không đúng giọng, như Hoài Thanh đã nhận xét chính xác: «lời thơ còn có gì lệch so với hồn thơ» (1941). Bài này cũng bị loại. Cái Tế Hanh bị bỏ sót, cái không Tế Hanh cũng bị bỏ sót, khiến ta nhớ lời Xuân Diệu ví von: giết bao nhiêu con vịt mới làm được bát tiết canh. Và trên non 20 thi phẩm Tế Hanh xuất bản sau này, không rõ có bao nhiêu bài bị loại; những bài được tuyển không phải bài nào cũng hay. Nhiều bài, nhiều câu tuyên truyền lộ liễu ngày nay khó đọc lại (nhưng đọc những bản dịch qua tiếng Pháp, như của Boudarel thì lại xuôi tai. Cũng là một chuyện đáng suy nghĩ).
Nói chung, nhờ kinh nghiệm sống, học tập và sáng tác, thơ Tế Hanh về sau có phần điêu luyện hơn, dù trên cơ bản anh vẫn trung thành với một phong cách, lâu dần biến thành một quan niệm lý thuyết.
Tôi muốn viết những bài thơ dễ hiểu
Như những lời mộc mạc trong ca dao.
1957, Tuyển Tập, tr 100
Lấy ví dụ cụ thể: bài Biển làm 1974, mang hơi hướm lối thơ lãng mạn thuở Hoa niên, nhưng lời thơ trau chuốt, giàu hình tượng và âm điệu hơn:
Em chạy ùa ra phía biếc xanh
Tóc em trong gió thổi bồng bềnh
Em cười đôi mắt long lanh nắng
Muốn ôm tất cả khoảng mông mênh;
Con sóng từ xa khơi tiến đến
Lượn dài uyển chuyển cánh tay giăng
Uốn mình như múa theo chân gió
Hơi thở phồng trên mặt phẳng bằng
Và khi làn xanh vươn cao lên
Bọt trắng tung trào tỏa bốn bên
Ấy lúc gởi vào trong tiếng sóng
Lời chào của biển đến bên em.
Tuyển tập, tr.290
Lời thơ tình tứ, kín đáo, lành mạnh, có thể giảng dạy cho các em nhỏ “tập làm văn”.
Trong nghệ thuật, khó dùng khái niệm tiến bộ, nhưng rõ là bài Biển có phần điêu luyện hơn thơ thất ngôn trong Hoa niên cùng một đề tài trữ tình. Đây là nghề dạy nghề, Tế Hanh thường xuyên thực tập và học hỏi chớ không phải “nhờ có cách mạng, nhờ có nhân dân Tế Hanh đã đem một chất mới cho bản thân mình, riêng cho mình, rất Tế Hanh” như Chế Lan Viên đã viết trong câu kết bài bạt cho Tuyển Tập. Viết như vậy, là nói lấy được, không những là nói sai, mà còn nói ngược.
Chế Lan Viên thường nhắc câu này của Tế Hanh, không ghi xuất xứ:
Sang bờ tư tưởng ta lìa ta,
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà.
Câu thơ diễn tả tâm trạng người nghệ sĩ thời Pháp thuộc bước sang đời Cách mạng sau 1945, phải “lột xác” để sáng tác, lìa bỏ con người trí thức tiểu tư sản, mong hòa mình với hiện thực và quần chúng. Câu thơ có hai mặt: tự nó, nó có giá trị thi pháp, tân kỳ, hàm súc và gợi cảm. Là câu thơ hay. Nhưng trong ý đồ của tác giả, và người trích dẫn, thì là một câu thơ hỏng, vì nó chứng minh ngược lại dụng tâm khởi thủy. Rõ ràng là câu thơ trí thức tiểu tư sản suy thoái. Gậy ông đập lưng ông. Đây là một vấn đề văn học lý thú.
Tế Hanh thường kể lại, thời chống Pháp là thời kỳ sáng tác khó khăn nhất, vì “có những quan niệm chưa được giải quyết rõ ràng trong sáng tạo [3].” Anh chỉ có được bài Người đàn bà Ninh Thuận, 1952 kể chuyện chiến tranh, không lấy gì làm độc đáo. Nghiệm cũng lạ lùng: thơ Tế Hanh thường xuất phát từ một sự việc cụ thể: chiếc rổ may, cuốn vở nháp, con đường quê, vậy thì gặp ngọn gió chủ nghĩa hiện thực, thơ anh phải phất như diều chứ? Nhất là Tế Hanh hăng hái tham gia cướp chính quyền từ 1945, được kết nạp vào Đảng rất sớm, tháng 11-1947, hai năm trước Xuân Diệu. Thế mới hay trong lãnh vực nghệ thuật ý chí chính trị và năng lực sáng tạo không nhất thiết phải sinh đôi. Như vậy thì cái gì lãnh đạo cái gì?
Thơ Tế Hanh bắt nguồn từ hiện thực cụ thể, lấy một ví dụ: dòng sông
Tràng Giang của Huy Cận chắc cũng bắt nguồn từ một con sông nào đó vùng Nghệ Tĩnh, “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” nhưng vươn đến một con sông vô danh, một hình tượng văn học. Ai hỏi, Huy Cận cũng nói thế. Ở Tế Hanh cụ thể là con sông Trà Bồng, tên nôm là Châu Ổ, chảy qua huyện Bình Sơn, cách cửa biển Sa Cần “nửa ngày sông”, đúng như tác giả ghi nhận trong bài “Quê hương”, 1939. Khi tập kết ra Bắc, anh Nhớ con sông quê hương, 1956, cũng là dòng sông ấy. Đến ngày đất nước thống nhất, vào mùa hè 1975, Tế Hanh Trở lại con sông quê hương, đã mô tả:
Hình dáng con sông thì chẳng khác,
Cho dù đời sống dân cư đã đổi thay:
Thuyền máy dọc ngang tỏa trắng lòng sông,
Nhà dân chài giăng những lưới ni lông
Màu xanh đỏ ngời ngời ánh nước.
Tuyển Tập, tr 273.
Con tuấn mã, xa xưa nay biến thành thuyền máy.Mảnh hồn làng nay giăng mắc trên lưới ni lông màu xanh đỏ.
Chữ “ga” gốc tiếng Pháp đã du nhập vào Việt nam từ lâu, như trong thơ Tản Đà. Nhưng có lẽ đến bài Những ngày nghỉ học, 1938, sân ga mới thành một hình tượng văn học có chức năng truyền cảm, thay cho những bến đò, những quán trọ ngày xưa. Từ ngữ ngoại lai: lưới ni lông cũng trở thành một hình tượng văn học, chưa chắc gì đã kém nghệ thuật hơn một từ vựng cổ kính đã trở thành khuôn sáo:
Trước sân những tấm lưới giăng
Long lanh muối đọng kết bằng hạt trai
1974, Tuyển Tập, tr.289
Ba năm sau, 1978, Tế Hanh lại về quê. Cảnh vật lại đổi thay thêm. Người dân đắp đập trên sông để ngăn nước mặn dâng theo thủy triều, làm chua đất, “thoát khỏi từ đây cảnh ruộng phèn”:
Nghề nông vui, nghề biển thêm vui,
Thuyền máy đi nhanh nhiều cá tươi
Chiều về con đập đông như chợ
Bờ dưới bờ trên sóng rạng ngời
1978, Tuyển Tập, tr. 308
So với bài Quê hương, 1939, thì vẫn ngần ấy yếu tố,nhưng cảnh quan đổi thay, tâm tình cũng đổi mới. Nhưng cấu trúc thi pháp nơi Tế Hanh vẫn nhất thiết như trước. Bài Thơ mới về con sông xưa này gồm 10 khổ, làm theo lối tự sự, đơn tuyến (linéaire) không khác bài thơ đầu tay Lời con đường quê bốn mươi năm trước bao nhiêu, về mặt cấu trúc. Chúng ta khó đưa ra một nhận xét như thế về thơ Huy Cận hay Xuân Diệu - và ở đây chỉ so sánh những tác giả có thể so sánh.
Chúng ta thừa dịp đi vào một phạm trù đại cương và sâu sắc hơn: cấu tứ trong thi pháp một nhà thơ mà Tế Hanh trở thành ví dụ.
Suốt đời thơ Tế Hanh nhẩn nha kể chuyện: chuyện đời mình, chuyện gia đình, giòng sông, cây mù u. Chắc anh cũng chẳng cố tình đâu, mà ý thơ cứ đến, cứ đến như thế. Dòng thời gian đơn tuyến cấu trúc tư duy Tế Hanh, ít nhất là tư duy sáng tạo. Ví dụ trật tự thời gian trong Quê Hương. Bắt đầu tác giả đo không gian bằng thời gian, cách biển nửa ngày sông, rồi tuần tự theo thời khắc: sáng mai hồng... ngày hôm sau..., con thuyền im bến..., nay xa cách. Rồi đến những động từ chuyển động: bơi thuyền đi…, đón ghe về…, nằm..., tưởng nhớ.... Trong khi đó dòng Tràng Giang của Huy Cận xuôi chảy bên ngoài thời gian:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Thời gian, dòng sông, của Huy Cận, mơ sợi khói hoàng hôn, có thể là của Ulysse trong truyện Homère hay của Thôi Hạo chảy qua lầu Hoàng Hạc.Thời gian trong Tế Hanh là thời gian cụ thể, có ngày có tháng, sống lại trong thơ. Cấu trúc thi pháp thơ Tế Hanh theo tuyến tính, là cấu trúc truyện kể (structure narrative) bài Nhớ con sông quê hương cũng vậy
“Quê hương tôi có…, tâm hồn tôi là..., bạn bè tôi..., chúng tôi lớn lên..., tôi hôm nay..., tôi sẽ về...”. Lời con đường quê bài thơ đầu tay làm 1937 cấu trúc chìm cũng đại khái như thế.
Muốn kể chuyện, một là phải có chuyện, hai là cần có người nghe. Lịch sử đã cung cấp cho Tế Hanh cả hai điều kiện ấy. Trong một thời gian dài, miền Bắc đã có một quần chúng đông đảo nghe thơ, không phải vì phẩm chất của thi ca mà vì những chuyện kể có vần vè như một hiện thực được diễn ca. Mẹ Suốt, theo chân Bác của Tố Hữu và rất nhiều bài thơ khác thuộc dạng đó, thậm chí còn phục sinh thể loại Trường ca. Còn về đề tài, với Tế Hanh là chuyện đất nước chia ly sau hiệp định Genève 1954, hứa hẹn hai năm sum họp, trở thành hai mươi năm khói lửa. Anh làm rất nhiều thơ về niềm nhớ thương Nam Bắc trong thời gian nhức nhối. Và chúng ta tự hỏi Tế Hanh phục vụ thời đại hay ngược lại, thời đại phục vụ cho Tế Hanh, cung cấp một cấu tứ cơ bản trong ý thức và tiềm thức, là thời gian. Và một quần chúng quảng đại, quảng đại trong hai nghĩa. Nói như vậy, không phải là phủ nhận tài hoa của Tế Hanh mà Nhất Linh đã hé thấy từ 1939. Nhưng để nói rằng: một số bài thơ thành công và được truyền tụng của anh là do tài hoa, tinh tế của trí tuệ, mà cũng có phần nhờ ngoại cảnh. Ngoại cảnh ở hai diện, phần tình cờ, vô thức là tuyến tính trong sáng tạo, và phần ý chí, là lịch sử, là sự kiện và quần chúng. Trường hợp Tế Hanh chưa chắc đã cá biệt ; giả thuyết cho rộng thoáng:giá các vị ấy sinh muộn mười năm, thì có thể vẫn có một Tố Hữu, mà chưa chắc đã có Xuân Diệu.
Hoàn cảnh khách quan thuận lợi cho Tế Hanh, lại là trở ngại về thi pháp: tuyến tính không phải là ưu thế của thi ca đối chiếu với văn xuôi. Một mặt, văn xuôi đơn tuyến, đi thẳng một mạch ; thơ chần chờ, vòng vo, đi tới đi lui. Nói theo Valéry: văn xuôi, so với thơ, như là đi bộ so với khiêu vũ. Mặt khác thơ không gắn bó với hiện thực, sự kiện mà có khi cần bắt nguồn từ hư tưởng, thậm chí hoang tưởng. Thích thơ Tế Hanh người đọc không bị mê hoặc, vì thơ Tế Hanh thiếu chất hoang đường để làm nên một tinh hệ riêng trên trời thơ Việt Nam.
Tế Hanh là nhà thơ bình dị, đến với văn học với những bài thơ học trò chơn chất. Trong phong trào Thơ Mới vào giai đoạn đã hoàn chỉnh và tân kỳ, thơ Tế Hanh vẫn hồn hậu. Tiếp cận với thơ Âu Tây rất sớm, Tế Hanh không chịu ảnh hưởng bao nhiêu, vì không cảm thụ được những hình ảnh xa lạ hay những rung cảm mới mẻ. Một cách tự nhiên thôi, tâm hồn non trẻ của anh chỉ rung động trước những hình ảnh thân quen: dòng sông quê, con đường đất; hiện đại lắm là sân ga với những toa đầy nặng khổ đau.
Sau này, sau 1955, kinh nghiệm sống phong phú hơn, kiến thức thơ thế giới dồi dào hơn, thơ Tế Hanh vẫn bình dị, và anh thành công nhất ở những suy cảm bình dị, như những bài thơ nửa tâm cảm, nửa chính luận, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà
Nhưng thơ anh nhiều câu thật thà quá, nhiều bài nôm na, thô thiển khi cao giọng tuyên truyền hay khi tách rời ra khỏi những môi trường thân thuộc, ví dụ như bài Lê Nin và bản nhạc Bét tô ven, khởi thảo tại Liên Xô, 1967 (Tuyển Tập, tr 220).
Trong những người có địa vị trong phong trào Thơ Mới 1932-1945, Tế Hanh là người cuối cùng vĩnh biệt chúng ta. Về những tác gia Thơ Mới tôi đã có nhiều bài, riêng về Tế Hanh, tôi chưa từng viết được điều gì, trong khi với tôi, anh là người thân thiết nhất. Vì viết về anh rất khó, không thể nói riêng về một khía cạnh nào đó của thơ anh mà không đặt chung vào toàn cảnh của thơ Tế Hanh. Nói riêng về một đề tài, một bài thơ nào đó của Tế Hanh là lạc hướng và làm người đọc lạc hướng.
Trong bài này, tôi chủ quan cho rằng đã đề xuất vài điều chính yếu và tâm huyết, về hồn thơ và thi pháp một bậc đàn anh thân thiết..
Nhớ Tế Hanh.
Như một ngày hè xưa nhớ thương những mùa Hạ cũ.
Đ.T
Orléans 15.8.2009
[1] Hoa Niên đã được in lại, cùng với nhiều thi phẩm khác trong phong trào Thơ Mới, thành một bộ. Nxb Hội Nhà văn, 1992, TPHCM. Và trong sách Thơ Mới, tác giả và tác phẩm, nxb Hội Nhà văn, 1998, Hà Nội.
Thơ trong bài này trích từ Tuyển Tập Tế Hanh, nxb Văn Học, 1987, Nà Nội.
[2] Nhất Linh, do Vương Trí Nhàn trích dẫn trong Nghiệp Văn, tr 234, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2001, Hà Nội.
Theo bài Tế Hanh lời con đường quê trong Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn, trên blog VTN, chính Tế Hanh cung cấp bài này cho VTN.
[3] Tế Hanh, Nhà Văn Việt Nam, chân dung tự họa. Lại Nguyên Ân và Ngô Thảo biên soạn, tr.99, nxb Văn Học, 1995, Hà Nội.