LÊ HUỲNH LÂM
Những buổi chiều tôi thường nhìn lá trước sân nhà cuốn bay theo gió. Chợt nghĩ, cái lẽ tự nhiên đó đã đẩy đưa một con người vào khúc quành của cuộc sống. Bởi tâm hồn ông quá nhạy cảm trước mọi sự, và ông có một lối diễn đạt chân thật, bình dị, gần gũi mà rất chua chát.
Cuộc đời nó vốn như vậy, trong con người ông, nhân vật thi sĩ như đang ngắm nhìn tất cả diễn biến trôi ngang qua phận đời. Cái thể cách phân thân để ngắm nhìn một cách khách quan như vậy không có được ở nhiều người. Cũng như người canh giữ ngôi đền, ông ta quan sát mọi người đi qua cánh cổng bằng ánh mắt người gác đền. Ở đây, từ ngôi đền ấy, con người thi ca mang tên Trần Vàng Sao đã lưu giữ được rất nhiều dữ kiện, nỗi dày vò, những mảng màu phức hợp của máu và đất, những hình ảnh thương đau,... và cả một thói đời cay nghiệt!
Để sau cùng là con người cụ thể Nguyễn Đính ngồi chép lại những gì mà nhân vật thi sĩ đã chứng nghiệm, cái cách chép lại đó như một cuốn nhật ký buồn, tôi gọi đó là người viết nhật ký bằng thơ.
Nhật ký như mọi người đều hiểu là ghi lại sự thật những sự kiện mình đã thâu nhận được trong từng ngày. Bằng thể cách đó, sự thật đã làm nên một thi sĩ khi hình ảnh một người miệt mài, cặm cụi ghi chép những biến cố bên ngoài, hoặc tận sâu trong tâm khảm của nhân vật thi sĩ dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Ngay trong tình yêu, có thể là cơn ái tình đầu đời đã khiến trái tim Trần Vàng Sao rung động, cách diễn đạt tình yêu trong thơ ông cũng rất chất phác:
tôi hôn em
như em hôn tôi
lúc đó nhìn chiếc lá rụng ngoài sân
tôi nói những cuộc tình duyên cay đắng
muộn màng
...
thuở ấy mưa gió xa xôi
tôi làm người tình ngu ngơ đã đành
nên yêu em dại dột
em đi rồi tôi còn đứng mỏi chân
(Thuở ấy mưa gió xa xôi)
Có thể, ông đã không viết, nhưng nhân vật thi sĩ đã ghi nhớ, đã âm thầm viết trong tâm tưởng của ông từng biến cố, từng sự kiện, để những buổi chiều nhìn lá rơi trước sân nhà, ông chỉ việc chép lại, chép mỏi tay thì ngó mây bay trên trời, bóng tối đổ xuống như bình mực đổ tràn trên trang vở, giữa màu đen chỉ còn nhịp thở của người ngồi nghe tiếng chó sủa.
Mây và gió, như một biểu đạt cho sự chuyển động, không bị giới hạn trong bất kỳ không gian nào, cũng như tâm thức của một thi sĩ luôn hướng đến tự do. Vì chỉ có tâm thái tự do mới có thể cho ra đời những tác phẩm vượt qua rào cản của sự sợ hãi. Xét cho cùng, chúng ta đang sợ điều gì? Sợ hãi như một bản năng được huân tập của lý tính. Hầu hết, con người đều sợ những gì mình chưa thấy, chưa trải nghiệm. Như sợ chết, sợ ma, sợ mất danh dự, sợ không vừa lòng người khác,... và... con người cũng sợ những gì mình đã thấy, đã nghe và trải nghiệm.
Trần Vàng Sao vốn dĩ là một thi sĩ đứng bên ngoài mọi chủ nghĩa, mọi hệ lụy, đứng một cách trang trọng, uy nghi giữa thế giới thi ca. Không một ràng buộc nào, không một thế lực nào có thể lợi dụng, mua chuộc được tâm thế của thi sĩ thực thụ như vậy. Nhân vật thi sĩ nhảy múa, ca hát trên những con đường mà ông đã băng qua, không để lại bất kỳ một dấu vết. Nhưng con người Nguyễn Đính luôn tự truy hỏi về sự xuất hiện của chính nó trước cuộc đời. Vì thế, Nguyễn Đính đã không thể nhập vai vào Trần Vàng Sao, ông bỏ thành phố lên núi rừng để làm cách mạng, nhưng định mệnh xô đẩy ông rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, để nhân vật Trần Vàng Sao có cơ may chiêm ngắm những gì mà Nguyễn Đính đã nếm trải. Cũng chính cái chất thi sĩ Trần Vàng Sao lớn quá nên đã dẫn dắt cái thân xác Nguyễn Đính đi theo quỷ đạo mà Trần Vàng Sao đã linh cảm. Nếu tình cảnh của Nguyễn Đính rơi vào một người khác, thì khó lòng để vượt qua được, dù Nguyễn Đính nhiều lúc đã trở thành kẻ mất trí, tên điên...
Nhưng Trần Vàng Sao trong con người Nguyễn Đính luôn tỉnh táo, luôn ghi nhận lại những gì đã và đang xảy ra.
Đặc biệt với cái chết như một nỗi ám ảnh thường trực với cả Nguyễn Đính và Trần Vàng Sao. Vì ông đã chứng kiến cái chết của đồng đội, đồng chí,... và cả trẻ em, đàn bà, những người dân vô tội. Những cái chết khiến ông day dứt.
Trong kinh Phật có câu: “Một niệm khởi thập ác sinh”. Vậy đó, chỉ một niệm rất vi tế vừa móng khởi trong sâu thẳm mỗi chúng ta, có khi chúng ta chưa kiểm soát, chưa định hình, nhưng nó đã âm thầm biến chuyển để hình thành lời nói, câu chữ, hành động.
Có những lúc thất vọng, buồn chán Nguyễn Đính đã hỏi: “Bây giờ mi chết thật rồi sao” như một câu ta thán được lập lại rất nhiều lần trong bài “Đồng chí”, đó chính là những lúc Trần Vàng Sao đã ly khai con người Nguyễn Đính.
Những ngày đó lạt muối ở Chà Tang hay Con En
mười mấy đứa ăn một lon gạo nấu với môn vót và đọt mây
mi ở miền Tây về với nửa cùi sắn khô
nửa đêm thức nhau dậy mỗi đứa bốc một nắm
nằm nhai nghe bom nổ nói chuyện đời
có đứa con gái bán hành ngò sáng nào gặp mi đi học cũng cười rất vui
bây giờ mi chết thật rồi sao
(Đồng chí)
Thơ Trần Vàng Sao như một đại tự sự, tâm thức của cả một thời đại đã được ông mô tả xác thực qua những bài thơ. Đó là sự sợ hãi, mất phương hướng, nỗi cơ cực nghèo khó của hầu hết mọi người trong thời tao loạn. Ông dùng kỹ thuật liệt kê để tố cáo sự tàn khốc của chiến tranh, những từ nguyên trong thơ ông được sử dụng độc lập như những điểm giàu (rick point) trong hội họa để hướng người đọc xoáy vào trọng tâm bài thơ. Cái tôi trong thơ Trần Vàng Sao gần gũi với người dân nghèo mộc mạc, những mảnh tiểu tự sự rời rạc đã được kết nối rất tinh tế để vẽ nên một bức tranh của thời cuộc lúc bấy giờ. Nhưng điểm chính yếu của thơ Trần Vàng Sao là một bản bi ca với những âm thanh não nùng, âm hưởng của ca dao đã xâm chiếm xuyên suốt trong toàn bộ thơ ông, cùng với những hình ảnh đau buồn, bi đát của một đất nước đang bị chia cách bởi ý thức hệ. Điều mà mỗi trí thức dấn thân luôn trăn trở trước vận mệnh dân tộc.
Chân dung Trần Vàng Sao - Ký họa của Đặng Mậu Triết |
Thật ra, toàn bộ thơ Trần Vàng Sao là một tập nhật ký của những trái buồn. Cho dù ông có in thêm hàng chục tập nữa cũng là tập hợp những trang nhật ký bị bỏ quên. Nhưng cái cách viết nhật ký của ông như một cuộc hội thoại giữa hai nhân vật, có những câu, những đoạn trang trọng, khí khái bất chợt xuất hiện những hình ảnh bình dị, chân chất.
tôi yêu đất nước này cay đắng
những đêm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp
giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau, hột muối
Và tâm trạng của ông cũng chính là tâm trạng của cả một dân tộc từng bị tước đoạt tự do, độc lập:
Tôi đi hết một ngày
gặp toàn người lạ
chưa ai biết chưa ai quen
không biết tuổi không biết tên
cùng sống chung trên trái đất
cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
cùng có chung tên gọi Việt Nam
mang vết thương chảy máu ngoài tim
cùng nhức nhối với người chết oan ức
đấm ngực giận hờn tức tối
cùng anh em cất cao tiếng nói
bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
bữa ăn nào cũng phải được no
mùa lạnh phải có áo ấm
được ca hát, nói cười, yêu đương không ai cấm
được thờ cúng những người mình tôn kính
(Bài thơ của một người yêu đất nước mình)
Tôi có thể tưởng tượng ra chân dung của một Trần Vàng Sao - Nguyễn Đính; đó là gương mặt của hai tầng văn hóa đan xen vào nhau, như trên cái bàn bày biện toàn rượu tây bên cạnh chén nước mắm ruốc. Hay trong tủ sách của ông la liệt sách tây lại có thêm tục ngữ ca dao Việt Nam,... hay ông thường kể chuyện cinema xen lẫn những vở hát bội, hát tuồng.
Vậy là, sau khi các nhà xuất bản in tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” vào năm 1993, hai tập thơ Trần Vàng Sao vào năm 2009 và 2010, bây giờ tập thơ thứ tư của ông xuất hiện một cách công khai giữa thanh thiên bạch nhật, có nhan đề “Gọi tìm xác đồng đội ”, tranh bìa của danh họa Picasso, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7/2012, Lê Trung Dân chịu trách nhiệm bản thảo, tập thơ chỉ độc nhất một bài và in cả chữ viết của Nguyễn Đính. Nội dung chủ yếu của tập thơ này là danh sách của những người chết chưa tìm được xác, và những ám ảnh của chiến tranh như một di chứng trong tâm thức của tác giả.
Chiến tranh đã qua
Thằng hề rửa sạch mặt
Đi bán kẹo kéo nuôi con
…
Chiến tranh đã qua
Người lính bỏ ngũ
Lên núi đào sắt gỉ
Lựu đạn nổ
Cụt một cánh tay
Chiến tranh đã qua
Tôi ngồi một chỗ
Đêm giật mình nghe bom nổ trong đầu
Thấy thằng bạn chết xác phơi ba ngày giữa nắng
(Gọi tìm xác đồng đội)
Không hiểu sao khi tôi lật đến trang 24 thấy dòng cuối cùng ghi Vỹ Dạ, ngày 24 tháng 8 năm 1996, rồi đọc đến trang 28, trang cuối thì dòng cuối cùng ghi Vỹ Dạ, ngày 26 tháng 4 năm 1996. Đúng là Nguyễn Đính khi ghi lại nhật ký Trần Vàng Sao thì đang ở trạng thái “phê”: “thấy một đồng thành ba bốn đồng”.
Khi Nguyễn Đính cầm tập thơ trên tay, gương mặt ông thoáng nét cười lặng lẽ, nhiều vết nhăn trên gương mặt càng nhăn sâu hơn và sau mươi phút trò chuyện. Thi sĩ Trần Vàng Sao lại tâm sự: “Mình nói thật, mình muốn sống yên, mệt quá rồi, ai làm chi thì làm, thơ mình làm nhiều, nhiều lắm, mình tiếc nhiều bài thơ đã bị thất lạc khi ở miền Bắc, có bài dài lắm, như bài Bản thánh ca của một người dựa cột đình liếm lá bánh. Mình muốn có cách chi tìm lại số thơ đó”. Hỡi ôi, đã quá tuổi thất thập cổ lai hy rồi, vậy mà con người thi sĩ Trần Vàng Sao vẫn không hòa hợp với con người chép nhật ký cho thơ Trần Vàng Sao có tên Nguyễn Đính. Một đời thơ là vậy!
L.H.L
(SĐB9-12)