NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Nhân đọc “Phạm Quỳnh, một góc nhìn” Tập 2. NXB Công an nhân dân, 2012)
Quý 3 năm 2011, khi đọc “Phạm Quỳnh, một góc nhìn” (PQMGN) tập 1, với trên 30 bài viết của nhiều tác giả có uy tín, tôi tưởng là đã đến lúc nói “lời cuối” về cụ Phạm Quỳnh (PQ), thể hiện sự công bằng của lịch sử như ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau sự cố bi thảm năm 1945 đối với gia đình PQ: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này…”. Thế nhưng hôm nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan lại cho công bố “PQMGN” tập 2, còn dày dặn hơn tập 1. Vì sao lại phải có sự “bổ sung” đó? Có phải vì sau khi PQMGN tập 1 ra mắt, tuy được bạn đọc quan tâm và tuy đã có khá đầy đủ những căn cứ tin cậy để “đánh giá lại” PQ, nhưng 1 năm qua, vẫn chưa có tổ chức nào có trách nhiệm tuyên bố chính thức sự “đánh giá lại” đó, nên tác giả “bổ sung” thêm tập 2 để thúc đẩy tiến trình giải quyết một “món nợ” của lịch sử đối với gia đình Cụ Phạm?
Riêng tôi, có cảm giác tác giả cho PQMGN tập 2 ra đời, nhằm mở rộng, nâng tầm vấn đề lên, chứ không chỉ để “minh oan” hay “đánh giá lại” nhân vật PQ mà tập 1 đã gần như hoàn tất được sứ mệnh đó.
Qua nội dung hơn hai chục bài viết trong MGNPQ tập 2, chúng ta thấy cuốn sách không chỉ cung cấp thêm cho bạn đọc nhiều tư liệu liên quan đến nhân vật lịch sử PQ mà điều có ý nghĩa hơn là từ trường hợp PQ, chúng ta có được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về một lớp người có vai trò không nhỏ trong việc tiếp nhận một nền văn hóa khác, trong sự giao lưu Đông - Tây nhằm canh tân đất nước ở một giai đoạn lịch sử cụ thể khá phức tạp của dân tộc - giai đoạn mà xã hội buộc phải thay đổi, nhưng con đường phía trước còn mù mờ, lại có nhiều ngả rẽ với những chủ thuyết đều muốn lôi kéo thêm tông đồ, khi cả nhân loại chưa đủ kinh nghiệm xương máu để nhận chân giá trị của chúng, chứ nói gì đến một vài nhân vật chỉ mới vượt thoát khỏi sự tù hãm của chế độ thuộc địa lạc hậu, hé cửa nhìn ra thế giới mênh mông đầy sóng gió bên ngoài. Nói như vậy để thấy, trong giai đoạn đó, lớp người như PQ, nếu như có nhận thức hoặc cách thức hoạt động kém hiệu quả - thậm chí là lệch lạc - cũng nên được nhìn nhận một cách độ lượng; còn nếu có, dù chỉ là một đóng góp nhỏ cho sự tiến bộ của đất nước, đã rất đáng được quý trọng.
Các bài viết khá công phu của các tác giả Dương Trung Quốc (Nam - Bắc & Đông - Tây), Vương Trí Nhàn (Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận văn hóa Phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ 20), Vĩnh Hoàn (Phẩm chất Phạm Quỳnh), Nguyễn Văn Khoan (Lời tạ từ - Thư gửi Phạm Tôn)… đã “khảo sát” cuộc đời và những hoạt động của PQ trong bối cảnh đó, với cách nhìn đó, nên đã đánh giá PQ một cách công bằng, giúp bạn đọc thấy rõ tấm lòng yêu nước và những đóng góp không nhỏ của Cụ đối với nền văn hoá dân tộc, đồng thời thông cảm với những “vai trò” mà Cụ Phạm phải đóng thời đó. Quả là phải có cái nhìn “lịch sử” mới thấy được dưới một chế độ “đô hộ nhập nhằng” (chữ của nhà khoa học Pháp P.Brocheux do Nguyễn Văn Khoan dẫn lại), bên cạnh những tên mật thám độc ác lại có người Pháp để lại trên đất nước ta những sự nghiệp bất hủ như Yersin, L. Cadière…; bên cạnh những tên tay sai cung cúc phục vụ chính sách đàn áp, bóc lột đồng bào mình của thực dân Pháp, vẫn có những người như PQ, làm với Tây, nhận tiền Tây mà lại làm nên một “Nam Phong” với những giá trị không thể phủ nhận. Có thể nói, cả Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký… cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. “Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước, yêu nước theo cách của mình.” Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói như thế.
Có lẽ cần nói thêm, với cách nhìn lịch sử và khoa học, chúng ta cũng nên thông cảm với “cách nhìn sổ tuột của một số học giả đáng kính với đóng góp học thuật của PQ… khởi đi từ Ngô Đức Kế và còn tiếp nối với nhiều người khác, kể cả Thiếu Sơn…” mà nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã nêu ra trong bài viết đã dẫn.
Như vậy, PQMGN tập 2, trong khi giúp bạn đọc hiểu thêm PQ, thấy rõ “cách thức” yêu nước của Cụ Phạm, đã đồng thời gợi nhắc chúng ta cần phải có một cách nhìn lịch sử và khách quan khi đánh giá những hoạt động của tầng lớp trí thức, nhất là khi cuộc đấu tranh ý thức hệ còn chi phối nhiều mặt của cuộc sống. Điều đó không chỉ cần đối với việc “đánh giá lại” Cụ Phạm mà còn với nhiều trường hợp khác, ở cả những giai đoạn về sau, như đối với các trí thức - do những điều kiện cụ thể - đã phải sống bên kia chiến tuyến trong thời kỳ 1945 - 1975… Đó cũng chính là bài học sử dụng nhân tài, bài học đại đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện ngay sau ngày đất nước được Độc lập từ 2/9/1945.
N.K.P
(SĐB9-12)