PHẠM PHÚ PHONG - HOÀNG DŨNG
Trang viết đầu tay có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời của người cầm bút. Đó là điểm mốc, là bước chân đầu tiên đặt lên con đường hun hút xa, đầy lo ngại nhưng cũng hết sức hấp dẫn.
Đó là tất cả sự hồn nhiên trong sáng, tươi mới, mang ít nhiều chút bản năng, mở ra một bước đường, bước chọn lựa có ý nghĩa quyết định cho cả đời người.
Tạp chí Sông Hương từ số 7 bắt đầu mở ra Trang viết đầu tay như mở một cánh cửa, một toa tàu "ưu tiên" cho những người mới biết ga lần đầu. Đến nay Sông Hương đã ra số 21 (trừ số 14 không có), đã có 14 số giới thiệu trang viết đầu tay, với 25 bài thơ và 14 truyện ngắn của 25 cây bút trẻ, phần lớn là những người sinh hoạt trong Câu lạc bộ văn học thanh niên Huế. Với số trang viết như vậy, lại rải đều cho một đội ngũ khá đông đảo, chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào những vấn đề bản chất, khẳng định những giá trị một cách chắc chắn, mà chỉ muốn, và chỉ có thể làm được, là nhìn lại, điểm lại một phong trào, khẳng định những đóng góp ban đầu, ủng hộ một đội ngũ trẻ đang dự báo nhiều triển vọng, đồng thời đồng tình với hướng đi của một tạp chí cũng còn khá trẻ. Mười năm, hai mươi năm nữa việc đào tạo đội ngũ này mới trở nên có ý nghĩa sinh động.
***
Thơ của các tác giả xuất hiện trên trang viết đầu tay được nhiều người khen mà cũng không phải ít tiếng chê. Lời khen thường đưa đến sự cởi mở, còn tiếng chê dễ làm chạnh lòng! Nhưng bình tĩnh đọc lại, hẳn phải nhận ra tiếng chê ấy không hoàn toàn oan.
Quả tình có khi những bài thơ đầu tay cộm lên những chữ trái khoáy:
Có thể vẫn là chiếc nồi Thạch Sanh
không bao giờ cạn
Nhưng với một con người
một sự vật
hữu hạn
Hạt cơm thần sẽ hết, nhiều khi
(Ghi nhận ở cầu Tràng Tiền)
Không là "nhưng với con người, một sự vật hữu hạn", mà lại "nhưng với một con người, một sự vật hữu hạn"! Con người hữu hạn là với tính cách nhân loại, chứ đâu phải từng cá nhân, mà hạ chữ một trước con người lạ lùng vậy! Hoặc việc xuất hiện hàng loạt các từ địa phương trong một đoạn thơ ngắn, như thợ chài, trơi, dạ, om, théc trong Bài ca xóm thợ không phục vụ gì cho việc thể hiện nội dung, làm cho bài thơ không cố tình mà vẫn bí hiểm. Người địa phương khác, thậm chí ngay cả một số không ít người Huế, đọc thơ đành phải đoán lấy nghĩa. Bài Một phía con sông được triển khai trên một cái ý rất gợi tứ: con sông bên bồi tên lở. Nhưng khi đọc xong bài thơ hình tượng trữ tình lẫn lộn, không biết ai bên bồi, ai bên lở cả.
Có khi câu đúng, chữ đúng mà thơ trôi tuột, không lưu lại dấu ấn gì trong tâm trí người đọc:
Ai dệt cho đời bao cảm xúc
Trong mắt người hình chiếc nón bài thơ
(Nón bài thơ)
hay những câu thơ hô khẩu hiệu:
Dưới chân người là lớp vàng rơi
Chồng lên nhau theo chiều dày năm tháng
Mỗi tầng lá là cả một bản hùng ca
(Khoảng rừng và ngọn gió)
Đọc kỹ thơ trang viết đầu tay không ít điều đáng phàn nàn. Nhưng phiền trách như thế có đúng không? Mới viết, những chệch choạc là điều khó tránh và dễ hiểu. Trang viết đầu tay hơn ở đâu hết, cần sự chăm sóc của người biên tập. Điều đó không có nghĩa là phải thể tất, châm chước một sự non kém nào đó trong loại thơ trang viết đầu tay, như thế không chỉ làm hại chuyên mục này mà còn làm hại những tác giả tương lai.
Trong hàng bao nhiêu mớ thơ nhạt nhẽo, vô duyên cứ sản xuất đều đều trên mặt báo, không chỉ địa phương mà cả Trung ương, không chỉ người mới viết mà cả người lâu năm trong nghề, thì sự có mặt của đôi bài kém chất lượng trong trang viết đầu tay trên Sông Hương có thể làm người đọc không vừa lòng, nhưng không đến nỗi ngạc nhiên.
Điều đáng ngạc nhiên hơn và đáng nói hơn là trang viết đầu tay có những bài thơ rất hay, có thể đứng cạnh mà không hề phải ngượng ngùng với nhiều bài thơ không đầu tay khác:
Thu rất mỏng thoáng qua tà áo
Huế gập ghềnh bao nhiêu mùa đông
(Phùng Tấn Đông - Nghe đàn tranh ở Huế)
Thu rất mỏng là cách nói gây ấn tượng, nhưng vẫn còn gờn gợn cái cảm giác kỹ thuật. Ta nhớ câu thơ tài tình mà cũng phần nào kỹ thuật như thế, tuy có nhạt hơn của Trần Đăng Khoa: Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Nhưng đến: Huế gập ghềnh bao nhiêu mùa đông thì phải khuyên rất nhiều nét son vào hai chữ gập ghềnh. Kỹ thuật và nội dung không còn tí gì so le, mà đã hòa làm một, và người ta ngẩn ngơ rung động trước một câu thơ hay. Có khi cái hay của thơ không chỉ là ở một đôi từ đắc địa, mà hình ảnh trong sáng, kết lại thành chuỗi với nhạc điệu êm ái mà miên man như bài Mùa đã chín của Mai Nguyên.
Thơ trang viết đầu tay có cái tinh nhạy của cảm giác non tơ, của tâm hồn biết cảm nhận những điều không phải dễ cảm nhận:
Không hiểu sao nắng chiều ấy rất vàng
Khi tôi ngước nhìn vòm thông và lá thông xào xạc
Hương thông vờn tóc tôi ngan ngát
Trái rơi trong im lặng của thinh không
(Hồ Huệ - Chiều Thiên An)
và cái tinh nhạy của cảm giác có khi được phóng đại thành ảo giác:
Tôi bước chân lên bờ cát Nha Trang
Cái phần sáng từ vầng trăng huyền ảo
Và diệu kỳ - tôi thấy bóng của tôi
Như trẻ thơ thấy bóng hình chú cuội
(Trần Bá Đại Dương - Nha Trang)
Cách nói thật mới mẻ, dù có phần cường điệu. Nhưng ảo giác nào không là kết quả của sự cường điệu? Và, viết thế nào để tạo nên ảo giác, điều ấy không dễ.
Nổi bật lên trong trang viết đầu tay là xu hướng triết lý. Là những người đang tuổi trẻ trai mà triết lý tất sẽ gặp những điều hoàn toàn không thuận lợi. Ấy vậy mà thơ trên trang viết đầu tay có nhiều bài triết lý, vẫn thấy hay, như Logic của rubic, Ảo ảnh (Trần Thị Huyền Trang), Ghi nhận ở cầu Tràng Tiền (Trần Bá Đại Dương)... Tính chất triết lý có khi không chỉ là đôi câu suy nghĩ nhân một chuyện nào đó, mà đọng lại thành thơ ngụ ngôn hẳn hoi. Chùm quả trong vườn của Lê Viết Tường là trường hợp như vậy:
Giò phong lan mọc trên cao cười với lùm dạ hương dưới đất
- Ta mọc trên cao, ta được sự chú ý của bao người
Lùm dạ hương trả lời trong im lặng
- Hãy chờ đêm, hãy chờ đêm!
Những người viết trẻ, nói rộng ra lớp trẻ, trăn trở, suy nghĩ về nghĩa đời. Điều ấy đòi hỏi phải nhìn lớp trẻ bằng một cách nhìn khác chứ không hề đáng ngại. Bởi vì, ở cực này là những suy nghĩ triết lý, thì ở cực kia vẫn tồn tại những cảm xúc hết sức hồn nhiên, trong trẻo. Tâm hồn phải như trẻ thơ mới có thể ngạc nhiên trước sự việc người khác cho là đương nhiên và không hề lưu ý tới.
Ơ kìa, con ốc bể
Sóng tràn thì nó lăn
(Trần Thị Huyền Trang - Với biển lần đầu)
Sự hồn nhiên, tươi trẻ không chỉ có ở Chiều Thiên An của Hồ Huệ mà còn có ở Trần Thị Huyền Trang, tác giả của những bài thơ giàu chất suy tư như Ảo ảnh, Logic của rubic.
Bên cạnh đó, đọc thơ của người viết trẻ vẫn thấy gợi lên một điều đáng băn khoăn: người viết có thể cảm xúc hay triết lý về nhiều chuyện, nhưng những bài thơ thể hiện tình cảm công dân rất hiếm và nếu có cũng không mấy bài thành công. Có thể nói rằng cảm hứng về công dân, chỉ có Mẹ Dương Hòa (Trần Bá Đại Dương) và Nghe đàn tranh ở Huế là hai bài thơ hay.
Cùng với những trang thơ, 14 truyện ngắn của 12 tác giả, xuất hiện đều đặn trên trang viết đầu tay là điều đáng mừng cho văn xuôi.
Người viết trẻ đầu tiên thường kể về mình, rồi từ chuyện mình mới nói rộng ra những vấn đề của xã hội. Viết đối với họ gần như là nhu cầu tự thể hiện mình, soi bóng mình vào văn học rồi từ đó mới mở cửa đi vào đời sống chung.
Có thể nói rằng, ưu điểm nổi bật của những trang văn xuôi đầu tay không chỉ thể hiện ở việc bám sát đời sống hiện thực đang ngày một biến đổi, phát triển, mà còn thể hiện ở việc phản ánh những mảng hiện thực đó một cách tự nhiên, chân thực và phong phú. Mỗi người đều từ cương vị lao động xã hội của mình, hướng về một vấn đề và biểu hiện bằng mỗi cách khác nhau, mức độ thành công cũng khác nhau nhưng họ đều có chung một tọa độ phản ánh: đó là các vấn đề của thực tại mấy năm gần đây được tập trung soi tỏ qua lăng kính, qua cái nhìn minh bạch của tuổi trẻ. Viết trở thành một nhu cầu, một cách đặt vấn đề trước đời sống góp một tiếng nói, một nguyện vọng một đòi hỏi của tuổi trẻ. Với một nhận thức thẩm mỹ sáng rõ, âm hưởng ở mỗi trang mỗi dòng đều toát lên thái độ tích cực, nghiêm túc, kể cả khi trình bày những vấn đề khúc mắc, phức tạp của cuộc đời (Phía trước có barie, Mưa Huế...) Phải chăng vì thế mà thiếu đi độ nhọn, tính trực diện trước đòi hỏi phải xung kích của tuổi trẻ?
Thật khó mà chỉ ra những thành công và hạn chế riêng của từng người khi họ chỉ vỏn vẹn một, hai truyện ngắn mà lại là truyện ngắn đầu tay. Nhưng cái đáng quý ở họ là tuy chỉ mới xuất hiện lần đầu đã có dáng nét riêng, nhiều người đang dồn chứa sự sung sức của ngòi bút với những triển vọng đáng được quan tâm. Người đọc thích thú với cách miêu tả văn chương chuẩn mực và bước đầu có sự phân tích tâm lý nhân vật khá tự nhiên của ba cây bút nữ Trần Thị Huyền Trang, Phạm Thị Bích Thủy, Vũ Hải. Truyện của họ triển khai như một tứ thơ, vỗ vào tâm trạng nhân vật một cách chân thực, sinh động. Huyền Trang mở đầu cho trang viết đầu tay bằng quan niệm về hạnh phúc, còn Vũ Hải tìm hiểu mối quan hệ và tâm trạng của một người đưa thư - người mang hạnh phúc đến cho mọi người nhưng ít ai quan tâm đến.
Sức hấp dẫn còn được ghi nhận ở chất văn xuôi đậm đặc trong Chuyện Lão Khứ của Lê Quang Vinh, chất điềm tĩnh, tưng tửng trong Mưa Huế, cái không khí làng quê với bao trì nặng đời người trong Đứa con của Lương Duy Cường. Sự trong sáng và đầm ấm trong những trang viết của Lê Công Doanh. Bằng sự kết cấu theo trình tự thời gian, xâu chuỗi các vấn đề tản mạn của đời thường, Dương Phước Thu vạch ra những tồn tại trong cách quản lý xí nghiệp, những tiêu cực còn xảy ra trong các ngành có va chạm trực tiếp đến đồng tiền, đến lợi nhuận, khó mà kiểm soát, mà suy cho cùng chỉ có Iương tâm mỗi người, tuy "trạm barie nầy không gác, nhưng anh phải dừng lại, vì nó đã kiểm soát được việc anh đang làm" (tr.75, SH số 13).
Tuy nhiên, các cây bút trẻ nhiều lúc không khỏi rơi vào mòn sáo trong cách đặt vấn đề, trong kết cấu cốt truyện (Hương lục bình, Ngôi nhà ấy…). Mặt khác, đụng đến những vấn đề xã hội gay gắt, các cây bút trẻ thường tìm những giải pháp ôn hòa, tìm chỗ lách một cách thiếu chân thực, làm cho kết cấu truyện bao giờ cũng tròn trịa, kết thúc theo chủ quan của người viết (Cổng thường trực, Mưa Huế, Đứa con). Một số truyện còn dài dòng, tản mạn, thiếu sự cô đọng cần thiết của truyện ngắn, như có thể cắt một trang rưỡi phần đầu của truyện Hương lục bình, còn có thể cô đặc hơn nữa truyện Khối trầm, Biển tuổi thơ, Sắc màu của biển...
Hầu hết những tác giả được giới thiệu trên trang viết đầu tay, tuổi đời còn rất trẻ, là những sinh viên, học sinh, hoặc những người vừa mới rời ghế nhà trường về công tác ở các ngành khác nhau năng nổ nhiệt tình, nhanh nhạy trong việc phát hiện và ủng hộ cái mới, muốn tham gia thẩm định, bình giá mọi hiện tượng trong đời sống. Thật khó mà kể tên hết từng người và rút ra mẫu số chung cho cả phong trào. Càng khó đoán định trong 25 cây bút nầy, ai sẽ là người còn lại sau thử thách khắc nghiệt của thời gian. Ngay cả những nhận xét trên đây, mười số Sông Hương nữa, chắc sẽ có nhiều sai lệch, những vấn đề mới sẽ nẩy sinh. Đường còn dài. Tất cả dường như còn khuất nẻo bên kia đầu dốc cuộc đời. Câu trả lời lại ở chính những người viết trẻ. Một người thôi cũng không phải là ít. Nhưng với một phong trào sáng tác đang đi vào chiều sâu như ở thành phố ta hiện nay, phải chăng ta có quyền hy vọng nhiều hơn?
Quy luật phát triển nội tại của văn học không loại trừ khả năng của sự kế thừa, nhưng còn đòi hỏi sự phát triển đồng bộ, khả năng nhân lên từ phong trào. Muốn có một phải có cả phong trào, muốn có phong trào phải có sự quan tâm đầu tư của nhiều người. Điều này càng khẳng định hướng đi của tạp chí Sông Hương là đúng đắn và nhu cầu cần phải mở rộng khái niệm đầu tay (chứ không phải đầu tiên), như một người bảo mẫu, tiếp tục giới thiệu đào tạo những tác giả có bước đi ban đầu có nhiều triển vọng, đồng thời quan tâm đến cả đội ngũ viết trẻ rộng rãi, không chỉ trong tỉnh mà trong cả nước nữa.
Huế, 11-1986
P.P.P. - H.D.
(SH24/4-87)