Tác giả-tác phẩm
Thi pháp tiểu thuyết và chất sử thi trong phả chí [*]
08:16 | 23/04/2013

Hoàng Minh Tường

Nhà văn, nhà báo Lê Khắc Hoan xuất hiện và gây ấn tượng trên văn đàn khá sớm: Năm 1959, khi đang là giáo viên trường Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, Lê Khắc Hoan đã có truyện ngắn đầu tay Đôi rắn thần trong hang Pa Kham đoạt giải Khuyến khích báo Thống Nhất (Nguyễn Quang Sáng giải Nhất với truyện ngắn Ông Năm Hạng).

Thi pháp tiểu thuyết và chất sử thi trong phả chí [*]

Năm 1960, truyện ngắn “ Chuyện một cô giáo mới” đoạt giải ba báo Văn Nghệ (Nguyễn Khải giải nhất với truyện ngắn “ Một cặp vợ chồng”, Chu Văn giải nhì với “Con trâu bạc”, Hồ Phương giải ba đồng hạng với “Cỏ non”). Năm 1961, Lê Khắc Hoan, tỏ ra vượt trội khi thi đấu trên “sân nhà”, ấy là cuộc thi viết về “Thầy giáo nhà trường” do Bộ Giáo dục và báo Người giáo viên Nhân dân tổ chức. Ông đoạt giải nhất với truyện ngắn “ Chân trời xa xôi”, trên các đối thủ mà mười năm sau tên tuổi sẽ lừng lẫy trên văn đàn, như Ma Văn Kháng, Xuân Sách, Định Hải…

Con người thủ mệnh sao Hóa Khoa này, đã thi là đỗ. Và khi đã “ẵm” giải cao rồi thì dừng bút. Suốt 50 năm sau, ông chỉ chuyên tâm viết báo, và chỉ viết về ngành giáo dục, về công việc “trồng người”, từ báo “Người Giáo viên Nhân dân”, đến báo“Giáo dục và Thời đại”, tạp chí“Thế giới mới”,” Dân trí”,”Trí tuệ”…

Con người  tưởng như đóng cửa phòng văn, gác bút từ thời trai trẻ, để theo nghề báo, nào ngờ vào tuổi 75, lại cho ra đời một tác phẩm dày tới 450 trang, trầm luân thế sự, ngổn ngang thế thái nhân tình. Cuốn sách có tựa đề : “Trăm năm ly hợp – Lê Khắc gia phả chí”, một cuốn gia phả theo đúng như ý định khiêm nhường của tác giả - chỉ viết cho dòng tộc, ký thác với anh em con cháu họ Lê Khắc làng Văn Xá tỉnh Thừa Thiên-Huế, câu chuyện của gia đình…, nhưng khi được công bố, lại được bạn đọc đón nhận như một tác phẩm văn chương ngồn ngộn chất liệu đời sống và giàu chất nghệ thuật.

Câu chuyên bắt đầu từ đám tang của ngài Văn Phố Lê Khắc Thứ, Chủ nhiệm Việt Minh, cha của tác giả (Văn Trí trong tác phẩm), giữa mùa hè năm 1946. Đây cũng là “thời điểm đau thương phát nổ trái bom ly tán dòng tộc Lê Khắc làng Văn Xá” (tr.7). Mặt trận Huế vỡ, Pháp quay trở lại. Toàn quốc kháng chiến. Một số trong dòng họ Lê Khắc ở lại làng, ở lại Huế, vườn không nhà trống tiêu thổ kháng chiến. Số đông hơn gồm hai bà mẹ, hơn mười anh em theo người anh rể Việt Minh trong sở thuế vụ ra chiến khu Bình Trị Thiên khói lửa. Khi ấy, tác giả, người con thứ tám của bà hai, là một trong số mười bẩy người con của ngài Văn Phố, mới lên 9 tuổi.

Sức hấp dẫn của tác phẩm nằm trong hệ thống nhân vật được lịch sử mặc định, khiến người đọc bị thuyết phục, tin và hồi hộp theo dõi ngay từ đầu: Dòng Lê Khắc làng Văn Xá là dòng họ khai nguyên, mở đất từ thời Lê sơ. Cụ nội, ông nội, bố đẻ tác giả đều làm quan cho triều đình Huế. Đặc biệt, câu chuyện tình duyên của người cha hào hoa phong nhã và chế độ đa thê trong các gia đình phong kiến thời trước cách mạng, cùng sự tan đàn sẻ nghé do sự va đập của cuộc chiến khốc liệt, khiến câu chuyện của một gia đình bỗng hàm chứa một dung lượng, một quy mô mang ý nghĩa phổ quát, bao trùm. Chất tiểu thuyết bắt đầu từ cuộc tình tay tư giữa ngài tri huyện Văn Phố, thân sinh của tác giả với ba cô con gái cành vàng lá ngọc, con của Công nữ Kỳ Vân, cháu nội vua Minh Mạng và quan Hiệp tá đại học sĩ Nguyễn Hữu Mẫn, người sáng lập trường Quốc học Huế, thầy dạy của hai người học trò nổi tiếng trong lịch sử sau này: Nguyễn Tất Thành  và Ngô Đình Diệm.

 “Quan thượng nhất phẩm triều đình và phu nhân là bà quận chúa kiêu kỳ gả liền liền ba tiểu thư khuê các cho một thuộc quan lẹt đẹt hàng ngũ phẩm! Chuyện tương tự không biết từng xảy nơi đâu?

Ba bà, ba chị em con quan cháu vua. Cùng cha cùng mẹ. Chung chồng. Bà cả, Nguyễn Thị Tuyêt, sinh 5 lần nuôi được 3. Bà hai, Nguyễn Thị Lâm, đẻ 9 con nuôi được 8. Bà ba, Nguyễn Thị Điện, đẻ 8 lần còn 6. Cả đàn con ông Văn Phố sinh 22, thành niên 17, không phân biệt con của bà nào, đều gọi bà Tuyết, chánh thất, là Mạ, bà Lâm, thứ thất là Dì chị, và bà Điện là Dì em. Năm 1932, bà Tuyết mất,  được gọi là Mạ đời xưa, tôn bà Lâm lên chánh thất, làm Mạ.” ( tr10)      

Mười bẩy người con của ngài Văn Phố, từ năm 1946, cùng với hàng trăm anh em họ hàng Lê Khắc, ly tán trong Nam ngoài Bắc, người dưới chế độ Cộng Hòa, người theo Cụ Hồ kháng chiến, tạo nên bức tranh đa diện, không hề cá biệt mà có tính khái quát cho cả cuộc phân ly Nam Bắc nửa sau thế kỷ 20.

Ba anh con đầu của Mạ đời xưa, năm 1946 đã trưởng thành, người xuôi Nam, trở thành quan chức ngoại giao chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Lê Khắc Hoài), người ngược ra Việt Bắc, trở thành quan chức thuế vụ hàng đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Lê Khắc Điềm), người ở lại, giám đốc cảnh sát Trung phần-Trung nguyên,  từng đưa nhà tình báo báo huyền thoại Vũ Ngọc Nhạ  diện kiến lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn (Lê Khắc Duyệt). Những người con còn lại của Mạ Lâm và Dì Điện, từ chiến khu Bình Trị Thiên, chuyển dần ra vùng tự do Thanh Hóa, sống với cuộc kháng chiến chín năm, rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ, trở thành nông dân, công nhân, nhà giáo, kỹ sư, bác sỹ, nhà khoa học, bộ đội tình nguyện về giải phóng quê hương. Đau đớn nhất là Dì Điện. Năm 1953, đời sống quá khó khăn, dì quyết định cùng Khôi, người con trai lớn mười sáu tuổi, về Huế, hy vọng gặp mẹ là Công nữ Kỳ Vân xin tiền mang ra Thanh Hóa nuôi các con. Chuyến đi vô vọng vượt núi lội suối trong bom đạn gian nguy không kể xiết, hai mẹ con vĩnh viễn nằm lại cửa ngõ Hương Trà. Ba người con còn lại, Duy, Kháng, Lượng, cùng người chị nuôi Nguyễn Thị Kỳ trứng gà trứng vịt nuôi nhau, có thời gian khó khăn quá, phải chia nhau đi ở đợ, lưu tán giữa vùng thượng nguồn sông Chu, sông Mã. Năm 1966, Lê Khắc Lượng, rồi Lê Khắc Kháng lên đường về Nam chiến đấu, đi suốt ba cuộc chiến tranh. Lê Khắc Duy vào thanh niên xung phong. Các con út của ngài Văn Phố sống cuộc đời người lính như hết thảy hàng triệu những người lính Trường Sơn bất tử…

Tác phẩm thuộc loại truyện ký, ký sự tư liệu, kết cấu theo thời gian, theo nhóm nhân vật, nhưng vẫn có mối liên kết xuyên suốt. Tác giả triển khai theo diện, rồi tập trung vào điểm, làm rõ nét những nhân vật chính. Nổi bật nhất là các chương “Oan hồn nguôi hận”, “Dấn thân”, “Họa vô đơn chí”, “ Một bà mẹ chưa được vinh phong”, “Kháng”, “Chuyện ông chú út hai lần cầm vàng mà lội qua sông”, “Vị võ quan tứ đẳng thị vệ và người con trai tư duy sáng tạo khoa học đa ngành”, ‘’Hai cô gái tộc Lê luân lạc” vv… Nhiều nhân vật được tác giả khắc họa như những nhân vật điển hình, với vóc dáng sừng sững, tính cách nổi bật, số phận éo le đầy chất tiểu thuyết, như Mẹ Lâm, dì Điện, Lê Khắc Kháng, Lê Khắc Lượng, Lê Khắc Tình, thầy giáo Văn Khê, vợ chồng Báu – Luân, kỹ sư Lê Khắc Linh, hai anh em ruột Lê Khắc Hiền, Lê Khắc Thành, bác sỹ Lê Khắc Quyến, nhà báo Nguyễn Thị Kim Thu, Trần Thục Hà vv…

Người đọc khó cầm nổi nước mắt khi đọc nhiều chương (Cái chết của hai mẹ con Dì Điện; Cuộc tình éo le của Khê – Vân, Luân – Báu; Cuộc vượt biển của ba chị em Trần Thục Hà…), đặc biệt là chương VI : “ Một người mẹ chưa được vinh phong”, người mẹ của tác giả. Đó là bà hai Nguyễn Thị Lâm, từ một tiểu thư khuê các con quan nhất phẩm triều đình và bà quận chúa, người mẹ góa bụa, chân yếu tay mềm vậy mà mang một đàn con gà con vịt tám đứa bước vào một cuộc ly tán khốc liệt. Mẹ chính là hình ảnh bà cụ Huế, “điếu thuốc  sâu kèn to bằng ngón tay cái  vắt vẻo trên môi, đôi vai hẹp và gầy chúi về phía trước, mái tóc bạc phơ như phủ đầy sương trắng rung rung sau gáy…”( tr 100), ngày ngày quẩy gánh hàng xén ở vùng Hậu Lộc, Hoàng Hóa xứ Thanh tần tảo nuôi con, đi theo kháng chiến. Đó chính là hình mẫu bà mẹ trong truyện ngắn “Chân trời xa xôi”, trong truyện vừa “Mái trường thân yêu”của tác giả. Một người mẹ chưa được vinh phong, nhưng xứng đáng một bà mẹ anh hùng, hơn cả một nữ anh hùng.

Đọc phả chí, nhưng độc giả tưởng mình đang đọc tiểu thuyết, một cuốn tiểu thuyết giàu chất sử thi. Tác giả, Văn Trí, với nhiệm vụ người dẫn chuyện, nhân vật chính của tác phẩm, bản thân đã là một số phận nhiều biến cố, lại là một người duyên nợ với văn chương, ông đưa người đọc đi hết từ tình huống này đến tình huống khác, gặp các nhân vật điển hình, chứng kiến đủ những cảnh ngộ ái, ố, hỉ, nộ. Bút lực của ông, khi như một anh chàng “Trương Ba” siêu thủ, bằng con dao bầu, éc một tiếng đã trình làng một phản thịt với thủ, giò, ba chỉ, tim, cật, lòng , dồi, tiết canh…, khi lại như một nghệ nhân kỳ tài, trạm trổ từng cánh tủ, từng bức hoành phi câu đối. Ấy là khi ngọn bút của ông luồn lách đặc tả một bi kịch, một khúc nhôi đời người (chuyện gia đình Khê – Vân), lúc dựng lại một hình thái văn hóa tâm linh đầy Liêu trai, mê hoặc (cảnh cầu cơ tìm hài cốt Dì Điện), khi đưa người đọc vượt sông Đà bay bổng cheo leo lên tít ngôi trường của người Hà Nhì ở vùng cao Pá Chải, Mường Tè, Lai Châu (cảnh thầy giáo Văn Khê đi cắm bản), lúc lại chen chúc, lặn ngụp trên suốt con tàu xuyên Việt bão táp vừa ra khỏi cuộc chiến (Văn Trí đi “buôn” trên tàu Bắc Nam)…  Sự thật khốc liệt, đau đớn, bi hùng được dẫn dụ bằng một ngòi bút có sức khái quát cao, khéo chọn lọc các chi tiết đời sống điển hình, các tình huống có vấn đề… chính vì thế câu chuyện một gia đình, một dòng họ bao chứa nhiều câu chuyện của nhiều gia đình, nhiều dòng tộc.

Câu chuyện của trăm năm, nhưng chừng như vẫn còn một phần ba chặng đường phía trước. Ly đã đến cùng, mà hợp còn mong mỏi. Lòng người dẫu muốn, nhưng còn chính thể, thời cuộc(!) Bao nhiêu số phận của dòng họ Lê Khắc còn khuất lấp, còn chưa được chính danh vì …lý do kỹ thuật(!) . Để viết hết về sự thật một dòng tộc, một Đất nước, đâu phải chuyện dễ. Hàng nghìn con mắt Lê Khắc, trong nước và hải ngoại đang chú mục nhìn vào xem ông Văn Trí có đứng về bên nào không? Có “lật áo cho người xem lưng” không? Đến như nhà văn Nguyễn Công Hoan trước đây, viết truyện ngắn, tiểu thuyết mà còn bị bao nhiêu người kiện tụng, huống chi đây là ký sự, là gia phả?

Gấp cuốn sách lại, nhiều người sẽ bảo rằng: Họ Trần, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Hoàng, họ Trương… nhà mình, nếu viết, cũng phong phú, ly kỳ như thế này. Vâng, đó chính là thành công của Lê Khắc Hoan và “ Trăm năm ly hợp”. Lê Khắc Hoan không chú viết vì văn chương. Ông viết vì mục đích tự thân, vì sự ký thác cho con cháu dòng tộc. Và nền văn học, đôi khi  được thụ hưởng như một tình cờ. Nếu có thêm những gia phả chí như “Trăm năm ly hợp”, hậu sinh sau này chắc chắn sẽ có những bức tranh toàn cảnh sống động và chân thật về cuộc hành trình bi tráng, khốc liệt, thấm đẫm máu, nước mắt, hạnh phúc và đau khổ, nối tiếp các thế hệ trên con đường hình thành một nước Việt chìm nổi và mến yêu của hôm nay và mai sau.

HMT

......................................................................................................... 

[*]:  (Đọc TRĂM NĂM LY HỢP – Lê Khắc Gia phả chí NXB Lao Động 2013)

Theo Văn nghệ số 16/2013)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng