Tác giả-tác phẩm
Văn chương vốn dĩ thăng trầm
15:09 | 01/12/2008
HIỀN LƯƠNGVậy là Nguyễn Ngọc Tư sẽ bị kiểm điểm thật. Cầm tờ biên bản của Ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau trên tay, trong tôi trào dâng nhiều cảm xúc: giận, thương, và sau rốt là buồn...

Còn nhớ hôm nào nói chuyện với nhau, Ngọc Tư bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống xung quanh: “Truyện của em viết ra, nó có đời sống của nó, người ta lấy nó làm phim mà phim dở, thì kệ người ta chứ”. Ấy là Ngọc Tư biết rằng: Tự thân tác phẩm có một đời sống trong văn đàn, trong công chúng, trong lòng bạn đọc. Điều này, được chứng minh bằng việc tập sách Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được tái bản nhiều lần và nhanh chóng trở thành hiện tượng best seller- một trong những hiện tượng hiếm hoi của làng sách Việt Nam.
Với người viết, điều đó là một niềm động viên, một niềm tin vào tay bút, vào công chúng. Tin lắm chứ, khi có một bạn đọc tận phương trời xa xôi chưa từng biết Ngọc Tư cũng tình nguyện làm một trang web và tự mình cập nhật tất cả tác phẩm cũng như bài báo viết về Ngọc Tư- như một cách làm tư liệu giúp nhà văn nơi đất Mũi xa xôi vậy.

Cách đây chưa lâu, Ngọc Tư tâm sự: “Em còn định viết nhiều lắm, nhưng chưa tiện nói ra, người ta thấy mình làm nhiều quá là họ cản à nghen!”. Tội lắm vậy. Sao có một không gian xã hội mà nơi đó những người sung sức làm việc phải tự kiềm nén mình vì một lý do “có ai đó cản, không cho mình làm nhiều”. Vậy mà điều đó có thật. Có thật ngay tại đồng bằng sông Cửu Long hiền hoà, ngay tại thế kỷ XXI- khi văn minh loài người đã tiến đến đỉnh cao của tinh thần nhân bản.

Vậy đó, tự ý thức kiềm nén mình, tự biết tránh những hệ lụy xôn xao của văn đàn, vậy mà Ngọc Tư vẫn bị kiểm điểm. Bị kiểm điểm bởi Ngọc Tư vẫn là hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau. Mà Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đặt dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Ban Tuyên giáo đã đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật phải “kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết, cần phải có thực tiễn cuộc sống, cái đẹp, cái tốt mà xã hội đang xây dựng và phát triển. Tất nhiên, cần phải phê phán cái chưa tốt, nhưng phải đúng hiện thực và có định hướng cho con người đến cái chân- thiện- mỹ”. Đây chỉ là một trong bốn nội dung kiểm điểm Ngọc Tư. Không nói đến việc nhận định Ngọc Tư viết văn không có thực tiễn, chính cái cách cầm tay chỉ việc rằng Ngọc Tư viết văn phải “đúng hiện thực và có định hướng” thì quả là Ban Tuyên giáo đang chỉ đạo nhân viên thuộc cấp của mình, chứ không phải đối thoại với nhà văn.

Nhà văn có phương pháp riêng, họ được quyền tự do sáng tác, tức là họ được quyền làm nên tác phẩm văn chương, miễn là tác phẩm đó không đi ngược với đạo đức, lối sống của dân tộc. Tác phẩm của họ, có phải là văn chương hay không, bạn đọc và thời gian sẽ kiểm nghiệm. Họ có dùng thủ pháp hư cấu hay trào lộng hay hiện thực là ở sự chọn lựa của họ. Cái hướng chân thực của văn chương chính là khuynh hướng sáng tác của mỗi tác giả. Mỗi tác giả đều tự định hướng cho tác phẩm của mình. Khi định hướng đúng, cái anh ta viết ra mới thực sự là tác phẩm. Còn khi nhà văn vì một lý do gì đó mà định hướng sai cho ngòi bút của mình, hệ quả nhãn tiên nằm ngay ở những cái anh ta viết ra. Đó thực sự tự nhiên. Thành công hay thất bại của một tác phẩm, phụ thuộc vào thời gian và công chúng. Thời chúa Trịnh và thời nhà Nguyễn từng cấm đoán Truyện Kiều, cho rằng đây là tác phẩm dâm thư. Nhưng dân gian vẫn thuộc Truyện Kiều, thế giới vẫn công nhận Truyện Kiều là kiệt tác văn chương của dân tộc Việt. Hay như mới đây, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn phát biểu rằng những sách của Trương Vĩnh Kỳ có thời nếu phát hiện sẽ bị tịch thu, nhưng mấy năm gần đây lại được tôn vinh là sách vàng trong các cuộc thi do Nhà nước tổ chức.

Do vậy, nếu nói Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là đáng phê phán, thì đó cũng chỉ là ý kiến của một chiều tư tưởng. Còn nếu xem việc đinh hướng tư tưởng sẽ tạo ra nhà văn thì đây quả là một điều chưa có tiền lệ trong lịch sử văn chương.
H.L

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Xưa rồi (01/12/2008)
Mưa kim cương (25/11/2008)