NINH GIANG THU CÚC
Tôi đọc Tim Tím Huế của Bùi Kim Chi bằng tâm trạng, và tâm cảm mình là một kẻ đang được dự phần trong cuộc hành hương về vùng trời hạnh phúc, về thiên đường của tuổi măng tơ, về lứa tuổi mà ai đó đã rất tự hào và trân quý khi họ viết.
Em tuổi băng sương tình chớm nở
Mười sáu trăng tròn đượm tiết trinh…
Những nhân vật được xây dựng hoặc được tái hiện ở Tim tím Huế là những nguyên mẫu mà giờ đây đã là bà nội, bà ngoại, tóc bạc da mồi và cũng có thể nhiều người đã về thiên cổ…
Bằng bút pháp tinh tế nhẹ nhàng, nhu thuận đầy nữ tính, tác giả đã đưa từng người đọc về lại vùng trời ngập đầy nắng mật ong cuối hạ với bao sợi heo may báo hiệu thu về.
Mùa thu! - mùa của tình yêu - mùa của bao cô con gái Huế, dịu dàng trong tà áo tím trinh nguyên mộng mơ, e ấp với những rung động đầu đời.
Mỗi bạn đọc đều thấy như có mình đâu đó trong từng nhân vật mà Bùi Kim Chi đặc tả qua 12 truyện ngắn và 8 bút ký của toàn tập. Tim tím Huế không gian nghệ thuật là Huế với màu tím đặc trưng, thời gian và nhân vật là cái thuở ngày xưa Hoàng Thị với trường lớp bạn bè, với những vòng quay của hai bánh xe đạp trong từng buổi đi về trên bao nẻo đường rợp nắng của quê hương, nơi ấy có từng mái nhà ăm ắp niềm hạnh phúc, nơi ấy có mẹ hiền, cha nghiêm, có vườn cây trái với bao dị thảo kỳ hoa, là thiên đường mật ngọt của các cô nàng ngây thơ tinh nghịch, đó là tất cả bối cảnh mà các thế hệ con gái Huế, học trò Huế xê xích nhau 5 đến 10 tuổi đều đã sống một thời như vậy, như thế, như như…
Đọc Tim tím Huế để thấy mỗi người đều trẻ lại, đều được cải lão hoàn đồng để mỗi bà già Huế con cháu đông đàn thoắt cái đã nhanh nhẹn:
“…Đạp xe lên dốc Nam Giao thì trời đã về chiều. Sầu đông tím ngát bên đường theo tôi xôn xao trong gió tỏa hương trinh nguyên huyền hoặc quyện vào hồn con gái. Tôi mơ màng nhìn chiều tím đang lên - lãng du cùng mật ngọt của thời gian. Đây rồi đồi Quảng Tế! Cả một khoảng trời tím về dần trên đồi. Dưới gốc ngàn thông tôi bồi hồi nhìn mây tím thả một dải lụa ngọc ngà…”.
(Trích truyện ngắn Tim tím Huế)
Người viết bài này đã đọc đoạn trích dẫn trên mấy đến chục lần và phác thảo lại hình ảnh của chính mình 50 năm về trước, chính mình mà không ai khác đang ngồi dưới rặng thông của đồi Quảng Tế với một tâm thể xúc cảm reo vui trong phút giây huyền nhiệm giữa không gian bàng bạc khói sương hư ảo, chính cái màu tím huyền hoặc trên đồi Quảng Tế làm tôi mê đắm cho đến khi luân lạc tha phương, tôi đã viết:
“Chiều vẫn tím khung trời mộng mị
Người vẫn xa mỏi cánh thiên di”
Và cũng chính cái màu tím ở đồi Quảng Tế dạo ấy đã làm tôi suýt bị đòn nhiều bận bởi về nhà trễ giờ quy định…
Thế mà, bây giờ có lúc tôi đã quên, bởi phải đối đầu bao thực tế phũ phàng, bao bận rộn với chồng con với cơm áo nhiêu khê… Xin cảm ơn, vô cùng cảm ơn tác giả đã đưa tôi về lại tuổi ngọc ngà thuở tràn đầy mộng ước buổi ban sơ.
Tinh nghịch là thuộc tính của tuổi vừa mới lớn, của cái thời nhất quỷ nhì ma, cho nên:
- …Chào anh, Bình Minh vừa về đó anh. Lệ Dung tỉnh bơ bước xuống từng bậc cấp của trường Đại học Sư phạm, vừa đi vừa nói với anh, sau lưng anh là Diệu Liễu lấm la lấm lét nhìn anh với vẻ ái ngại. Anh lịch sự gật đầu chào Lệ Dung rồi quay xe trở ra. Đợi cho chiếc SS đen rời khỏi cổng trường, Lệ Dung mới vội vàng quay trở lại lớp.
- Ê, tụi bay! Cho Bình Minh ra. Anh ấy về rồi. Các bạn phục mình chưa? Mình nói là anh ấy tin ngay.
Bình Minh vội vàng lấy nón, yểu điệu thục nữ với chiếc nón bài thơ đội lên đầu. Thế rồi cả nhóm 6 đứa: Liên Thi, Hoàng Thương, Chân Tú, Lệ Dung, Diệu Liễu và Bình Minh cùng nhau rời trường…”.
(Trích Hương xưa bút ký)
Tôi dẫn đoạn văn trên trong bút ký Hương xưa để bạn đọc thấy được sự nghịch ngầm, sự tinh quái, phá phách rất dễ thương của các cô đối với người yêu bạn mình, chỉ tội cho mấy anh chàng hiền lành cả tin là tha hồ bị gạt mà khổ nỗi là có sự đồng phạm của người mình yêu cơ chứ.
Ta hiểu tác giả về quan điểm tình yêu qua nhân vật xưng tôi:
… “Ai cũng có một mối tình nho nhỏ giấu kín trong tim. Tôi cũng thế! Người tình của tôi rất lãng mạn và rất “lạ” trong cách tỏ tình. Tôi là con bé tinh nghịch dễ thương nhưng rất khó tính. Thế nhưng anh đã chiếm lĩnh được hồn tôi bằng những bức thư dễ thương của một mối tình thơ mộng thời sinh viên…”.
(Trích Những bức thư tỏ tình dễ thương)
Tim Tím Huế không chỉ có tình yêu thơ mộng của tuổi học trò tuổi sinh viên, không chỉ có những cuộc hôn nhân tốt đẹp môn đăng hộ đối, không chỉ có sự lãng mạn của từng tâm hồn thiếu nữ, có sự nghiêm cẩn trong nề nếp giáo dục của mỗi gia đình đã thai thành ra các cô, có sự tự ái của các đấng bậc cô thầy dành cho lớp lớp môn sinh…
Tim Tím Huế còn bao sự bao tình u ẩn khác, với nhiều nhiều hỉ nộ ái ố cho từng số phận phong vận kỳ oan, cho những ân tình dang dở, ta khóc cho nỗi bất hạnh của một Tố Cầm trong “Người đẹp Cầu Đất”, cho một Khuê và Từ với mối tình câm lặng trong “Trái tim biết khóc”.
Ta kính trọng một tình yêu thiên thu của Vân Linh và anh chàng Pilot hào hoa yểu mệnh trong “Sương phụ”.
“Mãn tang chồng, nàng vẫn trong tà áo lụa đen, thay vào dải khăn trắng trên đầu là một đóa hoa lan trắng cài lên tóc, trông nàng khiêm trang và huyền hoặc lạ kỳ…”.
(Trích truyện ngắn Sương phụ)
Nhân vật Linh trong “Sương phụ” không biết tác giả hư cấu bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi đọc đến năm lần vì thích quá, Vân Linh yêu - lấy được người mình yêu, đó là hạnh phúc, vậy thì suốt một đời sống cho một tình yêu như thế là phúc phận, bởi theo người đọc thì trong suy nghĩ của Vân Linh - Bảo có chết bao giờ đâu mà anh chỉ thực hiện một phi vụ dài hạn ra ngoài quỹ đạo…
Có một truyện ngắn và một bút ký tôi vô cùng tâm đắc, đó là “Người đàn bà mặc áo lụa tím” và “Bội Hoàn”, hình như đó là hai cung bậc tình cảm, hai nỗi niềm đồng khí, đồng thanh giữa người sáng tạo và kẻ thưởng lãm. Tôi yêu “Người đàn bà mặc áo lụa tím” như yêu chính bản thân tôi và tâm sự tôi.
Còn với “Bội Hoàn”, có phải tác giả đã lột tả giùm tâm nguyện của một số chị em cầm bút, mà trong những cuộc họp mặt tâm tình cao đàm khoác luận, họ đã từng ao ước: Mỗi người sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với chồng con, lúc ấy độ 5, 10 người cùng nhau lập một chốn nghỉ dưỡng, chốn ấy có hoa có nhạc, có thơ có hội hoạ, có tao nhân mặc khách sáng chiều ngâm vịnh… Vô hình trung tác giả Tim tím Huế đã xây dựng một không gian, một mô hình đúng như niềm mơ ước của chúng tôi.
Người đọc buồn theo truyện ngắn “Bâng khuâng chiều xuân” bởi một tình yêu trắc trở của một nhân vật xưng tôi, mà nguyên nhân là từ bà mẹ của anh chàng hoạ sĩ. Với cái gọi là “Nhân tướng học” bà đã phán một câu, mà trong hai lần đến chơi nhà anh cô gái đã được nghe:
… “Mi mà lấy hắn là đời mi tiêu, uổng công cha mẹ đẻ con ra, nuôi con cực khổ con ơi!
Anh cãi lại:
- Răng mà “tiêu” hả mạ?
- Rứa mi không thấy gò má hắn cao.
- Mạ cứ cho con lấy hắn coi thử con có chết không thì biết liền.
Tiếng mạ anh hốt hoảng:
- Ui cha! Đừng nói bậy con ơi! Thôi thôi không bàn cãi nữa mạ nói không là không.
Nghe được đến đó, tai tôi ù lên, tim tôi nhảy lung tung, mồ hôi vã ra, giận run người và quay quả rút lui, cuộc tình của tôi và anh bắt đầu sóng gió từ đấy…”
(Trích Bâng khuâng chiều xuân)
Ở Huế ngày xưa, lời phán quyết của các bậc trưởng thượng trong gia đình, gia tộc là một mệnh lệnh tuyệt đối… Vì thế mà có bao cuộc tình phải tan vỡ để kẻ cuối bãi người đầu sông và để rồi có bao cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng:
… “Trăm năm xót một đêm khuya
Khóc cười riêng giấc trăng chia vô thường”
(TN - KM)
Với truyện ngắn “Một thoáng hương xưa” có thể đó là các nguyên mẫu thật trong đời sống với những gặp gỡ, chia xa, tái ngộ trong quan hệ bạn bè dễ thương thường có trong từng ngăn ký ức của mỗi chúng ta, những kỷ niệm quá đẹp cho một thời tuổi dại…
Là một cô giáo dạy văn nhưng cuộc phối ngẫu với văn chương của Bùi Kim Chi hơi chậm so với các lớp đàn chị ở chuyên ngành văn học, song vẫn chưa muộn vì gừng càng già càng cay, sự chậm trễ đôi khi lại rất hữu ích, bởi thời gian là một bậc thầy, cho mỗi người vốn sống, sự trải nghiệm, sự trưởng thành thể hiện qua bút pháp, qua văn phong, điều này ta thấy rõ qua Tim tím Huế.
Nhận xét như vậy không có nghĩa là tác phẩm nào trong Tim Tím Huế đều hoàn thiện về kỹ năng, về cấu tứ, về các tuyến nhân vật của mỗi truyện, đâu đó người đọc vẫn gặp những sai sót về kỹ thuật, về sự dàn trải trần thuật quá nhiều của nhân vật như “Những nốt nhạc khởi đầu”, “Họa mi hót”…
Nhưng về tổng thể đấy là sự thành công khá cao của Tim tím Huế, của tác giả, của một cây bút nhuần nhị với chất giọng mượt mà hiền thục nhu mì. Chúng ta đón đọc những tác phẩm mới của Bùi Kim Chi như “Đôi mắt hình chiếc lá” với lời chúc mừng chị sẽ thành công nhiều hơn nữa trong văn nghiệp.
N.G.T.C
(SDB9/6-13)