Mẹ là nguồn tình cảm vô tận; là nguồn cảm xúc dồi dào thơ ca. ca dao của dân tộc ta ví “nghĩa mẹ như nước trong nguồn” là rất đúng! Trên thế gian, ai mà chẳng có một người mẹ của riêng mình. Cũng như bao người mẹ Việt
với phẩm chất cao đẹp “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, mẹ của Văn Lợi còn là mẹ của nhà thơ. Có lẽ vì thế mà mẹ có thêm niềm hạnh phúc được người con thi sĩ làm thơ ca ngợi cuộc đời mình, nói thay mình bằng thơ những điều mình không muốn nói. Nhà thơ Tố Hữu có một câu thơ rất hay nói về đức tính của những người mẹ Việt
“Sớm chiều gánh nặng, nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng, biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”.
“Mẹ!” của Văn Lợi là một tập thơ dành riêng cho người mẹ đã sinh thành ra anh, gồm tất cả 21 bài; có bài viết khi mẹ còn sống, có bài viết sau khi mẹ đã qua đời. Ngoài phần thơ của tác giả, còn có 3 bài bình và một ca khúc của các nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ: Ngô Minh, Lý Hoài Xuân, Văn Tăng, Quách Mộng Lân. Ngay trong lời tâm sự ở đầu tập thơ, nhà thơ Văn Lợi viết: “Quả tình tôi không có chủ đích là viết và in một tập thơ riêng cho mẹ mình. Những ngày bà còn sống tôi viết ra những cảm xúc, những ngẫm suy về người mẹ của mình bằng những dòng thơ để tỏ niềm kính yêu với mẹ...Sau ngày bà mất, nỗi trống vắng trong cõi lòng mình càng lớn, và tôi lại lấy thơ, một khả năng may mắn trời phú cho mình để thốt lên nỗi xót đau, cũng là để một lần nữa tạ lỗi với mẹ, tạ ơn với mọi người đã chia sẻ nỗi niềm với bà những ngày ốm đau và sau khi tạ thế...”. Tuy vậy, qua tập thơ, chúng ta càng hiểu thêm chân dung và những chuyện riêng cuộc đời của mẹ anh, hiểu thêm tình cảm đặc biệt sâu sắc của anh đối với mẹ. Đây là vùng đất nơi mẹ anh sinh ra: “Nơi sinh ra mẹ, đất Phù Kinh Núi tựa Rồng bay, cảnh hữu tình Non nước trời mây man mác ấy Lắng vào đời mẹ lẽ nhân sinh” (Lòng mẹ) Nối buộc với mảnh đất nơi mẹ sinh ra, tác giả có những kỉ niệm tuổi thơ thật khó quên: “Mỗi năm theo mẹ đi về Tình quê thấu suốt mọi bề khúc nôi” (Tình quê – Tình mẹ) Anh nhớ lại “Thuở mẹ dắt con hăm hở đến trường... Mẹ sợ con đi về lạc lối”. Những ai đã viết Văn Lợi là con mồ côi cha từ nhỏ, khi đọc những câu thơ sau không thể không xúc động: “Mẹ tôi từ thuở ba hai Đã thành quả phụ, trĩu vai gánh gồng Nuôi con trọn đạo thờ chồng Để con đừng thấy thiếu vòng tay cha” (Mẹ tôi) Người mẹ ấy không chỉ “trọn đạo thờ chồng” mà còn rất nặng nghĩa với tổ tông thân quyến: “Phận gái theo chồng, biền biệt quê Day dứt tâm can mỗi độ về Khói hương, mộ ngoại ai chăm chút Lòng mẹ khôn chừng nguôn tái tê” (Lòng mẹ) Quả như Văn Lợi nói: “Cuộc đời mẹ như cây tre trăm đốt – mỗi đốt tròn săn mỗi gánh đường đời”, “mẹ nuôi con bằng cuộc đời của mẹ, trăm mối cưu mang – một mối đời con”. Hình ảnh mẹ hiện lên trong thơ anh thật hồn nhiên, nhân hậu: “Mẹ tôi cười tiếng rất giòn Tiếng cười khiến cả cháu con cùng cười” (Mẹ tôi) “Mẹ tôi thành cố, thành bà Vẫn chăm cháu chắt như là chăm con” (Mẹ tôi) Đó là một người mẹ hay cả lo, mặc dù con đã lớn mà vẫn lo cho con “như thuở còn chơi trốn tìm”, luôn luôn dạy dỗ con những điều hay lẽ phải: “Mẹ khuyên đi đứng giữ gìn Nói năng, ăn ở biết mình, biết ai” (Mẹ tôi) “Mẹ không ước sự sang giàu Chỉ mong con nhớ nơi nào sinh con” (Tình quê – tình mẹ) Hy sinh, quên mình vì con vì cháu cho đến phút cuối đời trong lúc ốm đau: “Ước trời cho sớm về theo ngoại Ốm đau nằm mãi khổ con thôi!” (Lòng mẹ) Sống giữa tình thương bao la, trìu mến của một người mẹ như vậy nên nhà thơ hết sức khổ đau khi trên cõi đời mẹ không còn nữa: “Mẹ nằm xuống, đất trời thương thượng thọ Cây đầm đìa nước, gió tê tê” (Cảm tạ) Anh xót xa kêu lên: “Mẹ ơi! Khi mẹ không còn Thì con mới rõ núi mòn một bên Thì con mới hiểu đất thiêng Thì con mới thấy nặng niềm tâm tư” (Khi mẹ không còn) Hình bóng mẹ vẫn đi về trong giấc mơ của anh: “Mẹ ơi! Trong giấc chiêm bao Vẫn lời mẹ ngọt thấm vào lòng con Dẫu đi khắp nước cùng non Đá mềm chân cứng, con còn: Mẹ ơi!” (Mẹ ơi!) Văn Lợi rất nhiều lần thầm gọi mẹ trong mơ và trong thơ. Anh tạ ơn mẹ bằng thơ, “nghĩ về mẹ”, anh “nghĩ về hạnh phúc!”, bởi: Mẹ ra đi nhưng đã để lại cho cháu con cây Đức ở đời; mẹ luôn tồn tại trong tâm hồn, máu thịt, hình hài cháu con. Văn Lợi viết về mẹ của anh mà như viết về mẹ của mỗi chúng ta. Mẹ trong thơ anh chân thực, đầy tính nhân văn. Phải chăng trong mẹ của anh có một phần mẹ của mỗi chúng ta, và trong mẹ của mỗi chúng ta có một phần mẹ của anh? Cảm ơn anh đã nói thay chúng ta những điều về mẹ bằng tình cảm thật cao – dày – cảm động. Tập thơ “Mẹ!” của anh vì thế không chỉ là tập thơ dành tặng riêng cho mẹ của nhà thơ! L.H.X
(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)
|