Cuốn sách này gồm những chuyên luận nghiên cứu về văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Đây là một trong những công trình thử nghiệm biên soạn lịch sử văn học Việt Nam trên một cách tiếp cận mới, tiếp nối các công trình văn học sử của Dương Quảng Hàm(2), Nghiêm Toản(3), Phạm Thế Ngũ(4), Thanh Lãng(5), nhóm Lê Quý Đôn(6), Ban nghiên cứu Văn sử Địa, Viện Văn học(7), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội(8), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội(9), Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam(10), nhóm Phan Cự Đệ(11)…
Trong quan niệm biên soạn, công trình văn học sử này thuộc hệ thống sách tham khảo đặc biệt do nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sư phạm biên soạn. Mục đích xuất bản cuốn sách này “nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giảng dạy của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo viên phổ thông, giảng viên đại học (...), góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, dân trí xã hội trong thời kì mới...” [tr.3.](12). Nó còn có mục đích giữ gìn, “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Do vậy, cuốn sách đều do những nhà nghiên cứu văn học đầu ngành biên soạn, nhằm đạt tới giá trị khoa học và thực tiễn, mang ý nghĩa chính trị, văn hoá, giáo dục.
Trong ý nghĩa chuyên môn, cuốn sách này tập hợp nhiều bài viết mang tính chuyên khảo, chuyên luận của các nhà văn học sử nhằm “làm sáng tỏ hơn một số vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu trong công việc nhìn ra một hệ quy chiếu mới đối với lịch sử văn học viết, cả từ góc độ lý luận lẫn từ góc độ lịch sử... nhằm tạo ra một bình diện và phương hướng tiếp cận mới” [tr.4]. Tính chất lí luận văn học và lịch sử văn học trong quan niệm biên soạn của các soạn giả đều được bộc lộ riêng hoặc đan xen lẫn nhau. Đây là bản tổng kết bước đầu về mặt lý luận của tiến trình văn học viết Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Quan niệm nghiên cứu ở đây không xuất phát từ một tập thể mà từ nhiều soạn giả độc lập. Và đây không hẳn là một công trình văn học sử, “không hướng tới mục tiêu biên soạn lại một bộ lịch sử văn học hay một bộ giáo trình văn học sử” [tr. 34] như các soạn giả đã giới thiệu một cách dè dặt.
Về phương pháp trình bày, ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được trình bày qua bốn phần. Phần mở đầu nhằm tiến tới xác lập hệ quy chiếu mới cho việc nhận thức lại văn chương truyền thống. Cách mở đầu phần này mở ra góc nhìn về văn học quá khứ trên tư duy lý luận hiện đại. Phần một nhằm giới thiệu những vấn đề chung và phương pháp nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam. Phần hai được dùng để bàn về mối quan hệ văn hoá, văn học Việt Nam với văn hoá, văn học khu vực. Phần ba được dùng để giới thuyết về sự vận động của các loại hình tác giả, chủ đề, đề tài và hình tượng nhân vật trung tâm của văn học trung đại Việt Nam. Sự vận động thể loại và ngôn ngữ được giới thiệu trong phần bốn. Như thế, phần một có tính chất lý luận, phương pháp luận nghiên cứu. Ba phần còn lại có tính chất lịch sử văn học, bàn đến ba vấn đề văn học sử quan trọng là ảnh hưởng văn hoá văn học, sự vận động loại hình và sự vận động thể loại. Cách trình bày như vậy có tính khái quát và khoa học. Trong quá trình biên soạn, cách trình bày của soạn giả này không ảnh hưởng đến soạn giả khác. Bởi vì, họ làm việc độc lập theo các chuyên đề riêng biệt.
Về quan niệm văn học và văn học sử, các soạn giả đều muốn thể hiện một quan niệm mới về lý luận văn học, lịch sử văn học. Những nhà văn học sử này muốn có hệ quy chiếu mới, có một tri thức lý luận mới từ thực tế nghiên cứu văn học sử. Họ muốn vận dụng phương pháp tiếp cận từ văn hoá học để nghiên cứu đặc trưng và quy luật văn học trung đại Việt Nam. Phương pháp so sánh, phương pháp loại hình, phương pháp thể loại, ngôn ngữ đều được vận dụng như những phương pháp mới trong nhận thức và nghiên cứu trên cơ sở một hệ quy chiếu mới, khác hẳn hệ quy chiếu lấy phương pháp xã hội học Mác-xít làm chủ đạo. Các soạn giả đã bước đầu đưa ra “Những vấn đề mang tính tổng quát hoá, khái quát hoá-vốn là một đòi hỏi bắt buộc đối với các bộ lịch sử văn học hay các giáo trình ở bậc đại học trở lên...” [tr.35].
Văn học là một bộ phận của văn hoá. Do vậy, sự ảnh hưởng văn học Việt Nam trong tương quan văn học Trung Quốc hay phương Tây đều diễn ra trong nền tảng văn hoá. Vì vậy, vận dụng phương pháp so sánh văn hoá, văn học là hướng đi cần thiết trong khi nhìn nhận lại văn học trung đại Việt Nam trên tầm nhìn mới. Đặt văn học trung đại Việt Nam trong giao lưu văn học Trung Quốc, văn học Đông Á; trong mối quan hệ văn học viết và văn học dân gian; văn học đàng ngoài và văn học đàng trong sẽ đưa đến tính đa hệ, đa diện đối với bộ phận văn học này.
Ở Phương pháp loại hình, sự vận động của các loại hình tác giả, chủ đề, đề tài và hình tượng nhân vật là những tuyến tính tạo nên tiến trình lịch sử văn học Việt Nam. Các soạn giả quan tâm phương diện thẩm mĩ của thơ Nho gia và Thiền gia, các loại hình tác giả trong văn học Lý -Trần, sự vận động của các loại hình tác giả, loại hình nhân vật trong văn học trung đại Việt Nam, thể tài thơ vịnh sử. Dẫu những vấn đề này chưa khái quát hết sự vận động của lịch sử văn học, nhưng các nhà văn học sử này bước đầu muốn lấy loại hình văn học để tái hiện tiến trình lịch sử văn học trung đại Việt Nam.
Đối với vấn đề khảo cứu sự vận động thể loại, ngôn ngữ như là sự vận động của lịch sử văn học, các nhà văn học sử đã khái quát được hệ thống thể loại văn học Lý - Trần, bàn về các thể loại thơ Nôm Đường luật, từ, phú chữ Hán Việt Nam, lục bát, song thất lục bát, hát nói, truyện kỳ ảo, văn học tuồng, tiểu thuyết chương hồi và sự vận động ngôn ngữ văn học trung đại. Thực chất, đây là tập hợp của các chuyên luận nghiên cứu về hệ thống thể loại, các thể loại văn học trung đại cụ thể và ngôn ngữ văn học trung đại. Nối kết những công trình này theo hướng vận động thể loại, vận động ngôn ngữ văn học là một ý tưởng nhằm tái hiện lịch sử văn học theo hướng mới. Nhưng, đối với các thể loại văn học trung đại Việt Nam có rất ít tính chất vận động mà chúng ta nghiên cứu theo cách này không hoàn toàn khả thi. Thi pháp của các thể loại văn học này ít có sự biến động trong các giai đoạn lịch sử. Do đó, theo chúng tôi, đặt vấn đề vận động thể loại trong phần bốn của bộ sách không hoàn toàn tương thích với đặc trưng thể loại văn học trung đại Việt Nam và những bài chuyên luận về thể loại này chưa thể đáp ứng được tư duy mới về sự vận động thể loại. Còn vấn đề tái hiện sự vận động của ngôn ngữ văn học là một hướng đi cần thiết khi nghiên cứu, biên soạn lịch sử văn học trung đại Việt Nam.
Trên cơ sở phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu mới như trên, các soạn giả đã có quan niệm phân kỳ các loại hình, thể loại và ngôn ngữ văn học từ chính bản thân nền văn học, chứ không quá phụ thuộc vào tiêu chí lịch sử xã hội. Về loại hình tác giả, thế kỷ XIII và XIV là thời điểm quan trọng trong xu hướng nhà nho thay thế nhà sư, quý tộc trở thành lực lượng sáng tác chủ yếu. Các loại hình tác giả chuyển từ loại hình nhân cách trí thức Phật giáo, loại hình nhân cách trí thức tôn thất - quý tộc sang loại hình nhân cách trí thức nho sĩ. Điều này thể hiện “Nền văn học Việt Nam từ thế kỷ XIV thực sự đi vào quỹ đạo quen thuộc đối với nền văn học Đông Á, đã đánh dấu sự hoàn tất quá trình chuyển vùng về mặt văn hoá của Việt Nam từ Nam Á sang Đông Á” [tr.403]. Loại hình nhân vật có sự chuyển dịch từ loại hình nhân vật vô ngã sang loại hình nhân vật quân tử, đến loại hình nhân vật tài tử (nửa sau thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX). Còn thơ vịnh sử ra đời từ đời Trần (thế kỷ XIII), phát triển hoàng kim vào thế kỷ XV-XVI, rồi có nhịp độ đều đều vào những thế kỷ tiếp theo.
Trong sự phân kỳ các thể loại văn học, các soạn giả đưa ra hệ thống thể loại như thơ sấm vĩ, thơ thiền, thơ chính luận... Trong các thể loại cụ thể, thơ Nôm Đường luật vận động qua các giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII và từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX. Thể Từ còn trong định hướng nghiên cứu chứ chưa thể phân kỳ. Thể phú chỉ được nghiên cứu qua các triều đại chứ chưa phân kỳ rõ ràng. Thể lục bát và song thất lục bát vẫn chưa được phân kỳ. Hát nói được phân kỳ qua các giai đoạn trước thế kỷ XIX, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX với Nguyễn Công Trứ, giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX sau Nguyễn Công Trứ, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến Tản Đà. Thể truyện kỳ ảo được nghiên cứu qua các tác gia, tác phẩm chứ chưa được phân kỳ. Thể tuồng được phân kỳ thành: tuồng thời Nguyễn và tuồng Tây Sơn, tuồng thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Thể tiểu thuyết chương hồi có hai giai đoạn phát triển là thế kỷ X-XVII, và thế kỷ XVIII-XIX. Còn về ngôn ngữ văn học chữ Hán được chia thành ba thời đoạn: thế kỷ X-XIV, thế kỷ XV - nửa đầu thế kỷ XIX, nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Nếu đối sánh với các cách tiếp cận văn học sử trong thế kỷ XX, chúng ta càng thấy rõ hơn nỗ lực tìm kiếm một cách tiếp cận mới, một hệ quy chiếu mới đối với bộ phận văn học Việt Nam cổ trung đại của các soạn giả này. Về sự ảnh hưởng phương pháp văn học sử, trong thế kỷ XX, các nhà văn học sử như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đổng Chi, Ngô Tất Tố… chịu ảnh hưởng phương pháp văn học sử phương Tây cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như G.Lanson (xem lịch sử văn học là bộ phận của lịch sử văn minh), Brunetière (sự tiến hoá của các hình thức thể loại), P.Berger. Các nhà văn học sử như Phạm Văn Diêu, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng tiếp tục chịu ảnh hưởng thêm phương pháp văn học sử của các nhà phê bình, nhà văn học sử phương Tây hiện đại thế kỷ XX, như Sainte Beuve (phương pháp thực chứng), H.Taine (văn bản học)… Trong khi đó, từ Nghiêm Toản đến các nhà văn học sử miền Bắc trước đây và (sau 1975), đều chịu ảnh hưởng phương pháp văn học sử của phương pháp xã hội học Mác-xít. Từ năm 1986 trở đi, nghiên cứu văn học sử Việt Nam đã có chiều hướng thay đổi, kết hợp với các phương pháp của loại hình học, thi pháp học, văn học so sánh, tiếp nhận văn học… Cuốn Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX này là một nỗ lực tái hiện lịch sử văn học trên hệ quy chiếu mới, chịu ảnh hưởng bởi các phương pháp của lý thuyết văn học sử hiện đại cuối thế kỷ XX, muốn thoát ra khỏi hệ quy chiếu của các nhà văn học sử Việt Nam trước đây.
Tuy nhiên, nếu xét cho công bằng vấn đề đặt văn học trong tầm nhìn của phương pháp so sánh về văn hoá, văn học; trước đây Dương Quảng Hàm, Phạm Thế Ngũ… cũng đã thực hiện. Sự khác biệt là quan niệm về phương pháp so sánh của nhóm Trần Ngọc Vương đang tiếp thu từ Văn học so sánh và vận dụng vào nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trong tình hình đã có nhiều nguồn tư liệu hơn, nhiều kết quả nghiên cứu văn học sử hơn trong gần một thế kỷ. Tương tự, nỗ lực vận dụng phương pháp loại hình tác giả, phương pháp thể loại, ngôn ngữ cũng được áp dụng trong tình hình lý luận và thực tiễn nghiên cứu văn học sử đang ở một mức độ tốt hơn.
Đặc biệt, trong phương pháp phân kỳ lịch sử văn học, phần lớn các nhà văn học sử trước đây đều áp dụng một khung phân kỳ thống nhất cho toàn bộ tiến trình văn học Việt
. Trong khi đó, nhóm Trần Ngọc Vương trong công trình văn học sử này lại áp dụng phương pháp phân kỳ cho các loại hình, thể loại văn học khác. Do vậy, diện mạo và đặc điểm của tiến trình văn học Việt hiện lên với một phức hợp đan xen, chứ không đơn nhất. Quy luật phát triển của tiến trình văn học Việt Nam có thêm một hệ thống các quy luật phát triển bên trong văn học, bên cạnh những quy luật phát triển vĩ mô của lịch sử văn học Việt Nam mà các nhà văn học sử trước đây đã khẳng định.
Với quan niệm văn học sử mới và thông qua kết quả của các chuyên luận của các nhà văn học sử, công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX này đã đạt được sự thành công trong việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam. Nếu kết hợp với Văn học Việt Nam thế kỷ XX do Phan Cự Đệ chủ biên, chúng ta có thể hình dung ra tiến trình văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XX trên một hệ quy chiếu mới với phương pháp viết lịch sử văn học hiện đại. Những thành tựu lý luận về văn học sử và thực tiễn nghiên cứu qua hai công trình này cho phép chúng ta nghĩ đến một công trình văn học sử mới trong tương lai. Bởi vì, hiện tại hai công trình này chưa hoàn toàn là những bộ lịch sử văn học Việt Nam thực thụ. Những đóng góp về quan niệm và phương pháp văn học sử từ hai công trình văn học sử này sẽ tác động cho sự hình thành một thời kỳ biên soạn lịch sử văn học mới trong thế kỷ XXI. L.Q.T
(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)
------------------ (1) Trần Ngọc Vương chủ biên, Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX những vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2007. (2) Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nha Học chính Đông Pháp Xb, Hà Nội, 1943. (3) Nghiêm Toản, Việt Nam văn học sử trích yếu, Nxb Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1949. (4) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập I, II, III Quốc học Tùng thư Xb, Sài Gòn, 1961, 1965. (5) Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt
, quyển Thượng, Trình bày Xb, Sài Gòn, 1967. (6) Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu,
Lê Trí Vi
ễn, Huỳnh Lý,
Trương Chính
,
Lê Thư
ớc, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, Tập I, II, III , Nxb Xây Dựng, Hà Nội, 1957. (7) Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam - Thế kỉ thứ XVIII, quyển I-VII Nxb Văn sử địa, Hà Nội, 1957-1964. (8) Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân,
Lê H
ữu Tấn, Hoàng Tiến Tựu, Đỗ Bình Trị,
Lê Trí Vi
ễn, Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I-Văn học dân gian, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1961. (9) Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Lịch sử Văn học Việt Nam-Văn học Dân gian, tập I, II, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1972-1973. (10) Ủy ban Khoa học xã hội Việt , Lịch sử văn học Việt
, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980. (11) Phan Cự Đệ chủ biên, Văn học Việt Nam thế kỷ XX, những vấn đề lịch sử và lý luận, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2004. (12) Những trích dẫn như thế này trích từ cuốn Văn học Việt
thế kỷ X-XIX, sđd.
|