Lãng mạn, dung dị và đằm thắm, đó là những nét nổi bật của tiểu thuyết: "Đồi trở gió” – cũng là những yếu tố làm nên sự thành công của tác phẩm này. Tiểu thuyết về hợp tác xã nông nghiệp Võ Lâm (Võ Lâm là tên một làng của tỉnh Nghệ An) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước như những làng quê khác ở nửa nước phía Bắc lúc bấy giờ, đàn ông con trai Võ Lâm đi chiến trường đánh giặc hết, ở hậu phương chủ yếu là người già phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những người mẹ, người vợ, người em gái vừa làm phần việc của mình, vừa gánh vác thêm phần việc của người ra trận. Sản xuất trên đồng ruộng Võ Lâm để có lương thực nuôi người hậu phương và gởi ra nuôi người tiền tuyến, vừa phải trực chiến bắn máy bay Mỹ không cho nó đến đánh phá. Trong quá trình vừa sản xuất vừa chiến đấu, Hợp tác xã Võ Lâm đã làm nên những thành tích đáng tự hào: lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người, bắn rơi máy bay Mỹ trên đồng làng, bắt sống giặc lái Mỹ…
Đó là những người nông dân bình thường giản dị như ông Mạn, cô Mân, ông Lãng, anh Hùng, cô Hường, cô Ngân… Mân có chồng là Đương sĩ quan dự bị được gọi tái ngũ. Sau thời gian tập trung huấn luyện để chuẩn bị vào chiến trường, đơn vị cho Đương tranh thủ về thăm gia đình một hôm. Họ cưới nhau ba năm mà chưa có con. Để làm yên lòng nhau, Mân và Đương đều tỏ ra vui vẻ thanh thản hồn nhiên nhưng cả hai đều da diết mong lần gặp nhau nầy có thể sẽ mang thai. Nhưng rồi niềm hy vọng mong manh cũng biến mất. Đương ra chiến trường thời gian đầu cứ vài ba tháng có thư về nhà, về sau thưa dần rồi bặt tin hẳn. Thương nhớ, lo lắng khắc khoải… nhưng Mân đã nén lòng lại lúc nào cũng tỏ ra vui tươi để yên lòng mẹ đẻ và mẹ chồng. Một mình quán xuyến việc nhà việc nước. Mân phụ trách đội thanh niên xung kích, Mân bí thư đoàn thanh niên cộng sản, Mân chủ nhiệm hợp tác xã, Mân phó bí thư chi bộ… Cùng một lúc gánh vác nhiều trọng trách mà trách nhiệm nào Mân cũng muốn chu toàn, nên lúc nào bà con cũng thấy Mân bận rộn, tất bật, nhưng lạ lùng thay, cái vẻ đẹp mặn mà tươi tắn trẻ trung chẳng những không mất đi, mà cứ ngời lên như nắng chiều xuân. Tham gia ban chỉ huy công trường đắp đập thuỷ lợi Khe Sung để lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng, chỉ đạo và đôn đốc các đội sản xuất lúa và rau màu đúng thời vụ, rồi chăm bón lúa, thu hoạch lúa…
Việc nhiều người ít nên Mân lúc nào cũng cố gắng bố trí nhân lực hợp lý để giành giật với trời đất và cả với giặc Mỹ từng hột lúa củ khoai. Mỗi lần giặc đánh bom người chết, xóm làng nhà cửa tan nát, đồng ruộng bị cày xới, mất bao công sức của cải, thâm độc hơn, giặc Mỹ còn ném bom nổ chậm và bom từ trường. Những quả bom từ trường nằm lẫn trong các ruộng lúa chín được các kỹ thuật viên lần lượt vô hiệu hoá, đồng thời phải thu hoạch lúa cho xong. Bom nhiều, vô hiệu hoá không xuể, thu hoạch lúa bằng liềm bằng hái sẽ xúc tác làm bom nổ, bà con đành bấm bụng vứt bỏ những khoảnh lúa rộng có bom… Nhưng chính Mân đã dùng hai bàn tay không tuốt lúa chín kề sát bên bom mà không hề hấn gì. Một mình đêm trăng ra đồng tuốt lúa thể nghiệm có kết quả tốt mới đem phổ biến cho các đảng viên, đoàn viên cùng làm. Một phụ nữ thông minh xinh đẹp dũng cảm giỏi giang mẫu mực là vậy, nhưng số phận tiếp tục thử thách chị, bom Mỹ giết chết một lúc mười bốn người dân Võ Lâm trong đó có mẹ chồng, mẹ đẻ và hai đứa em nhỏ, chỗ dựa tình cảm của chị cũng đã mất trong lúc bặt tin chồng. Một lần nữa chị đạp lên đau thương gian khổ mà đứng lên, dẫn dắt hợp tác xã và các hội đoàn tiếp tục sản xuất, nắm chắc tay súng phối hợp với đơn vị bộ đội phòng không đánh trả giặc Mỹ, chia lửa. Cảm phục vì tài năng đức hạnh của Mân, một chàng trai trẻ trong làng – Hùng đem lòng yêu Mân, rồi tìm cách ngỏ lời, nhưng đã bị Mân khước từ. Rồi đến lúc Mân và bà con tiễn Hùng và các bạn cùng trang lứa ra trận, tiếp bước cha anh. Mân và những người phụ nữ lại tiếp tục trên trận tuyến của mình…
Am hiểu nông thôn nông nghiệp và nông dân miền Bắc trong thời chống Mỹ cứu nước, nắm bắt được thực tế sinh động nên Hồng Nhu đã vẽ bức tranh nông thôn khá hoàn chỉnh tiêu biểu là Hợp tác xã nông nghiệp Võ Lâm với những hình tượng nhân vật được khắc họa tuyệt đẹp như Mân, Hường, ông Mạn, ông Lãng, cô Ngọc kỹ sư thuỷ lợi… Mân xuất thân là một nữ sinh tốt nghiệp phổ thông trung học (mười tám tuổi, học hết lớp mười, tóc mượt dài phủ mông, da trắng, ngực vun đầy, cô như một bông hoa hàm tiếu (T.34) những giây phút hiếm hoi thư thả một mình, Mân thường mơ mộng và mơ tưởng chồng, có khi tự đánh lừa mình bằng những giấc mơ giữa ban ngày cũng như đêm hôm khuya khoắt… Khi có đơn vị bộ đội phòng không về trú đóng gần nhà, với cương vị lãnh đạo đáng lý ra Mân phải thu xếp công việc đến thăm hỏi và giúp đỡ anh em bộ đội, nhưng Mân cứ nấn ná vì tưởng tượng có chồng mình trong đơn vị bộ đội ấy: “…Đương là đơn vị bộ binh được cử đi học cao xạ pháo và thuyên chuyển về pháo binh cách đây vài bốn tháng. Đơn vị được điều về hoạt động ngay tại tỉnh nhà. Do bí mật quân sự, anh không thể báo cho vợ biết. Đêm hôm qua được lệnh hành quân đến bố trí trận địa ở vùng đồi quê nhà, anh đang bận chỉ huy đơn vị lập trận địa, đào công sự, ngụy trang pháo, chuẩn bị mọi mặt cho việc sẵn sàng chiến đấu, nên dù ở ngay bên cạnh nhà, anh vẫn chưa về với chị được. Vả lại, anh cũng muốn làm cho chị ngạc nhiên một cú cho vui. Chốc nữa đây anh sẽ xuất hiện sau lưng chị, kêu tên chị, làm chị thảng thốt quay mặt lại, rú lên vui mừng và quên cả giữ ý tứ…” (T.164) Hoặc một chỗ khác: “Mân đặt ấm nước chè tươi vừa mới nấu và một chồng bát lên bàn, sửa soạn gọi xóm giềng đến uống nước thì một bàn tay ai đặt nhẹ lên vai chị, chị giật mình quay lại rú lên: - Anh Đương! Đương đột ngột hiện ra trong ánh trăng mỏng và nhẹ (…) Mân ôm chầm lấy anh, hai vòng tay siết chặt như sợ anh bay mất (…) Mái tóc còn thơm mùi rơm lúa của chị cứ rúc vào bộ ngực vuông vắn của anh, mừng tủi lẫn lộn (…) Ba ngày đêm ở với chồng trong kỳ Đương nghỉ phép nầy là ba ngày đêm khác hẳn với mười năm qua. Chị bỗng thoắt ngượng ngùng nhận thấy một sự thay đổi mới trong người…” (T.217) Người đọc mừng cho ước mơ được làm mẹ, ước mơ cháy bỏng của Mân có cơ trở thành hiện thực - dẫu đã khá muộn màng (hơn mười năm sau ngày cưới) nhưng… đó cũng chỉ là mơ! Thấu hiểu sâu sắc tấm lòng của người hậu phương đối với người ngoài mặt trận, với ước mơ được làm mẹ như là bản năng của người phụ nữ, Hồng Nhu đã khai thác tâm lý này khá nhuần nhuyễn làm cho người đọc xót xa và thương Mân đến cháy lòng. Như đã nói trên, với sự am hiểu thấu đáo về nông nghiệp nông dân và nông thôn, Hồng Nhu đã có những trang văn miêu tả đến nao lòng: “Nắng non trắng một màu ngà ngà như sáng trăng trải khắp cánh đồng đã lợp kín mạ mới cắm xuống. Khoảng nửa buổi người đi cấy giữa đồng đã lấm tấm mồ hôi. Trời tốt quá, cơ này đất khoai đất ruộng se được, đặt chiếc cuốc bàn vào thấy ngọt tay mà rồi đắp đập thuỷ lợi cũng đỡ chẳng mấy chốc mà đạt đến cao trình cần thiết (T.109) Hoặc: “Một buổi sớm, Mân vác cuốc thăm đồng. Mới đó mà nay lúa đã tốt ngợp, thửa nào thửa nấy cứ ngồn ngộn, bông dài to như đuôi trâu mới vực” (T.184).
Vào dịp kỷ niệm bốn mươi năm chiến thắng Truông Bồn – Đô Lương - Nghệ An (10.1968 – 10.2008) báo chí nhắc lại việc phá bom từ trường của đội cảm tử quân Truông Bồn thuở ấy, xem ra cách phá có hơi khác với cách của Hồng Nhu viết trong “Đồi trở gió”. Các kỹ thuật viên phá bom từ trường của Hồng Nhu hầu hết là xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp Võ Lâm “…Hợp tác xã ghi công điểm cho mỗi chiến sĩ phá bom là một công rưỡi cao nhất, ngoài ra còn xuất quỹ đài thọ ngày hai bữa cơm no nê” (T.199) cách phá bom rất thô sơ, thủ công, và mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều với các cảm tử quân ở Truông Bồn: “Dùng một sợi dây dài có buộc những thanh sắt, hai người cầm hai đầu đứng dưới hầm cưa qua cưa lại vào quả bom như cưa gỗ. Sắt cọ vào quả bom gây nên phản ứng từ và bom nổ” (T.189) Mân nhoẻn cười nhẹ nhàng quàng cuộn dây lên vai, vừa lom khom bước vừa sải ngang qua quả bom nhìn cái chong chóng trắng hếu của nó Mân nổi gai khắp người (…) Hai múi dây đầu vắt qua một cái nạng nhỏ như súng cao su. Đứng trong hầm Hùng cầm một múi, Đá một múi, chân giạng ra, kéo đi kéo lại cọ xát trên chong chóng quả bom như hai chàng thợ cưa. Mỏi tay, Ngần, Luyến vào thay… Đến quả thứ ba Ngần, Luyến đang kéo nửa chừng thì tắc, dây buộc các thanh kim loại bị mắc vào chỗ nào đó, cưa không chạy. Ông Lãng nhíu trán: phải gỡ ra. Đến tận nơi mà gỡ thôi! Ai đi nào? (…) Ai cũng muốn mình được xông vào nơi nguy hiểm nhất (…) Mân chậm rãi: …chúng ta đều là đảng viên, đoàn viên cả, nhưng tôi có kinh nghiệm hơn các đồng chí, tôi đã trực tiếp đi tập huấn trên Huyện (…) thế là cả đội đuối lý. Ông Lãng dặn: hồi nãy tôi thấy bom loé lửa mấy giây sau mới nổ (…) đồng chí nhớ tốc lực chạy mươi bước rồi nằm xuống nhé! Mân gật đầu, chị thấy bình tĩnh lạ lùng, chạy về phía quả bom…” (T.200-203).
Vấn đề đặt ra trong “Đồi trở gió” là những khó khăn gay gắt tận cùng của cuộc sống đặt ra trước con người, bắt con người phải chọn lựa, là phải chiến đấu để tồn tại, cũng là những thử thách nghiệt ngã của chiến tranh đối với người phụ nữ Việt Nam: trong gian khổ ác liệt, sắc đẹp và những đức tính dịu dàng, thuỷ chung, dũng cảm… một lần nữa được tôn vinh. Cùng với Võ Lâm, những tên đất tên người trong “Đồi trở gió” được Hồng Nhu trần thiết như một thứ trang sức cho tác phẩm đậm đặc chất nông thôn Việt, những đồi Trạo Rùng, chợ Rạng, chợ Rộ, Rú Quéo…, những ông Đá, ông Bờ, bà Thờng, Tuần Chư… Hồng Nhu đôi lúc không làm chủ được ngòi bút, cứ miên man sa đà với lịch sử những cuộc đất, lý lịch của các nhân vật phụ, làm mất cân đối bố cục tác phẩm. Tuy vậy, người đọc không dễ dàng bỏ qua những trường đoạn mất cân đối ấy, vì nó thực sự lôi cuốn bởi cái đằm thắm, nhuần nhị, duyên dáng… như bao lâu nay người ta đã từng bắt gặp trong thơ, trong truyện ngắn của anh. H.K.L
(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)
----------------- (*) Tiểu thuyết Hồng Nhu NXB QĐND 2008.
|