Như lời tựa đã báo trước, tập thơ của Tường Phong - tức thầy Nguyễn Đình Niên mà nhiều thế hệ nữ sinh Đồng Khánh đã theo học - là “một thế giới độc thoại, một thế giới còn lại sau bao nhiêu dâu bể, bao nhiêu bất trắc, chẳng quan tâm đến những gì mà người ta thường gọi là tính hiện đại...” Nhưng khi lần mở tập thơ và đọc từ bài này sang bài khác chúng ta mới thấy thế giới thơ trong đó không hề đơn giản. Phần đầu tập thơ, Trăng Phương Đông, có lẽ được sáng tác từ lâu nên mang hơi hướng của thơ xưa, với vẻ mượt mà trang trọng phần nào cổ kính, đượm không khí Đường thi và ngôn từ óng chuốt của thơ tiền chiến: Ngõ lạnh người về nhạt áo Thơ, Sương nương lối cũ dáng thu hờ, Chiều xưa trở gió trầm hiu hắt, Sắc núi lao đao nhịp hải hồ. (Dặm hồng) Mưa suốt ba ngày vợi cả thu, Đèo xa, đâu nhé! thoáng sương mù, Lan rừng chắc đã mờ nhan sắc, Như mắt hôm nao khóc tạ từ. (Vô đề ) Phần thứ hai, Vẫn là tình nhân, tứ thơ đã khác rất nhiều, dường như tâm hồn người thơ đã đổi thay cùng với thời gian, với cuộc sống, mang một màu sắc mới mẻ hơn, không còn dàn trải với vẻ buồn nhẹ nhàng man mác mà xoáy vào những cảm xúc buốt xót tạo nhiều ấn tượng. Tuy vẫn giữ luật bằng trắc của thơ bảy chữ, nhưng tác giả đã giảm bớt rất nhiều sự nhịp nhàng của âm điệu thơ, câu thơ bây giờ mộc mạc hơn về ngôn từ nhưng lại nặng ký hơn trong ý tưởng. Xáo trộn thời không trong tóc rối, Một cơn sắc nước gió khuynh thành, Thiên đường địa ngục đi theo sóng, Còn lại mình em - Em của anh. (Sợi áo tơ trời) Từ bỏ sự nhịp nhàng trầm bổng có phần máy móc của thơ cũ, tác giả giờ đây chú trọng nhiều đến sức mạnh chất chứa của hình ảnh: Mỗi ngày làm một bài thơ Góp một que diêm cho người đốt thuốc
Mỗi ngày làm một bài thơ, góp một nốt nhạc cho người hát ca .... Mỗi ngày làm một bài thơ, góp một chút bọt sủi tăm Cho ly rượu người thất tình ngồi một mình trên mỏm đá dưới chân quây quần sao
Mỗi ngày làm một bài thơ Góp một chiếc hôn Cho người quá lứa yêu đương. Nhưng phải đến phần thứ ba, Thơ của người cô độc, sức hút mạnh mẽ của thơ mới thực sự bộc lộ qua những câu chữ mộc mạc mà chất chứa rất nhiều nội lực. Có thể nói đây là những vần thơ cô đọng nhất trong đời người thi sĩ đã “làm thơ từ trong bụng mẹ”, giống như những hạt trai già dặn và kết tinh nhất trong lòng con trai già dưới biển khơi. Phải chăng những lời thơ ấy đã được chắt lọc từ cái giá phải trả là một đời cô quạnh với bao nhiêu trải nghiệm sâu sắc của kiếp người: Bướm đổi thân Trang Chu, Ôm cái nghèo sống ngang trời đất, chỉ còn một vầng trăng.
Mây trắng ta trả núi, Tiền bạc trả lại cho người đời, Xương thịt trả cho đất.
Em như tấm khăn lụa Cứ mười năm đổi màu một lần Băng bó trái tim anh. Thơ của người cô độc với một tiết nhịp và âm điệu riêng rất khó tả, để lại trong tâm trí người đọc ấn tượng về một loài thiên cầm - một loài chim nhả tiếng hót từ trong đau đớn và thương yêu, nên tiếng hót ấy là những viên ngọc đỏ như máu và trong vắt như pha lê. Những viên ngọc ấy làm cho sự cô độc thăng hoa, trở thành mảnh đất để tác giả trồng lên một loài cây đắng chát mà cho ta một thứ quả rất ngọt ngào. Đó là tình thương yêu da diết cuộc đời này với những nỗi đau và những ước mơ tha thiết. Dù có lúc mệt mỏi với cuộc sinh tồn quá ư nặng nhọc “Có cái mẹo nhỏ nào/ Để ta thoát khỏi trần gian này/ Đi về một cõi khác?” nhưng trong dự cảm về chuyến vượt thoát khỏi trần gian, tác giả vẫn không quên mong mỏi: Ta nhập một cùng ánh sáng mặt trời Bay về nơi em ở... Một khi tâm thức còn gắn chặt với ý niệm về mặt trời và tình yêu, thì loài thiên cầm vẫn còn tiếp tục cất tiếng hót trên mặt đất đầy bão tố này. Và như thế, người thơ đã không còn cô độc... T.T.M
(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)
|