Từ đó đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức được 6 Ngày Hội Thơ Việt Nam (sắp đến Ngày Hội Thơ lần thứ 7). Và trên blog lịch hàng năm hiện nay của Việt Nam, vào ngày rằm nguyên tiêu, có đề rõ: Ngày Hội Thơ Việt Nam. Như vậy, Ngày Hội Thơ Việt Nam đã trở thành ngày lễ hội thơ chính thức của dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình và rất yêu thơ. Và cũng mặc nhiên, Thủ đô Hà Nội đã trở thành nơi tụ hội đông đảo nhất cả nước những gương mặt thơ, giọng điệu thơ, những trào lưu và những khuynh hướng thơ…
NHỮNG GƯƠNG MẶT THƠ VÀ NHỮNG GIỌNG ĐIỆU THƠ Sẽ là khiếm khuyết nếu trong khuôn khổ bài viết này lại liệt kê danh sách các nhà thơ Việt từ cổ chí kim. Việc này đã có Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt thường xuyên cập nhật. Chí ít, hiện nay các bác trong Hội đồng vẫn đang bàn tính chọn ra chừng 300 gương mặt nhà thơ để đưa vào cuốn thơ dự định cho kế hoạch “liên danh Đông Nam Á” (chữ dùng của người viết) sắp tới. Và hàng năm vào Ngày Hội Thơ Việt
, các câu thơ hay của chừng vài chục nhà thơ vẫn được chọn để viết lên bóng bay, thả lên trời.
Các nhà thơ trẻ vẫn tiếp tục lên ngôi. Nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh, được giới trẻ tò mò săn lùng, hiện diện trên thơ đàn cả chục năm trời. Nhưng chính kiến khi xét kết nạp chị vào Hội Nhà văn Việt Nam lại rất chênh giữa quan điểm khắt khe cá nhân nhà thơ của Hội đồng Thơ với quan điểm cởi mở hơn về tài thơ của Ban Nhà văn Trẻ. Hay như Nguyễn Vĩnh Tiến, người góp phần làm sôi động Sân Thơ Trẻ mấy năm liền (cùng Vi Thùy Linh), được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt lại là từ việc anh phổ nhạc thành công, thể hiện thành công bài hát “Bà tôi”. Những giọng điệu thơ mang sắc núi như Bùi Thị Tuyết Mai, Tằng A Tài, Chu Thị Minh Huệ… hay những giọng điệu thơ mang nhịp điệu @, interrnet, hậu hiện đại, tân hình thức như Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Vĩnh Tài, Nguyệt Phạm, Dạ Thảo Phương, Trang Thanh, Hồ Huy Sơn, Đoàn Văn Mật… đã phả hơi thở mới hòa cùng nền thơ Việt Nam, và xuất hiện trên nhiều sạp thơ Hà Nội. Không chịu thua cánh nhà thơ có danh, có độc giả, thường xuyên được báo chí chính thống đăng tải thơ, những Câu lạc bộ Thơ dành cho người yêu thơ của rất nhiều tầng lớp trí thức, doanh nhân, công nhân, bộ đội, sinh viên… ra đời. Họ lao động, sản xuất và làm thơ, mỗi khi in thơ thường chấp nhận mua sách thơ in chung, không nhận nhuận bút. Điển hình của phong trào này là sự hoạt động rầm rộ lan từ Hà Nội ra khắp các tỉnh thành trong cả nước của Câu lạc bộ Thơ Việt , với hàng ngàn hội viên, do nhà thơ Bành Thông làm “Chủ soái”.
NGÀY THƠ TIẾP NỐI Sau Ngày hội Thơ Việt Nam tại Văn Miếu, nhiều đơn vị, tổ chức tại Hà Nội cũng tổ chức những Đêm Thơ. Chẳng hạn Đêm Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội, thường kết hợp với một Khoa của một Trường đại học như Khoa Văn – Đại học KHXH & Nhân văn. Các tổ chức như Hội đồng Anh, Espace – Pháp… thường mời các gương mặt Thơ trẻ trình diễn trong các chương trình Trình diễn Thơ của họ. Các trào lưu và khuynh hướng thơ được nhân lên, nhấn mạnh và nhận được xúc tác nhiều chiều từ phía độc giả như: Hậu hiện đại - Tân hình thức - Không vần - Cổ điển - Thiền… Chính nhờ trào lưu trình diễn thơ diễn ra tại các điểm văn hóa, mà năm 2008, tại sân Thái Học, Ban Công tác Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã cùng các nhà thơ và các cộng tác viên quyết định tổ chức Trình diễn Thơ tại Sân Thơ Trẻ 2008. Cuộc Trình diễn Thơ này khá thành công, để lại dư âm cho độc giả yêu thơ và tạo nên một sắc diện thưởng thức đa chiều cho thơ.
Năm 2009, lễ hội thơ Việt Nam tại Văn Miếu và nhiều nơi khác trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành lân cận vẫn đang được chuẩn bị tích cực, dù cơn bão giá đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề tài chính cho Ngày Hội Thơ Việt Nam. Sân Thơ Trẻ sẽ đưa ra trình diện trước công chúng khoảng hơn mười nhà thơ trẻ, chưa từng góp mặt trên Sân Thơ Trẻ tại Văn Miếu lần nào. Lô gô Sân Thơ Trẻ sẽ được mang sắc thái hiện đại. THƠ TRẺ 2009 360°! V.T.X.H
(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)
|