Đúng là tập thơ “đi” thật. Trong 74 bài thơ trong tập thì đã có hơn hai chục bài anh viết dọc đường lang thang. Gần thì “Với Quảng Điền”, xa có “Hà Tiên”, “Cần Thơ” và cách một nửa bán cầu thì “Ép Phen”, “Sông Sein”... Đúng như anh nói: “Đi cùng năm tháng âm vang/ Lặn vào tâm tướng đa mang hồn người”. Càng đi xa, càng tìm nhiều, con người càng trở nên đa mang. Đọc cả tập thơ, ta thấy anh lang thang. Người giàu nội tâm cho nên bất cứ mảnh đất nào anh tới đều có những xúc động và ít nhất cũng làm được một bài tứ tuyệt. Nơi khởi nhịp bước chân đầu tiên, Lê Viết Xuân đã thật sự rung động đối với ngôi nhà của mình, cho nên anh đã có những câu thơ đầy ấn tượng về ngôi nhà xinh xắn đó: “Chuông chùa vẳng tiếng nhặt thưa Rừng thông mơ khúc đàn xưa chốn này Hương xưa hoa cỏ dãi bày” (Nhà tôi). Ngôi nhà của LêViết Xuân thật đẹp, có tiếng chuông chùa vẳng tới, có rừng thông, có tiếng đàn của gió, và có hoa cỏ đầy hương thơm. Nhà ấy đã tạo nên một tâm hồn lắng đọng. Từ đây Lê Viết Xuân đi tìm. Anh đã tìm được những kỷ niệm của một thời chiến tranh. Xa đó, nhưng bỗng gặp mặt là rưng rưng, là thấy trong ký ức mình sống lại một thời. “Con thuyền luồn dưới rừng tràm Hoang sơ quá, dáng em làm tôi nghiêng Em là cô gái giao liên Áo bà ba mũ vải mềm đến thương” (Xẻo Quýt) Những rung động ta gặp lại nơi anh ở Xẻo Quýt thật trẻ trung, thiêng liêng. Song phải đến Trường Sơn, rung động chiến tranh mới thật rõ nét: “Chia nhau viên thuốc cọng rau Chuyền tay đọc trang thư nhàu nắng mưa Cắn răng cơn sốt giữa trưa Bồng bềnh cánh võng trăng vừa nhô lên” (Trường Sơn trong anh) Câu thứ tư trong khổ thơ này không phải là trăng của Trường Sơn. Trường Sơn không thấy trăng vừa nhô lên đâu. Tuy nhiên câu thơ vẫn cảm động vì cơn sốt từ trưa, đến tận tối vẫn “bồng bềnh” trên cánh võng. Cái lơ mơ của cơn sốt vừa qua, bắt gặp ánh trăng đầy thi vị, yêu đời. Đây đúng là tâm trạng của người lính trẻ. Phải có cảm giác nặng trĩu của chiến tranh ấy, Lê Viết Xuân mới tìm thấy được bóng dáng hoà bình trong một phiên chợ quê thật ngọt ngào: “Chợ quê hay chính hồn quê Mà khôn nguôi gọi ta về người ơi” (Chợ quê) Đó đúng là phiên chợ thời bình mà Lê Viết Xuân tìm và gặp. Nhưng cái thấm đẫm thời bình mà Lê Viết Xuân gặp là tính người. Không hiểu sao gặp tình người mà Lê Viết Xuân lại xao xuyến đến vậy: “Tình yêu sống giữa cuộc đời Thuỷ chung nhân hậu với người mình ơi” Cũng trong bài thơ này ta thấy tác giả trăn trở về cái tình người ấy. Tuy không nói toẹt ra, nhưng cứ cái hồn thơ, ta thấy tác giả đã từng trải để nhìn đời thật rành rọt: “Chẳng ai xin chẳng ai cho Cuộc đời là những giấc mơ nối dài Biết ai khôn dại hơn ai Tình người đâu phải một mai một chiều”. (Mình ơi) Người đọc yêu thích sự trăn trở này. Bởi chính cuộc đời có nhiều mặt. Không thể tô hồng và cũng không thể xoá bỏ là xong. Nó cứ tồn tại cùng năm tháng. Vậy phải biết nó để mà sống cho đúng lòng mình. Không dễ gì có cái day dứt này: “Tôi nghe lời đường mật Tôi nghe lời đắng cay Giữa cuộc đời chân thật Trong sắc màu cỏ cây” (Tháng 3) Đó là những câu thơ hay nhất trong tập “Đi tìm” của Lê Viết Xuân. Người đọc cảm thấy suốt mấy chục năm cuộc đời đi và tìm, cuối cùng Lê Viết Xuân đã tìm thấy. Ấy là tình người. Thơ Lê Viết Xuân chân thật như cuộc đời anh. Đôi khi thơ anh quá dễ dãi nữa: “Trường cấp III
Quảng Ninh Trên miền đất lửa Quảng Bình quê ta Gửi lời theo những bài ca Say sưa chuyện cũ ngỡ là mới đây (Bên ché rượu cần) Nó không còn là thơ nữa mà là diễn ca. Hai yêu cầu ngặt nghèo của thơ: thực và ảo. Cái thực trong thơ Lê Viết Xuân rất rõ. Nhưng thiếu cái ảo. Chính cái ảo mới làm thơ bay lên được. Lê Viết Xuân vẫn tiếp tục đi tìm. Anh sẽ tìm đến thơ. Tin rằng anh sẽ gặp thơ mình, tìm thấy đúng là thơ của mình. N.Q.H
(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)
|