Đây là những câu thơ mà có lẽ không ít người làm thơ ước mong viết được. Từ định kiến bị phá vỡ, tôi đọc thơ anh một cách kỹ lưỡng hơn. Hoá ra không phải như tôi quan niệm, Trần Chấn Uy viết lục bát khá chắc tay, bài nào cũng được anh làm một cách cẩn trọng, không bị vần điệu lôi kéo và đều đứng được: Em giờ đã vợ người ta Đã sang bến khác, đã xa xôi lòng Chân trời bỗng dựng cơn giông Nghe hiu hiu lạnh từ trong tim mình Không những thế, ngoài lục bát trong tập này và nhiều tập thơ khác như Xin đừng quên tôi, Nẻo về, Trăng lạnh xứ người... anh còn dành khá nhiều tâm huyết cho thơ tứ tuyệt, một thể loại thơ trói voi bỏ rọ, khó làm, đòi hỏi sự hàm súc ghê gớm: Em mang đến tặng tôi một bông hoa dại Rồi quay đi hững hờ Để suốt đời tôi tìm kiếm đợi chờ Bông hoa ấy đến giờ vẫn dại
Hoa dại hay người dại đây? Đúng hơn thì khi đã yêu, những người yêu nhau bao giờ cũng “dại”. Tôi đọc và mừng cho anh, khả năng yêu nghĩ cho cùng là khả năng phát hiện cái mới trong những cái bình thường quanh mình, khả năng rung động trước cái mới cái đẹp, trước những chân trời tinh khôi rực rỡ... Đã qua cái tuổi Tứ thập nhi bất hoặc rồi mà vẫn giữ được cho mình nguyên vẹn mối rung cảm trước cái đẹp, hẳn anh còn làm được thơ dài dài. Nhưng thể loại thơ Trần Chấn Uy tâm đắc hơn cả chính là thể loại thơ thất ngôn, bát ngôn...Viết các thể thơ này, Trần Chấn Uy có những câu thơ gợi cảm, tạo ấn tượng: “Xanh ngút mắt đám cỏ gà tung cựa”... những câu thơ đẹp một cách giản dị: “Đường lên xứ Lạng mùa thưa rét/ Hoa mận trắng rừng như tuyết bay”... những phát hiện thú vị: “Nhìn phía nào cũng gặp tranh thuỷ mạc”... (Nhật ký Đà Lạt).
Sống bằng nghề làm báo, tác giả có điều kiện đi đây đó nhiều nơi trong và ngoài nước, anh lại có một tâm tính hướng ngoại cởi mở, có lẽ vì thế mà đề tài trong thơ Trần Chấn Uy khá rộng. Dầu thơ hay không phụ thuộc đề tài, nhưng trong những phạm vi nhất định đề tài thể hiện tính nhạy cảm, vốn sống, sự từng trải của người viết đối với đời sống xã hội. Lần theo từng mảng đề tài, chúng ta thấy Trần Chấn Uy hầu như không bỏ sót một cảnh đời nào cần nhớ quanh mình. Những cần ăngten trong bộ cảm ứng tâm hồn anh luôn gương lên thâu nhận tất cả, từ một thoáng hơi may lành lạnh của mùa thu, màu vàng trong những bức tranh Lêvitan, tiếng ếch trên cánh đồng ngập nước, đến những mốt áo quần thời thượng của các cô gái ngày nay... Nhưng ám ảnh anh nhiều hơn cả vẫn là những hình ảnh, những ý nghĩ về quê hương, gia đình, tình yêu, tình cha con, chồng vợ. Đọc đầu đề các bài thơ đã thấy điều đó: Làng xưa, Làng tôi, Để có một tên làng, Đêm quê, Ký ức đồng quê, Trở về bến sông quê, Bình minh của mẹ, Xa vợ, Đặt tên con, Với các con, Chị, Anh tôi, Người lính trở về... Đến nay, những câu thơ hay, những bài thơ thành công của anh hầu hết đều thuộc mảng đề tài quen thuộc này. Những năm sau này khi đã có nhiều thời gian trải nghiệm, cảm xúc thơ của anh vươn tới những vùng đất xa xôi trong và ngoài nước mà không bị lệ thuộc vào chúng một cách chung chung, hoặc sa vào kể lể, được bạn đọc gần xa chấp nhận (Xứ Lạng, Cao Bằng, Cổ tích của riêng ta).
Anh còn viết nhiều về tình yêu và có những lúc khá cao giọng: “Nơi ấy một thời ta đã lên ngôi/ Vị hoàng đế có một thần dân duy nhất”... Hoặc: “Hiện hình đi ta sống đến tàn khuya/ Anh sẽ yêu em bằng tình yêu của 5 tỷ người trên trái đất cộng lại”... Lối nói đại ngôn này ta hay gặp ở những người mang tâm thế được yêu, khi được yêu người ta thường cảm thấy mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, bản chất của tình yêu không bao giờ là sự tìm kiếm gặp gỡ giữa hai tâm hồn nam nữ, bản chất ấy đồng điệu với những gì thiết tha diệu vợi, vì thế tôi vẫn thích anh hơn những khi anh đắm đuối: Thế rồi xa, em chẳng biết về đâu Bỏ lại cuối trời vầng trăng chưa kịp chín Tôi từ ấy như con thuyền không bến Chở đầy khoang những mảnh vỡ trăng vàng.
Sự thành công trong tình yêu khi không đồng hành với sự thành công trong cuộc đời, đọc Trần Chấn Uy người ta cảm thấy anh bại nhiều hơn thành, buồn nhiều hơn vui. Giọng điệu bất đắc chí không bằng lòng với mình, không bằng lòng với đời có lúc trỗi lên thành giai điệu chủ đạo của cả một tập thơ, âu cũng là một đặc điểm lớn cần được lưu tâm khi nghiên cứu về nhà thơ này.
Ngược với sự đa dạng về đề tài là sự bình ổn về hình thức. Như ở đầu bài tôi đã đề cập, chịu nhiều ảnh hưởng của những thể thơ truyền thống, Trần Chấn Uy ít có những trăn trở tìm tòi cách thể hiện mới mẻ. Đọc anh có cảm giác khi viết, từ những hình thức thơ sẵn có, cảm xúc của anh gọi câu chữ tìm đến lắp vào làm nên bài thơ. Về sự gắn bó giữa nội dung và hình thức chúng ta đã nói nhiều, chính sự quan hệ tương hỗ này đã có công làm nên phong trào Thơ mới trong thơ Việt
thế kỷ trước. Có lẽ vì ít quan tâm đến hình thức thể hiện nên có những lúc thơ Uy cũ như Thơ Mới: “Ta về nhặt nắng may vuông áo/Gửi chút tình xưa tới người xưa”... TP Hồ Chí Minh, tháng 8 mùa thu 2004 N.X.H (nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005) |