Tác giả-tác phẩm
Phải chăng sau Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường thì tác giả coi như giang hồ gác kiếm?
15:26 | 12/03/2009
NGUYỄN VĂN HOA(Nhân đọc Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường)Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi cũng đã gặp ông trực tiếp đôi ba lần ở Huế và Hà Nội. Nhưng ấn tượng nhất là buổi hội ngộ của gia đình tôi với ông ở nhà nhà thơ Ngô Minh ở dốc Bến Ngự Huế.
Phải chăng sau Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường thì tác giả coi như giang hồ gác kiếm?

Buổi ấy gia đình nhà thơ Ngô Minh mời khách Hà Nội đến ăn cơm và cùng mời ông đến dự bữa cơm thân mật này. Ông có một vốn sống đông tây kim cổ rất phong phú,. Cuộc nói chuyện cởi mở chân tình.. Ông trình bày rất say sưa về vai trò lịch sử của nhà văn với thời đại mình đang sống. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là ông tự đọc bài thơ "Địa chỉ buồn". Có lẽ tôi đã nghe đến 10 năm rồi nhưng đến giờ tôi vẫn còn thích. Ông tự đọc thơ mình cho chúng tôi nghe. Giọng Bình Trị Thiên đọc thơ rất gây thiện chí với tôi. Nghe nó lạ tai nhưng níu kéo được người nghe.

Đến nay ngẫm nghĩ khi đã có "Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường" rồi mà tôi vẫn còn ngạc nhiên về tác giả này. Ông đã từng dậy học, tham gia tích cực phong trào học sinh sinh viên và giáo chức chống Mỹ Ngụỵ đòi độc lập thống nhất Tổ quốc từ những năm năm mươi (50). Viết văn viết báo từ khi còn rất trẻ; ông từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt.

Ông đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, ví dụ như năm 1971 "Thời trong rừng", rồi "Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu" (bút ký); năm 1976 "Những dấu chân qua thành phố" (thơ); năm 1979 "Rất nhiều ánh lửa" (bút ký); năm 1980 ông đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm "Rất nhiều ánh lửa". Khi Nguyễn Tuân đọc phải thốt lên: "Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa". Theo đánh giá của nhiều nhà phê bình văn học thì ông có vốn sống phong phú, có tri thức uyên thâm, óc quan sát tinh tế, suy ngẫm chín chắn, ông có năng khiếu nhạy bén nắm bắt được rất nhanh những vấn đề qua các chuyến đi "xuyên việt", qua ông các vấn đề ông quan tâm, bình luận đều có khả năng chinh phục lý trí và trái tim độc giả.

Con người có một bộ tuyển tập với các thể loại phong phú, nhưng tôi vẫn thích nhất ông với tư cách là một nhà thơ, đặc biệt với bài "Địa chỉ buồn".

Dù đã đọc rất nhiều tác phẩm của ông, đã qua 10 năm nhưng vẫn văng vẳng trong tâm tưởng tôi giọng đọc của ông:
Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
"Dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu"
Có mùi hương cỏ đêm sâu
Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm
Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chốn vĩnh hằng nhìn tôi
Tình xa, xa mãi trong đời
Tóc xanh tiên nữ rối bời trên vai
Tôi còn ngọn nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
Tôi xin em chút lòng thành
Cài lên một phiến u tình làm hoa
Những chiều Bến Ngự giăng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang
Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
"Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu"
Cây sầu đông cây sầu đau
Thương tôi cây cũng trổ mầu hoa râm.

Đây là bài thơ viết theo thể thơ truyền thống lục bát (câu trên 6 câu dưới 8 chữ. Cả thảy có 10 câu, trong đó có 2 câu lắp: "Nhà tôi ở phố Đạm Tiên / Dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu".

Có lẽ đây là phố do tác giả hư cấu lên vì theo bản đồ thì quanh Bến Ngự chỉ có phố Phan Bội Châu và Nguyễn Trường Tộ, tìm mãi dù có soi bằng kính lúp trên tấm bản đồ du lịch Huế không thấy có phố Đạm Tiên. Thi nhân có quyền hư cấu và mơ mộng về chốn nương thân của mình.

Các vần trong bài thơ này tác giả dùng liên hoàn giữa chữ sáu câu 6 và chữ 6 câu tám là: cầu - sầu, trăng - hằng, đời - bời, cầu - mầu. Với vần như vậy bài thơ nghe man mác buồn sâu lắng. Đã nghe nó thì sẽ bị ám ảnh và đeo đuổi.

Tôi có nhớ câu tục ngữ phương tây: "Đi đông đi tây, nhưng tốt nhất ở nhà mình". Bài thơ này nói lên tình cảm của tác giả sau bao ngày bôn ba nơi rừng xanh núi thẳm trong chiến tranh, sau bao ngày dong duổi xuyên Việt vắt óc sáng tác từ bút ký đến nhàn đàm và khi trở về với mái ấm của mình, chất thi sĩ vẫn tiềm ẩn trong tâm thức - tâm thế của ông. Chính vì vậy mà nhìn vầng trăng, ngửi mùi hương cỏ, ngắm hoa sầu đông là mạch thơ lại tuôn trào một mạch. Tôi có cảm giác nó như một điệp khúc có thể đọc đi đọc lại nhiều lần mà lòng ta vẫn thấy ám ảnh xẻ chia niềm tâm sự sâu kín của tác giả bài thơ này.

Tác giả đầy lý trí khi viết ký nổi tiếng "Rất nhiều ánh lửa" cũng lại song hành là tác giả bài thơ "Địa chỉ buồn". Có lẽ chất nghệ sĩ đa tài của ông đã "phát tiết" trên nhiều thể loại.
Sau khi có tuyển tập của mình trong tay, ông cho rằng mình vẫn giữ nhân cách của người cầm bút. Làm tuyển tập có nghĩa là ngầm định: "Coi như giang hồ gác kiếm".
Bài thơ "Địa chỉ buồn" đã giãi bày chân thật hết tâm hồn của thi sĩ khi suy ngẫm về thân phận con người. Dù thi nhân có "Ngồi dưới ánh trăng" nhưng tác giả vẫn có "Ngọn nến hao gầy" "Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh".

Tác giả bài thơ nhậy cảm khi "Những chiều Bến Ngự giăng mưa", thi nhân mơ hồ nghe thấy tiếng gọi mình, nhưng đó chỉ là ảo giác vô thức, thực ra "Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang".
Ông viết về "Những loài hoa biết nuôi sầu tháng năm" và không giấu diếm "Một phiến u tình làm hoa..." Bài thơ này tác giả chạm đến những đề tài về nỗi niềm, thân phận con người, tác giả so sánh vầng trăng thì "vĩnh hằng" còn thi sĩ phải chăng chỉ như "Ngọn nến hao gầy".
Nơi thi sĩ cảm nhận môi trường sống có "Mùi hương cỏ" có cảnh "Giăng mưa" và thật cảm động khi tác giả tìm được sự cảm thông của thế giới vô tri vô thức: cây sầu đông, cây sầu đau, thương tôi, cây cũng trổ mầu hoa râm."

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có tuyển tập của mình trong tay, nhưng theo tôi ông vẫn chưa thể coi như giang hồ gác kiếm bởi vì ông đang ở "Địa chỉ buồn". Dù đã qua bốn năm sau tai biến mạch máu não nhưng bạn đọc trong và ngoài nước vẫn được đọc hàng chục bài viết của ông ở báo chí và cũng đang chờ đợi nhiều tác phẩm mới của ông. Thế là năm nay 2002 ông đã 65 tuổi (Ông sinh 9-9-1937), quê gốc xã Triệu Long, huyện Triệu Hải, Quảng Trị, hiện nay ông sống ở Huế với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Hai vợ chồng đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Con gái họ Hoàng Dạ Thi cũng là một cây viết thần đồng đầy tài hoa của thập kỷ vừa qua. Gia đình có 3 nghệ sĩ tài ba này đã đóng góp cho văn đàn Việt nhiều tác phẩm rất nổi tiếng. Nơi họ sống tràn đầy hạnh phúc chứ đâu phải là "Địa chỉ buồn như Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết hư cấu trong bài thơ trên".

    N.V.H
(168/02-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc thơ Trà My (23/02/2009)