Có bài nhoà nhạt như “Nắng tháng giêng”, giống như thơ học trò. Cũng viết để miêu tả chung chung: Xanh non mấy hàng cổ thụ Xôn xao đón nắng giữa chiều Thanh tân hàng cây và lá Bóng ngả theo chiều liêu xiêu”. Chữ nghĩa đèm đẹp vậy thôi. Đọc xong cả bài, không thấáy tác giả nói được điều gì. Tả để mà tả. Cảm xúc nhạt. Những bài thơ kiểu ấy, chả thể thành thơ. Gạt một số bài kiểu học trò này, các bài khác trong Thơ Trà My lại đọng lại trong người đọc một gam buồn. Buồn mac mác. Càng đọc càng không dứt ra được. Nó có cái gì đó khác với Nguyễn Xuân Hoa tỉnh táo hàng ngày. Tôi đọc Trà My, vừa đọc, vừa nghĩ tới tác giả của nó. Vì lâu nay anh em viết hay nói cửa miệng với nhau: “Văn là người”. Người thế nào thì văn cũng vậy. Nguyễn Xuân Hoa có thể nói là người thành đạt, thành đạt trong học hành, toại nguyện về gia cảnh, và có thể nói cũng khá yên tâm trên đường công danh so với lứa sinh viên tranh đấu thời Mỹ ngụy như anh.
Tôi tự hỏi: vậy tại sao cái gam buồn cứ tràn trề trong thơ anh. Có phải vì đa mang với thơ không: “Đôi khi thơ như trái đắng/Vô tình rụng xuống đời ta” (Những đoản khúc thơ). Sao trong đời không thấy một lần nào tâm sự với nhau điều này. Vậy mà sao mở mắt ra đã thấy Nguyễn Xuân Hoa buồn: Sáng ra đã thấy một ngày Ngổn ngang trăm mối vòng quay của đời Ngay cả khi bên người vợ yêu, người vợ từng chia xẻ biết bao điều với mình, lẽ ra phải vui mới phải, vậy mà Trà My vẫn không dứt được nỗi buồn ra khỏi chính con người mình: Thơ làm cho vợ đọc chơi Cũng nghe thấm nỗi đau đời của thơ (Thơ nịnh vợ).
Khi Trà My uống rượu, người buồn thường mượn rượu để tiêu sầu, Nguyễn Xuân Hoa nâng chén rượu lên đã thấy đau rồi. Ngay đầu đề của bài thơ: “Buồn vui nhân thế đọng lời xót xa” đã cảm thấy những giọt rượu buồn rơi rơi: Ngất trời với chén rượu đau Tiễn đưa một thuở qua cầu đắng cay. Bài thơ “Hồn xưa” phải chăng cũng là nỗi buồn của một thuở ấy? Tôi cảm thấy cái vật vờ trong tâm trạng tác giả: Bóng người đi nương theo chiều lá đổ
Hình như nỗi buồn thấm sâu quá “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), cho nên sống ngay giữa thành phố của mình, người đời thì ca ngợi hết lời “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được/Dáng dịu dàng và những nét trầm tư”, đến nỗi “cả nước” muốn “ôm Huế vào lòng” vậy mà dưới cái nhìn của Nguyễn Xuân Hoa, thấy Huế thật buồn: Thành phố đẹp nửa đời hoang phế Buổi sớm mai chưa chải tóc, soi gương. Tôi đã có đọc đâu đó những câu thơ buồn về thành phố hoang phế: “Hoàng Thành xưa có còn đâu/Phủ rêu ngày tháng xanh màu thời gian/Ngọc kia nước đã cuốn tràn/Tường xiêu, mái đổ bóng hoàng hôn buông”. Song câu thơ này của Trà My (Cảm nhận Huế) mới thật đau Nghe có tiếng hát thầm như lời tri âm Nghe tiếng thở dài của thành phố buồn đang giấu nước mắt. Buồn đau đến thế mà không gạt bỏ, tác giả vẫn “cầm tay thành phố buồn đi trong mưa”, như một người tri âm, để mong tìm trong đó cái hồn man mác yêu thương của Huế: Ngồi với thành phố giữa đêm mưa Chờ một giờ hạnh ngộ với trăng/mênh mông trời của Huế
Dù tác giả rất biết thuở hoàng kim của Huế đã xa rồi. Bây giờ dựng lại cảnh xưa cho hội Huế nay, Nguyễn Xuân Hoa như vẫn cầm nắm được những mất mát đã qua: Quân vương một thuở mờ sương khói Ngọc bội ngàn xưa đã nát tan (Ghi từ buổi tập lễ hội Nam Giao). Bứt mình ra khỏi thành phố thương yêu, Trà My vẫn buồn giữa bạn bè: Đời cũng chật không hơn bàn tiệc (Đêm rượu Nguyên Tiêu) Với mình Nguyễn Xuân Hoa cũng có lúc thấy buồn, và không thoát mình ra khỏi nỗi buồn ấy, mặc dù cảm thấy sắp chia tay với thực tại: Có đôi lúc con tưởng mình sắp chạm phải hư vô Thấy mấp mé giữa hai bờ hư thực Những nỗi đau của cuộc đời vẫn không thôi ray rứt (Thơ viết trước ngày giỗ Ba)
Có lúc Nguyễn Xuân Hoa đã chạm phải “vô thường”, ta như đang nhìn thấy anh ngán ngẩm lắc đầu: Đã biết lên kia cánh cửa đời Là thôi Cát bụi với trùng khơi ... Tỉnh ra lòng vẫn đau như xót Vang vọng ngàn xưa tiếng thở dài.
Tôi lật từng trang Thơ Trà My, để xem tác giả buồn thế thì Nguyễn Xuân Hoa sẽ lý giải nỗi buồn ấy là sao. Anh đã tìm ra cái lẽ nghiệt ngã ấy: “Sự nghiệt ngã của cuộc đời như hoa hồng/Đẹp và có gai, làm sinh sôi mọi niềm hạnh phúc/ làm đau một đời người”, tôi vẫn thấy không đủ. Đến khi đọc đến bài “So sánh bừa”, một bài thơ có tứ hay, mạnh bạo, mới tìm thấy cái lý buồn chân thật của tác giả Trà My: Anh giống chúa hai điểm Không bao giờ chịu ném đá vào cuộc đời Nhưng dễ bị cuộc đời đóng đinh mình (So sánh bừa)
Hoá ra là thế. Cuộc đời mới éo le làm sao. Đúng là “cây muốn lặng, gió chẳng dừng”. Nguyên nhân của nỗi buồn không gì khác, chính là con người trong cuộc đời này. “Tiếp sau nụ cười là bao điều giả trá”, “Muốn sống tốt không dễ gì được tốt/ Vì quanh ta quỷ đội lốt người”. Gấp tập “Thơ Trà My” lại, tôi thấy vui. Vì thơ là sản phẩm của những nỗi buồn. Như bạn bè thường nói: buồn mới là thơ. Những câu thơ buồn thấm thía là những câu thơ hay “Thương nhau lên cửa tò vò nhìn nhau/Anh đi đó, anh về đâu/Cánh buồm nâu/Cánh buồn nâu/Cánh buồm” Nguyễn Xuân Hoa cũng có những câu thơ buồn như thế khi anh viết về đất nước mình: Thiếu phụ tiễn chồng ra trận Đêm trở về nằm gối nửa vầng trăng (Đất nước tôi)
Thơ là sản phẩm của nỗi buồn nhưng nó là một toà biệt thự thiêng liêng. Bởi nỗi buồn chính là hiện thân của con người. Bởi nó là sự cô đọng nhất, tinh tuý nhất của tâm hồn. Rất mừng chính những câu thơ buồn nhất của Nguyễn Xuân Hoa là những câu thơ thật hay, rút ruột ra mà viết thành lời. Thơ buồn của anh đã cập bến thơ. Hay nói cách khác, thơ Nguyễn Xuân Hoa đã có những câu cập bến bờ thiêng liêng vậy. Thơ hay là một khổ công. Dễ dãi với thơ là coi thường thơ đấy. Xin đừng ai đùa dai với thơ như thỏ kia bỡn cợt với bóng trăng vậy. Y.C (197/07-05) |