“Mình không được học như Huy Cận, Xuân Diệu nên ít chịu ảnh hưởng Tây học và không biết nhiều về sự hình thành các khuynh hướng văn học. Chỉ là tự nhiên, mình thích viết về cuộc đời thực” - Đó là lời tâm sự của nhà văn Tô Hoài, trích trong cuốn “Tô Hoài – Sức sáng tạo của một đời văn” (tác giả Hà Minh Đức).
Là một trong những nhà văn có bút lực và sức đi dồi dào bậc nhất làng văn Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng, thời còn trẻ, nhà văn Tô Hoài chưa từng học qua các trường lớp đào tạo bậc cao về chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Thuở nhỏ, ông chỉ học đến tiểu học rồi đi bán giày ba-ta ở Hàng Khay (Hà Nội). Vì vậy, hầu hết các kiến thức văn học và vốn sống mà nhà văn Tô Hoài có được đều do ông tự học, tự đi, tự nghiên cứu. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đều gắn bó chặt chẽ và vô cùng gần gũi với đời sống người dân Việt Nam.
Một khi đã bước chân đến đâu, đã đặt bút viết về cái gì, ông đều cố gắng viết cho thật, cho “tới”. Điều này thể hiện qua những trang văn chứa đựng phong cách và phong tục tập quán của bà con vùng cao như “Vợ chồng A Phủ”, “Miền Tây”…; hay những câu chuyện thiếu nhi sống động về thế giới động vật như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Một cuộc bể dâu”, “Cá đi ăn thề”…
Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên
Thật khó để tìm được một nhà văn thứ hai vừa có thể miêu tả chân thật, tinh tế những cung bậc cảm xúc của cô Mị yêu sống nhưng bị giam cầm trong cảnh tù túng của “Vợ chồng A Phủ”; lại vừa có thể thổi hồn, nhân hóa những loài động vật nhỏ bé với một giọng điệu vô cùng hồn nhiên và trong sáng như trong “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Không chỉ gắn bó với thể loại truyện ngắn, nhà văn Tô Hoài còn sở hữu một số lượng lớn các tác phẩm ký sự, du ký, hồi ký và cả tự truyện - sản phẩm của những chuyến đi dài, đi liên tục của ông từ lúc trẻ đến tận khi về già (từ Lào, Campuchia… đến cả các nước Âu, Mỹ, Á, Phi), mà ông thường coi là “bắt chước Dế mèn”.
Đi nhiều, viết nhiều nhưng văn của Tô Hoài hầu như ít lặp lại, đặc biệt không loãng và không nhạt. Tác phẩm nào cũng có một chiều sâu triết lý nhất định, nhân vật nào cũng có một thế giới nội tâm phong phú, dù cho nhân vật ấy là người hay những loài động vật. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng tìm tòi và sức sáng tạo dồi dào của ông.
Tuy nổi tiếng với vai trò nhà văn, nhưng ít người biết rằng: Tô Hoài cũng từng có một thời làm báo sôi nổi. Những tác phẩm văn học đầu tay nổi tiếng của ông viết trong những năm 1940 từng được đăng trên “Hà Nội tân văn chủ nhật” và “Tiểu thuyết thứ bảy”. Vì vậy, ông thường nói: chính nghề báo đã chắp cánh cho nghiệp văn chương của ông.
Các tác phẩm văn học của ông được chia làm 4 mảng chính: các tác phẩm viết về vùng núi rừng Tây Bắc trong thời kì kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, về ngoại thành Hà Nội xưa và nay, sáng tác cho thiếu nhi, chân dung và hồi kí.
Tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới
Sau cách mạng tháng Tám, ông được phân công làm phóng viên báo Cứu quốc Trung ương (cơ quan Tổng bộ Việt Minh) tham gia phong trào Nam tiến; sau đó lên Việt Bắc làm Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu quốc. Từ năm 1951, ông về Hà Nội công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam.
Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ lí do viết văn của mình rằng: “Chỉ là tự nhiên, mình thích viết về cuộc đời thực”. Nghe tưởng chừng vô cùng đơn giản, nhưng để có được những trang văn thật là “thực”, thật là “tự nhiên”, nhà văn đã phải lăn lộn tìm tòi, tự học và tìm hiểu trong nhiều năm trời thì mới có thể đưa thế giới rộng lớn vào trang sách một cách vừa chân thực, vừa nên thơ như thế.
Tuy đã dừng viết văn, dừng “phiêu lưu ký”, nhưng những trang văn sống động về từng bước đường đã qua của nhà văn Tô Hoài sẽ vẫn sống mãi.
Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động vật tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con đường đời dài rộng khi đã trưởng thành.
Nguồn: Minh Hạnh - TPO