Tác giả-tác phẩm
Đọc “Vẫy vào vô tận” của Đỗ Lai Thúy
16:07 | 12/08/2014

17 chân dung các nhà học thuật Việt Nam thế kỷ 19 và 20 qua các tiểu luận nghiên cứu ẩn dưới dạng thức tùy bút của  Đỗ Lai Thúy đủ sức vẫy vào nhận thức người đọc hôm nay những vỡ lẽ mới.

Đọc “Vẫy vào vô tận” của Đỗ Lai Thúy
Trước Vẫy vào vô tận1, Đỗ Lai Thúy đã từng phác dựng nên Chân trời có người bay2. Không khó để nhận ra mối tương thông giữa hai cuốn sách cách nhau đúng một con giáp này: cả hai, một mặt, đều cân bằng số lượng bài viết và song hành về cách thức triển khai ý tưởng. Nhưng mặt khác và là điều đáng nói hơn, cả hai đều tập trung tìm biết một đối tượng mà lâu nay, bởi quán tính ngần ngại thăm dò tường tận, đã không được hiển thị dứt khoát: chân dung các nhà học thuật. Bởi đã quá quen với vô số kiểu chân dung theo công thức lấy cự li gần làm thước ngắm có nguy cơ thế tục hóa ngay ở thú nhận “như tôi biết”, “như tôi hình dung”, nên người ta sẽ không khỏi bất ngờ trước lối viết chân dung học thuật của Đỗ Lai Thúy: mỗi chân dung là một tiểu luận nghiên cứu ẩn dưới dạng thức tùy bút.

Ở môi trường mà câu hỏi “ai là ai” đôi khi rất dễ bị bỏ mặc hoặc được trả lời cẩu thả đến bất ngờ như Việt Nam thì việc Đỗ Lai Thúy chủ đích lựa chọn ai đó để tái minh định họ, bất kể đã thành thiên cổ hay còn đương thời, bất kể quen biết hay xa lạ, không thể coi là việc làm thù tạc, mà phải nên hiểu như là một thao tác nghiền ngẫm cái bản lai diện mục của [những] con người này, riêng và duy nhất, đã và đang hiện diện ở đâu đó, trong kí ức, trong tư liệu, hoặc thậm chí, trong đời sống mà chúng ta tưởng không hề liên đới.


Nhan đề Vẫy vào vô tận lấy tứ từ câu thơ của Phạm Hầu trong Vọng Hải Đài: “Giơ tay ta vẫy ngoài vô tận/Chẳng biết xa lòng có những ai”. Mỗi chân dung trí thức được tác giả xem như một cái vẫy tay vào vô tận, “là cái vẫy tay của người bay ở chân trời”.
Làm thế nào mà, sau tròn một vòng giáp, Đỗ Lai Thúy vẫn tỏ ra hứng thú kiên trì điểm mặt gọi tên lần thứ hai 17 chân dung học thuật để có đủ một “bảng chỉ dẫn” đa diện, đa thanh về các cung đường học thuật, tư tưởng Việt Nam, dĩ nhiên, chỉ qui hẹp trong phạm vi khoa học xã hội? Nhưng câu hỏi khác đáng để bàn hơn, là, với một tổng sắp trí thức ấy, 34 chân dung được nhìn nghiêng như tác giả thừa nhận, người đọc có thể nắm bắt được những gì về diện mạo trí thức Việt Nam, với tất cả tài năng, đóng góp và thân phận của họ, trong nhu cầu lắp ghép vào hiện tại hôm nay và cả trong tương lai gần những điểm khả thủ từ bóng hình quá khứ?

Hành trình gối tiếp nhiều chiều của người trí thức

Vẫy vào vô tận bắt đầu từ Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) và dừng lại ở Hà Văn Tấn (1937-). Nếu người mở đầu là một trí thức Ki-tô giáo trong thời điểm Nho giáo bị thử thách dữ dội bởi phương Tây hóa thì người cuối cùng đã là lương đống của khoa học xã hội miền Bắc trong thời đoạn Marxist hóa tư tưởng, học thuật. Giữa họ, nếu nhìn vào mạch phân tích của Đỗ Lai Thúy, có thể tạm qui vào hành trình gối tiếp nhiều chiều của người trí thức: từ điểm xuất phát là nhu cầu, quyết tâm canh tân đất nước đến mức độ chuyên môn hóa nghề nghiệp.

Công cuộc canh tân đất nước, từ giữa thế kỉ XIX trở về sau, hút vào đó một lượng lớn trí thức mà kích thước nói và  làm của họ hẳn là quá cỡ so với điều kiện ngặt nghèo lúc bấy giờ, như Đỗ Lai Thúy chỉ ra, từ Trương Vĩnh Ký, đến Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Nhất Linh... Không ai là không nghe đến họ, nhưng từ lâu và cho đến nay, trong không ít các bàn luận mặc định, chỉ cách mạng giải phóng dân tộc và những yếu nhân làm nên sự nghiệp đó mới được thư khố hóa, giáo khoa hóa, còn những cái tên trên, do cái nhìn cứng nhắc qui vào tiểu sử, đã không hoặc ít được xếp vào một tổng thuật nào thực sự thấu đáo. Trong cái nhìn cởi mở của Đỗ Lai Thúy, họ, ngược lại, có những tác động quan trọng tạo nên khúc ngoặt hệ hình tư duy: cứu nước cũng đồng nghĩa với hiện đại hóa và những tâm sức canh tân đất nước cũng cần phải được hiểu đúng như là một công nghiệp vì dân, vì giang sơn xã tắc.


Đỗ Lai Thúy chỉ ra, từ Trương Vĩnh Ký, đến Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Nhất Linh... - không ai là không nghe đến họ, nhưng từ lâu và cho đến nay, trong không ít các bàn luận mặc định, chỉ cách mạng giải phóng dân tộc và những yếu nhân làm nên sự nghiệp đó mới được thư khố hóa, giáo khoa hóa, còn những cái tên trên, do cái nhìn cứng nhắc qui vào tiểu sử, đã không hoặc ít được xếp vào một tổng thuật nào thực sự thấu đáo.
Từ cái nhìn đó và từ một độ lùi nhất định trước tư liệu đã có, Đỗ Lai Thúy nhận ra ở đề xuất của Nguyễn Trường Tộ một “đường lối cứu nước bằng văn hóa chứ không chỉ đơn thuần bằng bạo lực quân sự” (tr.23); ở việc làm của Trương Vĩnh Ký “một đường lối cho công cuộc canh tân” (tr.45); ở tân nam tử Nguyễn Văn Vĩnh là “hình ảnh một trí thức độc lập” (tr.74); ở tầm vóc Phạm Quỳnh “không lấy quá khứ, mà tương lai làm chuẩn” (tr.97;, ở sự đa diện Nhất Linh một mạch nhất quán trong “tấm lòng tha thiết với sự canh tân đất nước, đổi mới văn học và văn hóa” (tr.143)... Như vậy, những nhân vật này, thay vì mất khỏi một lịch sử chỉ qui hẹp vào đấu tranh cách mạng, đã hiện hữu trong lịch sử hiện đại đa xu hướng, đặc biệt là xu hướng kiến tạo quốc gia dựa trên tinh thần tự chủ văn hóa, tư tưởng. Điều này, theo tôi, quan trọng ở chỗ nó thôi thúc người đọc hôm nay phải tìm biết quá khứ không chỉ thông qua một mà nhất thiết phải qua nhiều lịch sử. Và ở nhiều lịch sử ấy, mỗi một tiếng nói, mỗi một hình mẫu tuy khác nhau, nhưng, không như nỗi ái ngại về sự rời rạc của nó, đã hết sức liên đới với nhau trong ý niệm chung về một quốc gia, một dân tộc. Chính đây có thể coi là thông điệp mấu chốt toát ra từ sự tái đọc tiền nhân của Đỗ Lai Thúy. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi Đỗ Lai Thúy chọn một cuộc đọc đa văn bản (văn học, văn hóa, khảo cổ, ngôn ngữ..), đa giai đoạn (trước, sau 1945; trước, sau 1975), đa thế hệ (giao thời, hiện đại)... nhằm tiến đến gần hơn sự đa dạng của các khám phá tri thức, học thuật từng có. Nhưng điều giữ cho sự đa dạng ấy không bị ngăn trở bởi các lằn ranh ý thức hệ hoặc địa-chính trị, như Đỗ Lai Thúy đề xuất, là hãy đọc điều họ viết, việc họ làm, chứ không sa vào chỗ họ ngồi, nơi họ đứng. Cuốn sách, nhờ đó, trở nên rộng rãi với nhiều cái-tên-người-bay khác nhau chân trời, từ Nguyễn Hiến Lê, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Đặng Tiến đến Đinh Gia Trinh, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Nghiêm Vạn, Hà Văn Tấn, hay, ít biết đến như Nguyễn Khắc Dương. Sự rộng rãi đàng hoàng ấy, thiết nghĩ, chỉ có được từ sự đồng cảm sâu sắc.

Vẫy vào nhận thức

Vậy thì, xin quay lại với thắc mắc lúc đầu, diện mạo trí thức Việt Nam qua 17 chân dung vừa nêu, được điểm xuyết ở nét chính nào. Theo tôi nắm bắt, trước hết, đó là sự bỏ lỡ của những phát kiến, sự dở dang giữa đề đạt và thực thi, sự xa lạ giữa tư tưởng của cá nhân và tầm đón nhận của đám đông. Câu chuyện cách tân, như Nguyễn Trường Tộ hay Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh theo đuổi, thường bắt đầu từ phương Tây, cụ thể hơn là Pháp. Điều lí ra dễ chấp nhận này lại trở thành phản ứng gay gắt trong giới bảo thủ, khiến những viễn kiến của họ, hoặc bị gạt ra ngoài, hoặc không hội đủ điều kiện để thực thi tới cùng. Bởi thế, họ đều kết thúc mình trong bi kịch theo nhiều kiểu khác nhau. Nhưng điều gây e ngại hơn còn ở sự lép vế dần của mô hình trí thức độc lập một khi môi trường nuôi dưỡng nó bị kiềm tỏa lâu dài, bị rút phép phản biện và đại nghị học thuật. Số lượng các nhà khoa học sinh trong thập niên 1930 và bắt đầu có thân danh cao sau đó ba thập niên ở miền Bắc dường như đều phải “tiêu lẹm” một ít vốn liếng học vấn, tâm trí, thời gian cho những công việc “được giao” ngoài chuyên môn. Họ tạo nên cái gọi là “trí thức-cán bộ” mà thâm niên cán bộ càng dày thì thâm hụt khoa học có khi càng lớn. Tất nhiên, những nỗ lực để không chỉ hồng mà còn rất chuyên ở họ là thường xuyên, có tính chất sống còn3. Bởi thế, dù ngưỡng mộ sức lao động của Đặng Nghiêm Vạn, Hà Văn Tấn, nhưng Đỗ Lai Thúy vẫn nhắc lại Từ Chi, nhà dân tộc học có mặt trong Chân trời có người bay, để tâm đắc cái vị thế “ngoài lề” của nhà Mường học hàng đầu Việt Nam này. Song người như Từ Chi lại bị khuất lấp quá lâu trong một cộng đồng còn dai dẳng văn hóa thuần nông ưa thích những chuyện rỉ tai, tiếng đồn thổi hơn là bỏ trí óc để hiểu kĩ càng vấn đề. Rút cuộc, sự lựa chọn trở thành mình và tìm cách sử dụng mình của các trí thức hiện đại vẫn là bài học kinh nghiệm có vẻ chưa mất tác dụng cho đến hôm nay.

Nhưng liệu có nên coi đây là khâu nhập môn căn yếu cho những ai mới bắt đầu bước vào con đường khoa học? Tôi nghĩ tác giả cuốn sách không chủ trương dùng mẹo mực để “trở thành một thứ “nửa dơi nửa chuột” ở những người khôn ngoan, mà chỉ muốn nhắc nhở về sự tỉnh táo lựa chọn, bởi rất có thể, “bi kịch sẽ lặp lại như một hằng số lịch sử”(tr.23). Thể tất, trí thức Việt hiện đại tự làm nên những huyền thoại đôi khi phải nhờ đến cái gọi là món quà số phận mà vị thượng đế giấu mặt đã không ngần ngại ban cho.

Là những tùy bút chân dung học thuật nên nhịp chính của cuốn sách là các bàn luận về sản phẩm khoa học bằng thao tác khảo cứu, nhận định. Lối dựng chân dung này đòi hỏi người viết đồng thời là người nghiên cứu. Nhưng nếu chỉ trình bày các thẩm định học thuật không thôi thì các chân dung kém đi phần sinh động ở khía cạnh cá tính, cốt cách. Đỗ Lai Thúy từng thể hiện khả năng dung hòa hai mặt khó này ở Chân trời có người bay và vẫn giữ được tinh thần đó ở Vẫy vào vô tận. Viết về mỗi con người đều là dịp để tác giả nói thêm, nói khác về các vấn đề văn hóa, văn học, lịch sử xã hội liên quan đến khoa học nhân văn. Đấy là những chỗ tác giả gài cắm chủ kiến và thú vị hơn, giọng điệu của mình. Cho nên đọc Vẫy vào vô tận, ngoài việc nhận những tóm lược học thuật của các nhà khoa học, thì độc giả còn được nhận những nhãn tự khá mới mẻ, như “tư tưởng tư liệu” (về Thanh Lãng), “con đường không có đường” (về Nguyễn Khắc Dương), “một ca, thậm chí một đại ca, của làng phê bình văn học Việt Nam đương đại” (về Hoàng Ngọc Hiến)...

Viết chân dung người khác, đến một lúc nào đó, là để chân dung của mình trở nên rõ nghĩa. Tôi vội nghĩ, ở nét nghĩa thứ nhất, Đỗ Lai Thúy là người thâm trầm, điềm tĩnh nhưng luôn sắc sảo và, ở tuổi ông, hóm hỉnh một cách thông thái.

Vẫy vào vô tận không có nghĩa là vẫy một lần cho mãi mãi. Bản thân các nhân vật của cuốn sách cũng không phải đã kết thúc ngay khi đứng trong tập hợp này. Họ vẫn luôn đầy tính gợi mở và, nếu nhìn lại ở nhiều cách tiếp cận khác, vẫn đủ sức vẫy vào nhận thức người đọc hôm nay những vỡ lẽ mới. Nhiều nhân vật mà tư liệu của họ, về họ hiện chưa được đầy đủ hẳn sẽ thúc ước những người khác tìm ra các va động và giới hạn khác của họ. Đương nhiên, phải thừa nhận rằng, trong đời sống đương thời đang chú mục vào cái ăn ngay, thì thật khó có mấy ai tự nguyện đem năng lượng của mình để trục vớt cái quá vãng xa vời. Tôi muốn hiểu ý tưởng của Đỗ Lai Thúy khi viết Vẫy vào vô tận “không tôn vinh Quá khứ, mà để kiến thiết một Hiện tại” như là một tấc lòng ưu ái chẳng mấy ai hay biết vậy!

---
1 Nhà xuất bản Phụ nữ, 2014, 464 trang.
2 Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2002, 502 trang.
3 Trong Chân trời có người bay, trường hợp nhà khoa học Nguyễn Văn Huyên, “sau gần 30 năm làm quan, dù là quan cách mạng”, tuy vẫn không nguôi khát khao trở về với khoa học, được làm khoa học, nhưng “thời điểm có thể đã trôi qua”, là ví dụ cho thực tế đã có sự lỡ việc trong đời nhiều nhà nghiên cứu tài danh.

Nguồn: Mai Anh Tuấn - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng