NGÔ MINH
Trong các tập thơ xuất bản ở Huế trong mấy năm lại đây, "Ngọn gió đi tìm" là một trong số rất ít tập được đọc giả mến mộ, có thể nói được rằng: đó là một tập thơ hay! Tập thơ tạo được sự cuốn hút, sự nhập cuộc của người đọc.
Cái hay ở đây trước hết là cái thật. Hải Kỳ đau thật, ghét thật, yêu thật. Cái thật của tâm trạng, tâm linh thi sĩ. Cái thật của một bản lĩnh thơ, của sự dấn thân trước cuộc đời. Văn chương nước ta hơn thập kỷ qua không thật mà chỉ là văn chương minh họa. Thơ lại càng tệ hại hơn - mang đầy sự giả! Điều đó đã được trao đổi, bàn bạc phanh phui rất nhiều. Từ khi có "đổi mới" đến nay, tức là trong khoảng mươi tháng lại đây, tình hình văn học mới bắt đầu "tìm lại mình". Thế mà tập thơ 33 bài của Hải Kỳ gồm những bài viết rải rác từ 1980 đến 1986 là thơ thật, như ta đang đòi hỏi. Thế mới biết anh là người sống không dễ, thơ không dễ:
Bao âm điệu vui buồn đời thực
Tất cả vào tôi và hóa thành thơ
Sống hết mình, tôi không làm kẻ khác
Tôi là tôi như thể tự ngày xưa
(Chuyện tình)
Hải Kỳ viết về mẹ, về Huế, về Đồng Hới của anh, về người yêu, bè bạn với tất cả sự nồng nhiệt, đam mê. Một trưa nồm Đồng Hới:
Chòng chành là giấc ban trưa
Lao xao sóng gợn lưa thưa nhịp chèo
Võng đưa ngọn gió nồm theo
Kéo lên cả nhịp thủy triều bao la
(Cho tôi ngọn gió đi tìm)
Một nỗi mong nhớ Huế:
Ai nhìn hóa vọng phu kia
Tôi nhìn cho đến đứt lìa chân mây
(Tôi nhìn cho đến)
Hải Kỳ rất lười chép thơ mình gửi đi in các báo như nhiều người vẫn làm. Thơ anh viết ra là để tặng - "Có em viết tặng bài thơ" - hoặc để giải tỏa cái chất chứa, bức bách của tâm hồn. Viết ra được là thích. Tặng được người cần tặng là thích. Vì không phải lúc nào cũng tặng được một cách êm thắm!
Tập thơ hay còn do cái tâm thơ mạnh. Hải Kỳ viết cái gì cũng là để bày tỏ mình - rứt thịt mình ra mà viết. Nhờ cái tâm thơ đó, anh rất nhạy cảm. Anh "nghe" được "mùi rong rêu của dòng sông học trò", "mùi sông biển mặn, ngẫm lời mẹ ru". Anh đau đớn khi đọc một thống kê ngắn của Liên hiệp quốc về trẻ con chết yểu trên thế giới:
Ôi, cái hành tinh chật chội thủ đô to
Dày phấn sáp, mang áo quần đúng mốt
Bom đạn như non, của tiền như nước
Mỗi trẻ nhỏ chết nghèo trong nháy mắt hai giây
(Hai giây)
Trong "Ngọn gió đi tìm". Các bài "với biển", "Giấc mơ", "Bông hồng vàng", "Từ biệt", "Nói với Huế", "Dạ khúc nô-en" v.v... là những bài thơ đẹp, Hải Kỳ có nhiều tứ thơ thông minh, tinh tế. Qua Đèo Hải Vân, nhớ điệu "Lý qua đèo" anh liên tưởng:
Để rồi trở về em
Nghìn năm sau vẫn thế
Núi đèo và điệu lý
Cũng chỉ vì nhau thôi
(Bất ngờ câu lý)
Anh "cảm" cái trắng của cát:
Trắng như là chẳng có gì
Trắng như là biển người đi không về
(Hạt cát)
Khi nhớ mẹ anh thấy "trời xanh kia như xanh vội theo ngày". Hải Kỳ có nhiều câu thơ tài hoa như thế. Thơ anh bao giờ cũng có một chút run rẩy, một nỗi xót xa nuối tiếc nào đó thật hấp dẫn. Thơ Hải Kỳ cấu tứ chắc, anh sử dụng rất thành công các thể thơ truyền thống như lục bát, năm chữ bảy chữ... nên thơ Hải kỳ dễ thuộc. Nhiều bạn trẻ ở Huế, Đồng Hới chép và thuộc thơ Hải Kỳ. Mùa hạ năm ngoái, một đêm trên đỉnh Tam Đảo, theo yêu cầu của nhà văn Đỗ Chu và các bạn viết văn khác, tôi đã giới thiệu thuộc lòng gần chục bài thơ Hải Kỳ.
Tất nhiên, tập thơ cũng còn những mặt chưa thỏa mãn bạn yêu thơ. Đọc Hải Kỳ rất dễ có cảm giác như đọc thơ tiền chiến, một cái gì đó trật tự, đều đều do anh ít sự phóng khoáng về nhịp điệu câu thơ. Anh có cái "tình" mạnh - một tâm hồn nhạy cảm, nhưng chưa được tập trung để tạo nên một "cá tính sáng tạo" rõ nét. Nói cách khác cái "đạo thơ" của anh chưa mạnh. Vì thế mà từng bài thơ như những chấm sáng lấp lánh nhưng chưa được hội tụ. Tôi muốn nói đến sự đậm đặc của "tình thơ" như là một định hướng triết học của tập thơ, cái tạo nên tầm cao và độ bền vững của các nhà thơ trong thời gian. Có thể yêu cầu đó là quá cao. Nhưng với tài năng Hải Kỳ tôi có quyền đòi hỏi và tin rằng Hải Kỳ sẽ làm được.
Huế 3-8-1988
N.M
(SH31/06-88)
--------------
(1) "Ngọn gió đi tìm" - Thơ Hải Kỳ, Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, 1987