“Những năm chiến tranh, miền Trung là túi bom túi đạn, và nguồn lực đất nước cũng dồn về đây. Nhiều nhà văn nhà thơ, nhiều tác phẩm VHNT nổi tiếng cũng xuất hiện từ vùng đất này. Còn hiện nay, dù đội ngũ tác giả ở miền Trung có thưa hơn, nhưng những con người miền Trung dù đi đâu cũng vẫn mang theo truyền thống sáng tạo độc đáo, giàu khí chất của miền đất này. Đó là một cuộc mở mang và bồi đắp tâm hồn trên dọc dài đất nước…”
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, 1 trong 3 sáng lập viên của tờ tạp chí Cửa Việt nức tiếng một thời của miền Trung, chia sẻ với phóng viên Lao Động những trăn trở của ông về đất và người Trung Bộ...
“Tính cách và phẩm chất miền Trung rất hợp với tinh thần báo chí”
Là người từng tham gia sáng lập ra tạp chí Cửa Việt vào thời kỳ đầu Đổi Mới, ông có thể nhớ lại không khí làm báo và sinh hoạt văn chương lúc đó? Vì sao một tờ báo địa phương ở mảnh đất nghèo miền Trung lại có sức hút mãnh liệt những cây bút đình đám trong và cả ngoài nước trong suốt một thời gian khá dài như vậy?
Sau khi chia tỉnh Bình Trị Thiên cuối năm 1989, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về Quảng Trị làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, và ông nghĩ ngay đến việc phải ra tờ tạp chí để hội tụ những người làm VHNT. Ông rủ tôi và nhà văn Nguyễn Quang Lập về làm phó cho ông, và cùng làm tạp chí. Nhưng tôi vẫn ở lại Huế, chỉ nhận “làm thêm” cho Quảng Trị mà thôi. Tuy nhiên, tôi vừa phải làm biên tập, vừa phụ trách mỹ thuật, lại làm cả công việc lên trang mục cho từng số như một thư ký tòa soạn thực thụ. Và chúng tôi đã chọn thời điểm ra tạp chí Cửa Việt số đầu tiên vào dịp Tết Canh Ngọ (1990).
Trước khi ra tạp chí là lúc diễn ra đại hội nhà văn VN, nên chúng tôi đã gặp nhiều nhà văn nhà báo nổi tiếng trong nước để kêu gọi cộng tác với Cửa Việt. Nhiều nhà văn nhiệt liệt ủng hộ, thậm chí nhà phê bình Ngô Thảo (quê Quảng Trị) còn tình nguyện nhận làm đại diện tại Hà Nội. Không khí văn nghệ hồi đó khá thẳng thắn với tinh thần Đổi Mới mạnh mẽ và có nhiều quan điểm khác nhau, nên việc ra tờ tạp chí như một “sân chơi văn nghệ” là thuận nhiều mặt. Cửa Việt vừa ra số đầu tiên đã gây tiếng vang lớn ra tận hải ngoại, vì những vấn đề nóng trong VHNT được chú trọng. Mục “Sự kiện và đối thoại” là mục mở đầu tạp chí với logo có hình con Nhân Sư là mục được nhiều nhân vật quan trọng tham gia theo lời mời của tòa soạn. Trong đó, có không ít bài viết được dành riêng cho Cửa Việt nói rất mạnh về đổi mới VHNT, gây hứng khởi cho giới văn nghệ và bạn đọc rộng khắp.
Cái tên “Cửa Việt” là do ai nghĩ ra? Mượn một địa danh của địa phương nhưng đồng thời cũng mang một hàm ý rộng dài hơn thế, có phải chính là để chất chở “tham vọng” của những người làm Cửa Việt?
Trong các cuộc đàm đạo văn nghệ, chúng tôi đề nghị thi đặt tên cho tạp chí. Có nhiều tên được đưa ra: Cửa Tùng, Hiền Lương, Thạch Hãn… Cuối cùng thì nhà thơ Lê Bá Tạo (lúc bấy giờ là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị) hiến cho cái tên Cửa Việt. Việt ở đây có nghĩa là Vượt, cũng có nghĩa là Việt Nam. Cái hàm ý này được mọi người tán thưởng ngay, và người đặt tên được nhận thưởng 10.000 VND. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường còn nói vui rằng: Đừng gọi mười nghìn, mà gọi một vạn cho nó sang. Và để cho sang hơn nữa, chúng tôi đã mời họa sĩ Hoàng Ngọc Biên, người Quảng Trị từng học họa ở nước ngoài vẽ mẫu măng-sét và logo cho Cửa Việt.
Cửa Việt đã trải qua một số phận khá truân chuyên để trả giá cho quyền được nói của mình, như chính thơ ông từng viết: “Tôi sống thời không thể đứng quay lưng/Vầng trăng mọc vào thơ mỗi ngày dường đổi mới/ Người lo toan vầng trăng chẳng yên tròn”, “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi”... Kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất với ông trong quãng thời gian làm báo ngắn ngủi nhưng khó quên đó?
Kỷ niệm khó quên đối với Cửa Việt thì nhiều, nhưng đáng nhớ nhất là những lần bị cấp trên “nhắc nhở”. Khi thì vì một bài thơ buồn sau chiến tranh, khi thì đăng bài của một nhân vật “có vấn đề”, khi thì đăng bài ngoài tỉnh nhiều... Nhưng kỷ niệm đau nhất là sự kiện đăng bài “Bàn tròn với Lê Ngọc Trà” (số 16). Sau khi báo ra, người ta quy là “hội thảo không phép”, và bị một tờ báo T.Ư đăng ngay bài phê phán với cái tít rất nặng nề “Quả đạn tù mù có nhiều khói độc trên tạp chí Cửa Việt”, khiến lãnh đạo tỉnh rất lo lắng. Cố nhạc sĩ Trần Hoàn lúc đó là Bộ trưởng Bộ VHTT nói với tôi: “Bay làm vừa vừa thôi!”. Ông Bí thư tỉnh nói với tòa soạn, tạp chí có thể bị đình chỉ. Còn ông bố vợ tôi, nguyên là cán bộ cao cấp, có Huân chương Độc lập và Huân chương Hồ Chí Minh thì tìm đọc kỹ lại Cửa Việt (vì ông người Quảng Trị) thì ngạc nhiên bảo: “Tôi đọc mãi có thấy “khói độc” gì đâu!”.
Tuy vậy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập và tôi vẫn tiếp tục làm số 17 với một tinh thần tự tin, mạnh mẽ nhưng cẩn trọng hơn. Khi số 17 đã vào nhà in thì nghe nói đã có lệnh đình chỉ Cửa Việt, nhưng số 17 vẫn được phát hành. Đó là số cuối cùng của Cửa Việt - bộ đầu tiên. Sau đó nghe tin Thư viện hoàng gia Anh đã có trọn bộ Cửa Việt. Một nhà nghiên cứu lịch sử, mẹ vợ của đạo diễn điện ảnh Trần Anh Hùng từ nước ngoài về cũng nhờ tôi tìm mua cho bà đủ 17 số...
Không ít nhà báo lớn của đất nước là trưởng thành từ mảnh đất miền Trung. Ông có cho rằng điều đó có được là nhờ điểm gặp giữa tính cách vùng và phẩm chất tối cần ở một nhà báo: sự thẳng thắn, không khoan nhượng?
Chị nói đúng. Tôi cũng nghĩ tính cách và phẩm chất miền Trung rất hợp với tinh thần báo chí, nhưng người miền Trung cũng giàu lãng mạn và hài hước đấy chứ! Một Nguyễn Du, một Nguyễn Công Trứ hay một Hồ Xuân Hương cũng đủ làm cho bao người suy ngẫm về tính cách và phẩm chất miền Trung. Họ dám nhìn thẳng vào sự thật của đời sống, dám ca ngợi và phê phán với một tấm lòng đầy yêu thương, tình nghĩa. Thẳng thắn, không khoan nhượng đến độ gàn, nhưng lãng mạn, nghĩa tình thì cũng dễ mấy ai bằng...
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường & Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tại Thành Cổ Quảng Trị năm 1991 |
Nếu “chim không đậu”, thì phải xem lại “đất có lành” không?
Cửa Việt nói riêng và báo chí chính thống nói chung hiện nay có thể nói là đã qua mất rồi cái gọi là “thiên thời, địa lợi…” trước sự phát triển lấn át của mạng xã hội và báo mạng cùng truyền thông đa phương tiện. Ngoài nguyên nhân đó, ông nghĩ, còn những nguyên nhân nào khác khiến “đất lành” xưa hiện không còn thu hút được nhiều “chim đậu” nữa?
Báo mạng hay mạng xã hội phát triển mạnh vì người ta cần thông tin nhanh, thông tin xã hội và thông tin cá nhân, nhưng có thể nay còn, mai mất. Riêng tôi vẫn đánh giá cao vai trò của báo giấy, nếu báo giấy bảo đảm được chất lượng của nó, nghĩa là nói trúng, nói sâu, nói hay về đời sống xã hội, thân phận con người. Nếu nói đất lành mà chim không đậu, thì phải xem lại đất có lành không? Báo chí hiện nay về mặt bằng là đồng đều Bắc Trung Nam, nó phản ánh sự hiện diện khá phiến diện của nó. Có thể do một số nhà báo đã biến dạng hoặc do quản lý báo đặt mức an toàn quá cao. Hình như cả người viết lẫn nhà quản lý luôn lo lắng về những “sự cố” không an toàn cho chính họ. Đó là sự hạn chế động lực của báo giấy. Nhưng tôi vẫn tin, báo chí không thể né tránh sự thật, dù sự thật đau lòng.
Theo ông, đó có là một mất mát lớn của một miền đất có tiếng là đất học - đất chữ, đất thơ - đất nhạc như miền Trung? Điều gì theo ông có thể giúp có lại?
Như tôi đã nói, nếu có mất mát thì là mất mát chung chứ đâu chỉ riêng miền Trung. Tuy nhiên cái “mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt” này không thể thu hút nhân tài bằng các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được. Điều đó nói rằng, miền Trung cần xốc lại mình, cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan đầu não với những hoạch định chiến lược tầm cỡ hơn để có những trung tâm thu hút nhân tài nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa. Có thế mới gọi là “đất lành” được!
Ông nghĩ sao khi kinh tế miền Trung thì phát triển hơn, nhà cửa thì khang trang hơn, con người cũng hiện đại hơn, hay mùa thi ĐH vừa qua đã chứng kiến một mùa bội thu của Nghệ An với 12 thủ khoa ĐH…, nhưng thơ văn miền Trung thì lại dần mất tiếng vang và chỗ đứng?
Nên nhớ thời Huế là kinh đô, thì những người tài cũng tập trung về đây. Hầu hết các nhà thơ lớn của thời kỳ Thơ Mới đều nổi lên từ Huế. Những năm chiến tranh, miền Trung là túi bom túi đạn, và nguồn lực đất nước cũng dồn về đây. Và nhiều nhà văn nhà thơ, nhiều tác phẩm VHNT nổi tiếng cũng xuất hiện từ vùng đất này. Còn hiện nay, dù đội ngũ tác giả ở miền Trung có thưa hơn, nhưng những con người miền Trung dù đi đâu vẫn mang theo truyền thống sáng tạo độc đáo, giàu khí chất của miền đất này. Đó là một cuộc mở mang và bồi đắp tâm hồn trên dọc dài đất nước. Có thể nói, chỗ đứng của tinh thần miền Trung không chỉ ở miền Trung.
Từng có đề nghị giải thể các hội văn nghệ địa phương vì nhiều hội chỉ hoạt động cầm chừng không hiệu quả và cho thấy sự trì trệ của cơ chế bao cấp còn rơi rớt, ông thấy sao?
Tôi nghĩ các hội VHNT ở địa phương hay Trung ương nó đều giống một mái nhà, một sân chơi cho văn nghệ sĩ hội tụ, giao lưu mà thôi. Còn việc sáng tạo VHNT lại là một chuyện khác, chuyện của mỗi cá nhân. Ở các nước tiên tiến, người ta có nhiều chương trình bảo trợ văn hóa rất lớn như SIDA của Thụy Điển, TOYOTA của Nhật Bản hay FORD của Mỹ. Họ không chỉ bảo trợ các hoạt động trong nước mà còn bảo trợ quốc tế. Vấn đề là anh sử dụng các quỹ đó thế nào cho hiệu quả mà thôi.
Rất hiếm tờ báo hiện nay dành đất cho thơ văn, trong khi một thời hầu như báo lớn nào cũng có. Là người từng chứng kiến Cửa Việt ở những ngày đầu cũng như Phụ trương THƠ của báo Văn Nghệ thời văn chương còn có giá, ông có thể nói gì về những gì chúng ta đã để mất hoặc không còn biết quý? Thiếu đi hành trang tinh thần đó, người miền Trung nói riêng và người Việt mình nói chung sẽ đi về đâu, theo ông?
Theo tôi, vấn đề quan trọng để làm nên những giá trị tinh thần mạnh mẽ vẫn chính là con người. Con người là trọng yếu trong “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Một ông vua giỏi bao giờ cũng trọng dụng nhân tài. Và những người tài cũng có thể làm thay đổi một ông vua dốt. Nhưng vua và người tài kỵ nhau, thì sẽ không bao giờ có “nhân hòa” cả. Đó là sự tối kỵ…
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Thiên An - LĐ