UYÊN PHƯƠNG
Bạn đang sống ở Thủ đô Hà Nội ngàn năm cổ kính hay giữa Sài Gòn hoa lệ vàng rực ánh nắng hoặc giả có thể ở bất cứ thành phố náo nhiệt nào trên đất nước Việt Nam? Bạn đang hòa mình vào nhịp sống đô thị với đầy ắp sự văn minh, hiện đại nhưng cũng khá ồn ào và bụi bặm, thậm chí có lúc bạn cảm thấy chán nản muốn rời xa sự xô bồ và ngột ngạt của chúng?... Vào lúc ấy, chắc hẳn bạn sẽ rất vui nếu được đi đâu đó vài ngày… Cảm giác khi tạm rời xa nơi thành phố cũng rất tuyệt”.
Những lời thưa trước trong một câu chuyện của cuốn tùy bút “Khi bạn xa thành phố” (Nxb. Hội Nhà văn, 2014) trích ở trên, đủ để chúng ta tò mò theo những bước chân của tác giả - nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo. Có thể nói đây là cuốn sách của rộn rã bước chân đi, những náo nức hồn nhiên về những câu chuyện như thể được tranh nhau kể ra, nếu không thì sẽ biến mất như làn sương mỏng hay ánh nắng đã xuống bên kia đèo mà câu chuyện chưa kể hết.
Khi bạn xa thành phố, bạn sẽ thấy gì, sẽ gặp gì, cảm nhận những gì? 37 câu chuyện từ nhiều nơi khác nhau trên đất nước Việt Nam là đủ hay chưa? Có thể với ai đó khó tính là chưa đủ, nhưng những gì có thể cảm nhận là thật vi tế, thật sự rung động, khó quên.
Đó có thể là “Sa Pa - hương sắc bốn mùa”, mà “Mỗi một ngày của Sa Pa mang sắc thái đủ cả bốn mùa. Buổi sáng và chiều là cái mát lạnh của mùa xuân và mùa thu, còn buổi trưa với ánh nắng như mùa hạ nhưng vẫn khá dễ chịu, còn đêm xuống là cái lạnh mùa đông”. Và có thể bắt gặp ở đó sự dịu dàng: “Mùi khói quyện với mùi rơm và hương lúa chín… ở đây chúng dịu dàng quá, làm tôi liên tưởng đến làn tóc mềm mại của những thiếu nữ được thả bên dòng suối”…
Đó có thể là “Náo nức chợ tình Châu Mộc”: “Dạt ra những con đường bên rìa núi, người đi hội cũng vắng dần khi đêm xuống. Thấp thoáng những cặp uyên ương mải trao tình bên núi… Đẹp lắm những bàn tay nắm bàn tay, những anh mắt trao gửi ánh mắt, những bước chân xoắn xít bước chân. Còn những cuộc hẹn hò tình tứ nơi Châu Mộc say đắm như thế nào nơi hẻm núi thì chỉ có núi cao đứng lặng im thở dài đầy tiếc nuối và suối nguồn ngân lên róc rách mà thôi”…
Đó có thể là rừng “Cúc Phương mùa này lắm bướm”: “Khu rừng nhiệt đới này vốn yên ả bỗng dưng trở nên sống động và nao nức một cách lạ lùng. Nhờ có lũ bướm rừng lả lơi ấy mà những ánh nắng xiên qua kẻ lá cũng thích thú nhảy nhót và trở nên biết reo vui”.
Sau khi rong ruổi qua những mỏm đèo dốc đá núi cheo leo, chúng ta có thể về biển khơi. Đó có thể là “Đến Phú Yên thăm ghềnh Đá Đĩa”: “Bạn sẽ bị bất ngờ bởi vô vàn những khối đá giống như những chiếc đĩa hình lục lăng được xếp chồng lên nhau theo từng hàng, từng lớp… Buổi sáng khi bình minh lên, những khối đá đen, đá nâu được nhuộm vàng và ánh lên rực rỡ. Còn khi chiều xuống, chúng lại phản chiếu những ráng đỏ hoàng hôn trên mình thành những ánh tím liêu tải và bí ẩn”.
Hay xuống một làng biển dự “Hội làng Du, Thủy Nguyên, Hải Phòng”, và bắt gặp những con người với những triết lý sống thật bình dị: “Họ chờ đợi và háo hức đón chờ ngày hội làng trong những ngày đầu xuân nơi đất trời mưa phùn đầy ẩm ướt. Họ vui thích khi được tham gia vào lễ cầu an và chân bước thung thăng trong đoàn rước tàu thuyền để ra tận bến sông của làng mình. Có lẽ những cụ già đã gắn bó tâm huyết với xóm làng suốt cả cuộc đời cùng dòng họ và những thú vui đơn sơ thì với họ, sẽ chẳng đâu bằng cái làng quê của mình, dâu cho cuộc sống có nghèo khó đến đâu”.
Bước chân chưa dừng lại, một hôm nào đó, rong ruổi phương Nam và bắt gặp “Mưa Gài Gòn nhớ vàng ruộm bánh xèo”: “Món bánh xèo khi ăn không thể thiếu rau xanh ăn kèm giống như tình yêu của nàng luôn dính liền với chàng vậy. Bởi nếu thiếu chàng rau xanh thì nàng bánh xèo cũng trở nên… kỳ cục hết sức…”.
Và Huế, ngẫu nhiên được nhắc đến với những hội ngộ thi vị. “Sông Hương hóa rượu ta đến uống” là một góc nhìn bao quát sử thi dòng sống, các vỉa tầng văn hóa của xứ sở và con người, cả Tạp chí Sông Hương “đã bước sang tuổi ba mươi với một vóc dáng và tâm thế đáng nể”… Và “Gác Trịnh - lung linh nắng thủy tinh vàng”: “Ngồi nơi Gác Trịnh để nhìn xuống đường thật thú vị. Dẫu dòng người có tất tả ngược xuôi hay lặng lẽ qua lại ở bên dưới thì nhịp sống nơi đây vẫn lãng mạn bởi con đường in đầy bóng lá và màu xanh nõn nà của loài cây long não vẫn ánh lên trong đốm nắng. Trong cõi dịu dàng và trầm tư ấy, chắc hẳn là nơi khơi nguồn để Trịnh Công Sơn viết nên nhiều ca khúc để đời về tình yêu và cuộc sống, về cõi người trầm luân với cả niềm hạnh phúc lẫn khổ đau”…
Và điều đọng lại nữa, là khi thắp nén nhang tưởng niệm trên “Nghĩa trang Trường Sơn mùa bàng lá đỏ”: “Giữa khu mộ liệt sĩ nằm bốn bề dăng dăng, cây bàng mùa thu vẫn đỏ ối sắc lá và ngời lên trong nắng những ánh vàng chen lẫn ánh nâu đượm màu cổ tích. Ta chợt nhận ra một vẻ đẹp kiêu sa và lộng lẫy của mùa thu và nỗi buồn đau về sự mất mát và nỗi buồn nhân thế chợt dâng dâng trong lòng…”.
Tập tùy bút đã khởi đi từ những cảm nhận nồng nàn, những câu chữ trong veo, những biểu lộ ngôn ngữ bình dị mà thanh khiết. Điều thú vị là không ít những thoáng nghịch ngợm mỉm cười kiểu dân gian hóm hĩnh đã kịp chen vào giữa xô bồ đi, ngắm, thưởng thức… trong suốt hành trình.
Từ những câu thơ như “Ơi vầng trăng khuyết/ mỏng cong kiếp người” cho đến tùy bút là những cuộc chiêm nghiệm của nhà thơ phơi bày trên trang giấy, qua những đoàn tàu chữ nghĩa nối nhau đi.
Đây là tập văn xuôi thứ hai của Phạm Thị Phương Thảo, sau tập tản văn “Hà Nội dấu yêu” (Nxb. Hội Nhà văn, 2013); và là cuốn sách thứ bảy, sau 5 tập thơ đã xuất bản: Dòng sông khát vọng (2010), Hoa nắng (2011), Trao em mùa hạ (2012), Khúc ru nơi lưng núi (2012), Mắt sóng (2013). Nữ thi sĩ hiện đang là chiếc cầu nối của Tạp chí Sông Hương với bạn đọc và cộng tác viên ở miền Bắc. Xin chúc chị tiếp tục lên đường “giản dị, hồn nhiên, cứ long lanh tỏa sáng giữa một vùng trời nước và biển khơi”…
U.P
(SDB14/09-14)