DA VÀNG
(Đọc tập thơ Tùng Gai của Bạch Diệp, Nhà xuất bản Văn Học, 8/2014)
Chúng ta đều biết tiếng khóc của một đứa trẻ mới chào đời, như một điều tiên quyết tất yếu để tồn tại và tiếp bước trong khoảng thời gian tiếp nối. Phải chăng, đó là tiếng gọi trong veo đầu tiên được bột phát ra từ nhịp đập trái tim mà sau này chúng ta gọi tên là cảm xúc.
Bài thơ đầu tiên được khai sinh không khác mấy với sự ra đời của mỗi chúng ta. Tất cả là ở nền tảng: cảm xúc. Trong một bài thơ, ngoài những hình thức biểu hiện, cảm xúc luôn luôn đóng vai trò chính yếu. Chính vì vậy mà không có ranh giới giữa thi nhân và bài thơ.
Thật ra, sự khai sinh một bài thơ là cả quá trình vận hành của cảm xúc. Khi chúng ta sử dụng ngôn từ để diễn đạt chính là thời khắc bài thơ đã bị bức tử phần nào. Chính sự diễn ngôn sẽ thể hiện tài năng của nhà thơ và tạo nên nghệ thuật thi ca. Chỉ bằng hai câu thơ trong bài “Bên kia cánh đồng”: Mặt trời chảy máu trên những cánh đồng/ Lắng nghe sự im lặng của đêm chuyển thành màu trắng, tác giả đã bày biện một không gian siêu thực, khi đối diện với sự im lặng của bóng tối đang dần chuyển sang sự tuyệt vọng, hé lộ nỗi cô đơn của kiếp người trước bức màn hư vô qua một dải màu, từ nóng sang lạnh: màu máu của mặt trời, màu của bụi đất, màu đen của đêm và màu trắng của sự trở về.
Trong bài “Ngày chủ nhật” với những câu thơ rất kiệm chữ:
...
Ngày lên giây hết cỡ
Chật
Dâng đầy lên ngực
Chuông nhà thờ chặt khúc thời gian
Sao ta lại ở đây
Không có ổ khóa bằng đồng
Cứ viết đi viết lại như lời lải nhải của kẻ mất trí
Lục bới nữa làm gì
Thời gian cày xới nát nhừ những giấc mơ
...
Tác giả đã dẫn đưa người đọc rơi vào không gian liên tưởng về nỗi ám ảnh thời gian trong cuộc sống này. Nơi đó là cuộc chạy đua với chiếc đồng hồ, âm thanh hối hả thúc giục của tiếng chuông nhà thờ... và những ngạc nhiên thường trực về sự tồn tại của phận người sau bức tường luẩn quẩn, mà tác giả đã ngộ ra và muốn vượt qua cái lằn ranh đang đóng khung và giam giữ giấc mơ của con người thi ca.
Trong tập thơ của Bạch Diệp, ẩn đằng sau mỗi câu chữ là một gương mặt buồn, một nỗi buồn mang tên loài hoa trắng lung linh dưới ánh chiều tà. Ở đó là một giếng nước trong veo còn sót lại trong những kinh thành cổ, mà mỗi đêm người thơ đều ngắm nhìn chiếc bóng mình lấp lánh cùng ánh trăng hoang liêu.
Tôi như lạc vào câu chuyện ngụ ngôn hiện đại, khi những bài thơ cứ dẫn dắt người đọc về những con đường xa hun hút, để rồi khi bước chân cuối cùng ngỡ đã chạm đến đích, thì sự bất ngờ lại đưa chúng ta đến con đường mới. Có thể đây là điều chủ ý của tác giả khi đã làm chủ được nguồn mạch thi ca đang luân chuyển trong tâm hồn. Cứ thế, tác giả chỉ việc tạo ra những con sông, những luồng lạch,… để dòng nước ngang qua những cõi miền rồi hòa vào biển khơi.
Nhạc tính trong thơ Bạch Diệp ngoài những âm vực rất riêng qua nhịp đập của ngôn từ, còn được biểu hiện bằng hình ảnh. Mà điều chính yếu của hình ảnh trong thơ Bạch Diệp là các sắc màu… Chúng ta hãy thể nhập vào thế giới màu sắc của tác giả, để cảm nhận vòng mi của trời đất đang khép lại:
Ở đó màu trời màu nước màu mây
hoàng hôn và bình minh loang chảy
Vệt sáng đường chân trời như vòng mi khép
Biển duỗi phơi trăng...
Có thể hình dung sắc vàng của cánh rừng ngập tràn lá phong thu, ẩn trong xa hút của nỗi hanh vàng đó lấm tấm những hạt châu hay những vành môi màu rượu nho từ những bức tranh cổ điển. Rồi những khoảng chiều xanh lam mơ hồ cứ lướt qua ô cửa, khiến nàng đánh rơi những ngón tay trên phím dương cầm, ru khúc nhạc buồn Sopanh đi vào vĩnh cửu.
Cần phải nhắc lại, hình thức bên ngoài của một bài thơ, cái gọi là nghệ thuật thi ca, là sự cách tân, siêu thực, tân hình thức, là hậu hiện đại, siêu hư cấu,… hay là một nhãn hiệu nào khác, cũng không thể thiếu vắng khuôn mặt đích thực của nó chính là cảm xúc. Cảm xúc làm nên thế giới thi ca và khiến cho sự thiêng liêng của thơ bước vào cánh cửa huyền linh mà các nghệ thuật khác chỉ dạo bước bên ngoài.
Thơ - có thể không phải là câu chữ, có thể chỉ dành cho một số rất ít. Điều đáng nói đã được tác giả diễn ngôn và thi ca là những gì còn lại phía bên trong mỗi tâm hồn, như một sự khải huyền của thế giới khác trao gửi chúng ta. Trong ý nghĩa đó, Bạch Diệp đã tiếp nhận âm hưởng của thi ca từ bên ngoài rào cản duy lý, để ngôn từ của tác giả hòa cùng nhịp đập trái tim.
D.V
(SDB15/12-14)