Tác giả-tác phẩm
Hải Bằng nhà thơ xứ Huế
16:24 | 20/04/2009
HOÀNG VŨ THUẬT                (Đọc “Trăng đợi trước thềm”, thơ Hải Bằng, NXB Thuận Hoá - 1987)Đổi mới là trách nhiệm vừa là bổn phận đang diễn ra sôi động trong đời sống văn học hôm nay. Nhưng ranh giới giữa cũ và mới không dễ dàng phân định khi đánh giá một tác phẩm văn chương nghệ thuật.
Hải Bằng nhà thơ xứ Huế
Nhà thơ Hải Bằng

Tôi có trong tay tập Trăng đợi trước thềm ấn phẩm mới nhất của nhà thơ Hải Bằng viết trong mười năm trở lại (1977 - 1987). Mười lăm trong số năm mươi bài thơ được ghi mốc năm 1987 (trừ một số bài không ghi ngày tháng). Trong khi ba năm 1977, 1979, 1980 tác giả chỉ chọn ba bài? Bằng số liệu, hẳn Hải Bằng có ý chứng tỏ với bạn đọc rằng: Mới đang được chính tác giả thể nghiệm?

Đọc Hải Bằng, tôi nhận ra cái mới của thơ anh khởi sự từ nội dung bài thơ, đó là cái mới từ trong vận động thao thức tư duy cảm xúc:
Có thật là ta khóc phải không
Nghe như giọt nắng nhói trong lòng
Một mai ngã xuống chân thành cũ
Thơ vẫn gọi đò trên bến sông
                        (Đêm lá rơi - 1987)
Dòng máu hoàng tộc sinh ra Hải Bằng. Dẫu qua bao thăng trầm, lòng nhà thơ vẫn hướng về nguồn cội. Nhưng Hải Bằng không khóc vì lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Anh yêu Huế với tình yêu của một công dân Hải Bằng. Nếu mai kia ngã xuống chân thành cũ cha ông, thì hồn thơ vẫn thao thiết như tiếng gọi đò dân gian bên dòng sông Hương. Tư duy thơ không bó lại, cảm xúc mở, lan rộng, trong khi hình thức câu thơ vẫn nền nếp kiểu Hải Bằng.

Hay như:
Khi được cầm cánh hoa thơm
Thì mùa xuân đã tan vào mơ ước
                        (Dư âm ngày sinh - 1987)
Và:
Mỗi năm qua nếu có chờ nhau
Gió thu về ngoái lại mùa mưa trước
Cái bóng trời vẫn thập thò sau dấu bước
                        (Thơ không đề - 1987)

Xu thế chuyển đổi như cơn lốc ào tới, vậy mà khi đọc anh ta gặp sự điềm tĩnh đến lạ lùng. Hải Bằng không ầm ĩ. Tính quyết liệt trong thơ anh không toát ra từ ngôn ngữ mà ở chiều sâu của nội tâm. Giữa lúc đồng nghiệp tung ngòi bút vào mọi vấn đề xã hội, những cảnh trái ngược, bi kịch, những số phận khủng khiếp... thì Hải Bằng cứ thong thả trong sự phóng túng riêng mình: Tiếng cu cườm gáy trưa mùa hạ / Qua hơi thở nghe xạc xào tiếng lá / Mở mắt nhìn / Vườn đầy bóng em xanh (Và không gian - 1987).

Ngược trở lại tám, mười năm trước, Hải Bằng dường như không khác gì hôm nay.Cũng chất điềm tĩnh, trắc ẩn mà khoáng đạt, đôi khi trĩu nặng nỗi đau buồn. Đấy là nỗi buồn đằng đẵng hàng chục năm trong trạng thái văn học ức chế, co cụm, ít nhiều bị tước mất quyền sáng tạo của chính nó. Hải Bằng từng lang bạt nhiều miền quê trong vòng quản lý, theo dõi vì vướng vào lớp nhà văn Nhân văn Giai phẩm. Bốn khúc trong bài Khúc dân gian viết năm 1979, tiêu biểu cho một hồn thơ trăn trở, day dứt. Mảnh vườn - biểu tượng của tinh thần nhân văn mỗi khi bị chặt phá không thương tiếc, thì kết quả còn lại là sự cô đơn:
Ngày ngày
Vẳng nghe
Vườn nhà bên chim hót
Anh nhớ
Cây đào
Cây ổi
Cây chanh

Dầu ở cảnh ngộ bi đát nào, không vùi lâæp nổi khát vọng sôi cháy trong con người Hải Bằng. Đời người và đời thơ anh như bóng với hình, long đong, chìm nổi, bệnh tật. Đang nghe tin anh ốm nặng, chưa kịp tới thăm đã thấy anh đột ngột hiện ra giữa bạn bè khoẻ khoắn, hài hước, rồi giận dỗi vô cớ, phẫn nộ quá đáng. Thơ cùng anh trên cái đà đó mà thành:
Vẫn còn mơ
Một thời trong mắt nhỏ
Một cành hoa quá khứ
...
Vẫn còn yêu
Sợi tơ trời
Bay trong mùa hạ
...
Vẫn còn nghe
Con chim gì nó hót
Ở trong vườn...
                        (Dư âm còn - 1977)

Đứng giữa khoảng thời gian của hai đầu mốc sáng tác, tự nó lý giải công tâm thơ Hải Bằng. Đã có người đưa ra câu nói lấp lửng: “Tất cả phải thay đổi để không có gì thay đổi cả”. Đó là ý nghĩa về phương diện lý luận của sự trở về với bản ngã. Đối với các nhà văn xu thời, sáng tác nhằm mục đích minh hoạ, chạy theo sự kiện, chuộng “mốt” cần phải cải tổ thực sự để trở lại với chân giá trị. Còn Hải Bằng giữ nguyên bút pháp, cách chọn lựa suy nghĩ, sắp xếp cảm xúc, có nghĩa đổi mới của anh là sự khẳng định con đường thơ của mình đã đi là đúng đắn. Không ai ngờ nghệch thay giá trị đích thực của mình để lấy giá trị giả dối, vô bổ. Bản lĩnh kiên định về xu hướng sáng tác của một số nhà văn đã đặt họ vào vị trí không uổng. Hải Bằng phát biểu điều đó bằng hai mặt của cuộc đời: sống và thơ.

Hai tháng sau tổng khởi nghĩa, ngày 10-10-1945 mới mười lăm tuổi Hải Bằng đã từ giã quê hương theo kháng chiến. Khi sống ở chiến khu, lúc về đồng bằng, ở thủ đô hay trở lại nông thôn, bất kỳ nơi nào Hải Bằng luôn giữ phong độ của một chiến sĩ từng trải. Tính kiên trì chịu đựng, dũng cảm trong nghệ thuật có lẽ bắt nguồn nơi con người chiến sĩ của anh. Từ những bài thơ nổi tiếng đầu như Em nữ cứu thương người Pháp trong chống Pháp, đến Cồn cỏ thời chống Mỹ cho tới sau này, Hải Bằng chưa hề mệt mỏi; anh đi đến tận cuối con đường thơ của mình để chiêm nghiệm:
Đứng cuối con đường mới nhìn rõ nắng khơi
Lắng đợi chờ mặt trời đưa tiễn
Và để:
Giữ trăm năm chuyện cũ người đời
                        (Cuối con đường - 1983)
Một câu nói và cũng một câu thơ, lặn sâu trong tim người đọc, đánh thức quá khứ của đời người bao buồn vui, bao hạnh phúc, cơ cực.

Dù phải sống nhiều năm cách biệt quê hương, nhưng Huế - Bình Trị Thiên trong anh vẫn là tâm điểm của con mắt tìm về: Ai đi tới Huế rồi xa Huế / Để lại mùa trăng đợi trước thềm (Lưu luyến). Với Đồng Hới quê người bạn đời đồng thời là quê hương thứ hai của anh: Thuở nhìn xuống nước gặp nhau / Đò qua sông / Để lại trong ta mái chèo làm nên cái xoáy... Chỉ riêng nói về mưa Huế Hải Bằng đã có trên trăm bài, mỗi bài là một cảm xúc mới mẻ. Duy điều đó có thể gọi anh là nhà - thơ - xứ - Huế với nghĩa đúng đắn. Hải Bằng rất nhiều bạn, không cứ gì bạn văn chương. Tình bạn có nóng, có lạnh thất thường, song bao giờ anh cũng thú nhận “tình bạn đã vây lấy thơ mình”. Âu cũng là hạnh phúc.

Đọc anh sự bình giá, khen chê khác nhau. Thơ anh có lúc hay, lúc bằng phẳng, có thành công và có cả thất bại. Nhưng thất bại hay thành công, hay hoặc chưa hay đều cho ta gặp một Hải Bằng độc lập. Âm điệu trầm mặc tạo cho thơ anh mang phong cách sâu kín, giàu liên tưởng, ngẫm ngợi. Có là Hải Bằng, sống chính cuộc đời của mình, mới viết nổi những câu thơ lạ, nhân ái đến tột cùng:
Ao nhà không có nơi chim đậu
Xin thả hồn ra một nhánh nè
                        (Chích choè - 1987)
Ngay cả lúc đau buồn, mà tâm hồn trong trẻo nhường này:
Ở xa xôi em có hề hiểu thấu
Tiếng khóc đầy kiêu hãnh vẫn theo em
                        (Không có em - 1987)
Tự chọn và thoả thuận chọn 50 bài thơ cho tập, mỗi bài là sự trở về chính mình. Dù đọc bài mới viết hay bài đã thách thức qua năm tháng, ta nhận ra Hải Bằng không cũ. Tất nhiên ta có quyền đòi bất cứ nhà thơ nào phải tự phá mình để vượt qua cái đã có. Hải Bằng thong thả, trầm tĩnh nhờ sức khoáng đạt (như đã nói). Và nhờ sức khoáng đạt mà thơ anh thong thả trầm tĩnh. Tuy nhiên anh chưa bao giờ bằng lòng ở mỗi bài thơ sau khi đã viết. Đó là điều trân trọng. Anh như Cây si (tên một bài thơ) trong chậu đặt trước hiên nhà chật chội: Lá vàng rụng xuống / Cây si oằn lưng, khát vọng / Gốc đau, trăn trở, nhú vòi. Và:
Sáng nay
Cây si đứng ra khỏi chậu
Chậu vỡ đôi...

Cuộc sống quanh ta nhiều khi là một trở lực lớn, với Hải Bằng như định mệnh! Có điều anh chưa hề đuối sức, quẫn trí. Anh bền bỉ kiên gan, sống để viết, chứ không cần viết để sống yên thân.
Những đêm rất khuya, ngồi với nhau tôi và anh không nói gì. Bất chợt Hải Bằng buông ra:
-Làm thơ khó thiệt...
Đó là tiếng của người từng yêu, từng căm, bao giờ cũng khiêm tốn, tự biết để sống với khát vọng trọn đời cho thơ.

Huế, ngày 17/5/1988
H.V.T
(
202/12-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng