Tác giả-tác phẩm
"Lại đây!"
15:32 | 21/08/2015

Qua đi, với những hoa tàn tạ
Hoa trong hồn ta, ai hái được bao giờ
                                     Victor Hugo*

"Lại đây!"

Tôi nghe nói trong đạo Phật, hành động vị tha đẹp nhất, quý nhất, hiệu quả nhất là “pháp thí”. Nó quý hơn cả áo cơm, vàng bạc, vì nó nói vào lòng người, xoay chuyển tim người. Con người, mỏng manh và cô độc thế, một khi tâm ý biến đổi, có thể có sức mạnh thôi sơn. Thậm chí đến mức nhà Phật gọi là “bất thoái chuyển”, tức từ nay tâm kiên cố, tiếp tục đi lên, hướng thượng. không quay lùi trở lại. Trong thời buổi đầy rẫy những từ “suy thoái”, “xuống cấp” trên nhiều lĩnh vực, pháp thí, theo nghĩa trên, cần thiết bao nhiêu!

Nhưng, trước hết là thái độ. Socrates ngồi xuống vĩa hè, ngay giữa chợ đời để mời gọi đối thoại. Đức Phật nhẹ nhàng buông hai tiếng “Lại đây!” với mọi người, không phân biệt sang hèn, để an ủi và ôn tồn “khai thị” về những lẽ được mất, thành bại, tử sinh: “Nếu tâm bị nhơ bẩn, mọi hành động, lời nói, ý nghĩ đều bẩn. Người như thế sẽ bị dục vọng lôi kéo đi và sẽ chết trong đau khổ giống như rường, kèo, đòn tay của mái nhà lợp không kỹ, thiếu chăm sóc, sẽ bị thối rữa vì thấm nước mưa”… “Hãy sống thế nào để khi trút hơi thở cuối cùng, mình nghe như có ai gọi thầm bên tai: “Lại đây!” và mình đi theo…” (Thư gửi đại gia).

Tôi chợt nhớ hai câu Nguyễn Du:

Ai đến đó dưới trên ngồi lại

Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu!

Thưa, “của làm duyên” lần này không ít đâu! 22 câu chuyện chia thành bốn mục: Khai thị, Thiền Ý, Tử sinh và Một mảnh tình riêng, tập hợp dưới nhan đề chung từ câu chuyện mở đầu “Sợi tơ nhện”, tiếp nối và mở rộng chân trời của hai tập gần đây nhất Chuyện Trò (2012) và Nhật ký Sen trắng (2014) không chỉ cho thấy bút lực “kinh nhân” của GS Cao Huy Thuần, mà còn hơn thế: những mẫu “pháp thoại” ngày càng uyển chuyển, mặn mà, sâu thẳm.

Tôi định đọc vội để còn viết đôi lời “phi lộ” cho kịp ngày ra mắt sách, đáp lại tình cảm ưu ái của tác giả và thịnh tình của nhà xuất bản. Nhưng, sao lạ, cứ đọc xong vài chuyện, tôi phải dừng lại khá lâu, có lúc muốn đọc lại. Một cảm giác thật hiếm gặp: vừa bồi hồi, xao xuyến, vừa thấy lòng mình trong trẻo, mát rượi, không bợn một chút bứt rứt, hoang mang. Do văn tài đặc sắc của tác giả chăng? Nói thế là thừa! Hay phải chăng “lời thêu” đã thật sự thoát ra từ “lòng gấm”? Vâng, chắc thế rồi! 22 câu chuyện gồm nhiều hương vị và cung bậc khác nhau. Có chuyện ly kỳ, hồi hộp không kém truyện phim Rashomon của Nhật Bản trong Quán hú vía, có chuyện hài hước, bất ngờ như Đứa con, kỳ dị mà cảm động như Cái vòng khuyên, và còn thơ mộng nữa, như trong nhiều chuyện khác. Cao huynh đắp thêm da thịt đầy đặn cho bộ xương khái niệm, thêm máu huyết, không, đúng hơn, thêm khí huyết cho tấm thân kia hồng hào, tươi nhuận, đầy sinh lực.

Người đọc yêu văn chương, triết học Tây phương cũng sẽ có dịp gặp lại rất nhiều tên tuổi quen thuộc, nhưng được giới thiệu thật nhẹ nhàng, được soi rọi dưới ánh sáng mới mẻ, tinh tế. Này là văn chương: La Fontaine, Victor Hugo, Baudelaire, Ronsard, Verlaine, Tourgueniev…, này là triết lý: Socrates, Cicéron, Epicur, Epitecte, Descartes, Kant, Sartre… Mỗi người đọc hẳn sẽ có cảm nhận của riêng mình. Phần tôi, được hưởng nhiều “hương vị” khó quên, xin kể một vài.

Trước hết, là chuyện tưởng như rất cũ xưa: “khởi tâm”. Một con nhện - phạm nhiều tội ác nên phải làm nhện! - khởi tâm thiện, bao nhiêu sợi tơ trong bụng như muôn ngàn cạm bẫy hiểm độc trước đây đều trở thành bấy nhiêu những sợi tơ rung động của linh cảm, muốn cứu vớt tên tướng cướp Kandata - từng tha chết cho con nhện - đang bị đày đọa ở địa ngục. Một sợi tơ thả xuống địa ngục để đền ơn. Kandata  hăm hở nắm lấy, leo lên. Khi sức đã kiệt, “Kandata ngừng leo, nhìn xuống phía dưới. Dưới xa, thật xa, mờ mờ trong bóng tối của địa ngục, ba bốn tội nhân cũng đang bám vào sợi dây để leo lên. Hoảng hốt, Kandata la lớn: “Buông ra! Dây này là của tôi! Đừng làm đứt dây! Buông ra!”. Nói chưa dứt lời, sợi dây đứt phụt, phát ra một tiếng chát chúa như dây đàn bị đứt. Rụng như một trái cây thối, Kandata rơi xuống một vũng bùn lầy lội máu” (Sợi tơ nhện). Thế đấy, “chỉ một khởi tâm, anh ta suýt thoát đọa kiếp. Chỉ một khởi tâm, kiếp kiếp đọa đầy”. Chuyện này dẫn đến chuyện kia. Do “khởi tâm” ác độc, ngu dại của con người tàn phá thiên nhiên mà “hồ điệp cốc” tuyệt trần với hàng triệu cánh bướm vào mùa thiên di ở Michoanan, Mexico không còn đập cánh, rụng xuống như những chiếc lá khô! Du khách thất vọng. Nhưng, tất nhiên, không phải giận con bướm. Mà “giận con người, đã làm thương tổn thiên nhiên… Con người cuồng bạo trước mầu nhiệm. Con người không biết đọc lời kinh chép trên cánh bướm” (Bướm bay). Có thể thêm: con người không biết đọc lời kinh chép trên muôn nghìn lá cây xà cừ, sấu, sữa… Một “khởi tâm” gây khổ cho bướm, cho cây, cho dân và bây giờ cho cả chính mình!

Thứ hai là chuyện tập ngồi thiền của tác giả, mà “tâm” thì mải miết chạy theo bóng hình một… người phụ nữ!

Nàng Rosa! Tên của một đóa hồng. Nhưng là đóa hồng nhung thứ thiệt: Rosa Luxemburg, nữ chiến sĩ cách mạng sắt thép, đã hy sinh trong ngục tù phát xít. Sao có chuyện lạ? Thưa, vì Rosa đang viết những giòng lửa cháy trong tù: “Thế giới này quá đẹp dù bao nhiêu thảm khốc đã xảy ra, và còn đẹp hơn biết bao nếu không có những kẻ hèn nhát và hèn hạ” (Nhớ Rosa). Rosa, trái tim chiến sĩ với tâm hồn thi sĩ và… tu sĩ, khi trong tù lắng theo tiếng đàn vịt trời đang tung cánh: “Tiếng kêu của chúng vang lên inh ỏi, chứa đầy hoài cảm và trời đất bao la. Một cảm giác lạ lùng đã khiến chúng ta đứng sửng, lặng yên, như thể đứng dưới mê hồn của một huyền nhiệm”. Ngồi thiền thì phải đuổi mọi thứ ra khỏi đầu, nhưng “suốt buổi tập, tôi chỉ biết nhớ Rosa”, thú chứ! Thiền rất… người, vì giữa hiện tại bi đát vẫn nở một nụ hồng, vẫn nghe được tiếng reo của cát, vì “cuộc đời, thưa anh, là vậy: như một tấm vải dệt bằng buồn thảm, vô lý, nhưng trên đó ta vẫn có tự do thêu những nét đỏ xanh, thêu một nụ cười” (Hoa đào năm ngoái).

Thứ ba, là chuyện “linh hồn”, tưởng cũ hơn… trái đất! “Chết không phải là hết. Vẫn còn! Nhưng không phải là linh hồn, lại càng không phải là linh hồn bất diệt, cứ nguyên si như thế mà nhập vào người nọ người kia. Vậy thứ còn lại là gì?” (Thác là thể phách). Hỏi lại lần nữa”: “Cái đó là cái gì? Linh hồn chăng? Không phải! Cái đó rất là vật chất, cụ thể đó là lời đã nói, đó là hành động đã làm, đó là tư tưởng đã phát biểu. Lời đó, hành động đó, tư tưởng đó dẫn chúng ta đi, bỏ cái thân xác này để mượn một thân xác khác. Thân xác là khách, lời nói, hành động, tư tưởng mới là chủ”. Nói theo nhà Phật, đó là “nghiệp”. Tôi xin bổ sung thêm, nói theo Hegel, “con người là kết quả hành động của con người”. “Nói theo Nguyễn Du, “cái đó là tinh anh. Không phải linh hồn. Linh hồn thì không thấy. Nhưng, tinh anh thì có khi thấy được, nó nằm nơi các chồng sách vây quanh thân xác của Bergotte [nhân vật của Proust, trong “Đi tìm thời gian đã mất”], rực rỡ ánh vàng”.

Hay nói theo những cảm xúc đang trào dâng hôm nay trong lòng dân tộc, đó là những cái chết bất tử của những người đã hy sinh, không phân biệt, “không chia Tổ Quốc làm hai”. “Cái chết đó dạy cho người sống một bài học sống: hãy sống với Tổ Quốc như chúng tôi đã chết cho Tổ Quốc, hãy đứng dậy như chúng tôi đã nằm xuống, khi nằm xuống, cái đầu của chúng tôi không chia Tổ Quốc ra làm hai (…) Hỡi các chiến sĩ đã chết! Hãy linh thiêng xóa tan biên giới trong đầu người sống! Chỉ còn biên giới hải đảo đất nước mà thôi để bảo vệ, không phân biệt 1974, 1979 hay 1988. Đất nước ấy còn thì người chết cũng sống. Đất nước ấy mất thì người sống cũng thành chết” (Tưởng niệm).

Đó cũng là “biện chứng” của tự do và xác tín, phóng dật và trách nhiệm, và của tình yêu: tình yêu là hành động, là cho, là biết cho, và biết nhận: “Biết đâu, tôi đã nhận hoa của ai từ kiếp trước… Biết đâu tôi sẽ trao lại hoa ấy cho một người nào đó trong kiếp sau, biết đâu…” (Thác là thể phách).

“Hoa trong hồn ta, ai hái được bao giờ?” (Victor Hugo), và kỳ cùng, “nói chuyện triết lý là để học chết và học sống mà thôi!” (Nói chuyện triết lý).

Vâng, thưa Cao huynh, xin bái lĩnh! 

29.03.2015
Nguồn: Bùi Văn Nam Sơn - VHNA

 


* Dẫn trong bài “Thác là thể phách” trong tập này.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng