NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH
Đọc truyện ngắn Hồng Nhu, tôi có cảm tưởng như mình đang lạc vào trong một thế giới huyền thoại, thế giới của những lễ hội, phong tục, tập quán xưa huyền bí mà có thật của người dân đầm phá Tam Giang.
Theo sự phát triển chóng mặt của đô thị thì đời sống ấy cũng thay đổi, không còn đâu màu sắc xa xưa, cái màu sắc lầm lì hoang sơ, tráng lệ, đặc quánh chất phô-clo, có một không hai, ít nhất là trên Đông Nam Á này theo cách nói của Hồng Nhu. Vì thế, nên gửi tới nhà văn Hồng Nhu một lời cảm ơn sâu sắc, bởi đã tái hiện nét văn hóa ấy thành những tác phẩm văn học để đời, góp phần gìn giữ chúng, làm phong phú thêm nền văn học, văn hóa nước nhà.
Với những trải nghiệm tinh tế, cùng ngòi bút sắc bén, ông đã đem đến cho người đọc những tác phẩm tuyệt vời, đậm đà nét văn hóa sông nước của người dân đầm phá Tam Giang xưa ở Huế, cả bình diện nội dung cũng như hình thức nghệ thuật.
Điều hấp dẫn tôi khi đọc tác phẩm của ông là những phong tục, tập quán, những lễ lạt mang đậm không gian tâm linh, cũng như ý niệm tâm linh trong con người nơi vùng sông nước này. Nhưng trên hết, điều quan trọng hơn cả là nó có thật. Chính vì vậy, tác phẩm trở nên sinh động và nét văn hóa ấy lại càng được tô đậm như một đặc trưng riêng biệt.
Trong một bài viết của ông “Đời sống tâm linh của người dân chài phá xưa” đăng trên Tạp chí Sông Hương, số 168 năm 2003, nhà văn Hồng Nhu có tâm sự về nguồn gốc của những câu chuyện trong truyện ngắn của ông: “Hồi còn nhỏ ở làng quê, những đêm trăng sáng ngả nia nằm giữa sân cát cho mát, nửa khuya nghe tiếng loong coong loong coong nhịp nhàng liên tục của thuyền thả lưới bên ngoài đầm vọng vào, cha tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện có thật mà như huyền thoại của những người chài đầm phá quanh năm làm lụng, ăn ngủ, cưới xin, đẻ đái… trong lòng chật hẹp của vạn thuyền họ giữa bao la thoáng đãng của trời nước. Họ sống hoang dại riêng một cõi, cô lẻ, thuyền ai nấy biết, rất ít khi giao tiếp với nhau, gần như không biết đến cộng đồng. Họ có những tập tục quái dị nhưng không hề quái đản: tục hợp cẩn trong lòng nước của vợ chồng mới cưới đêm tân hôn, tục bắt đàn bà con gái trên cạn về làm vợ, rồi tục đàn bà con gái cởi trần bốn mùa, kể cả khi tiếp khách. Những lễ lạt họ cũng khác thường, đặc sắc và đặc trưng như lễ nhập vạn, lễ cầu ngư, lễ thôi nôi cho đứa con trai nối dõi của họ…”.
Ý niệm tâm linh của những người dân “mọi đầm” thể hiện qua sự tin tưởng và tôn thờ thần đầm, họ tuyệt đối không bao giờ làm trái lại với thần linh, họ sợ sự trừng phạt và hơn nữa họ luôn tin tưởng là thần linh cận kề bên họ, chở che để họ sinh sống và thoát qua nguy hiểm. Trong truyện ngắn Người đàn bà ngáy, câu chuyện giữa Mai Chi và Dương Thùy khi gặp một bầy vịt, Dương Thùy thắc mắc làm sao lùa được chúng về khi mà vịt này của rất nhiều nhà, Mai Chi nói “bọn vịt đầm phá này nó giỏi lắm chị ơi, nó không bao giờ nhầm đường, nhầm chủ của mình…”, “như có Thần Đầm chỉ bảo, chị à! Người dân đầm phá Tam Giang, Cầu Hai chúng em, họ tôn thờ và tin Thần Đầm lắm”.
Để chứng minh cho lời mình nói Mai Chi kể cho Dương Thùy nghe câu chuyện về thằng cu Đốm với hai thằng bạn cùng lớp rủ nhau bơi xuồng ra đầm Thủy Tú chơi. Chiều sẩm tối, ba đứa về đến vạt nò sáo của ông Bền, cu Đốm phát hiện một chú cá dày to bằng cổ tay bị mắc vào câu chùm treo tòng teng giữa sáo, chú mình khoái quá bảo hai thằng bạn bơi luồn vào trong sáo lôi được con cá ra. Thế là ba đứa nhóm lửa nướng ăn. Về đến nhà, hai thằng bạn chẳng sao, riêng cu Đốm đau bụng quằn quại, thuốc men sao cũng không khỏi. Đến khi bà mẹ hỏi dò ra cu Đốm ta mới thú thật là ăn cá trong sáo của ông Bền. Bà mẹ hét lên: “Chết rồi, cá của ông Bền răng mi dám bắt trộm? Mi có tội với nữ thần Đầm rồi”, sau đó cha mẹ cu Đốm vội vàng sắm sửa một mâm trầu rượu đội đến chỗ ông Bền. “Ông Bền nghe chuyện, bèn bày luôn bàn thờ ngay đầu mũi thuyền khấn xin Thần Đầm. Rằng dập đầu khấn xin cho đứa trẻ nghịch ngợm, chứ không phải nó có lòng tham. Tôi là thí chủ nò sáo, tôi đảm bảo với Nữ Thần như vậy. Trầu rượu hương hoa được thả xuống đầm. Một luồng gió chướng đâu từ dưới nước thổi thốc lên. Như vậy là Nữ Thần đã chấp nhận”. Cha mẹ về đến nhà thì thấy cu Đốm đã lành bệnh, bà mẹ nói: “Tổ cha mi, ông Bền vừa xin Thần Đầm cho mi đó. Lần sau mà như rứa nữa, Thần Đầm sẽ vật mi chết tươi đó nghe con”.
Trong tập tục bắt vợ của người “mọi đầm” thì họ thường bắt đàn bà con gái xa xôi về làm vợ. Đàn ông đầm phá vẫn đinh ninh rằng Nữ Thần Đầm đã cho họ cái quyền bắt đàn bà con gái trên đất liền về vạn thuyền để duy trì và phát triển giống nòi cư dân đầm phá. Họ lên bờ, lân la dòm ngó nơi chợ búa, hễ gặp cô gái nào cô đơn bần hàn, ăn mày ăn xin hoặc thất cơ lỡ vận tha hương… là lập mẹo bắt. Ở truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về có chi tiết “nửa đêm, ập tới, nhét một củ khoai luộc hay một cục cơm to vô mồm cô gái (tập tục này cấm kỵ việc nhét giẻ vì như vậy là làm ác, Thủy Vương Hà Bá sẽ quật chết tươi)”. Hồng Nhu làm dấu ngoặc đơn nhằm giải thích vì sao nhét củ khoai hay cục cơm chứ không phải là nhét giẻ. Qua đó cho ta thấy họ có một bản chất trái ngược với hình thức, họ hiền lành chất phác rất mực, lòng dạ trong trẻo rất mực, họ xa lạ hẳn với những điều giả dối và không bao giờ làm điều ác với bất kì ai, bởi, trong họ luôn luôn tồn tại ý niệm về thần linh vô cùng sâu sắc, họ cho rằng thần linh bên họ, chở che cho họ, uốn nắn họ làm điều thiện và nếu biết họ làm điều ác hay gian dối thì sẽ trừng phạt.
Trong tục bắt đàn bà con gái ở trần cả khi tiếp khách, ngoài việc để không vướng víu trong công việc thì còn một lí do quan trọng đó là họ cho rằng thế mới chứng tỏ lòng tôn trọng khách một cách chân tình, và như thế mới hợp ý Nữ Thần Đầm.
Từ xa xưa, ở nước ta phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên được xem là một nét đẹp văn hóa đặc sắc, mục đích của việc thờ cúng là nhằm thể hiện lòng tôn kính đối với người đã khuất, tùy theo mỗi nơi, mỗi vùng mà có những đặc trưng riêng tùy theo vùng văn hóa. Ở vùng phá Tam Giang xưa trong truyện ngắn của Hồng Nhu cũng vậy, tục thờ cúng ông bà tổ tiên không thể thiếu, giữa không gian mênh mông sông nước, trước mũi thuyền, bàn thờ được lập ra để cúng Thần Đầm cùng ông bà tổ tiên, bàn thờ rất đơn sơ nhưng không khí tâm linh vô cùng đậm đặc, đậm màu bi tráng hoang dại. Những lời nói trước bàn thờ phải đúng với sự thật, họ quan niệm nếu làm trái sẽ bị Thần Đầm, ông bà tổ tiên trừng phạt. Ở tác phẩm Vịt trời lông tía bay về, khi ông Vui bắt thằng Mừng không được đi lính đã bắt nó phải thề trước tổ tiên “thề đi, thề trước vong linh tổ tiên ông mệ, trước thủy cơ màu nhiệm Thần phá đi”. Chỉ sau khi thằng Mừng đi bà vui mới thắp hương và hóa giải lời thề “trên có chư vị Thủy Vương Hà Bá, dưới có vong linh ông bà cha mẹ. Con xin được giải lời hứa nguyền cho chồng con, con trai con. Chồng con vì thương con mà bày điều trái đạo. Con trai con không muốn phiền lòng cha mà phải thề nước hai. Đi thuận gió, về thuận mưa, nghe lời phải, bỏ điều tà. Con trai con đã một lòng, chồng con cũng không hai dạ. Rập đầu mong được chứng giải. Kính cáo”. Họ tôn trọng lời thề vì họ không dám đùa với thần linh, họ sợ bị trừng phạt nên khi thằng Mừng lỡ thốt ra lời thề thì bà Vui đã phải thắp hương, cầu khấn để hóa giải lời thề cho con, tránh sự trừng phạt đó.
Trong lễ cúng Thần Đầm hàng năm cũng thế, họ cho rằng Nữ Thần Đầm là người trực tiếp cai quản họ, ban phát tôm cá nguồn sinh sống cho họ nên lễ cúng được tổ chức rất trang trọng, các thao tác trong làm lễ cũng được thực hiện một cách cẩn thận. Trong lúc làm lễ, khi người chồng tung vòng cầu con cá lên thuyền thì người vợ phải hứng được nó, nếu “Trong giờ khắc đó, nếu chị ta hứng trật thì sự xui cả năm là phần chắc”, và khi làm lễ xong họ không giữ lại cái gì ngoại trừ con cá, họ cho rằng đó là con cá thần phá đã ban tặng cho thân chủ. Một sự tin tưởng tuyệt đối vào thần linh được thể hiện qua những tập tục, những lễ lạt của người dân “mọi đầm” nơi đây, nhưng thêm vào đó là ngòi bút sắc sảo, Hồng Nhu đã chuyển tải nó đến người đọc thành những phong tục hấp dẫn và độc đáo nhất.
Một ý niệm tâm linh vô cùng sâu sắc được Hồng Nhu tái hiện một cách vô cùng sinh động, cùng với đó là không gian tâm linh trong các tác phẩm của ông càng làm tô điểm cho cái chất mang đậm tính huyền bí, tạo nên nét đặc trưng hiếm có của nơi này.
Lễ nhập vạn đò để làm vui lòng Nữ Thần Đầm với không gian đặc trưng của lễ lạt nơi đây mà khó có thể có ở một nơi nào nữa. Trong Lễ hội ăn mày có đoạn miêu tả “Một chậu nước đặt ở ván đầu mũi thuyền, nơi vẫn diễn ra các tập tục riêng biệt của người dân đầm phá. Trong chậu, lượn lờ một con tôm, tượng trưng cho bản mệnh người nhập vạn. Trên mũi thuyền, con sào chống vát lên thành một góc chéo, trên chỗ bịt sắt buộc một dải vải đỏ bỏ thõng hai múi, tượng trưng cho sức mạnh dân vạn đầm, hai mái chèo gác hai bên chìa ra khỏi lòng thuyền theo hình vây cá, tượng trưng cho lòng chung thủy với nghề sông nước”. Không gian của buổi lễ được bố trí sao cho hợp lòng thần linh, nếu là nhập vạn cho con gái thì phải là con tôm hoặc con bống còn con trai thì con cá tràu hoặc cá ngạnh, tất cả mọi thứ trong buổi lễ phải đặt đúng hướng để tỏ lòng thành kính với Thần Đầm, và theo họ phải làm như vậy thì thần linh mới che chở cho mình. Họ tin rằng có thế mới làm vui lòng Nữ Thần Đầm và người nhập vạn mới khỏi trốn đi, mới cột chặt vào vạn thuyền họ, không di dời.
Lễ hợp cẩn cũng là một phong tục kì lạ mang tính tâm linh sâu sắc của người dân nơi đây “một thau nước có hai con cá bưng ra, một chai rượu đặt cạnh. Ông già bưng bát hương đầu mũi thuyền, chọn hai cây hương và một nạm hương nhỏ” sau khi thắp hương và khấn vái ông hô lớn: “xuống đầm”. Thế là lễ hợp cẩn dưới nước được diễn ra, trong miệng hai người ngậm hai con cá lúc nào cuộc giao phối xong mới há miệng ra. Tục này diễn ra nhằm để thần linh chứng dám cho đôi vợ chồng được kết duyên, được con đàn, cháu đống, của cải sum vầy…
Nhìn chung không gian của các lễ lượt đều diễn ra “trên lòng thuyền, đơn độc giữa vời phá mênh mông. Bốn phía là trời và nước. Bến bờ chỉ là những sợi chỉ mong manh, mờ mờ típ tắp…”. Vị trí đặt bàn thờ hoặc các lễ lượt cúng đơm cũng rất quan trọng như trong lễ cũng Thần Đầm có chi tiết “Ngoài đồ mã như mũ mãng áo giày bằng giấy và hương hoa, người ta bày độc một thau đựng nước trong đó lững lờ bơi mấy chú cá. Trên miệng thau, hai thanh tre nhỏ bản đặt chéo chụm đầu lại thành hình chữ V, phần hở hướng vào lòng thuyền, tượng trưng cho sự vây bủa thắng lợi”. Theo họ, phải đặt đúng như thế thì Thần Đầm mới chứng dám, mới ban phát tôm cá cho tín chủ.
Chính không gian tâm linh này còn cho ta thấy sự thủy chung của họ đối với sông nước, đầm phá. Hơn nữa, còn chứng tỏ sự tôn kính đối với bề trên, đối với thần linh mà họ cho rằng chính họ được thần linh chọn là những người canh giữ trời nước vùng đầm, không có họ thì trời đất sẽ sụp lở, đầm phá sẽ cạn khô.
Hồng Nhu với một sự trải nghiệm vô cùng tinh tế, đã chuyển tải một cách sinh động, rõ nét những tập tục, lễ lạt mang đậm tính huyền bí mà có thật của người dân chài phá Tam Giang xưa, giúp người đọc hình dung được một cách chân thực về những phong tục độc đáo xưa giờ đã dần dần bị mai một. Có được những tác phẩm ấy, xem như là những tư liệu đắt giá không những mang tính chất văn học nghệ thuật và sâu xa hơn nữa là những giá trị văn hóa tinh thần quý báu.
Như Mai Văn Hoan trong bài “Hồng Nhu - nhà văn đầm phá” đăng trên Tạp chí Sông Hương đã có lời nhận xét: “Hồng Nhu còn là nhà văn viết về đời sống tâm linh của những người dân ở vùng đầm phá ấn tượng nhất hiện nay” mà theo tôi nó đặc sắc không chỉ trong nội dung mà còn trong cả hình thức nghệ thuật. Đem đến sức hấp dẫn lạ lùng cho người đọc khi thưởng thức tác phẩm của ông. Có thể nói, Hồng Nhu không chỉ đơn thuần là người sáng tác nên một tác phẩm mà còn là người góp phần giữ gìn một nền văn hóa sông nước đặc sắc đã mất đi theo thời gian.
N.T.N.A
(SH318/08-15)