Tác giả-tác phẩm
Thơ 'Quân vương & Thiếp' - ảo và thật
15:48 | 12/10/2015

NGÔ MINH

Nhà thơ Mai Văn Hoan vừa cho ra mắt tập thơ mới Quân vương &Thiếp (Nxb. Thuận Hóa, 6/2015). Đây là tập “thơ đối đáp” giữa hai người đồng tác giả Mai Văn Hoan - Lãng Du.

Thơ 'Quân vương & Thiếp' - ảo và thật

Đối đáp nghĩa là thơ thù tác, thơ ứng khẩu. Thế mà in ra thành sách lại nhiều người thích. Nhà thơ chào bán trên mạng FB, chỉ mới nửa tháng đã có gần trăm người gửi tiền về mua. Ông Đoàn Duy Tăng, một người Quảng Trị sống ở Nha Trang đã U80 vẫn đặt mua thơ tình Quân vương & Thiếp, thơ chưa về kịp đã sốt sắng gửi thư ra nhờ Ngô Minh nhắc. Nhà văn Phạm Thị Cúc (vợ nhà văn Tô Nhuận Vỹ) đọc Quân vương & Thiếp cũng xuýt xoa khen. Nhà thơ Mai Văn Hoan cho biết chỉ một tháng “quảng cáo” trên FB đã gần thu hồi được vốn bỏ ra in. Tại sao một tập thơ tình đối đáp của hai anh chị đóng giả Quân vương Thiếp lại thu hút người yêu thơ đến vậy?

Câu chuyện bất đầu từ trò “chơi thơ” trên mạng. Cuối năm 2007 đầu 2008, Mai Văn Hoan bắt đầu chơi blog, sau khi được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thiết kế cho cái blog maivanhoan.vnweblogs.com, rồi Ngô Minh hướng dẫn cho cách chơi, thế là chàng say blog. Trên mạng ảo ấy nhà thơ gặp một nàng thơ bút hiệu là Lãng Du.Blog Lãng Du, đã in rất nhiều thơ của nàng. Ngô Minh cũng quen nàng qua mạng, biết được nàng tên thật là Cẩm Hà (Nguyễn Cẩm Hà), một cô gái xinh đẹp, quê Quảng Trạch, Quảng Bình, từng học ở Huế, rồi đi du học ở Nga về, đang dạy tiếng Anh ở một trường phổ thông trung học ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Nàng là người lãng mạn, yêu thơ, có tài làm thơ (từng dịch thơ tiếng Nga ra tiếng Việt). Người đời thường bảo trai gái kết nhau vì “trai tài gái sắc”. Ở đây không chỉ gái sắc mà gái còn có tài đối đáp văn thơ nhanh nhạy. Thế là hai người có những vần thơ đối đáp tới mấy tháng ròng, tập trung vào một chủ đề tình yêu giữa Quân vương - Thiếp, Thiếp - Quân Vương. Cái không gian sinh ra sự đối đáp này chính là Huế. Huế sinh cảnh sinh tình. Huế là Kinh đô triều Nguyễn với bao đời Quân vương và Thiếp trị vì, từng đam mê và đau khổ. Nhà thơ thì đang ở Huế. Lãng Du thì đã sống ở Huế, nên Huế trở thành “nơi hò hẹn”: Quân vương: “Nếu muốn làm hoàng hậu/ Em hãy về Cố đô/ Rừng phong xa xôi lắm/ Thảm là vàng giấc mơ”. Thiếp: “Cố Đô còn chờ đợi/ Đón ta về hay không?/ Ta rong chơi mải miết/ Bây giờ còn hư không…/ Vương miện thì rơi rụng/ Xiêm y gió bay rồi/ Còn trái tim gầy guộc/ Đập si cuồng mà thôi…”.

Đó là những bài thơ đối đáp ban đầu của cuộc chơi. Xem ra rất nồng nàn, sắc sảo. Những thi ảnh thơ của Thiếp rất ám ảnh: “Ta rong chơi mải miết/ Bây giờ còn hư không… Còn trái tim gầy guộc/ Đập si cuồng mà thôi…”. Rong chơi đến còn… hư không, là tận cùng của rong chơi. Thơ như thế mới gọi được thơ từ trái tim Quân vương chứ. Thế là cuộc chơi “đối đáp thơ” trên mạng ngày càng dào dạt. Ngày nào cũng có xướng, có họa. Mà hình như Thiếp xướng trước thì phải. Cái ảo đã thành cái thật trong trái tim hai người. Rồi thành cái thật nữa là tập thơ tôi cầm trên tay đây và sự yêu mến của nhiều độc giả.

Tôi cho rằng thơ cũng là sự chơi! Có chơi mới có thơ hay! Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần cho rằng: “Tản Đà là tay chơi “Chơi cho biết mặt sơn hà - Cho sơn hà biết đâu là mặt chơi”; vừa đánh giặc xong,Thánh Gióng bay về trời, đó là sự chơi; rồi Quan họ Hội Lim, rượu Làng Vân, tranh Làng Hồ… đều là sự chơi tài tử ở đời. Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đều là người chơi nổi tiếng đương thời. Còn Nguyễn Công Trứ thì… tay chơi hết nói! Hết “chơi Đại thần” thì “chơi lính trơn”. Chán lính trơn lại chơi lên Đại Thần. “Lênh đênh một chiếc thuyền nan/ Một cô gái Huế, một quan đại thần…”. Trịnh Công Sơn thì rong chơi suốt mùa mà để lại cả gia tài ca khúc vô giá”. Mai Văn Hoan đã nhiều lần “chơi” thơ như thế. Một lần nhận được thơ và thư của một người đẹp ở Quy Nhơn ký là “Quy Nhơn bé nhỏ”. Thế là chàng trả lời bằng thơ. Mấy chục bài thơ tình nóng bỏng trả lời cho “Quy Nhơn bé nhỏ” ấy sau này Mai Văn Hoan tập hợp trong tập thơ Hồi âm (1999). Bài nào cũng có lời dẫn kể về sự tích ra đời. Làm thơ tặng rất đậm đà như vậy, nhưng nhà thơ vẫn chưa gặp nàng, nên mong được thấy dung nhan của nàng như thế nào. Một lần Ngô Minh đi làm báo ở Quy Nhơn, Mai Văn Hoan nhờ tìm nàng. Tôi tìm đến và thảng thốt trước người đẹp có tên là Thanh Hiền, đẹp như hoa hậu: “Hiền xinh là mắt là môi/ Qua eo Nín Thở đất trời dại khôn/ Giờ anh như đứa mất hồn/ Gặp ai cũng ngỡ Quy Nhơn gặp mình…” (NM).

Trở lại với câu chuyện Quân vương & Thiếp. Cái tình ảo ấy cũng trải qua nhiều cung bậc: yêu thương, nhưng nhớ, cô đơn, giận hờn, trách móc, thanh minh, giãi bày… Và cả ngôn ngữ xưng hô khi thắm thiết, khi lịch lãm, ngôn ngữ chốn cung đình… Với những thể thơ biến hóa: thơ 5 chữ, thơ tự do, thơ bảy chữ, thơ Đường… Những cung bậc tình cảm và cách thể hiện ấy đã tạo nên cuộc “đối đáp” sinh động, hấp dẫn, làm cho người đọc không bị nhàm chán. Đây là sự trách hờn của Thiếp:

Quân vương ơi, Ngài quên Thiếp thật rồi
Vương miện hoa vàng Thiếp treo ngoài bờ dậu
Xiêm áo tẩm hương phong trần ong bướm đậu
Giận Quân vương nên ong bướm cũng đi rồi


Còn đây là thanh minh của Quân vương:

Thiết triều xong thì đã muộn mất rồi!
Nhìn vương miện biết Khanh vừa quay gót
Liễu rũ bên thành, oanh không còn hót
Sương chiều buông thấm lạnh cả Hoàng cung


Còn đây là chờ đợi của Thiếp: “Vườn ngự đêm nay nở tròn hương trinh nữ/ Biết ta đợi người cây cỏ cũng đứng im…/ Gió vô tình lụi tắt giữa chừng xuân!...” Và giải trình của Quân Vương: “Để cho Khanh chờ mãi, Trẫm sao đành/ Thà thoái vị mà bên nhau mãi mãi!...” Cuộc tình cứ như con sông lũ cuộn chảy theo hai bờ nồng đượm. Chùm thơ viết theo thể Đường luật của Thiếp làm cho Quân vương bối rối. Hãy nghe Mai Văn Hoan giãi bày: “Tôi vốn không thông thạo thơ Đường luật, nhưng do nàng gửi cho tôi đến 8 bài thơ Đường luật của nàng nên tôi cũng thử “múa bút” xem sao. Âu cũng là “điếc không sợ súng”. Nhưng tình cảm trái tim đã dắt con chữ đi đúng lộ trình của nó. Ta hãy đọc bài thơ Đường luật (thất ngôn bát cú) thứ 8 của Lãng Du để biết nàng rành thơ như thế nào. Và đây cũng là bài thơ khép lại cuộc tình hi hữu:

Huyễn hoặc đôi dòng nước ảo hư
Chiều xưa Bến Ngự chút hương dư
Khi hồn sương phủ người xa khuất
Lúc dạ tơ vương bóng tuyệt mù
Vĩ Dạ trăng soi tràn trống trải
Nam Giao gió thoảng ngút tương tư
Ai người năm trước về qua đó
Đợi mãi bên đời bước lãng du


Tôi đã đọc những bài thơ họa này từ bảy tám năm trước. Bây giờ in thành sách, đọc lại vẫn thấy xúc động, nhất là với thơ của Lãng Du Cẩm Hà. Xin gửi lời chia vui đến nàng.

Thế là Quân vương & Thiếp đùa mà hóa thật. Ảo mà hóa thật. Câu chuyện “đối đáp” thơ chơi ấy đã thành một giai thoại văn chương đẹp và nở hoa trái cho người. Tôi thường nói với mọi người: Mai Văn Hoan là nhà thơ của phái đẹp! Mai Văn Hoan làm thơ “tán gái” mà thành danh! Đây là một minh chứng.

Huế, 1/7/2015
N.M
(SDB18/09-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
"Lại đây!" (21/08/2015)