Tác giả-tác phẩm
Truyện Kiều, bản thánh kinh của tâm hồn tôi
09:22 | 26/11/2015

TRẦN NHUẬN MINH   

Truyện Kiều, bản thánh kinh của tâm hồn tôi. Tôi đã nói câu ấy, khi nhà thơ, nhà phê bình văn học Canada Nguyễn Đức Tùng, hỏi tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất tác phẩm nào của nhà thơ nào, trong toàn bộ sáng tác hơn 50 năm cầm bút của tôi, in trong tập sách Đối thoại văn chương (Nxb. Tri Thức, 2012).

Truyện Kiều, bản thánh kinh của tâm hồn tôi
Ảnh: internet

Tôi xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời, nhưng đến ông nội tôi làm ông đồ, phải dạy học ở làng xã xa, thì gia cảnh đã sa sút lắm. 14 ngày tuổi, tôi đã được bế về bên ngoại. Năm tôi 2 - 3 tuổi, cậu ruột tôi trông nom tôi để mẹ tôi nhập vào phường cấy thuê cho các làng xã xa, vì mẹ tôi thích thế, chứ nhà ông ngoại tôi làm nghề bốc thuốc nam, thuốc bắc, cũng không đến nỗi thiếu ăn, thiếu mặc.Mẹ tôi vào phường cấy thuê/ Với câu hát buồn tứ xứ...”. Trong trường ca Đá cháy, tôi đã viết thế. Còn bố tôi chỉ cày thuê cho người làng. Nuôi tôi tiếng là ông bà ngoại, nhưng thực chất là bà cô em ruột ông ngoại tôi, tên là Xuân, thường gọi là bà đồng Xuân, một người mù bẩm sinh, làm nghề bói toán. Cậu ruột tôi là con nuôi của bà, tôi ở với cậu. Bà không nhìn thấy gì, dĩ nhiên, nhưng tôi không hiểu sao bà thuộc Kiều và dạy cho tôi từ năm đó, khi tôi mới 2 - 3 tuổi. Nhiều đêm, tôi đã ngủ thiếp đi trong tiếng lẩm nhẩm đọc Kiều từ trong trí nhớ thập thững của bà. Bà ngoại tôi, mẹ tôi đều thuộc Kiều, nhưng Kiều thấm vào tâm hồn tôi chủ yếu là qua bà cô mù của tôi. Hai bà tôi không hề biết chữ, trong đó có một người mù bẩm sinh, mẹ tôi chưa từng được đi học một ngày, vậy mà vẫn thuộc hàng ngàn câu Kiều, vì sao lại có điều đó và dường như là trường hợp duy nhất, thì đến nay, tôi vẫn không giải thích được. Theo tôi, đó là bí mật của thiên tài. Tác phẩm của các thiên tài bao giờ cũng có một khoảng sáng bí mật mà người đời không bao giờ giải thích được.

Thuở ấy, ở một làng quê xa, đói nghèo và rất hẻo lánh, đêm đen thăm thẳm sâu và im lặng như tờ, trong một ngôi nhà tranh vách đất nhỏ bé, vắng lặng, chỉ có ba người, mà cậu tôi thì đã ngủ ngay từ chập tối, những câu Kiều vang động từ tâm thức của một người mù, mà người đó lại là nữ, rất giầu lòng trắc ẩn, sống đến già không chồng không con… thì nó dội vào tâm hồn thơ trẻ và vô cùng non nớt của tôi với sự “chiếm đoạt”, có thể nói là duy nhất và tuyệt đối... Có lẽ vì thế, mà tôi dám nói rằng: những câu Kiều thấm vào tâm hồn tôi sâu sắc, như nước thấm vào cát, như máu thấm vào da thịt người... Chính nó dần dần hình thành trong tôi một thái độ sống, là yêu thương tôn trọng con người, đặc biệt là lòng thương người, loại bỏ sự hận thù; biết tôn trọng sự thật, nhận ra mọi giá trị, nếu có được, là từ sự thật; là vươn tới cái đẹp, tin vào cuộc đời có nhân có quả. Cứ sống cho tốt, cho trong sáng, biết thương mình thương người, làm việc tận tâm, nhường nhịn, chịu thương chịu khó, ăn ở cho lương thiện… nhất định sẽ được hưởng phúc lành.

Vì vậy mà tôi thuộc Kiều từ năm còn rất nhỏ, và cụ Nguyễn Du đã dạy tôi tất cả những gì để tôi có, trong đời sống tinh thần đến ngày hôm nay.

Tôi không quan tâm lắm đến lai lịch cô Kiều, mà mãi sau này, tôi mới biết là cụ Nguyễn Du đã mượn của Thanh Tâm tài nhân bên nước Trung Hoa. Cái đại tài của cụ là đã Việt hóa được, tất cả mọi nỗi niềm của các nhân vật trong Truyện Kiều, khiến những người như bà tôi, như mẹ tôi, chỉ biết “vua Từ Hải, vãi Giác Duyên, tiên Thúy Kiều”… vừa là người gần gũi với mình, hằng sống bên cạnh mình, và thành thật tin rằng các vị ấy vừa đại diện cho những giá trị tinh thần trong cõi xa xăm, có thể có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến số phận của mình, mà không hề quan tâm các vị ấy là những người ở Trung Hoa hay ở Việt Nam.

Cùng với những câu thơ tả nhân vật từ hình dáng, ăn mặc đến các động tác đều chân thực và sinh động lạ lùng; những câu thơ tả thời tiết, thời gian, không gian và cảnh vật đều nhuốm đầy tâm trạng người, trong những cảnh ngộ riêng, hay đến mức các thi sĩ đời sau không ai sánh được. Có một lần đã lâu, tôi nói chuyện thơ với công nhân mỏ than và nhân dân phường Vàng Danh, nay thuộc thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, khi bình đoạn thơ: “Đòi phen gió tựa hoa kề/ Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu”; tôi có nói rằng, cụ Nguyễn Du mô tả nỗi buồn của cô Kiều đến mức không còn thấy thiên nhiên tuyệt đẹp là đẹp nữa. Cái tuyệt đẹp ở đây là “phong, hoa, tuyết, nguyệt”, tức là bộ tứ theo quan niệm của thẩm mĩ phương Đông, mà tài làm sao cụ lại xếp được thứ tự đúng là phong rồi đến hoa, tuyết mới đến nguyệt… Lúc giải lao, một người đàn bà môi ăn trầu đỏ tươi đến vỗ vai tôi mà rằng: Cậu giảng nghe cũng hay, nhưng cậu chỉ hiểu chữ, chứ không hiểu đời. “Gió hoa tuyết trăng” đâu phải là phong cảnh. Đây là nói cô Kiều phải tiếp khách suốt đêm, tiếp khách đến tận sáng đấy… Đêm ấy, tôi ngồi một mình trong phòng khách, ngẫm lại câu thơ, thấy người đàn bà kia nói có lí. Sáng sau đến thăm bà chị, mới hay là tuổi trẻ, bà chị cũng từng bị bán để làm gái lầu xanh…

Có lẽ cụ Nguyễn Du cũng đã viết với ý ấy, mà tôi trẻ người non dạ, không hiểu thấu được. Đấy là nói về cảnh. Còn miêu tả tâm trạng, những nỗi niềm của từng người, có đủ mọi hạng người, thì sự sáng tạo của cụ mới thực sự thần diệu và siêu đẳng… Không ai giống ai, từ mụ Tú Bà xảo quyệt, đến cô Hoạn Thư đanh ác, từ gã cò mồi đĩ điếm Mã Giám Sinh, đến tên “trọng thần” của “quốc gia” Hồ Tôn Hiến, từ bà quản gia vô danh, rất giầu lòng nhân ái và rất hiểu lẽ đời trong nhà “quan Lại bộ”, đến đám lưu manh Ưng Khuyển, Sở Khanh, bất nhân lừa đảo… tất cả hợp thành một xã hội, đa dạng và phức tạp như nó vốn có, như nó đã có và như nó đang có, đang sống cùng chúng ta, bên cạnh chúng ta ngày hôm nay. Chỉ một câu thơ “Cô nào xấu vía có thưa mối hàng”, chữ “mối hàng” hiện đại ghê gớm, như ngôn ngữ của thời kinh tế thị trường. Đọc câu thơ ấy, lặng im ngồi vỗ gối một hồi lâu mà thấy sợ ông cụ vô cùng.

Đặc biệt những câu thơ mô tả tâm trạng cô Kiều trong tất cả các tình huống suốt chặng đường 15 năm, khi hờn giận, lúc nhớ thương, khi đau khổ, lúc căm thù, khi hứng khởi, lúc tuyệt vọng… cho thấy một bút lực kì tài. Chỉ riêng điều đó thôi đã có thể soạn được một bộ “từ điển”. Nó như một “bách khoa toàn thư” về các loại tình cảm, các loại tâm trạng thường có, đã thế lại được mô tả với một ngôn ngữ sinh động, huyền diệu, một chữ cũng không ai sửa hay hơn được. Ấy là tôi nói bản Kiều đang lưu hành, dù có thể có chữ nhuận sắc của người khác. Chính nhờ ngôn ngữ của Truyện Kiều, sáng tạo thiên tài của Nguyễn Du, mà ta có ngôn ngữ phong phú tinh tế, giầu sắc thái và rất đa cảm của ngày hôm nay. Và đó là cột mốc văn hóa bền vững của một quốc gia, tràn đầy bản sắc văn hóa Việt, góp phần làm cho đất nước ta mãi mãi trường tồn. Câu nói của cụ Thượng Chi: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”, không phải là không có lí. Hơn thế, Truyện Kiều không chỉ bộc lộ một tầm trí tuệ rộng lớn của cụ Nguyễn Du, mà còn như một kết tinh hàng ngàn năm những giá trị văn hóa của một đất nước trong một con người, và con người đó phải vài trăm năm, đất nước mới sinh ra được. Cao cả hơn, Truyện Kiều còn là biểu hiện một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc đến khôn cùng. Không ai như Nguyễn Du, máu và nước mắt ướt đẫm ở đầu ngọn bút:

Thân sao thân đến thế này
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi
Đã không biết sống là vui
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương…


Lần nào ngâm ngợi mấy câu thơ này, tôi cũng ứa nước mắt. Đối với tôi, Truyện Kiều là cả một thế giới. Cả đời tôi, chỉ mong một lần được đến nơi cô Kiều đã được sinh ra, một lần được trông thấy Lâm Tri, nơi cô Kiều đã yêu và bị đầy đọa tủi hờn, và một lần được trông thấy sông Tiền Đường “nổi sóng đùng đùng”, nơi cô đã gieo mình xuống, tự vẫn… Tôi đã tìm mọi cách để đến được những nơi ấy và thấy lòng mình vẫn không nguôi những nỗi ám ảnh.

Tôi viết bài thơ Nguyễn Du, ghi lại những cảm nhận của mình, lần theo một số địa danh trong Truyện Kiều và trong Bắc hành tạp lục của cụ. Bài thơ như sau:

Nguyễn Du

Đến đâu con cũng gặp Người
Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa
Hạc Vàng một bóng Lầu xa
Hồ Nam úa ráng chiều tà hanh heo
Tiệc to thường ở nơi nghèo
Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay
Người xưa đi sứ qua đây
(1)
Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi
Cỏ cây, thành lũy khác rồi
Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu
Thời nào thì cũng như nhau
Nỗi buồn li biệt, nỗi đau dối lừa
Tiền Đường sầm sập đêm mưa
Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều
(2)12
Nghiệp Thành còn tiếng quạ kêu
Lâm Tri bến cũ, cầu treo rực đèn
Sắc tài chi để trời ghen
Người đâu phải nước đánh phèn cho trong
Cõi đời đâu cũng long đong
Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên
Bời bời những cuộc đỏ đen
Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang...

Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn
Bốn bề mây trắng thu vàng lá rơi
Bâng khuâng con lại thấy Người
Vái Người, con đứng ngang trời Trung Hoa...

                                               Cố Cung 21/9/1999

Trong Đối thoại văn chương, tôi có nói rằng: Vấn đề của sáng tác chỉ có thể giải quyết được bằng sáng tác. Và khi nền văn học đã phát triển đến đỉnh cao thì thế nào cũng xuất hiện một sáng tác có tầm cỡ, trong đó tự nó tổng kết và lí giải các vấn đề của lí luận văn học của thời đại mà nó ra đời. Truyện Kiều là một tác phẩm như vậy. Đến nay ta vẫn có thể tìm thấy ở đây, những lời giải về các vẫn đề: Tiếp thu một di sản văn hóa, nên lấy lại cái gì, loại bỏ cái gì; xây dựng nhân vật điển hình và kết cấu một cuốn tiểu thuyết thơ, nhất là những đối thoại của các nhân vật bằng thơ; đặc điểm và mối quan hệ ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả; chủ nghĩa hiện thực có thể xuất hiện được không trong một thời kì văn chương Phong kiến đầy các ước lệ; sự phản ánh hiện thực đời sống xã hội, trong đó có những cảnh đời gai góc và không trong sạch bằng một ngôn ngữ trong sáng đầy biểu cảm thẩm mĩ; xu hướng nghệ thuật nào là lớn nhất của thơ khi phản ánh ước nguyện của nhân dân và bước đi của một thời đại... vân vân… Ngay tiêu chuẩn nào để đánh giá một tác phẩm, cụ Nguyễn Du cũng “lí luận” rất rõ ràng, và theo tôi có thể coi đó là cái thước đo chung mà chúng ta có thể gọi là “thước đo Nguyễn Du”. Khi nhìn “bức tranh tùng treo trên”, cụ viết: “Phong sương được vẻ thiên nhiên/ Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi. Với hai câu thơ này, cụ nêu hai tiêu chí để đánh giá một tác phẩm: một là phải chân thực tự nhiên, thanh thoát, như gió như sương, hai là phải vượt được sự thử thách của thời gian “càng nhìn càng tươi”, chữ “tươi” tôi hiểu là càng về sau, tác phẩm đó càng sống và càng đẹp thêm. Đến bây giờ, sau khoảng hơn 200 năm, tiêu chí đánh giá đó vẫn đúng. Đấy là chưa kể trong tác phẩm, có nhiều câu vô cùng sâu sắc, mang ý nghĩa triết học về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, hiện thực và tâm linh, về số phận con người và thời thế “Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần, phải phong trần…” trong đó không ít những lời phán quyết: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Và cũng không ít những lời khuyên răn sáng suốt để lại cho hậu thế: “Có tài mà cậy chi tài/ Chứ tài liền với chữ tai một vần”… vân vân và vân vân…

Và như thế, từ thuở ấu thơ, tôi đã tiếp nhận những câu Kiều của cụ Nguyễn Du, không chỉ là một tuyệt tác văn chương mà còn như những bài học đầu đời, tương tự như ánh sáng của một thứ tôn giáo. Vì vậy, tôi nói, Truyện Kiều là bản thánh kinh của tâm hồn tôi.

T.N.M
(SH321/11-15)

-----------------
1. Năm 1813 -1814, Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc.
2. Thúy Kiều (trong
Truyện Kiều) trẫm mình ở sông Tiền Đường





 

Các bài mới
Các bài đã đăng