Hà Khánh Linh sinh năm 1945, lớn lên đúng vào thời đất nước đang vào trận mới chống Mỹ. Ngày ấy Trường Sơn ghi chép chân thật những việc xảy ra với chị vào năm 1967. Từ một cô nữ sinh Sài Gòn, Nguyễn Khoa Như Ý trở về với lý tưởng đã chọn, thoát ly gia đình tham gia cách mạng lên chiến khu, làm cô giáo Trường Văn hoá Miền Tây của Trị Thiên Huế. Mùa xuân, núi rừng Trường Sơn sũng nước. Những đợt gió mùa đông bắc kéo dài cùng với mưa rả rích suốt ngày đêm, những đỉnh đồi cao chót vót, gió lạnh như cắt da cắt thịt, đường rừng lầy lội, những con suối nước dâng cao... Dưới những tán rừng nguyên sinh, trên những trục đường Hồ Chí Minh, doc tuyến 559 ngày đêm vẫn tấp nập người vào ra. Vũ khí, lương thực thuốc men, từ miền Bắc ùn ùn chuyển vào. (Sđd. tr.9)
Buổi chiều ấy, đoàn các thầy giáo cô giáo và học sinh đi làm cỏ lúa trên nương trở về, ngồi nghỉ ven một bờ suối, ngay gần một đoàn cán bộ từ miền Bắc vào cũng đang ngồi nghỉ. Có một anh cán bộ trẻ đến làm quen với cô giáo xinh xắn. Trò truyện một lúc thì biết anh là nhà thơ Bùi Minh Quốc, giờ mang tên Dương Hương Ly. Cô giáo Như Ý lúc ấy chưa biết Bùi Minh Quốc là ai, nhưng biết anh làm thơ, viết văn thì mừng quá, bèn thổ lộ ngay một việc: Cách đó hai năm cô đã làm xong một cuốn tiểu thuyết tên là Trắng Canh, lấy bút hiệu là Linh Lan Khai (vì cô yêu hai nhà văn Nhất Linh và Lan Khai), đã gởi bản thảo ra miền Bắc để xuất bản. Gởi theo đường giao liên, theo một niềm tin, như gởi vào trời đất, dù biết không chắc bản thảo ra được đến nơi, vì chỉ cần người giao liên bị bom coi như xong. Còn địa chỉ gởi thì nhờ có một hôm cầm một bìa sách trong tay thấy có Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội, liền nhớ lấy và cứ thế ghi ra ngoài gói tài liệu. Chả biết bản thảo ấy bây giờ ra sao. Thì, như có sự xui khiến của số phận, Dương Hương Ly reo lên. Vậy thì cô khỏi lo lắng gì nữa. Bản thảo tiểu thuyết của cô đã đến được nơi cần đến, chính tôi đã được đọc nó trước lúc lên đường... Tôi xúc động nghẹn ngào không nói nên lời. Cuộc đời kỳ diệu thế, đẹp thế. Đẹp đến nỗi ta có cảm giác như nó không thực. Chỉ có cái "ảo" mới lung linh kỳ diệu nhường kia. (Sđd. tr.16)
Hà Khánh Linh kể về những cuốn sách đầu tay của mình: Cuốn Trắng Canh, tôi còn nhớ ở trang cuối bản thảo tôi đã tự trình bày ma-két, tự vẽ bìa... Còn toàn bộ bản thảo thì được viết trên quyển vở học trò 100 trang bìa xích-lô. Mỗi dòng kẻ trong đó được viết thành hai hàng chữ nhỏ li ti, nhưng khá rõ ràng, sắc sảo. Tôi viết kín cả trăm trang theo kiểu đó, viết tràn ra tận lề trang. Tất cả nhằm đạt đến sự gọn nhẹ trên vai của người giao liên từ Nam ra Bắc. Về cuốn sách thứ hai: Tôi muốn bắt tay viết ngay một cái gì đó, nhưng nhìn lại gia tài giấy bút của mình quá nghèo nàn ít ỏi. Các em học sinh còn đang thiếu giấy để học, phải đếm từng trang giấy để chia cho các em đủ học từng tuần, từng tháng một... Giấy ở đâu để viết tiểu thuyết? Và bom đạn và những rẫy sắn nương ngô bị chất độc màu da cam tàn phá đang chờ những bàn tay của chúng tôi đến cứu gấp... Tuy khó khăn thiếu thốn vậy, nhưng thỉnh thoảng những lúc rảnh tôi đã tranh thủ viết chắp vá từng mảng một cho một quyển tiểu thuyết đang hình thành trong tôi. Nghĩ mãi tôi không biết chọn tựa đề nào cho tiểu thuyết. Đã "trắng canh" rồi, không biết là gì nữa đây. Cuối cùng tôi quyết định lấy tên nhân vật chính làm tên tiểu thuyết: Thuý. Lại viết về các đô thị miền Nam... Nhân vật Khiết (nam) mang đầy đủ mọi suy nghĩ của tôi. Viết mỗi khi một ít, chừng được vài chục trang thì hết cả giấy. Tôi cuộn tròn bản thảo cất kỹ vào ba-lô. Mãi đến khi nhà trường do bom đạn ác liệt, phải gởi các em ra miền Bắc học, thầy cô giáo thì chờ việc, Như Ý mới có dịp thu gom giấy trong các vở học trò còn lại được gần 100 trang. Tôi hăm hở viết những gì ấp ủ từ hôm hết giấy viết đến nay. Viết mỗi khi một ít, kết lại thành một tập kha khá, lại nhét vào ba-lô cùng những áo xống, chăn võng, dù ngụy trang, và các thứ vật dụng khác. (Sđd. tr.21-22). Nhưng ngay sau đó Như Ý cùng Kăn Xanh một cô gái Pa-cô xinh đẹp, lại trải qua một trận bom B52, chỉ may mà còn sống, chiếc ba-lô bị bom vùi. Bản thảo cùng những vật kỷ niệm cuối cùng của cha mẹ vẫn mang theo người thế là mất trắng.
Chuyện về những bản thảo ban đầu của Hà Khánh Linh là như thế. Khí chất Hà Khánh Linh bộc lộ rất mạnh mẽ ở chỗ dám nói và biết cách nói về những gì mình cho là phải, không thấy phải nhất định không làm, thấy phải không ai ngăn cản được. Ngày ấy Trường Sơn kể lại một câu chuyện sau đây: Hà Khánh Linh bị sốt nặng, xanh xao, không nhấc nổi mình. Có anh Giám đảng viên cộng sản, bí thư Đoàn Thanh niên, chợt ghé thăm, thương quá, bảo sẽ đi kiếm cá về cho. Ngay sau đó, nghe tiếng nổ, có tin anh Giám đã chết do vô ý khi tra kíp điện vào bộc phá. Hà Khánh Linh đau đớn cố lê lết đến nơi chôn cất anh. Tại đây cô chứng kiến một cảnh tượng gây chấn động tâm hồn: Sau khi mọi người đắp mộ cho anh, người trưởng cơ quan trịnh trọng đọc quyết định khai trừ đồng chí Giám ra khỏi Đảng, rút chức bí thư Đoàn Thanh niên. Biết rằng chiến tranh có những quy luật nghiệt ngã của nó nhưng: tôi nghe lòng mình đau như dao cắt. Nghe theo tiếng lòng mình, sau này Hà Khánh Linh viết bài thơ dài về anh Giám Những đứa con không có phần hương lửa (Trăng cứu rỗi. Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội - 1995): ... Những nẻo rừng Trường Sơn Nhạt nhoà trong bóng tối Chỉ riêng em Bắt gặp mắt anh nhìn Chỉ riêng em Nghe được lời cuối cùng anh nói Chỉ riêng em Anh mãi mãi là bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Anh mãi mãi ở tuổi hai mươi hai...
Những chiều mùa đông Đi trên đường phố Huế Nhìn lên dãy Trường Sơn Sương trắng dâng đầy như một biển sữa Anh tắm nơi nào Trong biển sữa mênh mông ấy? Những ngày hè Trường Sơn lồng lộng sắc Anh ngủ nơi đâu Dưới những tán diệp lục rì rào ấy? Trường Sơn như mái nhà Như người mẹ Như đền thờ Như khúc ru vĩnh cửu ấp iu - nuôi dưỡng - phụng thờ Những đứa con không có phần hương lửa.
Đây chính là dấu ấn thơ Hà Khánh Linh, dịu dàng đấy mà mạnh mẽ đấy, dứt khoát đấy: Anh không có phần hương lửa của cuộc đời thì Trường Sơn sẽ là đền thờ anh. Hà Khánh Linh đã dùng 6 câu thơ cuối trên đây làm đề từ cho tập hồi ký về những ngày Trường Sơn của mình. Đọc Hà Khánh Linh, tôi nghĩ không thể không đọc Đi dưới trời hoa phượng. (Vũng chân mây - Tập truyện - Nxb Đà Nẵng 1999). Nhân vật Thiết người kể chuyện, xưng tôi, trong Đi dưới trời hoa phượng là một người có đầy đủ khí chất một người thông minh hăng hái, mạnh mẽ, hay giúp đỡ người, đầy khát vọng. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, anh đã hai lần ra Bắc vào Nam. Nhưng Thiết đến lúc này đã là thương binh, trở về hậu phương điều dưỡng. Cái thời của anh đã thay đổi. Nhưng hình như anh không nhận ra điều đó. Chính trong cuộc điều dưỡng này do lòng tốt mà anh trót sa vào cạm bẫy cuộc đời khiến lâm vào tình thế tiến thoái đều khó. Một buổi chiều xuống xe lửa, anh giúp một cô gái khiêng một túi hàng nặng. Hôm sau cô đến viện điều dưỡng cảm ơn và mời anh đến nhà chơi. Mọi chuyện bắt đầu đơn giản chỉ có thế. Ngay trong lần đến nhà đầu tiên ấy anh sa vào vòng tay cô gái. Rồi sau không gỡ ra được vì cô có mang. Họ thành vợ thành chồng, đẻ con và di chuyển vào Huế. Từ đây những thử thách cứ thế diễn ra dưới trời hoa phượng, và cũng bắt đầu từ cô gái quê, cô đã nhanh chóng thay đổi, chủ động từng bước lôi cuốn anh vào cuộc, tận dụng những chuyến đi công tác có xe để buôn trầm. Cuộc giằng xé, vật vã đau đớn đã diễn ra bên trong cái vẻ ngoài êm dịu của cuộc sống gia đình, khiến cho anh một mặt vẫn tỏ ra là người tài trí (trong giao dịch, trong biên tập, dịch thuật, cả trong chăm sóc vợ con) nhưng mặt khác cuối cùng không thoát khỏi lưới đời, bị tù, bị liệt nửa người... Có lúc anh đã thốt lên: Hình như ông trời chưa hề có ý dừng lại các trò diễu cợt trên thân phận con người, ông trời lại tiếp tục thử thách lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng của tôi. (Sđd. tr 286). Nhưng không phải thế, cũng đã có lúc ông trời hé ra một lối thoát, đó là trong khi anh đang phải vẫy vùng để tìm lối ra khỏi những bối rối, anh biết Phượng người tình đầu của anh ở gần đó, nàng vẫn chờ anh, nàng đang sống lành mạnh, như anh mơ ước, nhưng anh đã bỏ qua. Nhưng nhân vật của truyện đã không thể, không đủ sức vùng vẫy thoát ra khỏi cái bẫy của cuộc đời.
Cũng cái âm hưởng của Đi dưới trời hoa phượng, Hà Khánh Linh viết Người cắm hoa nhà thờ, theo tôi thành công hơn, có lẽ chính chị đã gửi mình vào nhân vật người cắm hoa tài hoa này. Lộ Đức là tên nhân vật, do cha mẹ lấy tên một giáo xứ đặt cho, để cầu chúa ban phước cho cô bé. Một con người mà khí chất mạnh mẽ bộc lộ ngay từ nhỏ. Cô bé học giỏi, cả văn lẫn võ. Giỏi hội họa. Yêu ai yêu hết mình. Nhưng không vì yêu mà tự đánh mất mình. Đã từng làm tổng thư ký một tờ nguyệt san của một dòng giáo hội, mang tên Phương Đông. Ngay trong thế giới chống cộng (ở miền Nam VN trước 1975), đem lòng yêu quý Nguyễn Aái Quốc, không ngần ngại vẽ chân dung Nguyễn treo trong phòng, bên ngoài phủ một tấm lụa hoa. Trong cuộc tổng tiến công của quân và dân ta tết Mậu Thân 1968, Lộ Đức đã từng giấu ngay trong phòng mình và cứu chữa hai thương binh của ta sau đó tự tay lái xe đưa hai anh về vùng giải phóng. Vụ này lộ dần ra, cha cô, một chuyên gia trong ngụy quyền đã vất vả, tốn kém rất nhiều để chạy chọt cho qua. Nhưng Lộ Đức không bao giờ cho đó là việc ủng hộ cách mạng, chỉ khoanh lại là việc nhân đạo. Sau này khi cách mạng thắng lợi cô cũng không bao giờ kể lại như một thành tích. Một tính cách mạnh mẽ là như thế. Bước ngoặt của nhân vật bắt đầu từ tháng Ba năm 1975, Huế được giải phóng. Lộ Đức quyết định ở lại với giáo xứ, đi chiêu tập những người do sợ hãi chính quyền mới mà trốn lánh đi. Lộ Đức trở thành cốt cán của cách mạng. Nhưng tất cả những cái đó chỉ diễn ra có 22 ngày. Ngay sau đó Lộ Đức bị gọi lên chất vấn và làm tình làm tội đủ điều, đối với một người mà trong lý lịch có quá nhiều điều để cách mạng "đặt vấn đề". Với tất cả khí chất hăng mạnh, Lộ Đức đã trả lời những câu hỏi chất vấn một cách đanh đá, sắc sảo, không phải không có những chỗ đuối lý. Cuối cùng Lộ Đức phải chịu nguy khốn, bị cắt hộ khẩu, cắt sổ gạo, tem phiếu, một tuần phải hai lần đến cơ quan quản lý chịu thẩm vấn.
Nhưng khác với Thiết trong Đi dưới trời hoa phượng, Lộ Đức ở đây không chịu thất bại. Như có sự mách bảo của số phận, cô biết chịu khó nhọc và khéo léo lách mình qua thử thách, vượt lên. Bởi vì cũng khác với Thiết, cô là một trí thức, cái khát vọng của cô là cái đẹp thuần khiết. Cô thu mình lại và trở thành người cắm hoa cho nhà thờ, mỗi ngày cắm 12 bình hoa, mỗi bình hoa như một tác phẩm nghệ thuật. Để rồi đến một ngày không hẹn trước, những điều tốt lành lại đến với Lộ Đức, có những người chân thật, hiểu biết, "những học trò thật sự của Nguyễn Aái Quốc" theo cách nghĩ của cô lại xuất hiện trong đời sống thường ngày của cô, khiến cô tưởng mình vừa sang một thế giới khác.
Hà Khánh Linh còn gửi mình trong các nhân vật của Ngọc Quỳnh Tương, Con gái người cung nữ, Đậu ngự, Chim hạc đen... viết sau những năm Chín Mươi. Những chuyện cứ như ở trên trời rơi xuống, đúng là chuyện ở trên trời, nhưng khi nó rơi xuống thì nó soi vào nhân gian trở thành câu chuyện của chính nhân gian. Chim hạc đen là một chuyện như vậy. Một nàng công chúa xinh đẹp, thông minh, trên hành trình đi tìm cái đẹp lý tưởng của mình, bỗng gặp được chim hạc đen tu luyện lâu năm thành tiên. Chim đã cho nàng một chiếc lông mi gắn trên mắt, nhờ nó mà từ nay nàng nhìn rõ chân tướng mỗi con người, cái tốt cái xấu, biết bao sự thật cuộc đời phơi bày trước mắt nàng. Nàng đã thú thực với vua cha khả năng kỳ diệu đó. Vẫn tưởng phụ vương hết sức hoan nghênh, ai ngờ vua lại từ chối cái điều huyền diệu đó và khinh ghét nàng, cho người tìm cách hại nàng. Ông vẫn muốn bao quanh mình cái sự thật về sự giả dối, xu phụ, phản trắc, những cái đã trở nên quen thuộc trong đời sống của ông. Bởi vì với chiếc lông mi chim hạc đen, trong con mắt nàng, chính ông cũng trở thành... một con thú.
Đã hình thành một bút pháp kể chuyện, thiên về tính khái quát hơn là gợi cảm, duy lý hơn là duy mỹ. Bút pháp này có cái hay của nó, tiếc thay có vẻ như nhà văn chưa dụng công hoàn chỉnh. Đi dưới trời hoa phượng là một truyện có sức lôi cuốn nhưng chưa cho người đọc cái mỹ cảm văn chương. Tác giả chỉ mới phác thảo một hành trình số phận, chị chưa dừng lại ở những giằng xé phân thân, những giây phút lựa chọn đầy kịch tính, những chấn động tâm hồn sau những thất bại.
Bút pháp đó cũng chi phối ngòi bút chị khi chị tả phong cảnh. Cảm giác không gian bao giờ cũng chiếm ưu thế. Do cảm giác không gian mạnh nên khi tả phong cảnh, chị thiên về những cảnh đẹp bao quát như một vùng trời: hoa phượng, một vũng Chân Mây... Những câu thơ dưới đây tôi trích trong Những bọt bóng màu của tác giả Nguyễn Khoa Như Ý (Thơ. Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội - 1998) cho biết thêm điều đó: Dải mây hồng vắt ngang lưng trời Ôm khuôn trăng trinh nguyên và tái nhợt ... ... ... Ở đây mùa hạ mới bắt đầu Những tia lửa trên vòm phượng Xanh ngút bờ nam sông Hương Phượng ở Phu Văn Lâu Phượng trên đường Đoàn Thị Điểm Những chú bé vác cù nèo Trèo bẻ những cành phượng khô Dự trữ cho mùa thu Huế (Mùa hạ Huế)
Khi người yêu định ngắt một cành mẫu đơn tặng mình, nhà thơ không ngần ngại thốt lên: Xin hãy dừng tay Bởi em muốn chiêm ngưỡng cái đẹp từ xa Anh ơi Khi phải mượn sắc hoa Làm màu áo cho mình Em còn hổ thẹn nữa là... Đem cả đời hoa Làm điểm tựa Cho tâm hồn yếu đuối của em. (Màu áo màu hoa)
Cuối năm 2000, tôi gửi cho Hà Khánh Linh và phác thảo một số ý kiến về hành lang văn chương của chị. Hà Khánh Linh đã viết thư trả lời. Tôi đã xin phép tác giả trích vài đoạn thư nhằm giúp bạn đọc biết thêm những khía cạnh lý thú khác một khi chính nhà văn biết cái "mệnh" văn chương của mình. Khi em còn nhỏ em đã sớm bộc lộ cái chí lớn của mình rồi; đến nỗi thầy em cũng bảo rằng con nầy là gái mà có cái chí của nam nhi, vá trời lấp biển được đó. Trong Ngọc Quỳnh Tương, người cha đã nghĩ về con gái của mình như thế, đấy chính là ý nghĩ của cha em về em đấy. Tuổi nhỏ em chỉ biết học và học, chứ không ham bạn bè, học đến nỗi cha mẹ phải giấu bớt sách vở đi, cho nó nghỉ ngơi một chút, học thế phát điên mất. Khi đi làm việc thì chỉ biết việc và việc. Phạm Phú Phong một lần viết chân dung HKL đã nói: "(...) là một viên chức mẫn cán". May sao viên chức mẫn cán ấy vẫn viết đều, chứ nếu không thì đời còn chán nữa. Nói chung việc nước việc nhà của em luôn có những trắc trở, những giằng xé như phác thảo của anh. Em chỉ còn cách gạt bỏ những đau đớn, nhức nhối, tìm kiếm, chắt chiu từng giọt thời gian để sáng tác. Vui với người trong truyện. Tạo ra nhân vật đồng điệu tâm hồn để chia sẻ với mình. Đọc những truyện như Đậu ngự, Ngọc Quỳnh Tương, Nỗi buồn của chúa, Chim hạc đen, Là bóng hay là hình, Trăng cứu rỗi... anh em văn nghệ ở Huế thường đùa Hà Khánh Linh toàn yêu và viết về Chúa, Phật, hoàng đế thi sĩ, thánh nhân,... chứ không yêu một con người cụ thể nào. Vậy hoá ra mệnh của em là như thế ư? Nơi đây em có chơi thân với một nữ tu sĩ là tiến sĩ thần học, có lần em tâm sự với bà ta: Thân phụ tôi chẳng may đã mất đi, nhưng nếu ông còn sống ắt ông đau lòng lắm khi nhìn thấy đứa con mà ông kỳ vọng nhất thì suốt cả cuộc đời luôn dằn vặt đau đớn vì những gì muốn làm đều không làm được, hoặc làm được rất ít so với mong muốn. Không lúc nào tôi cảm thấy bình yên, lúc nào cũng trăn trở, vừa đau đời vừa đau thân...
X.C (170/04-03) |