NHỤY NGUYÊN
Con người khá trầm tĩnh Lê Huỳnh Lâm không thuộc típ quan hệ rộng. Những ai đến với anh và anh tìm đến (dẫu chỉ thông qua tác phẩm) rồi in đậm dấu ấn phần nhiều lớn tuổi; là một sự thận trọng nhất định.
12 khuôn mặt văn nghệ Huế trong cuốn sách mới của anh, có thể xem là cuộc hội ngộ tình cờ song đều là những người có đóng góp xứng đáng cho nền văn nghệ Cố đô, xứng đáng để mọi người ngưỡng vọng.
12 gương mặt, họ là nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, điêu khắc, nữ tu sĩ, danh cầm, dịch giả. Từ những người thiên hướng mình như họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên hay nghệ sĩ Trần Văn Phú - “được mệnh danh là đệ nhất danh cầm guitar từ đầu thập niên 1970 cho đến cuối thập niên 1980, một trong những người có công truyền bá flamenco hàng đầu ở Việt Nam”, cho đến những nhân vật vang danh thế giới đơn cử như Điềm Phùng Thị, đều mang cái chất thâm trầm hướng nội, khám phá bề mặt cảm xúc tận sâu kiếp người.
Thầy Bửu Ý, “người mở cách cửa văn chương” thầm lặng qua rất nhiều tác phẩm dịch. Không đứng ở hiện tại, Lê Huỳnh Lâm hướng về người thầy bằng những ký ức hồn nhiên trong khiết. “Nụ cười hiền trên gương mặt thầy cùng với ánh mắt như trở về một thời xa vắng”. Cạnh đó là nữ tu sĩ, nhà văn, dịch giả Phùng Khánh (cố Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải), người “khơi dậy tâm từ trong con người, khai mở con đường tìm kiếm chân lý” thông qua những tác văn học và triết học dịch có sức lay động và thức tỉnh toàn nhân loại. Theo cách nhìn nhận của tác giả, con người này chính là từ trong hoàn cảnh vật chất dư thừa đã khước từ tục lụy rẽ về miền thanh cao theo tinh thần phụng sự để rồi bước vào cảnh giới của đạo một cách trọn vẹn.
Đó là điêu khắc gia Điềm Phùng Thị. Cuộc sáng tạo những mẫu tự của bà nom như ước lệ nhưng mở ra biên độ khôn cùng. Những mẫu tự đưa bà trở thành một trong những nghệ sĩ sáng tạo hàng đầu thế giới, khiến giới hàn lâm nghệ thuật sững sờ. Những mẫu tự tiếp tục đời sống riêng của nó, tạo nên vô số tác phẩm vượt khỏi vòng tay của tác giả. Những mẫu tự luôn có sự cọ xát sinh động, tạo nên mật âm vọng về phía hoang vu cõi nhân sinh. Đây chính là cuộc hóa thân rực rỡ từ những thứ tầm thường như đất đá.
Đó là “người đãng trí” Ngô Kha với những dòng thơ “lửng lơ ở khoảng u huyền của khói sương giữa thực và mộng, được tựu thành bởi sự dắt dẫn của thần linh, những con chữ, hình ảnh được hà hơi của thượng đế và máu trộn lẫn nỗi đau của thi sĩ”.
Đó là họa sĩ Bửu Chỉ, người “bày tỏ thái độ sống dứt khoát với những điều ngụy trá, trở về với niềm đam mê rực cháy, trở lại với định mệnh của trời đất, về bên khu vườn của giấc mơ để làm nên điều kỳ diệu của một nghệ sĩ”. Lê Huỳnh Lâm chỉ ra những nét tinh hoa trong sự nghiệp của Bửu Chỉ, bằng tài năng nhồi luyện sắc màu diễn tả khát vọng hòa bình; anh còn nhìn ra sự phối kết âm dương trong bố cục tranh Bửu Chỉ, cũng là sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Và sau nốt, thân phận con người nhỏ bé giữa bao la, sự ngắn ngủi của con người so với chiều thời gian bất tận vẫn là nỗi ám ảnh, chi phối đến sự cô đơn trong tranh và chính đó lại “chuyển giao” sự ám ảnh đến người xem như một sự khúc xạ nhiệm màu.
Những danh xưng nêu lên, đôi khi tưởng như một phản ứng dây chuyền. Nói về dịch giả Bửu Ý, không thể không nhắc đến Trịnh Công Sơn - người bạn rất thân với ông. Rồi “một trong những bậc thầy về sơn dầu của thế hệ trước còn lại”, họa sĩ Đinh Cường lại là một người bạn của Trịnh với biết bao kỷ niệm trong “khu vườn lộng lẫy của những cung bậc ký ức”. Nhiều nhân vật trong cuốn sách luôn có sự tương tác qua lại làm cảm hứng cho nhau. Chẳng hạn một Trịnh Công Sơn sáng lên nơi Cổ thành của Hoàng Đăng Nhuận; họa sĩ Bửu Chỉ thì vẽ chân dung Hoàng Đăng Nhuận, Trịnh Công Sơn; Đinh Cường vẽ rất nhiều về Trịnh, cạnh đó là chân dung Lê Văn Ngăn, Trần Vàng Sao và Ngô Kha, đôi lúc xem qua tưởng như nét cọ xuất thần vụt hiện hình hài; cái chết bí ẩn của Ngô Kha tạo nên rung cảm mạnh mẽ để Bửu Chỉ vẽ bức tranh đầy nhân văn và đau đớn. Hai tài danh Đinh Cường và Bửu Chỉ, Lê Huỳnh Lâm nhìn ra những khác biệt tinh tế về sự thể hiện cái đẹp. Họa sĩ Đinh Cường sinh sống bên trời Tây, thiếu nữ trong tranh ông luôn “hướng về một cõi chờ mong với màu xanh làm chủ đạo đã gợi lên một không gian của nỗi nhớ”, tiêu biểu là những dáng hình mong manh lụa là ẩn kín mà chỉ nhìn qua cũng gợi đến một Cố đô trầm mặc u hoài. Còn họa sĩ Bửu Chỉ đắm mình ở Huế lại dùng gam màu nóng thể hiện ý hướng bản năng ẩn sau “vẻ ngây thơ của sự thần bí”, “gợi lên một nỗi sầu muộn của niềm khát khao về thế giới bên ngoài...”.
Lê Huỳnh Lâm nhận ra “chất hoang dã” (với gam màu xám) trong tranh Hoàng Đăng Nhuận, kể cả loạt tranh ông vẽ phố bằng màu tro lạnh, nhằm “hướng người xem đến một không gian khác của cuộc sống, nơi đó có thể là một giấc mộng, một cơn hoang tưởng”. Chính điều này “khiến tranh Nhuận có sức sống lạ thường, không ngả nghiêng, ảo diệu như Phố Phái”. Anh nhận ra chất thủy mặc trong tranh Nguyễn Văn Tuyên. Những ngón tay (chứ không phải nét cọ) của người họa sĩ sống nép mình sau lớp lớp sương mù của dòng Hương này đã làm “loang chảy và tan rữa rất tự nhiên qua các phổ màu”, “dẫn dắt người xem vào thế giới của những cảm xúc nguyên sơ”.
Tác giả còn nhận ra nỗi giằng xé của [hai] con người Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính); một điểm nhìn nhạy cảm song hết sức thú vị và đầy thuyết phục: “Nguyễn Đính đã không thể nhập vai vào Trần Vàng Sao, ông bỏ thành phố lên núi rừng để làm cách mạng, nhưng định mệnh xô đẩy ông rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, để nhân vật Trần Vàng Sao có cơ may chiêm ngắm những gì mà Nguyễn Đính đã nếm trải. Cũng chính cái chất thi sĩ Trần Vàng Sao lớn quá nên đã dẫn dắt cái thân xác Nguyễn Đính đi theo quỷ đạo mà Trần Vàng Sao đã linh cảm”.
Ở một góc nhìn khác. Khi Lê Huỳnh Lâm chép lại chân lý “tôn giáo đích thực không bao giờ đồng hành với cái ác mà luôn hướng thiện và góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn”, thì trong những tác phẩm tranh của Trần Vàng Sao vẽ Đạt Ma tổ sư, Đinh Cường vẽ chân dung hành giả Niệm A Di Đà Phật, lời kinh trong nhạc Trịnh trở nên lấp lánh và thuần khiết hơn bao giờ hết.
Ấn tượng nhất hẳn là ngay ở tiêu đề mỗi bài viết, Lê Huỳnh Lâm đã đưa ra một định đề khái quát khó xê dịch, khó thể cô đọng hơn về cuộc đời và sự nghiệp của họ: Dùng “màu sắc để diễn đạt cảm nghiệm sâu xa của mình về thời gian và thân phận con người”, Họa sĩ Bửu Chỉ - triết gia của màu sắc; Điềm Phùng Thị - Cuộc hóa thân của đất đá; Nguyễn Văn Tuyên “người vẽ phong cảnh trên những ngón tay buồn”; “Bóng tối đổ xuống như bình mực tràn trên trang vở, giữa màu đen chỉ còn nhịp thở của người ngồi nghe tiếng chó sủa” - đó là Trần Vàng Sao - Người viết nhật ký bằng thơ; Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Tiếng nhạc như lời kinh, “thức dậy lòng nhân ái trong mỗi con người và chuyên chở một ước vọng cao quý”; Lê Văn Ngăn - Thi ca như một tín điều. Xem thơ ca là tín điều, Lê Văn Ngăn chính là tín đồ, thầm lặng sống, thầm lặng kể về những “nỗi đau trong cuộc sống này”. “Nhạc tính trong thơ ông tự nhiên như hơi thở, như dòng sông đang trôi, như ngọn gió chiều bên hiên nhà và thanh thoát như tiếng hót của loài Dạ Oanh, một biểu tượng của thi ca thuần khiết, luôn canh chừng và thức tỉnh giấc mê của đồng loại”.
Đồng cảm với tác giả tập sách 12 khuôn mặt văn nghệ Huế, hẳn người đọc sẽ dễ bỏ qua những khiếm khuyết trong dòng cảm xúc dâng tràn của Lê Huỳnh Lâm về những đối tượng mà riêng anh quá ngưỡng vọng.
N.N
(SDB19/12-15)