Nguyễn Quang Hà rất tâm đắc với câu nói của Bác Hồ: “Nếu không có nhân dân liệu ta làm được gì?”. Trong thời chiến, nhân dân đổ xương máu để giành lại độc lập tự do, trong thời bình họ đưa hết sức lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhưng họ cũng là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Có dịp về thăm A Lưới, anh bồi hồi nhớ lại thời anh đóng quân trong rừng, “bà con mấy bản gần đó mặc dù rất nghèo nhưng ngày nào cũng đem đến cho bộ đội rau lang, đu đủ, cà ghém”. Năm 1990, nghĩa là 15 năm sau giải phóng, có dịp về thăm lại A Lưới, anh không khỏi chạnh lòng khi nhìn bữa ăn của đồng bào vẫn chủ yếu là sắn. Anh băn khoăn: “15 năm rồi mà A Lưới vẫn còn nghèo, làm thế nào để nhân dân thoát khỏi cái nghèo ấy?” (Con gà cái chai và hạt bắp). Trong các bài ký từng gây xôn xao dư luận một thời của anh như Luận chứng một tâm hồn đa cảm, Thủy Thanh của tôi, Vùng tâm bão đi qua... anh đều đứng về phía nhân dân để bênh vực, ủng hộ, đấu tranh đòi lại sự công bằng cho họ.
Nguyễn Quang Hà quê ở Bắc Giang nhưng sống chủ yếu ở Thừa Thiên Huế. Anh xem Thừa Thiên Huế là quê hương thứ hai của mình. Tám năm lăn lộn ở chiến trường Trị Thiên (1967 - 1975), anh tận mắt chứng kiến những hành động dũng cảm, trí thông minh, tinh thần chịu đựng gian khổ, đức hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng nói chung và đại đội Ngô Gia Tự của anh nói riêng. Chính điều này đã thôi thúc anh cầm bút và trở thành một trong những nhà văn chủ yếu viết về đề tài chiến tranh trên văn đàn hiện nay. Ba tập tiểu thuyết: Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm mà anh tâm đắc đều viết về đề tài này. Thành công của tập truyện ký viết về vị chỉ huy Thân Trọng Một chủ yếu là nhờ vốn sống, vốn thực tế mà anh đã tích lũy được. Bởi nếu không có những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên thì anh không thể thuật lại những trận đánh dưới sự chỉ huy tài tình của Thân Trọng Một một cách cụ thể, sinh động và hấp dẫn đến như thế. Nhân vật Nguyễn Văn Dư với chiều sâu nội tâm trong tiểu thuyết Vùng Lõm là một thành công mới của anh viết về đề tài chiến tranh.
Nguyễn Quang Hà từng hai lần đạt giải ký báo Văn nghệ. Tập truyện ký Thân Trọng Một - con người huyền thoại được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, tiểu thuyết Sông dài như kiếm đã được dựng phim... Mặc dù sắp đến đến tuổi “cổ lai hy” và bị cắt hơn một mét đại tràng vì căn bệnh ung thư nhưng anh vẫn tích cực đi và viết. Anh nói với tôi, trong ngăn kéo của anh còn có hàng nghìn trang bản thảo chưa in. Tôi thực sự kính nể sức làm việc của anh. Cầu chúc anh “chân cứng đá mềm” để tiếp tục trả hai món nợ mà anh vẫn hằng tâm nguyện!
MAI VĂN HOAN giới thiệu
NGUYỄN QUANG HÀ
Kính gửi anh Ma Văn Kháng
Truyện ngắn
(Minh họa: Đặng Mậu Tựu)
Anh Ma Văn Kháng kính mến! Có lẽ anh hơi đường đột khi bất ngờ phải nhận lá thư này. Thưa anh, tôi trộm nghĩ chuyện này anh có thể chia sẻ được với tôi, nên tôi không ngại ngần viết thư cho anh. Tôi dám viết thư cho anh vì tôi cảm mến văn chương của anh lắm. Nhất là cuốn Mùa lá rụng trong vườn, tôi rất thích. Thích từ con mèo bị cơn tức giận xua đuổi phải nhảy vọt ra ngoài cửa sổ. Truyện anh thấu đáo tình người, như một cục nam châm hút chúng tôi lại. Còn người viết thư này, tôi tên là Nguyễn Tá Thành. Một giáo viên đi bộ đội, và bây giờ đã trở lại với đồng quê. Thình lình, một chuyện của bạn tôi ập tới, tôi hết sức lúng túng chưa biết xử thế nào cho phải lẽ, nên tôi cầu cứu tới anh. Chuyện thế này anh Kháng ạ. Tôi nhận được một cú điện thoại của bạn thân tôi từ xưa. Anh ấy không bàn, không hỏi gì cả, mà ra lệnh. Một mệnh lệnh từ phía đầu dây bên kia: - Ngày mai, đúng 9 giờ sáng phải có mặt tại số nhà 21 Minh Khai, Phố Yến. Chuyện quan trọng lắm, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng không được từ chối, không được chậm giờ. Chúng tôi là lính đã quen mệnh lệnh rồi, nên biết mình phải làm gì. Nhà tôi cách Phố Yến 80 cây số, nên tôi phải dắt xe ra ngoài cổng từ 5 giờ sáng. Xe nổ máy. Tuổi cao, nên luôn giữ tốc độ 25 cây số một giờ đồng hồ. Trên đường có thể chậm đôi chút. Nhưng chắc chắn 9 giờ sẽ có mặt ở điểm hẹn. Bạn tôi, anh Đặng Xuân Hùng không hé cho tôi một tí bí mật nào nên tôi không thể đoán trước việc gì đang đến trước mặt mình đây. Vắt óc cũng không nghĩ ra được gì. Đành cắm cổ cho xe chạy. Do ít nhiều trục trặc trên đường, mãi 9 giờ kém 15 phút tôi mới đến Phố Yến. Tìm đến 21 Minh Khai không khó. Tôi vừa tắt máy nổ thì cửa ngôi nhà số 21 mở tung hai cánh. Đặng Xuân Hùng lao ra, ôm chầm lấy tôi mừng rỡ hết chỗ nói. - Đúng là bạn thân! Đúng là tri kỷ! Đi theo sau lưng Hùng, đến trước mặt tôi là Phan Minh Thư. Thư vẫn e lệ như ngày nào: - Em xin chào thầy Thành ạ. - Chào em. Có quan hệ này là bởi niên khoá 1965 - 1966 tôi và Hùng dạy lớp mười trường cấp III Phố Yến. Tôi dạy toán, Hùng dạy văn. Thư là học sinh hoa khôi của lớp 10. Đúng 30 năm xa cách, Phan Minh Thư năm nay đã 46 tuổi, vẫn giữ trên gương mặt những nét xinh tươi xưa, nụ cười vẫn rất có duyên. Tôi chào lại Minh Thư và hỏi ngay cả hai người. - Có chuyện gì mà mệnh lệnh khẩn cấp thế? Đặng Xuân Hùng tủm tỉm đáp: - Sẽ nhận được mệnh lệnh ngay bây giờ. Còn Minh Thư nói, giọng vẫn trong ngân như ngày xưa: - Thưa thầy, đây là nhà em. Em xin mời thầy vào trong nhà ạ. Hùng dựng xe cho tôi. Thư dắt tay, ân cần dẫn tôi vào nhà. Tôi đảo mắt nhìn. Một ngôi nhà hai tầng nho nhỏ, xinh xinh. Cành lá la đà trước cửa trông rất dịu mát. Tôi bước vào nhà, căn nhà trống trải, góc bên trái kê chiếc tủ nhỏ. Trước gương tủ là bộ bàn ghế bằng mây, loại nhỏ, cũng xinh xắn. Giữa nhà, dịch vào phía gần tường là một bàn ăn cũng nho nhỏ. Xung quanh chỉ có ba chiếc ghế ngồi. Trên đỉnh bàn là mâm cơm đậy lồng bàn. Góc tường trong bên phải là cửa đi vào phòng phía đằng sau. Minh Thư kéo tôi tới ngồi bên bàn ăn. Hùng nhẹ nhàng mở lồng bàn. Một mâm cơm đầy đặn, nhiều thức ăn. Đủ cả nem, giò, bóng, mực. Tôi chợt vui vẻ hỏi: - Có chuyện gì mà sang trọng thế này? Cả ba ngồi vào mâm, Xuân Hùng đứng dậy, trịnh trọng: - Với Tá Thành, mình chẳng giấu giếm làm gì. Hôm nay là ngày cưới hai đứa chúng mình. Chỉ có một khách mời dự duy nhất là Tá Thành thôi. Bởi cũng chỉ duy nhất Thành biết mối tình đầu của hai đứa chúng mình thời lớp 10 ấy. Anh Ma Văn Kháng, trước cảnh ngộ đó tôi hơi ngỡ ngàng. Nhưng không ngạc nhiên. Để tà tà tôi kể anh nghe.
Anh Ma Văn Kháng ơi, thời gian chúng tôi đang đi dạy học ấy, kỷ luật rất ngặt nghèo về qua hệ giữa thầy giáo và học sinh. Để lộ ra, thầy bị đuổi dạy, trò bị đuổi học. Nhưng những quy luật tình yêu vẫn tồn tại, Minh Thư và Xuân Hùng bị tiếng sét ái tình trong quy luật ấy. Biết không thể giấu được tôi, vì hai đứa dạy hai môn chính của lớp 10, nên hồi ấy Xuân Hùng đã thú thật với tôi tất cả. - Tôi gặp ánh mắt Minh Thư, lạ lắm, nó đắm đuối, mời gọi. Tôi rùng mình. Ánh mắt Minh Thư đã nói cho lòng tôi. Ở lớp, tôi tỏ ra gắt gao với Minh Thư, không phải ghét bỏ. Người ngoài tưởng là tôi nghiệt ngã với Thư. Nhưng với tôi đó là cách để che giấu cho tình yêu của mình tới nàng. Vì yêu, tôi không thể thả lỏng, để Thư học cho giỏi, điểm của Thư đúng với sức học của nàng. Nhìn ánh mắt Thư tôi hiểu Thư đồng tình với việc làm của tôi. Minh Thư được vậy, tôi còn đòi hỏi gì hơn. Hè năm ấy trời nóng. Minh Thư tự tay khâu cho tôi một chiếc quạt lụa, thêu chìm hai câu thơ của Hồ Xuân Hương: “Mười bảy hay mười tám đây. Cho ta yêu dấu chẳng rời tay”. Tá Thành xem, nàng chẳng nói với tôi hết cả rồi đó sao. Từ đó chúng tôi viết cho nhau những lá thư bí mật, cực ngắn. Nhiều khi mảnh giấy nhỏ bằng đầu ngón tay chỉ có một chữ: “Nhớ”. Vậy đó Thành ạ, xin Thành ủng hộ cho tôi và xin giữ thật kín cho tôi. Tôi bảo Xuân Hùng: - Nếu để lộ, kỷ luật gắt lắm đấy. Để Minh Thư bị đuổi thì nó hết đời. Hùng đáp: - Mình dự định rồi. Chúng mình sẽ chờ cho tới khi Minh Thư học xong đại học, ra kiếm việc làm đàng hoàng, lúc ấy mới trình làng. - Được! Tôi đáp. Mối tình đầu của họ nóng bỏng âm thầm lặng lẽ như vậy. Lá thư quan trọng nhất của Hùng gửi cho Thư cũng chỉ có mấy chữ: “Em phải học cho thật giỏi”. Cách trao thư của họ trước đám đông cũng phải khen là giỏi. Hùng đưa tiền nhờ Thư mua cho cái này cái nọ, thường là mua thuốc lá. Trong tờ tiền gấp có thư, và trong gói thuốc đưa cho Hùng cũng có thư. Đang trong lúc tình yêu cháy bỏng của Xuân Hùng và Minh Thư thì Mỹ đổ quân vào miền Nam. Phải tăng cường lực lượng để đánh Mỹ, cả tôi và Hùng đều được gọi nhập ngũ. Trước khi chia tay lên đường, tôi và Hùng về chào bạn bè và học sinh của mình, Một ngày tươi tốt. Tôi đã nhận ra đôi mắt buồn của Minh Thư, song cũng đã trao kín cho Minh Thư lá thư nhỏ của Hùng hẹn 9 giờ tối gặp nhau bên bờ sông Như. Hùng yêu cầu tôi, trong cuộc gặp ấy có tôi để tránh những gì bất trắc xảy ra, lỡ Minh Thư bị đuổi học thì khổ cả đời. Đêm ấy trăng trên sông Như tròn xoe, ánh sáng vằng vặc. Để tránh những cuộc gặp gỡ dù tình cờ hay cố ý, nên cả ba chúng tôi đi song hành với nhau. Hùng đi giữa, Thư đi bên tay phải anh. Biết tôi là minh chứng bí mật của họ nên họ tự do nói chuyện với nhau. Minh Thư nói: - Em sẽ học thật giỏi và chờ anh cho đến tận khi anh về. Xuân Hùng rất thương Minh Thư nên nói: - Em bơ vơ một mình thì anh thương em lắm. Đến lúc tuổi rực rỡ nhất mà anh chưa về thì anh đồng ý cho em đi lấy chồng. Em hạnh phúc là anh mừng rồi. - Không, em sẽ chờ anh. - Nếu anh đã hiến dâng máu xương cho Tổ quốc... Giọng Minh Thư nghẹn lại, mếu máo: - Không! Không! Gặp ngay trước mặt một hòn đá cuội trắng bằng ngón chân cái, Hùng cúi xuống nhặt viên đá, lau sạch bằng vạt áo của mình rồi đưa cho Thư: - Tình yêu của chúng mình mãi mãi trắng trong và bền chặt như hòn đá cuội này. Lời anh nói đã thấm vào đây, em giữ nó làm bằng. Minh Thư nhận viên sỏi, gói lại trong khăn tay thơm mùi nước hoa, đút vào túi. Đến phút chia tay thì hai người trao ảnh cho nhau. Ảnh cỡ 3x4 bé tí tẹo. Bất giác hai người ôm chầm lấy nhau, siết chặt, thật chặt. Hùng bảo tôi: - Tá Thành thông cảm cho mối tình đầu của chúng mình nhé. Đến 11 giờ đêm, chúng tôi đành phải chia tay. Phút giã từ nhau, Minh Thư ôm lấy gốc cây bên đường và khóc. Đi một đoạn xe còn nghe tiếng nấc của Minh Thư. Xuân Hùng xác nhận: - Mình nát tim nát gan mất Tà Thành ạ. Tôi chỉ động viên Hùng: - Mình là thằng đàn ông, hãy cứng cáp lên để vượt qua cái cầu khó khăn này. - Phút này mình chả thiết gì chiến công, chả thiết gì huân chương đỏ ngực, mình chỉ muốn quay lại với Minh Thư. May có Tá Thành làm chỗ dựa nên mình gắng gổ đứng vững được. Ôi! Nếu mình chết, chắc Minh Thư cũng không sống nổi. Anh Ma Văn Kháng ơi! Tình yêu da diết thế nên thế gian mới có một câu thơ chết người: “Ước chi thiên hạ tàn đi cả Giữa ngã ba đường anh với em”. Mối tình đầu của Minh Thư và Xuân Hùng đẹp biết bao phải không anh? Chỉ có thiết tha thế họ mới vượt qua những cản trở vô lường và chính tình yêu ấy, bất chấp ấy mới làm cho cuộc đời của chúng ta đẹp biết bao, phải không anh? Anh Kháng ơi! Mãi đến tận hôm nay tôi viết thư cho anh, tôi vẫn như thấy trước mặt mình hình ảnh Minh Thư ôm gốc cây quằn quại, và như vẫn nghe bên tai mình tiếng khóc và tiếng nấc của Minh Thư. Quả thật chiến tranh nghiệt ngã không thể nào tưởng tượng nổi đối với mỗi người phụ nữ Việt Nam chúng ta. Sự cống hiến của họ âm thầm mà lớn lao biết bao nhiêu. Minh Thư và Xuân Hùng xa nhau tự đêm ấy.
Anh Kháng ơi! Tôi và Đặng Xuân Hùng cùng ở một đơn vị. Chúng tôi hành quân dọc đường Trường Sơn, vào chiến trường Bác Đô. Mật danh của chiến trường Cố đô Huế. Đến đây đại đội chúng tôi bị xé lẻ, bổ sung quân cho các tiều đoàn của Thành đội Huế. Tôi và Hùng lại được điều về tiểu đoàn đặc công Cô Mai Chị. Vì vậy chúng tôi luôn ở bên nhau. - Mình nhớ Minh Thư quá! Nhớ không có chữ nào tả nổi. Những lúc ấy mình nhắm mắt lại, lập tức Minh Thư hiện ra trước mặt. Vẫn mái tóc dài đung đưa sau lưng, đôi mắt dài đen thắm, lấp lánh, vẫn cái miệng cười rất có duyên. Và nghe cả giọng nói trong veo của Minh Thư. Tôi cũng công nhận Minh Thư đẹp. Tuổi mười bảy, cái tuổi dậy thì bung ra, rực rỡ với tất cả các đường cong mê hồn. Bất cứ chàng trai nào gặp Minh Thư cũng mong có được cô làm vợ. Trong tâm khảm Xuân Hùng chỉ có Minh Thư. Nhưng chiến trận ác liệt quá, không có cả giấy bút để viết thư, hầu như chúng tôi không hề có thư nhà. Mỗi khi ngồi một mình, Xuân Hùng đều đưa ảnh mối tình đầu của mình ra ngắm nghía độc thoại một mình và trong thầm lặng lắng nghe tiếng nói của người mình yêu trong tâm tưởng. Xuân Hùng là một chiến sĩ rất dũng cảm. Nhớ lần ấy đơn vị được lệnh đánh căn cứ Ly Hy. Trinh sát, nghiên cứu thật kỹ càng. Tiểu đoàn lên sa bàn đánh. Ai cũng chắc thắng. Nhưng điều không ngờ ập tới là địch thay hàng rào dây thép gai cũ, bằng loại dây to hơn, cứng hơn, kìm năm cân của chúng tôi chỉ cắt nổi dây cũ, không cắt được dây mới. Vì vậy đứng lúng túng bên hàng rào khá lâu. Chó bạc giê trong căn cứ, phát hiện ra có người, nó xông ra, đứng trong hàng rào sủa gâu gâu. Thấy động, lính Mỹ trong lô cốt ào ra, xả súng như mưa về phía chúng tôi. Xuân Hùng hét lên: - Tất cả các anh rút lui, để một mình tôi ở lại chặn chúng. Hùng đợi địch đến gần, bắn trả quyết liệt. Đêm ấy nếu không có hàng rào thép gai, chắc chắn Hùng sẽ lọt vào tay giặc. Địch gọi pháo bầy dập xuống trận địa. May quá, Hùng đã chạy thoát. Anh đã sẵn sàng xả thân vì đồng đội. Tấm gương ấy được toàn tiểu đoàn học tập. Hùng trở thành người thân thiết của mỗi người trong tiểu đoàn chúng tôi. Nhưng một chuyến đi trinh sát sân bay Phú Bài, ngôi làng anh bám trụ bỗng bị địch càn. Không ngờ hầm của Xuân Hùng bị phát hiện. Anh nhảy lên dùng súng AK chiến đấu quyết liệt đến viên đạn cuối cùng. Súng không còn đạn, bọn lính Mỹ ào tới bắt Hùng. Chiếc trực thăng được gọi tới chở Hùng di. May là anh không bị chúng trói. Cửa trực thăng mở, Hùng nhìn xuống đất thấy máy bay đang bay qua sông Bồ, anh lao vút ra cửa máy bay nhảy xuống. Dòng sông Bồ đón anh. Không ngờ chúng gọi tới 5 trực thăng rà soát khu vực đoạn sông anh nhảy xuống. Máy bay bay rà rà sát mặt sông, không bỏ qua một bụi rậm nào. Nhà Hùng ở bên sông Như, nên từ nhỏ anh đã bơi lội rất giỏi. Bữa đó, khi đã chìm trong dòng nước, Hùng lặn mấy hơi vào bờ. Lúc anh nhô đầu lên, tay vừa kịp bám búi cỏ bên bờ thì trực thăng phát hiện ra anh, chúng dùng đại liên chặn đường đi, chặn lối lại của anh. Một chiếc trực thăng đậu xuống, ba lính Mỹ nhào tới, xốc anh, quăng lên máy bay. Giữa cái chết và cái sống nơi chiến trường cách nhau chỉ trong tích tắc là vậy. Bọn chúng lục hết áo quần của Hùng, dù một mảnh giất nhỏ chúng cũng không tha. Tất nhiên Xuân Hùng bị mất ảnh Minh Thư từ đấy. Mất hình người đã đành, mất cả bút tích của Minh Thư ghi sau tấm ảnh như một lời thề: “Em của anh mãi mãi”. Chẳng lẽ đây là tín hiệu báo trước về cuộc tan rã của mối tình đầu này. Về sân bay Phú Bài, Xuân Hùng bị tra tấn dữ dội. Chúng hỏi hết câu này, đến câu khác: Tên là gì? ở đơn vị nào? về bám trụ nằm hầm ở vùng sâu làm gì? Tại sao dám nhảy xuống sông tự sát? Hùng chỉ trả lời một câu: - Tôi tên là Đặng Xuân Hùng, là quân giải phóng. Ngoài ra anh không nói gì hơn. Thúc ép quá, mãi anh mới dứt khoát: - Hãy giết tôi đi. Không lung lạc được lòng anh. Một tên lính nguỵ vác con dao của biệt kích phát rừng thật to, thật dài ra doạ: - Nói thì chúng tao tha, không nói, tao chặt chân. Hùng chỉ lắc đầu không trả lời. Chúng vung dao chặt đứt một bàn chân anh, Hùng đau quá, thét lên, máu chảy đầm đìa. - Nếu không khai, tao chặt nốt chân kia. Hùng hét vang: - Hãy trả ảnh người yêu của tôi cho tôi để tôi chết đem cô ấy xuống mồ cùng tôi. Không hiểu vì động lòng với mối tình Hùng vừa nhắc tới, hay chúng nhận ra đã không thể moi móc gì được ở con người lì lợm này, viên sĩ quan coi ngục, lệnh không tra tấn Hùng nữa, hắn quăng ra cuộn băng cá nhân, sai tên lính băng bó lại vết thương cho Hùng. Hùng bị đẩy vào nhà giam, không đầy một tuần sau anh bị đưa ra nhà tù tại Côn Đảo. Tiểu đoàn Cô Mai Chị cho người về nơi Hùng bị bắt, căn hầm bí mật bị phá tanh bành. Bà con kể hết chuyện Hùng bị chặt chân. Còn việc đưa Hùng đi đâu, bà con không biết. Đơn vị không biết Xuân Hùng còn sống hay đã bị chúng đưa đi giết. Tất cả đều không rõ ràng, nên trong lý lịch của Hùng chỉ được ghi một cách vắn tắt đầy tắc trách: Đặng Xuân Hùng: mất tích khi đi trinh sát Phú Bài. Và trong đơn vị chúng tôi, chính trị viên tiểu đoàn cũng chỉ phổ biến: Xuân Hùng đã mất tích Khi lên lấy khí tài trên đường mòn Trường Sơn, vào binh trạm giao liên, tôi xin các anh tờ giấy viết mấy chữ về báo cho gia đình Hùng biết Hùng đã bị mất tích khi đi trinh sát trong vùng địch. Giấy ngắn, thời gian ngắn không thể dài dòng. Vả lại kỷ luật quân đội nghiêm lắm, không được báo cáo khác ý của cấp trên. Xuân Hùng mất tích, tôi trở nên bơ vơ, anh Kháng ạ.
Anh Kháng ơi, dưới đây là câu chuyện Minh Thư kể cho tôi: Thưa Thầy, anh Hùng đi rồi, em như cái bóng vật vờ. Suốt tháng đầu đêm nào em cũng khóc. Bố mẹ em tưởng em nằm mơ, khóc trong giấc mơ, chứ có biết em khóc vì nỗi gì đâu. Để cho thoả nỗi nhớ, em lấy ảnh anh Hùng đặt bên cạnh viên đá cuội trắng và giở sổ viết nhật ký về nỗi nhớ của mình. Lắm lúc em cũng tự trách mình rằng mới tí tẹo tuổi đầu mà đã yêu với đương. Nhưng em lại tự giải thích cho mình rằng đây là mối tơ duyên từ kiếp trước, bây giờ tái hiện. Trời đã se duyên, biết làm sao. Em thực hiện lời anh Hùng thường nhắc em: “Nếu thật yêu anh, anh chỉ xin Minh Thư một điều là học cho thật giỏi. Bất học bất tri lý. Cái vốn bảo đảm nhất cho cuộc đời mình là sự hiểu biết. Nơi cung cấp hoàn chỉnh nhất cho hiểu biết của mình là trường học”. Càng nhớ Hùng, em càng lao vào học. Em tốt nghiệp cấp III, thi vào đại học y. Đúng năm năm sau, em trở thành bác sĩ. Để được gần gũi anh Hùng, em quyết định ngập ngũ, trở thành bác sĩ ngành hậu cần. Cầm bằng bác sĩ trong tay, em càng nhớ Hùng. Giá Hùng ở nhà lúc này, chắc chắn chúng em sẽ làm đám cưới ngay. Tin Hùng vẫn mất bằn bặt. Người em nôn nao rất khó nói. Em về trường cấp III cũ thăm các thầy cô, hỏi thăm xem có thầy cô nào biết tin về những người vào chiến trường. Gặp anh Chín, người cấp dưỡng của trường, lo từng bữa ăn của thầy cô trong nhà tập thể, được anh Hùng rất quý mến. Cuối câu chuyện em hỏi: - Anh Chín ơi, anh có tin tức gì về thầy Tá Thành, thầy Xuân Hùng không? Anh Chín đáp: - Anh mù tịt. Chiến trường bom đạn thế, thư từ làm sao vào được, ra được. Hình như có một ai sai khiến, em quyết định đạp xe về nhà anh Hùng. Em giới thiệu với ông bà: - Con là học trò của thầy Hùng. Thầy Hùng là chủ nhiệm lớp con. Con về hỏi thăm ông bà tin tức của thầy Hùng. Mẹ thầy Hùng ngồi lặng yên, nước mắt rơi lã chã. Nhìn những giọt nước mắt ấy em hoảng hồn, nhưng phải nín thở, nuốt cái cục vướng nơi cổ. Bố thầy Hùng vào lục lọi một lúc, đem ra đưa cho cái thư ngắn ngủi thầy gửi về. Em đọc: “Bố mẹ ơi, anh Hùng đi trinh sát trong vùng địch đã mất tích”, đọc xong tâm thế em sụp đổ hoàn toàn. Nhưng em cố gắng tựa lưng vào cột nhà cho khỏi ngã. Bố anh Hùng giải thích cho em. - Mất tích có nghĩa là chưa chết, vì chưa thấy xác. Khía cạnh khác mất tích cùng đồng nghĩa với chết. Phần sống của Hùng mong manh lắm cháu ạ. Nghe ông nói vừa dứt, em thốt lên: - Thầy Đặng Xuân Hùng ơi! Cùng với câu nói ấy, lòng em như đứt ra từng khúc ruột. Đêm ấy trở về nhà, em lấy bút ghi vào nhật lý của mình: “Chẳng lẽ anh nỡ bỏ em bơ vơ giữa cõi đời này sao anh Hùng? Ảnh anh còn đây, hòn đá cuội trắng còn đây. Không, không. Hòn đá cuội chưa nát nhất định anh sẽ còn trở về. Em sẽ đợi anh. Anh Hùng ơi, giờ này anh đang ở đâu, anh có nghe thấy tiếng nói của lòng em không? Giá có anh lúc này hẳn hạnh phúc chúng ta sẽ vẹn tròn. Đừng bỏ em anh nhé”. Nhận việc ở một quân y viện mang phiên hiệu “viện 10 quân đội”. Mỗi lúc ngơi tay, em lại lấy ảnh của anh Hùng ra ngắm và lòng hoang mang tột độ. Em bị phê bình là xao lãng với công việc. Có thể nói có những lúc em không thiết sống nữa. Muốn gặp Hùng trong cõi âm. Hàng nghìn câu hỏi về Hùng không được trả lời: Anh đang ở đâu? Có nhớ em không? Bao giờ chúng ta cưới nhau được đây?... Một chuyến Minh Thư theo xe bệnh viện vào Nghệ An đón thương binh đưa từ trong giới tuyến ra, không ngờ xe bị bom ngang đường. Cả lái xe, cả thương binh đều chết hết. Em bị văng ra bên đường, chẳng biết vì sao em còn sống. Nằm ở bệnh viện Nghệ An, em mới tỉnh lại. Em hỏi: - Đây là đâu bác sĩ? - Cô đang ở trên đất Nghệ An. Em phải mổ để cắt một khúc ruột bị đứt và lấy mảnh bom đang găm trong đó. Em mất máu nhiều. Người bác sĩ người Huế có tên là Thế Tô đã lấy một phần ba máu của mình cứu sống em trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ấy. Chính Thế Tô mổ cho em, chăm sóc em tận tình. Dẫu sao em cũng mang ơn người ấy. Người ấy là ân nhân của em. Trong máu em có một phần máu của anh ấy. Một lít máu là một tài sản quý thời chiến tranh chứ có ít đâu. Lại nghe Thế Tô là người Huế nơi Xuân Hùng đã đổ máu, em càng quý Thế Tô. Em kể cho Thế Tô nghe về Hùng. Thế Tô dội vào em một gáo nước lạnh: - Chết chưa tìm được xác, nên người ta gọi là mất tích thôi. Tôi tin là Hùng đã chết rồi. Giả dụ Hùng bị bắt thì trước mắt cái sống mờ mịt lắm. Tình thế này chưa biết bao giờ Hùng trở về. Và khi Hùng về, tuổi xuân của em cũng đâu có còn. Anh khuyên em nên tính chuyện khác đi. Khi em khỏi vết thương cũng là lúc em nhận quyết định nhận công việc của quân y Nghệ An, với lời giải thích ngắn gọn: - Chiến trường đang kêu gọi chúng ta. Chiến trường kêu gọi, tức là mệnh lệnh không được chối từ. Quân y viện em tới, chính là chỗ em vừa nằm chữa vết thương. Em muốn được trả món nợ của mình nên đồng ý ngay. Và đồng thời em nghĩ, gần chiến trường cũng là gần với Xuân Hùng. Thế Tô kể chuyện em cho các bạn trong quân y viện nghe. Ai cũng thương em, các bạn gái trẻ nhất cũng khuyên em: - Con gái có thì, đảm bảo Xuân Hùng không về nữa đâu. Cậu nên tìm một bạn trai mới đi. Thế Tô tìm mọi cách gần gũi, tỉ tê với em. Phải hơn một năm sau, máu anh ấy trong tim đã xui em nhận lời của anh ấy. Anh ấy hứa: - Em mãi mãi là bà hoàng của anh. Song nếu Xuân Hùng có về, anh sẽ dắt tay em đến tận nhà Xuân Hùng, trả em lại cho anh ấy. Phải thêm một năm nữa em mới là vợ Thế Tô. Thế Tô muốn lấy con cái để buộc chân em, do vậy vừa đẻ cháu trai thứ nhất, chỉ mấy tháng sau em lại có bầu đứa thứ hai. Yên chí là em không thể thoát khỏi tay mình, đúng lúc em phải lo cho một đứa trong bụng, một đứa tập tễnh đi, thì Thế Tô đi theo một cô gái khác, bỏ mọi việc nhà cho em. Không lâu sau, em tìm thấy tấm ảnh Tô với cô gái ấy chụp khỏa thân giấu trong ví hắn. Vậy là em đã bị lừa. Sống với kẻ vô trách nhiệm, lại lừa đảo nữa thì làm sao sống nổi. Lấy Tô là em đã trả được món nợ một phần ba máu của Tô rồi. Bây giờ thì em phải quyết định cho đời mình. Thà sống một mình chứ không thể chung đụng với kẻ gian dối và thế là em quyết định làm đơn, đưa lên tòa xin ly dị Thế Tô. Thế Tô về van lạy xin em tha thứ. Nhưng không thể gì lay nổi lòng em nữa. Trước đây em nể Tô vì một phần ba máu cứu em khi hiểm nguy. Bây giờ đã hết nợ và em đã tỉnh ra rồi. Thế Tô quỳ xuống ôm lấy chân em: - Em hãy tha thứ cho anh. Đây dao cạo đây, em hãy cạo trọc đầu anh đi để cho anh không bao giờ quên lỗi lầm này. Anh xin làm nô lệ của em từ giờ phút này. Giọng lưỡi hắn ráo hoảnh càng làm em tởm lợm. Em xin ra quân khi mẹ tròn con vuông đứa thứ hai. Em đem hai cháu về quê, làm một bác sĩ tư giúp dân và mở một quán bún ngay trước cửa nhà để lấy tiền nuôi con. Ngôi nhà ấy chính là nơi thầy trò ta đang ngồi đây. Có tiền, em đã nâng cấp mấy lần mới được như thế này. Cả hai đứa con em, chúng đã ra trường cả thầy ạ. Gia đình chúng hiện đang ở trên thành phố. Ngôi nhà này hiện em đang sống cô đơn một mình một bóng. - Thầy có muốn hỏi em gì nữa không ạ? - Thế Tô bây giờ ra sao em biết không? - Từ khi mẹ con em ra đây, Thế Tô coi như đời anh ta không hề dính dáng gì đến chúng em cả. Hiện nay, hết người này đến người khác. Thế Tô đã có người vợ thứ 5 tại Huế. - Hắn có ra thăm mẹ con em lần nào không? - Có một lần, đâu đi công tác ngoài Hà Nội, hắn tìm về đây xin vào nói chuyện với mẹ con em. Em lặng lẽ khinh bỉ không nói một câu. Cả hai đứa chạy xô ra cửa trả lời: “Mẹ cháu bảo bố cháu đã hy sinh trong miền Nam rồi”. Không còn mặt mũi nào nữa, Thế Tô đành rút lui, không kèn trống. Từ đó không bao giờ hắn trở lại ngôi nhà này lần nào nữa. - Hắn có nói câu nào với em không? - Hắn tỏ ra ăn năn, xin em bỏ qua cho tất cả, hắn xin trở lại với em, hứa sẽ nuôi mẹ con em đến nơi đến chốn. Nhưng em đã nhổ vào mặt hắn.
Anh Ma Văn Kháng ơi. Tôi không cho rằng Minh Thư dễ dãi để ngã vào lòng Thế Tô. Một mặt vì tin Xuân Hùng bằn bặt. Ai cũng khẳng định anh đã chết. Minh Thư đến với Thế Tô vì cô là người đàng hoàng muốn trả món nợ đời cho ân nhân. Nhưng cũng phải sau hai năm sống với nhau, Minh Thư mới cho Tô cưới. Hai năm ấy biết bao điều Minh Thư phải tính toán để đi tới quyết định này. Rất may Minh Thư đã tỉnh táo dứt ngay ra, không để mình vướng víu vào với kẻ lừa đảo này. Cuộc đời hắn năm thê, bảy thiếp đã chứng tỏ hắn là con người thế nào. Còn Xuân Hùng bị đưa đi hết nhà lao này đến nhà lao khác suốt ngần ấy năm trời. Mãi tận năm 1974 anh mới được trở về trong chuyến trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Xuân Hùng được đưa về trại an dưỡng ở Quảng Bình. Một năm sau anh mới lại sức. Cha mẹ, anh em Hùng được tin vào tận Quảng Bình thăm anh. Từ lao tù ra, đúng là anh chỉ còn một cái xác. Chả thế mà khi vào tìm con, đứng trước mặt Hùng, phải một lúc lâu ông bà mới nhận ra anh, bà mẹ ôm lấy anh khóc nức nở. - Mày là thằng Hùng đấy hả con? Con mẹ khỏe mạnh đẹp đẽ thế, bây giờ tàn tạ như thế này ư? Hùng không muốn Minh Thư nhìn thấy thân xác mình tiều tụy như thế này, với lại biết đâu Thư đã có chồng con đàng hoàng nên anh không vội báo cho Thư biết anh đã trở về. Hùng tự nhủ với lòng mình: “Mình vẫn là của Thư, nếu như Thư chưa có chồng. Có chậm một chút cũng không sao”. Một năm sau ra viện điều dưỡng về thăm quê, ngay ngày hôm sau anh ra xã bên tìm Lê Văn Thao, thầy dạy thể dục cùng trường với Hùng ở Phố Yến ngày ấy. Sau vồ vập, Hùng hỏi ngay: - Cậu có tin gì về cô học trò cưng của mình là Phan Minh Thư không? Lê Văn Thao trả lời thật thà: - Các cậu ra chiến trường, cô ấy đã lấy một ông bác sĩ người Huế. Nghe đâu họ đã có hai đứa con với nhau. Khi đưa chồng về thăm quê. Minh Thư có dẫn chồng cô ấy tên là Thế Tô về tận đây thăm và ra mắt mình mà. Thằng cha ấy cũng đẹp trai, mồm miệng đáo để. Nhìn hai đứa họ cũng thật xứng đôi, vừa lứa. Hùng ngồi nghe bạn nói mà run lẩy bẩy. Thao nhìn thấy Hùng run, sờ tay lên trán bạn hỏi: - Cậu đang bị sốt rét rừng à? Hùng đáp: - Khỏi rồi nhưng di chứng nó vẫn còn. Thao kéo chân cụt của Hùng vào lòng mình, anh ấy vén quần Hùng lên, tháo cả cái chân gỗ của Hùng ra xem tỉ mẩn. Rồi cầm cái chân cụt, xoa vào chỗ sẹo vết thương bị chặt: - Các cậu đã lấy máu của mình để chứng minh cho lòng yêu nước. Bây giờ trở lại trường dạy về lòng yêu nước, chắc chả cần nói nhiều, chỉ cần giơ cái chân cụt này ra, kể về lý lịch của nó cũng đủ để học sinh thuộc bài một cách dễ dàng. Hùng bấm bụng dẹp cơn đau qua ngày. Anh tiếc đã để ảnh Minh Thư lọt vào tay bọn kẻ cướp. Bây giờ hình ảnh của Minh Thư chỉ còn lại trong tâm tưởng của Hùng. Anh cố quên đi, càng quên càng nhớ kỹ. Cái gì đã khắc trong tim thật khó phai mờ. Xuân Hùng không hề trách cứ Minh Thư một lời. Tại chiến tranh cả. Chiến tranh khắc nghiệt đâu chỉ có nơi chiến trận nổ súng vào nhau, chiến tranh nhức nhối ngay từ trong mỗi làng xóm đất nước này. Người phụ nữ là người bị chiến tranh dày vò dữ dội nhất. Minh Thư của anh là một trong những người như vậy. Dần dần mỗi lần nhớ tới Minh Thư là một lần anh cầu chúc cho Minh Thư được hạnh phúc. Cầu cho gia đình chồng con Minh Thư được bình yên. Hùng nói thầm: “Hạnh phúc của em cũng là hạnh phúc của anh đó Minh Thư ạ”. Cái đau nhất, anh Ma Văn Kháng ơi, là đúng lúc Hùng trở về, Minh Thư đã bỏ chồng, cô ấy đang côi cút một mình nuôi con. Biết đâu được tin ấy họ sẽ có một gia đình ấm cúng. Một thời cơ đã đến, nhưng thiếu thông tin, vì vậy thời cơ đã tuột khỏi tay. Giá như Xuân Hùng gạt đi mặc cảm phải đối mặt với Thế Tô, cứ lên thăm cô học trò cưng của mình thì chả có gì phải nói nữa, chả phải chờ tới 30 năm mới gặp lại nhau. Trời có mắt mà trời nhìn đi đâu không biết. Chỉ cần trời liếc xéo qua, nỗi đau sẽ ngắn lại chừng nào. Chính nỗi đau dằn vặt Hùng đang cố nén để quên đi, thì đúng lúc này Huế lại mời anh vào dạy học ở chính nơi anh đã đổ máu góp phần giải phóng cố đô, ở hoàn cảnh ấy Xuân Hùng đã nhận lời. Những chuyện gì phải đến sẽ đến. Xuân Hùng vào Huế, việc đầu tiên là anh đến ngay ngôi nhà đã cưu mang anh trong hầm bí mật chuyến đi trinh sát sân bay Phú Bài. Hùng gặp bà mẹ chủ nhà thường mở nắp hầm cho anh lên xuống, và đưa cơm cho anh hằng ngày, anh ôm lấy mẹ: - Chào mẹ. Mẹ có nhớ con không ạ? Nhìn Hùng một chặp, bà mẹ nói: - Có phải thằng Xuân Hùng đó không? - Dạ, chính con đây ạ. Mẹ chửi yêu: - Cha tổ mi. Tau tưởng mi chết mất xác rồi. Mẹ dắt tay Hùng vào nhà chỉ cho anh thấy chiếc bàn thờ nhỏ bên cạnh bàn thờ gia đình, dẫu chỉ có một bát hương. Nhưng sau bát hương là một trang bìa chỉ ghi hai chữ Xuân Hùng. - Có đúng đây là bàn thờ mi không? - Dạ, con cám ơn mẹ. Mẹ cầm tờ bìa có hai chữ Xuân Hùng đưa cho Hùng. - Con Hoài nó lập đó. Cứ đến đúng ngày mi bị bắt, thế nào hắn cũng kiếm cái gì về thắp hương cho mi. Mỗi lần thắp hương, nó lại khóc. Con cứ ngồi đây để mẹ đi gọi con Hoài. Chừng mười lăm phút sau Hoài gánh đôi quang gánh toòng teng theo mẹ về. Vừa thấy anh, Hoài vất hết quang gánh, chạy tới, cầm chặt hai tay anh. - Em nghe bọn lính nói chúng hỏi cung, anh nhất định không khai, chúng chặt cụt một chân anh mà. Xuân Hùng kéo ống quần lên cho Hoài nhìn thấy chiếc chân giả. Hoài xúc động: - Giả cũng được, không sao. Còn hơn bao bạn anh cũng ra đi mà không bao giờ trở về. Hoài dẫn Hùng tới góc vườn nơi căn hầm bí mật của anh bị lật. Mìn địch đã phá tan căn hầm, chỉ còn một lõm đất nhỏ. Hoài đóng cọc xung quanh làm nơi kỷ niệm của gia đình mình: - Em phải làm thế để gia đình nhớ là nếu nuôi ai thì phải cẩn thận hơn. Tuy vậy cũng hay anh ạ, vừa rồi đoàn thanh tra đi xem xét, thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, em đưa họ ra thăm ô đất có lai lịch này. Họ công nhận ngay. Bà mẹ Hoài nghiễm nhiên là bà mẹ nuôi của anh. Hùng được phân công về dạy ở trường Quốc Học. Chủ Nhật nào Hùng cũng về nhà Hoài. Hoài chăm sóc Hùng như chăm sóc một người anh trai. Một chủ nhật kia mẹ Hoài gọi hai người tới trước mặt mình. Mẹ nói: - Xuân Hùng chưa có vợ. Hoài cũng chưa có chồng. Theo mẹ nghĩ, hai đứa mi lập gia thất với nhau là phải đạo. Mẹ gửi Hoài cho Hùng đó. Hùng đang thiếu tình cảm. Có lúc anh chếnh choáng nữa. Từ lúc mất Minh Thư trong lòng anh chưa hề nghĩ tới một cô gái nào. Sự tình nó rui rủi như thế. Bà mẹ cầm tay Hoài: - Con có bằng lòng lấy Hùng để chăm sóc cái chân cụt của nó không? Hoài nói: - Anh Hùng là một trí thức, anh ấy đâu có màng tới con hả mẹ. Bà mẹ quay sang hỏi Hùng: - Con Hoài nó nói vậy, còn ý Hùng ra răng? Hùng bất ngờ gật đầu: - Mẹ và Hoài đã thương con vậy, lúc này có Hoài con cũng thấy yên lòng. Trường Quốc Học đứng ra tổ chức đám cưới cho Hùng. Chia cho anh một căn khá rộng trong khu tập thể của trường. Hoài xin được việc ở Sở thương mại. Hai người về ở với nhau. Một năm sau, đúng lúc Hoài sinh cháu gái đầu lòng, chính quyền gọi đến bán cho gia đình Hùng một căn hộ của người vượt biên ra nước ngoài. Ba năm sau Hoài sinh con trai. Có con trai, Hùng và Hoài vui hẳn lên. Họ không giàu có gì, không dám nhìn lên so với ai, nhìn xuống cũng còn hơn khối người. Với đồng lương, dù còm, họ cũng đủ sống. Vợ chồng con cái thương yêu quý mến nhau. Bạn bè đều công nhận gia đình Hùng xứng đáng là một mái nhà yên ấm. Đúng hai mươi ba năm sau: Đứa con gái đầu lòng của Hùng học xong đại học, ra dạy ngay tại Huế, cháu đã lấy chồng, ở riêng. Cháu trai đang học đại học y khoa, cũng mãi ngoài Hà Nội. Lúc này cha mẹ Hùng đã trở thành người thiên cổ. Gia đình Hùng bỗng gặp sự cố, đó là việc anh trai Hùng đột nhiên bị ung thư. Ra Hà Nội khám bác sĩ bảo đã di căn, không thể cứu chữa được nữa, cho về. Đúng sáu tháng sau anh mất. Chị cả đầu vào Huế tìm vợ chồng Hùng. Chị nói với vợ chồng Hùng những lời tha thiết: - Nếu cậu Tráng còn, cậu ấy trông nom nhà thờ cho ông bà, lo việc họ, việc làng, chẳng nói làm gì. Bây giờ đột nhiên các cụ gọi cậu ấy đi. Nhà ta chỉ còn mình cậu là con trai. Ngôi nhà của ông bà là dành cho cậu. Khi cậu Tráng sống, cậu Tráng dùng ngôi nhà của ông bà làm nhà thờ. Tình hình này chị đề nghị cậu mợ hãy về quê chăm sóc mồ mả ông bà, họ hàng. Chị năm nay đã bảy mươi cũng sống chả được bao năm nữa. Miếng cơm manh áo chả đáng kể? Còn cái tình thì mãi mãi. Nên chị vào nói chuyện với cậu mợ, xin cậu mợ nhận lời cho. Cháu trai út đang học y khoa ngoài Hà Nội, khi nào cháu ra trường về quê làm việc là đẹp cả đôi đàng. Lời đề nghị của chị cả đầy đủ cả lý, cả tình, không thể từ chối. Vợ chồng Hùng đem điều ấy nói với bà mẹ dưới Phú Bài. Bà bảo: - Hai con về quê là phải lẽ. Mẹ không dám cản. Năm ấy Xuân Hùng mới năm mươi lăm tuổi, anh xin nghỉ hưu non, và hai vợ chồng anh trở về quê nội.
Anh Ma Văn Kháng kính mến! Anh có thấy không, câu chuyện của Xuân Hùng và Minh Thư cứ như có một bàn tay vô hình nào đó sắp đặt. Đưa Hùng về quê là một bước đưa Hùng trở về gần với Minh Thư, dẫu hai nhà cách nhau tám chục cây số. Thời buổi này tám chục cây số có là cái gì đâu. Vợ chồng Hùng về quê, tổ chức một bữa cơm khá linh đình, hai chục mâm mời họ hàng và bạn bè. Tôi và Thao đều có mặt trong buổi trình làng này. Thấy Hoài hiền từ, đảm đang ai cũng mừng. Chúng tôi là một trong những người mừng nhất, là đồng môn, rồi đồng đội, cùng sống qua chiến tranh, và bây giờ lại về sống gần nhau. Bạn bè giúp Hùng sửa sang lại nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, mua sắm tổ chức lại bàn thờ cho thật khang trang. Tôi hỏi Hùng: - Có còn gì phải làm nữa không để tôi và Thao làm nốt. Hùng đáp: - Tất cả đều ổn định rồi. Khi nào có việc gì cần, a lô một cái là các cậu tới ngay nhé. - Nhất định rồi. Trở về quê, với đồng lương hưu của hai vợ chồng, chỉ phải nuôi một cháu học đại học, cháu đang sống trong ký túc xá nhà trường nên chi tiêu không nhiều. Mọi việc đúng là đi vào ổn định. Còn đây là việc mới đến sau hơn ba năm Hùng trở về quê. Đặng Xuân Hùng kể lại với tôi như sau: - Trong xóm tôi có em Lanh đi lái xe tải. Một hôm đã tối rồi. Lanh qua tìm tôi, gọi tôi qua nhà Lanh có câu chuyện muốn nói. Khi qua bên nhà, phòng khách chỉ có hai anh em. Lanh đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ, trên mặt giấy chỉ có mấy chữ: “Em Minh Thư. Số điện thoại: 231950”. Cầm mảnh giấy, thoáng đọc qua mấy chữ, tôi bàng hoàng. Bởi đây chính là Minh Thư của tôi. Số điện thoại chính là ngày sinh của cô ấy. “Chuyện gì thế này?” Tôi tự hỏi. Tôi quay qua hỏi Lanh: - Em thấy cô này thế nào? Lanh đáp: - Cô ấy bảo đã 46 tuổi, nhưng cô ấy trông còn nét lắm. Mắt trong veo, tóc dài dưới lưng, và giọng nói cũng trong veo. Đẹp, phải nói tuổi ấy như vậy là đẹp. Chắc thời thiếu nữ cô ấy phải là một hoa khôi chứ chẳng đùa. - Em gặp cô ấy trong hoàn cảnh nào? - Em đi xe tải. Thấy một phụ nữ đứng bên đường vẫy nón đi nhờ. Xe rộng, em bằng lòng. Ngồi trên xe chúng em chuyện trò vui vẻ. Cô ấy đẹp lại dễ bắt chuyện nên chúng em mồm miệng tía lia. Cô ấy bỗng hỏi: Quê em ở đâu? Em đáp: Tôi ở làng Thiết Nham. Chợt cô ấy nhìn em chăm chăm rồi hỏi: ở Thiết Nham anh có biết một thầy giáo trước đây dạy ở Phố Yến rồi đi bộ đội, thầy tên là Đặng Xuân Hùng không? Em đáp: Biết chớ. Anh ấy mới về hưu, hai vợ chồng về sống tại quê hương. Sao cô biết anh ấy? Cô ấy nói nhỏ nhẹ: Đặng Xuân Hùng là chủ nhiệm lớp của tôi mà. Nhoáng cái cô ấy đưa cho em mảnh giấy này nhờ em về đưa cho anh. Tôi cài lá thư nhỏ vào túi ngực trái, nghe trái tim đập rộn ràng, ở nhà Lanh về, suốt đêm ấy tôi không ngủ. Bao nhiêu kỷ niệm về Minh Thư thức dậy trong lòng. Nhắm mắt vào là Minh Thư hiện lên trước mắt, đôi mắt ấy, khuôn mặt trái xoan ấy, nụ cười ấy, giọng nói ấy, tôi nghe rất rõ tiếng khóc của Minh Thư khi nàng ôm gốc cây trong phút chia tay bên bờ sông Như. Tôi nghĩ bây giờ mình đã có gia đình. Minh Thư đã có gia đình, lấy cớ là mình mới ở trong Nam ra, tới thăm Phố Yến, ghé vào nhà thăm cô học sinh cũ và chúc cô ấy hạnh phúc thì có hề hấn gì. Cùng ngày ấy mình vào thăm trường và thăm bạn bè cũ, chắc chồng Minh Thư chẳng nghi ngờ gì được. Anh ta người Huế. Mình nói chuyện Huế cho anh ta nghe, chắc mọi sự cũng sẽ hài hòa. Xa nhau đúng ba chục năm rồi chứ có ít ỏi gì đâu. Tôi quyết định sáng hôm sau lúc Hoài ra vườn hái rau, một mình ở nhà, tôi bấm số điện thoại 231950. Chuông reo, đầu dây bên kia có người nhấc máy. Tôi mới nói hai tiếng “alô”, thì từ đầu dây bên kia là tiếng Minh Thư: “Anh Hùng à, em đây, Minh Thư của anh đây”. Không thể tưởng tượng được xa ba chục năm vậy mà tôi mới alô, Minh Thư đã nhận ra tôi liền. Điều đó đủ thấy Minh Thư không hề quên tôi mà nhớ tôi da diết. Đúng là mối tình đầu thật. Không cầm lòng được, tôi hẹn với Minh Thư: “Em sắp xếp việc nhà đi, sáng mai anh sẽ lên thăm em”. Minh Thư đáp: “Em chỉ mong có thế Xuân Hùng ơi”. Tôi nói với Hoài rằng: “Mấy chục năm xa, cái trường Phố Yến anh hay kể cho em đó, mai anh lên thăm trường, thăm bạn bè”. Hoài động viên tôi: “Cái tình thì mình phải giữ sao cho trọn vẹn anh ạ”. Sáng hôm sau tôi phóng xe đi sớm, biết là vào trường sẽ khó dứt bạn bè, nên tôi quyết định đến nhà Minh Thư trước. Xe tôi đậu xịch trước ngôi nhà Thư dặn. Xe vừa dừng, cửa xịch mở ngay, và Minh Thư hiện ra giữa khung cửa ấy. Đúng như Lanh nói, Minh Thư có vẻ đẹp rất đoan trang. Minh Thư bước ra giọng đùa đùa: - Em chào thầy chủ nhiệm. Tôi cũng đáp lại nghiêm trang: - Chào em, cô học trò cưng của tôi. Tôi trang nghiêm thế cũng có cái lý, nếu chồng Thư có nghe thấy tiếng thì cũng không sao. Song điều ngạc nhiên vô cùng là khi dắt tay tôi vào trong nhà, tôi hỏi: - Chồng con em đi đâu gọi ra cho thầy chào. Minh Thư đáp: - Em bỏ cái thằng khốn ấy từ năm 1972, kia mà. Tôi đáp thẫn thờ: - Anh hoàn toàn không biết điều đó. Tôi nói tiếp: - Khi ở trại điều dưỡng ra, gặp thầy Thao anh hỏi thì Thao nói em đã lấy một chàng bác sĩ tên Thế Tô, người Huế, em và Tô có về chào thầy Thao tại quê thầy mà. - Đúng như vậy - Minh Thư đáp - Nhưng rồi thằng ấy phản bội. Em làm sao sống được với cái thằng lá mặt lá trái, nên em đã làm đơn ra tòa cắt. Càng nghe tôi càng bàng hoàng: - Anh quan liêu quá, giá lúc ấy anh cứ chạy lên đây như hôm nay, có phải chúng ta đã trở về trong vòng tay của nhau rồi không? Minh Thư bảo: - Để em đi lấy cho anh xem cái này. Minh Thư bước đi, tôi nhìn theo. Nhưng nàng mới đi được chừng ba mét thì nàng dừng và quay người lại. Một việc đã xảy ra hoàn toàn bất ngờ, chỉ có trời sai khiến mới được như vậy, cả tôi, cả Minh Thư không ai bảo ai cùng trong một tích tắc lao rầm vào nhau, ôm siết lấy nhau và hôn lấy hôn để, như sợ thời gian tuột khỏi tay mình. Nếu người ngoài nhìn vào hai đứa chúng tôi bấy giờ giống y hai người điên. Sau cơn bàng hoàng ấy Minh Thư gục vào vai tôi nức nở: - Em không cần gì cả. Em chỉ cần mỗi anh thôi. Có theo kiểu nào cũng được. Tôi dỗ dành mãi Minh Thư mới chịu ngồi xuống ghế. Nàng nói: - Cứ tính theo thời gian, đúng lúc anh ở viện điều dưỡng về thì em đã bỏ Thế Tô được hai năm, em đang bơ vơ và nhớ anh lạ lùng. Giá lúc ấy chúng ta gặp nhau thì đã trọn vẹn tất cả mọi bề. Tôi thở dài: - Anh cũng nghĩ vậy. Hình như ông trời đã nghiệt ngã để thử thách chúng ta và cho chúng ta gặp gỡ nhau ở đoạn kết này. Minh Thư vào buồng, loáng cái đã đem ra tấm ảnh tôi tặng Minh Thư với hòn đá cuội bên sông Như thay cho lời hẹn hò và cuốn nhật ký của nàng: - Đây, anh cứ đọc đi, xem em có giây phút nào không nhớ tới anh. Tôi lật trang đầu. Ngày 17/3/1966. Em ôm mãi gốc cây bên bờ sông Như, khóc và nhìn theo bóng anh, tận đến sáng mới về, ngơ ngẩn như một kẻ đã bị lấy mất linh hồn. Mẹ hỏi “Làm sao mà mặt mày đờ đẫn thế con. Chắc mày bị cảm rồi, vào lấy thuốc mà uống đi”. Hôm ấy em nghỉ học, giả vờ ốm để nằm nhớ anh. Em muốn anh bỏ ngũ để trở về với em. Miễn là có anh rồi ra sao thì ra. Tôi lật trang gần giữa: Ngày 25/7/1972. Thế là mình đã dứt được thằng chó Tô. Trông mặt mũi hắn đẹp như một diễn viên điện ảnh vậy mà sao lòng dạ nó đểu đến thế. Con còn nằm trong bụng mình mà nó đã đi với gái rồi. Nó bỏ ba mẹ con nheo nhóc ở nhà, nói là đi công tác, mình đến cơ quan mới biết nó và con Thủy cùng xin nghỉ phép năm, rồi kéo nhau xuống hú hí ở Hải Phòng. Anh Xuân Hùng ơi, anh còn sống ở nơi nào hay đã chết nằm ở đâu? Liệu anh có thấu tình cảnh này của mẹ con em không. Đời nhục quá anh ạ. Tôi lật trang quá một đoạn: Ngày 7/7/1977. Nghe tin anh sống đã trở về, em lao ngay xuống Thiết Nham tìm anh, được biết anh đã quay lại Huế. Chắc anh đau đớn vô vọng khi nghe tin em đã có chồng và hai con. Biết nói thế nào với anh bây giờ. Và tôi giở trang cuối: Ngày 15/2/1996. Nghe tiếng anh đầu đường dây điện thoại, người em nóng bừng, mồ hôi tứa ra. Những giọt mồ hôi ấy đã tưới cho cái cây đã khô là em xanh tốt trở lại. Em mong anh tới từng phút để kể hết cho anh nghe những gì về cuộc đời em không có anh. Và em chỉ mong có được anh, có thế nào cũng được. Anh có hiểu em yêu anh thế nào không? Gấp cuốn nhật ký khá dày Minh Thư dành cho tôi tất cả. Tôi hỏi: - Ý em bây giờ thế nào? Minh Thư nhận cuốn nhật ký, giở một trang khác đưa cho tôi. Ngày 1/1/1996. Hôm nay là ngày Tết Tây. Các con về cả. Cảnh mẹ con đoàn tụ thế này không nhiều. Bên mâm cỗ Tết thằng cả nói: - Mẹ ơi, mẹ sống một mình bơ vơ quá. Chúng con rất muốn mẹ có một người đàn ông là bạn. Người đó bất cứ là ai miễn mẹ bằng lòng. Em gái nó nói: - Từ khi con lớn, con biết từ đó đến giờ không ít người đàn ông đến xun xoe mẹ, muốn tỏ tình với mẹ, nhưng mẹ đều gạt ra hết. Duy nhất chỉ có một người đàn ông đã tặng mẹ ảnh, mẹ luôn treo đầu giường, hòn đá cuội trắng mẹ để trong cốc thủy tinh rất đẹp nơi mẹ hằng ngày chải tóc. Con mong người ấy trở về với mẹ, dù người ấy cụt, què mà mẹ đồng ý thì chúng con cũng ủng hộ mẹ. Thằng anh nói: - Ôi, ước chi người ấy trở về để mẹ khỏi bơ vơ. Vâng, em cũng chỉ mong có một mình anh thôi Xuân Hùng yêu mến ạ. Đọc hết trang sách, tôi nhìn Minh Thư. Minh Thư nói: - Anh đọc rồi anh biết đấy. Các con em cũng ủng hộ em. Anh hỏi ý em bây giờ thế nào ư? Em xin trả lời anh, như anh đã nói: khi nào anh ở chiến trường ra, chúng ta sẽ cưới nhau ngay - Minh Thư đặt chiếc ảnh và hòn đá cuội trên bàn trước mặt tôi - Đây nhân chứng còn cả đây. Chúng sẽ làm chứng những lời em nói. Tôi cúi đầu, nói nhỏ nhẹ: - Anh vẫn yêu em như ngày nào. Lửa tình của mối tình đầu xưa bùng cháy trong phút hai đứa ôm nhau vừa rồi đã nhắc anh hiểu tất cả. Có em ngồi bên anh rất hạnh phúc. Có điều khó nghĩ là bây giờ anh đã có vợ. Minh Thư nói ngay: - Em có cướp anh của Hoài đâu. Nếu không chia đôi được thì em cho Hoài 70 phần trăm trái tim anh, còn em chỉ lấy 30 phần trăm hoặc ít hơn cũng được, miễn là em có anh trong đời. Tôi nói: - Như vậy chúng ta phải trốn pháp luật, sống trong vòng bí mật hoàn toàn. Minh Thư đáp: - Bí mật càng tốt. Em cũng không muốn cho chị ấy biết. Không có một người đàn bà nào không có quyền ích kỷ. Chị ấy cũng sẽ giống em khi em biết Thế Tô ngoại tình. Em đảm bảo với anh hai đứa con em cũng sẽ bằng lòng có anh dù là cách nào đó cũng được trong ngôi nhà này. Em không giàu nhưng cũng sẽ không làm hao đi một xu của Hoài, chỉ cần có một phần trái tim anh là đủ. Tôi nhấn mạnh, giọng khẳng khái: - Vậy ý em ra sao? Minh Thư không hề loanh quanh: - Chúng ta sẽ tổ chức một đám cưới đàng hoàng chỉ có anh và có em, miễn là ta có thắp hương thông báo cho cha mẹ em biết việc này. Tôi nói: - Hoài là một người vợ tốt. Anh đồng ý với em, tức là anh đã có một chút phụ lòng Hoài. Không lo, anh sẽ sống hết sức tốt với Hoài để bù lại điều Hoài đã mất. Cả hai chúng mình đều có lỗi với Hoài phải không em? Tâm trạng anh lúc này là không thể mất Hoài và cũng không thể không có em. Quả thật để mất em lúc này anh không đáng mặt làm người, anh phải giữ để nếu có lộ, mọi người có thể mắng anh, nhưng lại thương anh. Tôi đã ở với Minh Thư trong ngôi nhà này ba ngày, có thể nói đó là ba ngày tuần trăng mật của chúng tôi. Chợt nghĩ đến Nguyễn Tá Thành - người hiểu mối tình đầu của chúng tôi từ đầu, nên đã lệnh cho anh tới dự đám cưới lạ lùng này. Một đám cưới chỉ có duy nhất một người dự để làm nhân chứng. Anh Ma Văn Kháng ơi, giá đặt tôi ở vị trí của Hùng, chắc tôi cũng không thể từ chối tiếng gọi chính đáng ấy của con tim mình. Tôi nói với Hùng và Thư: - Tôi ủng hộ mối tình đầu của các bạn, đồng ý phương thức “canh tác bí mật” các bạn vừa bàn. Song phải hết sức tỉnh táo. Không được làm tan vỡ cái tình trong Hoài. Cả Hùng và Thư giơ tay bắt tay tôi: - Rất cám ơn nhân chứng.
Cảm xúc về mối tình ấy, tôi đã làm một bài thơ tặng họ anh Kháng ạ. Tôi chép cho anh đọc mấy câu đây: Chợt như ngọn lửa cháy bừng ào ôm nhau chặt tưởng chừng đứt hơi
Xa nhau ba chục năm trời Như đêm đen bỗng sáng ngời trăng xưa Lạnh đời, lạnh nắng, lạnh mưa ấm lên từ ngọn gió lùa heo may
“Em ơi từ buổi hôm nay Em là mãi mãi của ngày hôm qua!” “Mối tình đầu của hai ta Đến đây thì mới thật là của nhau”
Tận khi mái tóc đổi màu Bỗng đâu đầu sát bên đầu như mơ Chưa yêu như thế bao giờ “Giờ em là bến là bờ của anh”
Cám ơn cha mẹ sinh thành Còn riêng số phận trời giành se tơ. Anh Ma Văn Kháng ơi, tôi chẳng hiểu ý với tứ, bố với cục là gì. Chỉ là chắp mấy vần kể lại mối tình của Hùng và Thư tặng họ làm kỷ niệm. Tôi xin nói thêm với anh về hai cháu của Minh Thư, cả hai đứa đã có vợ có chồng. Vợ chồng cháu trai làm bên du lịch. Vợ chồng cháu gái làm kế toán ở sở nông nghiệp tỉnh. Vậy là Minh Thư đã hoàn thành trách nhiệm với con cái. Còn việc của Hùng và Thư đang có mấy điều nên nghĩ cho chín. Một là họ lấy nhau phải đăng ký kết hôn mới là đúng pháp luật. Hai là dẫu sao hiện tại Xuân Hùng cũng đang có vợ. Luật pháp của ta không cho lấy hai vợ. Ba là, Hùng vốn dĩ đi dạy học, vào quân đội đều đã một thời là người của Nhà nước nên phải xét xem vị trí xã hội của mình? Đằng này họ lại tổ chức đám cưới lạ nhất trần gian. Tôi là người dự duy nhất. Nhưng phải nói đây là một mối tình thật đẹp, không thể để tan vỡ anh ạ. Sau đám cưới này tôi có kể lại cho một số bạn thân nghe, không ai phản đối, ai cũng ủng hộ và cho là như thế mới là con người. Anh là một nhà văn có tiếng tăm, phân tích tâm lý con người rất giỏi. Tôi còn biết bên ngành Công an mời anh đi chấm thi “Vì an ninh Tổ quốc, vì an ninh cuộc sống”, vậy chắc anh am tường về luật pháp. Anh là người tôi rất tin cậy nên tôi muốn tham khảo ý kiến của anh. Anh Kháng ơi, nếu anh bác bỏ Hùng và Thư, tôi vẫn sẽ đứng về phía bạn tôi, vẫn ủng hộ họ như các bạn đã đồng tình. Liệu có cách nào bảo vệ tình yêu của họ được không anh? Liệu pháp luật có quấy rối họ không anh? Tôi muốn họ được sống yên anh ạ. Xin anh cứ nói thật lòng. Rất hy vọng ý kiến chính đáng của anh sẽ là cái phao cho bạn tôi như đang trên biển cả đấy anh Kháng ạ. Còn điều này nữa, tôi là người trong cuộc, tôi đã kể hết sự thật câu chuyện cho anh nghe, anh có tài văn học, biết đâu anh nung nấu, hư cấu thêm một chút vào, sẽ có một tác phẩm để lại cho đời. Nếu được vậy, chúng mình đã làm được một việc có ích, phải không anh? Rất mong được thư trả lời của anh. Kính anh Nguyễn Tá Thành
Viết tại trại sáng tác Đồ Sơn,tháng 9 năm 2007 N.Q.H (242/04-09)
|