PHẠM XUÂN DŨNG
(Nhân đọc cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai - Tập tùy bút và phóng sự về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa của Minh Tự, Nxb. Trẻ, TP HCM 2016)
Thật lòng mà nói cũng có phần tò mò và chờ đợi khi nghe nhà báo Minh Tự ra tập sách về Huế. Bởi Cố đô đã quá nổi tiếng với vô vàn bài viết của nhiều người thành danh trong giới văn bút. Khai thác một đề tài tưởng như vô tận nhưng đã có vô số những lập ngôn ấn tượng là một trở ngại không dễ vượt qua.
Năm bài đầu tiên của cuốn sách toàn nói chuyện ăn xứ Huế. Bài mở màn “Ăn theo “lối Huế” coi như “dẫn luận” chung trước khi đi vào những “món” cụ thể. Tác giả đã điểm lại chuyện triết lý ẩm thực của chốn kinh kỳ, thống kê số lượng món ăn Huế đóng góp cho cả nước, cho thấy vai trò của nó không chỉ về “chất” mà còn cả “lượng” cũng như sự dung hòa của món ăn giữa quý tộc với bình dân, sự giao thoa của các nền văn hóa của các dân tộc trong ăn uống và cả sự đóng góp của tôn giáo vào lĩnh vực này. Huế, về mặt ẩm thực có thể coi là một Việt Nam thu nhỏ. Tác giả lý giải khá thuyết phục: “Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu công bố, kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1700 món thì Huế chiếm đến 1300 món, hiện còn lưu truyền trong dân gian 700 món, chia làm ba hệ chính ẩm thực: ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay. Theo cố giáo sư dân tộc học Từ Chi, món ăn Huế là sự kết hợp hài hòa giữa món ăn người Chăm với món ăn của người Việt cổ và người Mường cổ. Qua năm tháng, dân gian xứ Thuận Hóa tiếp tục tạo thêm nhiều món ăn mới. Đến khi Huế trở thành Kinh đô, món ngon của cả nước lại đưa về dâng tiến vua. Huế còn là kinh đô Phật giáo với một hệ ẩm thực chay rất độc đáo. Tất cả đã tạo cho Huế một thực đơn vô cùng phong phú, có đủ Bắc-Trung-Nam, núi rừng, đồng bằng, sông suối, đầm phá, biển cả… Vì thế nếu có thể chọn một vùng ẩm thực đại diện cho Việt Nam thì Huế là một nơi thỏa mãn nhiều tiêu chí” (tr 8 và 9, sđd). Cũng khá bất ngờ khi người viết dẫn chứng sau đoạn này bằng một món ăn dân dã không ngờ, đó là cơm Hến khi dán thương hiệu “nấu theo lối Huế” là cung đình thì cầu kỳ mà dân gian thì kiểu cách. Bởi vì ngay với món ăn này, “ngon hay dở còn tùy vào khẩu vị mỗi người, nhưng cách chế biến với gần chục thứ rau, mười mấy thứ gia vị, xanh đỏ vàng tím, công phu kỹ lưỡng, chỉ nhìn thôi là đã thấy mê.” (tr 9, sđd).
Cũng theo Minh Tự triết lý này không chỉ cầu no, mà còn phải đẹp mắt, đẹp tâm hồn, nghĩa là phải hội đủ khẩu thực, nhãn thực và tâm thực luôn hiển hiện trong các món ăn Huế như chè Huế, mắm Huế, muối Huế và bánh Huế.
Khi dẫn dắt du khách la cà “phố ẩm phương thực” đất thần kinh, tác giả đã hào hứng giới thiệu về bánh canh đường Hàn Thuyên (Thành nội Huế) hấp dẫn, nghe nói đã thèm: “Ở đó có đủ loại bánh canh bột gạo, bột lọc, bột mì, nấu đặc với tôm, cua hoặc nấu lỏng với cá tràu. Những đêm rằm, mồng một còn có cả bánh canh chay nấu với nấm rơm, khuôn đậu…Trời nóng bức nhưng tô bánh canh nhất thiết phải hôi hổi bốc khói và hành và rau răm và ớt cay xè. Húp xong một tô là kể như mọi lỗ chân lông đều mở toang, mệt mỏi theo đó mà biến mất.” (tr 13, Sđd).
Đi “ăn hàng” ở Huế, thực khách sẽ còn biết thêm “phố hến” đường Trương Định, phố bánh ướt thịt nướng Kim Long, “phố bèo-nậm-lọc…” gần Cung An Định hay đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần Gia Hội. Sự ăn Huế thật không hề đơn giản: “Thật khó mà diễn tả hết cái ngon từng loại bánh. Các cô gái thì thích bánh bèo vì cái vẻ cầu kỳ của nó. Ăn bánh bèo như thể ăn nghêu, cả một mâm đầy những chiếc chén nhỏ, trong đó có tráng một lớp bánh trắng nhân tôm chấy mỡ. Ngồi tỉ mẫn dùng cái xăm bằng tre để khều từng cái bánh ra khỏi chén, công phu và thú vị thiệt. Bọn trẻ con thì thích bánh nậm, bột gạo nhân tôm tráng mỏng một lớp lá dong hấp chín. Chỉ nghe cái mùi lá dong thoa mỡ bốc khói thôi là đã tiết hết dịch vị. Thực khách đàn ông thì thích bánh bột lọc hơn, bởi cái vị dẻo thơm của phiến bột trong veo nhìn rõ cả con tôm chấy ôm lấy miếng thịt heo, chấm với nước mắm ớt xanh tinh khiết. Còn tôi thật tình vẫn thích cái cảm giác ngồi trong phố Bèo-Nậm-Lọc-Ướt-Ít-Ram mà vừa ăn vừa đọc các tấm bảng hiệu đầy chất thơ ấy.” (tr 15, sđd).
Sự ăn của Huế cầu kỳ, tinh tế bậc nhất thì sự chơi của Huế cũng vi diệu, uyên nguyên ít nơi bì kịp. Loạt ba bài viết về hoa mai: “Trước nhà phải có cây hoàng mai”, “Đi tìm lão mai”, “Cái chết của một lão mai” cho thấy một sự thâm nhập khá sâu của cây bút Minh Tự vào thú chơi cây cảnh đặc biệt này, vượt qua giới hạn của những bài báo thông thường. Dân Cố đô đối với loại cây này gần như một tín ngưỡng: “…để bạn thấy người Huế quý cây mai đến dường nào. Quý đến mức tôn thờ như một linh vật. Có thể nói với người Huế, hoàng mai là linh hoa. Nhà cào cũng có cây mai vàng trước sân. Cung điện của vua trước sân trồng mai vàng. Nhà dân bần hàn cũng mai vàng trước ngõ. Từ đường của dòng họ thì chắc chắn không thể thiếu cây hoàng mai. Vườn chùa Huế mà thiếu mai vàng thì khác gì chùa vắng bóng Phật” (trang 55, 56 sđd).
Nhưng chủ nhân của những sự ăn, sự chơi, sự sống là những người Huế - linh hồn của Huế mới là điều đáng nói nhất. Đó có thể là ông Nguyễn Hữu Vấn, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Huế và ông Vĩnh Ký, thợ kim hoàn yêu mai gần như máu thịt của mình. Người đọc cứ nhớ câu nói của ông Vĩnh Ký khi khước từ một số tiền quá lớn của một đại gia ở Vũng Tàu muốn mua “lão mai” gần trăm tuổi: “Chừng nớ năm đã qua ba đời người, trong khi cây vẫn còn sống, vẫn trổ hoa, quý hiếm như rứa thì biết định giá răng đây?” (trang 65, sđd). Hay ông Nguyễn Hữu Tùng mấy lần “đấu xảo” cây cảnh toàn quốc đem huy chương vàng về cho Huế, luôn tâm đắc với một câu nói của nhà văn Nguyễn Tuân: nghệ thuật là vô giá; hoặc như bác sĩ Đoàn Chí Thiện, người cất công mang cây xương rồng bị thương bởi chiến tranh ra tặng cho Bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Có thể đó là thầy giáo, võ sư Nguyễn Văn Dũng với những cuộc chơi kỳ thú lên rừng xuống biển. Chính ông đã khởi xướng với bạn bè gặp nhau đêm cuối năm. “Võ sư Dũng nói hóa ra cái chuyện gặp nhau uống vài ly vào giờ cuối năm lại không đơn giản chút nào. Để đến với cuộc gặp vào thời khắc cuối năm, người ta phải vượt qua mọi sự ràng buộc của đời thường, với người Huế thì cả một mớ bòng bong ràng buộc quanh mình. Đó là một sự thử thách cũng là một sự giải thoát để trở về với chính mình. Vào thời khắc đó, đứng ở góc chân cầu Trường Tiền, mà ngắm Huế mới thấy lạ làm sao. Nhìn lên cầu thì thấy dòng đời đang trôi vội vã, không kịp để nhìn rõ một khuôn mặt nào cả. Nhìn xuống sông Hương lại thấy dòng nước trôi thảnh thơi như kẻ đạt đạo. Tự nhiên thấy cái vòng tròn bè bạn này là gần gũi và thật nhất. Võ sư Dũng nói nhớ nhất là cái năm có người đẹp Kiều Ly, một Việt kiều ở Canada về chơi, tình cờ ghé đến cái chiếu rượu dưới chân cầu Trường Tiền. Người đẹp mặc một chiếc váy màu trắng nhẹ như tiên và cất tiếng hát “nhà tôi bên chiếc cầu soi bóng”, rồi cất bước cũng nghẹ như tiên, khiến cả hội ngẩn ngơ…” (tr122, sđd).
Người Huế có thể là hai bậc trí giả, “Hai thầy Phan nghiên cứu Huế” một lòng, một đời gắn bó với Cố đô. Đó là thầy Nguyễn Hữu Châu Phan và thầy Hồ Tấn Phan. “Thầy Châu Phan - nô bộc của sách” có cống hiến nhiều cho thư viện một trường THPT như Trường Hai Bà Trưng vào thời điểm khó khăn nhất sau năm 1975 từ lèo tèo mấy cuốn lên đến hai vạn cuốn sách; ông cũng đã người “tiền khai khẩn” Nhà in Hai Bà Trưng, sau này thành một doanh nghiệp hẳn hoi; và cũng chính ông đã tạo dựng tạp chí “Nghiên cứu Huế” uy tín trong cả nước. “Thầy Tấn Phan - người chịu khó nói điều khó chịu”. “Nhưng, điều mà người ta nhớ lâu về ông giáo già này không chỉ là những cuốn sách. Trong giới nghiên cứu Huế, ông Phan là một gương mặt rất lạ, một giọng điệu không giống ai. Đó là một người hay phát hiện những cái sai trong các sách vở, trong công trình nghiên cứu của người khác, hay đề xuất những ý tưởng hóc búa. Nhiều người không vui, có khi bực bội, thậm chí tức tối, nhưng không thể trách được, vì ông Phan nói không sai và nói bất vụ lợi.” (tr 166, sđd).
Còn nhiều bài viết nặng lòng với Huế trong cuốn sách này. Có thể là thu hút ngay từ nhan đề như: “Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế”, “Người Huế thì phải ăn mè xửng”, “Bán cả máu mà mua đồ cổ”, “Vẽ bằng mũi kim”, “Huế không mưa thì còn chi Huế”, “Vẻ đẹp giết chết thi sĩ”, “Sách không người đọc là sách chết”; hay bâng khuâng nhớ tiếc như “Dấu xưa Gia Hội”, “ Phiên chợ khuya”, “Những đêm Huế xôn xao”, “Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu”…
Bài “Chỉ một hướng xuất hành” khi bàn chuyện chọn hướng đi ngày tết ngay từ khi sách còn thơm mùi mực đã được nhiều người xúc động và chia sẻ. Đó là tình cảm, đạo nghĩa của Huế, của Việt Nam qua gan ruột của một người viết báo. “Bây giờ mạ tôi đã về yên nghỉ bên cha tôi và ông bà tổ tiên trên ngọn đồi sim. Tết này và mãi mãi những tết sau, tôi chỉ có một hướng xuất hành duy nhất: hướng cha mẹ tôi nằm. Không còn hướng nào tốt, hướng nào xấu nữa cả. Chỉ một hướng đi, hướng đã sinh ra tôi, nuôi tôi khôn lớn, thành con chim “đủ lông đủ cánh” bay khắp mọi miền. Hướng mà tôi có thể nhắm mắt đi mà không bao giờ lạc. Chỉ cần nghĩ về nơi ấy là tôi lấy lại sự thăng bằng giữa cuộc đời sóng gió. Hướng mà mỗi lần tôi mang ba lô trở về là cảm thấy nghèn nghẹn khi ngửi mùi khói bếp chiều cuối năm. Đó là hướng mãi mãi bình an vô sự cho chúng tôi, những đứa con dù đã bạc đầu vẫn bé bỏng đối với mạ!” (tr 202,203, sđd).
Văn của tác giả là văn của một nhà báo, chưa phải là “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” nhưng vẫn đủ sức rủ rê người đọc theo mình đến Huế, vẫn mang lại nhiều điều thú vị và đáng tin cậy, vẽ nên một Huế quá quen mà vẫn lạ. Một giọng văn điềm đạm, ngay cả khi say sưa vẫn chừng mực, nhẹ nhàng. Ngần ấy cũng đáng để cho mọi người dành thời gian đọc sách.
P.X.D
(SHSDB21/06-2016)