Tác giả-tác phẩm
Dòng đời dữ dội và cốt cách nhà văn Nguyễn Khắc Phê
15:28 | 25/04/2017

NGUYỄN THẾ QUANG

Nói đến nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì không gì bằng đọc cuốn tự tuyện của anh. Số phận không định trước(*) đưa ta đi suốt cuộc hành trình sáng tạo nghệ thuật bền bỉ quyết liệt suốt năm chục năm qua của anh.

Dòng đời dữ dội và cốt cách nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Tự truyện nhưng không phải truyện của một vài người mà của cả một gia đình. Gia đình đó thật đặc biệt như cả một xã hội thu nhỏ: có cả một ông bố đệ nhất khoa bảng làm quan lớn cho Nam triều rồi vui vẻ làm cán bộ kháng chiến cùng một người mẹ nghiêm từ, cần mẫn, tảo tần; có một đàn con đông đúc - người thì đi tìm chữ nghĩa ở phương Tây, người đắm mình trong Nho giáo phương Đông, người thì hăm hở trên con đường của chủ nghĩa Mác, người thì lặng lẽ bước theo ánh sáng của Chúa Giê su theo cách của mình… Từ trong những đêm trường mất nước tủi nhục đến cơn gió mạnh của cách mạng tháng 8/1945 rồi kháng chiến trường kỳ, chịu bão tố của những cải cách, bị vùi dập trong đạn bom hủy diệt… họ bị đánh tung ra nhiều nơi, làm đủ mọi nghề, mỗi người mỗi vẻ nhưng dù hoàn cảnh nào cũng đứng vững, giữ được đạo nghĩa của người dân Việt, cũng vẫn tương thân tương kính với nhau. Đó là nét đẹp trọn vẹn hiếm thấy. Đó cũng là nét độc đáo nổi bật của cuốn tự truyện này.

Phần chủ yếu của cuốn sách tập trung nói về mình và hành trình cuộc đời tác giả. Số anh chẳng được thuận cảnh: đang tuổi thiếu niên đã chịu mang thân phận con địa chủ quan lại. Như một hạt cát bé nhỏ trong cơn lốc cải cách ruộng đất - năm 1954, mười lăm tuổi đầu, phải dắt người em gái mới mười tuổi ốm nhách, chạy trốn khỏi xứ Hương Sơn lọt vào đất Hà thành. Túi sách, báo nặng trĩu vai gầy, chạy khắp bến xe, phố chợ rao bán, kiếm đôi đồng xu nhỏ nhoi mà sống. Rồi đi làm “prê-xép-tơ” dạy chữ cho con nhà người, phải làm đủ mọi việc, ngồi bưng bát cơm rau phải nén nước mắt, nuốt cả tủi nhục vào lòng. Cố học xong trường Cao đẳng Giao thông, mang lý lịch con địa chủ, anh lặng lẽ chấp hành mọi sự sắp đặt của tổ chức, hết lên cực Bắc, về đồng bằng, rồi vào tuyến lửa khu IV. Đúng là Số phận không định trước, anh bị cuốn theo giòng chảy cuộc đời!

Không chịu làm một “cọng rêu dưới đáy ao” (hình ảnh cũng là tên một cuốn sách về thân phận con địa chủ của nhà văn Võ Văn Trực), Nguyễn Khắc Phê từng bước, từng bước lặng lẽ vượt lên cảnh ngộ bất hạnh của mình. Làm việc hết mình cùng bao đồng đội trên những cung đường đạn bom ác liệt, giữa những phút yên tĩnh hiếm hoi anh cặm cụi viết. Những bài báo, những bút ký đầu tiên ra đời. Tập ký sự Vì sự sống con đường xuất bản năm 1968 là thành quả đầu tay. Bao lần may mắn vượt qua cái chết, anh chỉ biết làm việc và say viết: viết báo, viết bút ký, truyện ngắn và quyết viết cả tiểu thuyết. Rồi tình yêu giản dị mà dũng cảm của cô giáo Quảng Bình chắp thêm sức mạnh cho anh. Những trang tiểu thuyết đầu tiên được hình thành. Trong năm 1976 anh cho ra mắt Đường qua làng Hạ Đường giáp mặt trận. Dòng đời trôi chảy “thuyền xô sóng dậy/ sóng đẩy thuyền lên,” anh được điều về Hội Văn nghệ Quảng Bình, làm công tác biên tập tạp chí Văn nghệ của tỉnh. Cuối năm 1976 cơn gió nhập tỉnh đưa anh về Huế, làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Sống giữa bao bậc đàn anh, đàn chị trên văn đàn khi tiếng súng đã ngừng nhưng anh hiểu cuộc chiến trên mặt trận văn chương không dễ dàng chút nào. Lặng lẽ khiêm nhường, đem hết sức mình trong công tác biên tập báo chí vừa dồn sức cho sáng tạo văn chương, anh vừa chấp nhận đi theo cái chung, vừa quyết tạo những bước đi riêng vững chắc cho riêng mình. Vẫn gắn với những đồng đội công nhân anh hùng, khẳng định vẻ đẹp của họ, anh bắt tay tái tạo, xây dựng hình ảnh lớp thanh niên trí thức trong cuộc chiến của dân tộc. Trong khi nhiều nhà văn đi theo lời chỉ dẫn: miêu tả cho hay, cho hùng hồn vẻ đẹp của Công Nông Binh thì sự lựa chọn ấy của anh là một sự mới mẻ, táo bạo. Chỗ đứng của người kỹ sư ra đời năm 1980, được tặng giải thưởng văn học đề tài công nhân, anh càng cố dồn sức sáng tạo lên trang viết. Vừa đi dọc hành lang có sẵn, anh vừa có những bước đi riêng của mình. Năm 1986 với Những cánh cửa đã mở; năm 1989 với Nếu được chết thay em thì đồng nghiệp và bạn đọc đã nhận ra một Nguyễn Khắc Phê sung sức, xông xáo và mới mẻ.

Anh không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà báo, một nhà quản lý có bản lĩnh. Làm biên tập viên rồi Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, anh mạnh dạn hơn trong việc đổi mới văn học nghệ thuật. Tháng 7/1988 trên Tạp chí Sông Hương số 32, anh cho in bài Người đàn ông 43 tuổi nói về mình (từ 1945 đến 1988 là 43 năm) của Trần Vàng Sao. Bài này bị chụp là “sặc mùi nói xấu chế độ.” Ban biên tập bị kiểm điểm lên, kiểm điểm xuống và Tạp chí bị đình bản 6 tháng. Trở lại làm Tổng Biên tập, anh vẫn tiếp tục đi theo tinh thần đổi mới. Được mấy số, được bạn đọc đón nhận nhưng khi cho in những bức họa đặc sắc của họa sĩ Bửu Chỉ và một số bài khác, tạp chí lại bị đình chỉ nửa năm nữa! Nguyễn Khắc Phê chuyển sang công tác Hội Văn nghệ.

Tin ở mình, tin ở chân lý nghệ thuật, thiết tha vì sự phát triển văn học, nhà văn Nguyễn Khắc Phê lặng lẽ mà sôi sục dồn nghĩ suy của mình vào tiểu thuyết. Tiếp tục đề tài mình tâm đắc nhất, anh quyết viết về những điều chưa phải trong sự đối xử với trí thức. Năm 1997 cuốn tiểu thuyết Mười ngày và cả mười năm ra đời. Nhân vật chính là một giáo sư tài năng và yêu nước, hết lòng đi theo cách mạng nhưng bị nghi ngờ, bị theo dõi, bị coi là phản động, bị cầm tù, sống mòn mỏi nơm nớp trong sợ hãi. Tài năng và lòng yêu nước bị triệt tiêu. Người chỉ đạo gây nên chuyện này chính là giám đốc công an của tỉnh nọ. Cuốn sách vừa ra đời, một số vị trong ngành an ninh phản ứng gay gắt. Cuốn sách bị cấm phát hành! Trong chương 15 anh đã đưa nhiều thông tin quanh sự cố này, mang đến cho bạn đọc nhiều hiểu biết thú vị. (Năm 2008 cuốn sách được tái xuất với tên Những ngọn lửa xanh, được nhận Giải thưởng Cố đô lần thứ V (2003 - 2008) của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyễn Khắc Phê mừng: anh đã đúng). Không nản, anh mở rộng đề tài. Năm 2003 cuốn Thập giá giữa rừng sâu ra đời, vạch trần những tội ác hủy hoại môi trường sự sống, hủy hoại cả đạo lý. Nếu có cái gọi là dòng “văn học sinh thái” như một số nhà nghiên cứu nêu ra gần đây, thì Thập giá giữa rừng sâu là một tác phẩm xuất sắc thuộc lĩnh vực này. Đó là một lời nói tối hậu khẩn thiết cứu lấy con người và cả hành tinh xanh đang bị xâm phạm thô bạo.

Bao trùm các tác phẩm của Nguyễn Khắc Phê vẫn là đề tài về những người trí thức. Phần còn lại của cuốn tự truyện, anh dành hẳn một chương để nói về một cuốn sách lớn của đời anh: cuốn tiểu thuyết Biết đâu Địa ngục Thiên đường (Nxb. Hội Nhà văn, 2010, tái bản 2011). Từ khi cầm bút, anh đã có ý tưởng viết một cuốn sách về gia đình mình. Nhiều suy tư đắn đo, phải nhiều năm sau mới bắt đầu. Tính từ lúc khởi thảo đến khi hoàn thành phải ngót nghét hai mươi năm 1987 - 2007. Dù đã cắt bỏ nhiều nhưng sách vẫn dày trên 600 trang. Đây là một thực thể nghệ thuật hấp dẫn có những yếu tố tự truyện nhưng vẫn là tiểu thuyết. Với 12 trang trong cuốn Tự truyện này, Nguyễn Khắc Phê đã cho biết những trang nhật ký mang ý tưởng ban đầu, bao công việc bếp núc, bao sự giúp đỡ của người thân, của Hội Nhà văn. Cuốn sách nói về một gia đình trong một giai đoạn lịch sử với những vấn đề nhạy cảm như Cải cách ruộng đất và những vấn đề khác được bạn đọc nhiệt tình đón nhận, và được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng tiểu thuyết 2006 - 2010. Rất biết mình, biết người, trong chương này anh viết: “Chính là nguồn cảm hứng từ công cuộc Đổi mới với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng quyền sáng tạo, được nói rõ sự thật của người cầm bút với trách nhiệm một công dân, một nhà văn đã là động lực thôi thúc tôi viết nên Biết đâu Địa ngục Thiên đường”.

Trên đây chỉ là một số nét chính của cuốn Tự truyện này. Năm mươi năm cầm bút: 9 tiểu thuyết, 7 cuốn tản văn, bút ký, 6 cuốn nghiên cứu, phê bình, đoạt 14 giải thưởng trung ương và địa phương - một thành quả đáng nể. Bao chuyện văn, chuyện đời, có cả những mối tình thoảng qua, sự gặp gỡ hạnh phúc chấm dứt thời kỳ độc thân, chuyện vượt đạn bom đi học ở Trường viết văn trẻ, những trang viết nóng hổi sự sống, đặt ra những vấn đề gay cấn khác được đề cập đến trong cuốn sách này. Là lời tự kể của chính tác giả, có thêm nhiều, rất nhiều tư liệu từ những trang nhật ký, những bức thư, những bài báo, những văn bản hành chính, những kiến nghị, những ý kiến của bao đồng nghiệp và những bức ảnh minh họa đã làm cho tác phẩm rất chân thực và sinh động. Mỗi cuốn sách được nói tới, mỗi vấn đề được nêu ra, tác giả soi chiếu dưới nhiều cái nhìn khác nhau, được thuật lại bằng một giọng văn điềm tĩnh, dung dị và dí dỏm… Đó chính là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của tác phẩm. Số phận không định trước, không phải là sách lịch sử mà nhiều sự kiện chân thật giàu chất lịch sử; không phải nghiên cứu lý luận mà đặt ra nhiều vấn đề đậm chất đối thoại có tính phản biện sâu sắc; không phải là một sáng tạo nghệ thuật văn chương nhưng có nhiều chi tiết chọn lọc, nhiều đoạn văn chứa đựng những suy nghĩ sâu sắc, giàu giá trị biểu cảm cuốn hút lòng người. Đằng sau những trang sách này, ta thấy rõ hơn cốt cách Nguyễn Khắc Phê - một công dân gương mẫu, một nhà văn dù không định trước được số phận của mình, nhưng biết vượt lên mọi cảnh ngộ, đứng thẳng làm người, đã sống và viết như một người chiến sĩ dũng cảm biết đặt Tổ quốc lên trên hết, luôn bảo vệ và đấu tranh cho lẽ phải, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sinh động giàu chất nhân văn. Dòng đời dữ dội vẫn chảy, nhà văn vẫn luôn vượt lên tình thế, luôn vượt lên chính mình để khẳng định cốt cách, phẩm giá và vai trò của người nghệ sĩ. Đó chính là cốt cách của những nhà văn đích thực.

Tác phẩm Số phận không định trước thêm một thành công mới của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, một đóng góp đáng kể cho văn học nước nhà - nhất là trong loại sách tự truyện còn ít ỏi hiện nay.

N.T.Q
(TCSH338/04-2017)

.......................................................
(*) Số phận không định trước, Nguyễn Khắc Phê, Nxb. Hội Nhà văn, 2016.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng