TRẦN HOÀI ANH
Có thể nói, nhìn vào đời sống văn học ở miền Nam trước 1975, trong tâm thức của người đọc cũng như giới nghiên cứu văn học, bên cạnh các nhà thơ tiền chiến như: Chế Lan Viên, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Xuân Diệu… thì các nhà thơ kháng chiến như Quang Dũng, Hữu Loan, Yên Thao… cũng là những nhà thơ được chú ý tìm hiểu, tiếp nhận với tất cả niềm ưu ái và đam mê, dù họ là những nhà thơ đang sống ở phía “bên kia giới tuyến” nhưng không vì thế, mà có sự phân biệt đối xử hay cấm đoán trong tiếp nhận. Không những thế, thơ của họ không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu để công bố trên các tạp chí, các công trình khảo cứu, lý luận phê bình… mà còn được đưa vào giảng dạy, tôn vinh trong các nhà trường từ phổ thông đến đại học như một hệ giá trị, một di sản văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát triển. Chính vì vậy, những bài thơ của Quang Dũng như: Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi Bờ, hay Màu tím Hoa sim của Hữu Loan, Nhà tôi của Yên Thao, Đồng chí của Chính Hữu…, đã được phổ nhạc, được đọc, ngâm, hát trên sóng của đài phát thanh, truyền hình, trong các cuộc sinh hoạt văn nghệ mà cho đến bây giờ chắc chắn vẫn còn hiện hữu trong tâm thức và hoài niệm của biết bao người đã sống trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, tạp chí Văn học, một tạp chí chuyên nghiên cứu, phê bình, sáng tác khá uy tín trong văn học ở miền Nam trước 1975 đã dành hai số 125/1971 và 145/1971 để nghiên cứu về Quang Dũng, một trong những hiện tượng văn học rất được quan tâm tiếp nhận ở miền Nam trước 1975.
1. Từ một nghi án về thân thế nhà thơ Quang Dũng
Hình như đã trở thành qui luật của cuộc sống trên cõi nhân gian này, những người nổi tiếng, tài năng, xung quanh họ luôn được thêu dệt những giai thoại, thậm chí những huyền thoại, mà Quang Dũng không phải là ngoại lệ. Thế nên, trong tạp chí văn học số 125 ra ngày 11/4/1971 đã đưa ra một nghi án với những bí mật về thân thế thi sĩ Quang Dũng”. Bởi, theo những người làm tạp chí “Từ trước đến nay trong thi đàn Việt Nam, mỗi khi nhắc đến những bài thơ kháng chiến cách mạng, người ta chỉ biết Trần Quang Dũng là một trong những nhà thơ kháng chiến được giới trẻ say mê, nhưng nếu tìm hiểu thực con người Trần Quang Dũng thì ít ai biết rõ Trần Quang Dũng từ nhỏ ra sao? Và nguyên bản những bài thơ của Quang Dũng sáng tác thế nào?”(1) Hoặc có nghi vấn cho rằng Quang Dũng là con trai của thi sĩ Tản Đà và số chủ đề này nhằm lý giải những bí mật đó về Quang Dũng. Đây cũng là những vấn đề được nhà văn Vũ Bằng nói đến trong bài viết: “Trần Quang Dũng: Con trai của Tản Đà?” với lời dẫn như một câu hỏi: “Chắc chắn có nhiều bạn yêu thơ Trần Quang Dũng thuộc thơ Trần Quang Dũng hay quen biết Trần Quang Dũng trong thời kháng chiến hay khi Quang Dũng đã về Hà Nội, thấy cái đề trên đây đều ngạc nhiên và tự nhủ: “Vô lý đến thế là cùng. Đây là lần đầu tiên tôi nghe một chuyện trái tai đến thế.”(2)
Vâng! Thật là một chuyện trái tai nhưng tại sao Vũ Bằng lại đưa ra một nghi án như thế? Phải chăng, ông muốn thu hút sự chú ý của người đọc về một nhà thơ mà họ yêu quí và khát khao tìm hiểu? Bài viết của Vũ Bằng đặt ra một số vấn đề về thân thế của nhà thơ Quang Dũng như: Họ Trần, họ Bùi hay là họ Nguyễn. Khi đặt vấn đề về tên họ của Quang Dũng, có một chi tiết khá thú vị mà Vũ Bằng nói đến đó là: “Theo lời các bạn đã hoạt động với Trần Quang Dũng và mấy tờ báo nói về Trần Quang Dũng thì tên thật anh là Bùi Đình Diệm (nhưng vì các báo hồi ấy sợ ông Ngô Đình Diệm không bằng lòng nên đã viết Trần Quang Dũng tên là Diệm, họ Bùi, Chữ đệm ở giữa là Đình) sinh năm 1921 tại Sơn Tây (Bắc Việt) trong một gia đình nho giáo.”(3) Còn khi trình bày về chuyện tại sao Nguyễn Tố lại khẳng định với Vũ Bằng, Trần Quang Dũng là con trai của Tản Đà và tên là Nguyễn Khắc Phục, thì Vũ Bằng đã dẫn lời Nguyễn Văn Tố: “Cái gì tôi không dám nói, chớ đời bà Tản Đà và con cái ông Tản Đà, tôi phải biết hơn người ngoài. Trần Quang Dũng nó là con trai ông Tản Đà đấy. Cho đến nay nhiều người không biết vì cứ tưởng anh ấy họ Bùi hay họ Trần. Tên thật của Trần Quang Dũng là Nguyễn Khắc Phục. Anh ta đổi tên đi lúc mười tám tuổi, trốn nhà sang bên Tàu.”(4) Chính sự xác tín từ ý kiến của thi sĩ Nguyễn Tố và sự suy nghĩ về các địa danh Bất Bạt, Ba Vì, Sơn Tây trong thơ Quang Dũng lại phù hợp với quê hương của Tản Đà càng làm cho Vũ Bằng thêm những nghi vấn và phải tìm cho ra sự thật về thân thế của thi sĩ Quang Dũng với tâm nguyện hướng đến một sự tiếp nhận đúng đắn xác thực về thân thế và thơ Quang Dũng. Vì trong quan niệm của Vũ Bằng: “Dù là con trai của Tản Đà hay không phải là con trai của Tản Đà, Trần Quang Dũng cũng là một thi tài, không cần ai quảng bá mà cũng được người yêu thơ thích thú. Trần Quang Dũng không cần ai quảng cáo nhưng nhận lãnh trách nhiệm của một người văn nghệ, phục vụ văn học sử, tôi thấy có bổn phận phải đưa “vụ Trần Quang Dũng” ra ánh sáng. “Đưa ra ánh sáng” mà thôi, chớ hư thực ra sao, đó là tùy ở bạn đọc bốn phương suy tưởng và tìm hiểu sau này.”(5)
Rồi chính nhà văn Vũ Bằng và nhà thơ Phan Kim Thịnh, người chủ trương biên tập tạp chí Văn học đã tìm mọi cách tiếp cận gia đình nhà thơ Quang Dũng đang sống tại Sài Gòn lúc ấy, cũng như tìm hiểu những tư liệu liên quan đến cuộc đời và thơ Quang Dũng từ bạn bè và các nhà nghiên cứu để giải oan cho nghi án văn chương về thân thế của Quang Dũng cũng trên Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971 với chuyên đề “Phá tan nghi án thân thế và tác phẩm nhà thơ kháng chiến Quang Dũng”. Và qua bài viết “Một quả bóng đã nổ: Trần Quang Dũng? Bùi Đình Diệm hay Nguyễn Khắc Phục” của Phan Kim Thịnh và bài “Tất cả sự thật về nhà thơ Trần Quang Dũng” của Vũ Bằng, với những cứ liệu rõ ràng, thì mọi nghi vấn đã được sáng rõ. Nhà thơ Quang Dũng không phải là Nguyễn Khắc Phục, con trai Tản Đà như Nguyễn Tố cháu Tản Đà đã nói mà chính là Bùi Đình Diệm. Bởi, như lời xác quyết của chị Bùi Thị Thanh Hảo, em ruột nhà thơ, thì gia đình Quang Dũng thuộc “làng Phùng, huyện Phượng Trì, tỉnh Hà Đông (Bắc Việt), ông cụ tôi trước làm chánh Tổng nhưng người trong làng cứ gọi là cụ Tú Khuê. Chính tên cụ là Bùi Đình Khuê. Vì cụ thuộc lớp nho học mà dân làng gọi là cụ Tú. Cụ từ trần ở ngoài Bắc đã lâu. Còn cụ bà thì vào Nam, mới mất năm 1961. Tính đến nay đã mười năm rồi. Còn anh Dũng chính tên là Bùi Đình Diệm nhưng anh sinh năm Dậu nên trong gia đình gọi anh Diệm là anh Dậu.”(6) Còn tại sao có tên Trần Quang Dũng, cũng theo chị Hảo: “Anh Dũng lấy tên là Trần Quang Dũng khi anh đi kháng chiến và thường ký tắt dưới các bài thơ là Quang Dũng còn chữ Trần thì ghi vào lý lịch giấy tờ cho việc hoạt động chính trị.”(7) Và Quang Dũng chính là tên người con trai của thi sĩ. Đây cũng là những thông tin trong bài viết “Tất cả sự thật về nhà thơ Trần Quang Dũng” của Vũ Bằng. Bởi, theo Vũ Bằng khi đưa tin về nghi án Quang Dũng là con trai của thi sĩ Tàn Đà thì: “Quả bong bóng tung lên trời đã đem lại một âm vang, sau đó ít ngày: bạn đọc khắp nơi gửi về tỏ ý ngạc nhiên hết sức về cái bí mật Trần Quang Dũng và yêu cầu cho biết thêm chi tiết.”(8) Xuất phát từ yêu cầu chính đáng của người tiếp nhận, Vũ Bằng đã tìm gặp người bạn thân của Quang Dũng, người mà Quang Dũng đã có nhiều năm sống tại nhà ông trong những ngày kháng chiến và còn giữ lại những kỷ vật của Quang Dũng, đó là ông Lê K.T. và từ đây tất cả sự thật về Quang Dũng đã được tường minh.
Theo ông Lê.K.T thì Quang Dũng là một người “văn võ song toàn”, “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”. Bởi, Quang Dũng không những làm thơ hay còn vẽ đẹp, viết được cả tân nhạc và cải lương, biết ngâm thơ, hát cải lương rất mùi, hát tân nhạc cũng hay và ông chân thành chia sẻ với Vũ Bằng về tài năng của Quang Dũng: “Tôi mù thơ, mù vẽ, mù luôn cả nhạc từ khi còn nhỏ… Duy tôi nhận thấy một điều là Trần Quang Dũng “chơi trội” quá: Đã giỏi về võ nghiệp, lại thơ hay, mà họa lại cừ…”. Khi trò chuyện ông còn cho biết thêm: “Quang Dũng còn có cái tài nữa ít có người biết. Sống chung với vợ chồng chúng tôi, găp lúc mưa sầu gió thảm nằm khằn một chỗ Quang Dũng mà ca “sáu câu vọng cổ” thì “mùi” một cây, nhưng đặc biệt không phải là ở điểm đó, mà chính là ở chỗ Quang Dũng đã từng làm nhiều bài ca cải lương cũng hay như thể là thơ anh vậy (…). Ngoài thơ, cải lương, Quang Dũng còn soạn tân nhạc nữa.”(9) Và cũng theo ông Lê.K.T.: “Trần Quang Dũng cũng thuộc vào cái hạng đa tài như Văn Cao vậy. Anh chơi har- monica, gảy guitare, hawaienne, đánh đàn cò “không chê được”, nhưng tôi biết Trần Quang Dũng còn một cái tài nữa mà Văn Cao không có: Văn Cao không ca được, trái lại Quang Dũng hát cải lương hay nhưng cái đó không trội bằng tài ngâm thơ của anh.”(10) Bởi thế, trong tâm thức của ông, “Quang Dũng quả là một nghệ sĩ, mà là một nghệ sĩ rất đẹp rất hồn nhiên, cao cả” vì: “Quang Dũng là một thứ người không biết kỳ thị gì cả. Cái gì hay đẹp anh thừa nhận mà không cần biết xuất xứ, không cần biết màu sắc chính trị. Đấy là nói chung. Còn nói riêng thì trong phạm vi văn nghệ phàm đã biết ai, dù thân hay sơ, bao giờ anh cũng bênh vực và đề cao anh em chớ không như một số người khác thiếu bản lĩnh, thiếu tư cách, khen trước mặt mà sau lưng thì mạt sát.”(11) Những lời chia sẻ chân tình của ông Lê K.T. không chỉ xác tín về thân thế mà con cho thấy tài năng, nhân cách cao đẹp đáng quí của nhà thơ Quang Dũng như thế nào!?
Như vậy, cái nghi án mà tạp chí Văn học số 125 ra ngày 1/4/1971 đặt vấn đề những điều bí mật về nhà thơ Quang Dũng chỉ là một cách thăm dò dư luận về sự quan tâm của độc giả với một nhà thơ đa tài mà họ yêu mến. Bởi, như Phan Kim Thịnh chia sẻ trong số Văn học 140 ra ngày 15/11/1971: “Nếu để lâu vụ này, có nhiều người sẽ tưởng lầm Văn Học nhầm lẫn Quang Dũng là con trai Tản Đà thật. Và nhất là tai hại cho các bạn trẻ đã và đang yêu mến thơ Quang Dũng sẽ thắc mắc… Vì vậy, tòa soạn Văn học đồng ý trở lại chủ đề Quang Dũng trong số văn học này.”(12) Và thế là “quả bóng đã nổ”, tất cả sự thật về cuộc đời và văn nghiệp Quang Dũng trong một chừng mực nào đó đã được tường minh và những nghi vấn về thân thế của nhà thơ cũng được xóa tan.
2. Đến những nghi vấn về việc tiếp nhận văn bản thơ Quang Dũng
Vốn là một nhà thơ đi nhiều, viết ít mà lại viết bất cứ lúc nào, ở đâu tùy theo hứng khởi của mình và cũng không hề quan tâm đến sự lưu giữ văn bản. Vả lại, thơ Quang Dũng trong thời kháng chiến là thơ thuộc loại “lệch chuẩn”, thơ “ngoại vi”, nằm ngoài rìa “trung tâm” nên không được đăng tải một cách chính thống như thơ của các nhà thơ khác. Thơ Quang Dũng chủ yếu được chia sẻ và lưu truyền bằng miệng qua cảm nhận từ người này đến người khác theo kiểu văn chương bình dân “cao cấp” nên không tránh khỏi nạn tam sao thất bản. Vì vậy, trong giai đoạn 1954 - 1975, ở miền Nam khi truyền tải thơ Quang Dũng cũng trượt theo quán tính nầy nên việc tạp chí Văn học đặt vấn đề nghiên cứu và tiếp nhận thơ Quang Dũng với tinh thần chính xác về văn bản là một việc làm không những có ý nghĩa thực tiễn mà còn có ý nghĩa khoa học góp phần giải mã nhiều khoảng mờ trong thơ Quang Dũng. Đó là các bài viết như: “Những sai lầm đáng trách trong việc sao lục thơ Quang Dũng” của Phan Khanh (Văn học số 125/1971); “Sôi nổi chung quanh một bài thơ” của Thiên Tướng, “Hiệu đính về một sai lầm tai hại gán cho nhà thơ Quang Dũng bài thơ Kẻ ở” của Uyên Phương; “Ngọc và Quang Dũng” của Lê Hoài Tân; “Quang Dũng và miền đất nhớ” của Phan Lạc Tiếp (Văn học số 145/1971)… Ở những bài viết bài viết này, các nhà nghiên cứu tuy tìm hiểu mỗi người một bình diện khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ những sai lệch trong văn bản các bài thơ của Quang Dũng.
Theo Phan Khanh trong bài “Những sai lầm đáng trách trong việc sao lục thơ Quang Dũng” thì thơ Quang Dũng chủ yếu được “phổ biến bằng cách truyền khẩu mà thôi chứ không phải được đăng tải trên báo chí, trừ một đôi bài như bài thơ Nhớ Tây Tiến (đăng trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 nhưng cũng bị cúp bớt một vài đoạn). Còn phần lớn thơ của ông đều được các giới thích thơ sao lục rồi xếp dưới đáy ba lô, hay nhập tâm để nhâm nha cho cuộc đời đỡ khô khan trong kháng chiến gian khổ.”(13)
Trong kháng chiến đã thế, khi di cư vào Nam, thơ của Quang Dũng cũng được mang theo và cũng chịu số phận truyền miệng và sao lục từ người nọ sang người kia nên “các bài thơ ấy đều sai lầm đến nổi thành ra vô nghĩa, khiến người chưa biết về Quang Dũng không thể đánh giá thơ văn của ông được. Có những sự sai lầm không thể tha thứ được mà nguyên nhân chỉ vì sự thiếu thận trọng của người sao lục”,(14) và Phan Khanh đã minh chứng điều này qua bài viết “Trần Quang Dũng nhà thơ của cách mạng và kháng chiến” của ông Nguyễn Thanh Thy trên tập san Sinh Lực số 10 ấn hành tháng 10 năm 1959 mà theo ông trong đó có 4 bài thơ “Tây Tiến, Quán Bên đường, Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng mà Nguyễn Thanh Thy sao lục đều phạm nhiều sai lạc. Nhất là bài “Đôi bờ” và bài “Đôi mắt người Sơn Tây”(15) rồi ông đem đối chứng văn bản hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây của ông Nguyễn Thanh Thy sử dụng với văn bản của ông Trần Khắc để chỉ ra những điều sai lệch trong văn bản của ông Thy với mục đích: “không những chỉ làm một công việc chiều theo ý muốn của một số độc giả vốn quen thuộc với thơ Quang Dũng, để nêu ý kiến bổ khuyết những điểm sai lầm của một vài người vô tình mắc phải khi sao lục thơ ông (…) góp một ý kiến nhỏ mọn cho những ai sau này muốn sưu tầm hay nghiên cứu về thi ca trong thời gian ly loạn vừa qua”.(16)
Thiên Tướng trong bài viết “Sôi nổi chung quanh một bài thơ” chia sẻ về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng mà theo ông đây là bài thơ gây cho mọi người nhiều tranh cãi trong quá trình tiếp nhận văn bản bài thơ. Những tranh luận đó có thể là một chữ “như chữ lá trong câu “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”, lại có khi là một câu như câu “heo hút cồn mây súng ngửi trời”, lại có người đưa câu ở đoạn trên xuống dưới đưa câu ở đoạn đưới lên trên như câu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” và “Doanh trại bừng lên khúc nhạc ca” và ông lý giải hiện tượng này là “vì thơ Quang Dũng, ngay ở hậu phương chỉ là thơ truyền miệng chớ không có ấn bản chính.”(17) Đồng thời, để lý giải việc “người ta đã nhớ Tây Tiến ra sao”, Thiên Tướng cho rằng: “Phải đợi đến khi về Hà Nội, nhất là đến khi vào miền Nam, những sai biệt trong lời thơ Quang Dũng mới được các nhà văn thơ, báo chí đem ra thảo luận.”(18) Sau đó, Thiên Tướng đưa văn bản bài Tây Tiến trong tác phẩm Lược sử văn nghệ Việt Nam của Thế Phong và bài Tây Tiến bản chép của ông Nguyễn Thanh Thy để đối sánh nhằm chỉ ra những sự khác biệt trong văn bản của bài thơ Tây Tiến giữa các bản này. Bên cạnh đó, Thiên Tướng cũng nêu ý kiến của những người bạn ông vốn là lính Tây Tiến với Quang Dũng xung quanh một số câu chữ trong bài thơ Tây Tiến. Chẳng hạn, bài thơ Tây Tiến không phải bắt đầu từ câu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” như bản chép của Thế Phong mà là câu “Doanh trại bừng lên khúc nhạc ca” như bản chép của Nguyễn Thanh Thy. Hay câu “Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” lại có bản chép “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều nhung.” Hoặc câu “Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Theo dòng nước lũ hoa đung đưa” nhưng có bản chép “Thuyền chao sóng nước hoa đung đưa”. Hay câu “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc/ Quân Xanh màu lá dữ oai hùng” nhưng có bản chép: “Da xanh màu lá dữ oai hùng”. Rồi Thiên Tướng kết luận theo cách tiếp nhận riêng của mình về thơ Quang Dũng khi cho rằng: “Chỉ có một bài thơ mà có bao nhiêu bản khác nhau, bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu ý kiến về một câu một chữ. Tất cả những cái đó chứng tỏ gì? Chứng tỏ là người ta yêu thơ Tây Tiến của Trần Quang Dũng đến mức nào.”(19)
Trong việc tiếp nhận thơ Quang Dũng ở miền Nam trước 1975, không chỉ có thảo luận về văn bản tác phẩm thơ mà còn có các bài viết chia sẻ về bối cảnh ra đời những bài thơ của thi sĩ. Đây là một vấn đề cần thiết trong việc tiếp nhận thơ Quang Dũng giúp người đọc có sơ sở hiểu rõ hơn xuất xứ những bài thơ của Quang Dũng vốn vẫn còn “u uẩn chiều luân lạc” trong những lớp sương khói của đời thơ ông. Vì vậy, Phan Lạc Tiếp trong bài viết “Quang Dũng và miền đất nhớ” đã đặt ra một vấn đề khá lý thú là tại sao vùng đất Ba Vì, Sơn Tây dù không phải là quê hương của Quang Dũng nhưng lại là những địa danh đi vào thơ Quang Dũng như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh như các câu thơ trong bài Đôi Mắt người Sơn Tây: «Em từ thành Sơn chạy giặc về - Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm - Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì - Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ về Núi Sài Sơn ngắm lúa vàng…” mà không phải là Đan Phượng Hà Đông quê hương của ông.
Lý giải vấn đề này, Phan Lạc Tiếp đã dựa vào yếu tố địa văn hóa khi cho rằng sở dĩ có vấn đề trên “mặc dầu về hành chính Đan Phượng thuộc Hà Đông, nhưng nó nằm trên con đường đi về Sơn Tây. Nên ấn tượng Sơn Tây đã có sẵn trong lòng mọi người khởi hành từ Hà Nội. Hơn thế nữa, Đan Phượng mặc dầu thuộc Hà Đông nhưng lại giáp ranh với Sơn Tây (…). Đó là xét về yếu tố hành chánh và địa dư. Nhưng trên thực tế người dân Đan Phượng đã kể mình như người Sơn Tây. Vì ở đó mọi người như hít thở cái không khí từ Sơn Tây thổi về, đêm nằm nghe tiếng sông Hồng cuồn cuộn chảy vào những mùa nước lũ, hoặc trong những đêm thanh vắng, nghe nước êm đềm chảy giữa những bãi nứa bên ven sông Đáy. Quang Dũng sinh ra và đã lớn lên ở đó, nên anh đã cảm xúc và mang hình ảnh của Sơn Tây vào trong tác phẩm của mình.”(20) Và trong quá trình tiếp nhận thơ Quang Dũng, theo Uyên Phương có một trường hợp cần được hiểu đúng đó là sự gán ghép bài thơ Kẻ ở của một tác giả vô danh nào đó cho Quang Dũng. Vấn đề này được làm rõ trong bài viết: “Hiệu đính về một sai lầm tai hại gán cho nhà thơ Quang Dũng bài thơ Kẻ ở” cùng với việc tòa soạn đã cho in văn bản bài thơ Kẻ ở với mấy dòng ghi cuối bài thơ với bút tích của Quang Dũng “Do Ng. Đình Phúc bạn kháng chiến chép của một nhà thơ vô danh… Quang Dũng chép lại tặng Anh L.K.Tr.”(21) Đây là một tư liệu quí giúp người đọc có sơ sở thẩm định khi tiếp nhận thơ Quang Dũng.
T.H.A
(TCSH344/10-2017)
------------------
(1) Tạp chí Văn học số 125 ra ngày 11/4/1971, tr.1.
(2) (3) (4) (5) Vũ Bằng, “Trần Quang Dũng: Con trai của Tản Đà?” - Văn học số 125 ra ngày 11/4/1971, tr.7, tr.8, tr.10, tr.14.
(6) (7) (12) Phan Kim Thịnh, “Một quả bóng đã nổ: Bùi Đình Diệm là tên thật của nhà thơ kháng chiến Quang Dũng” - Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971, tr.9, tr.10, tr.5.
(8) (9) (10) (11) Vũ Bằng, “Tất cả sự thật về nhà thơ Trần Quang Dũng” - Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971, tr.17, tr.29 - 30, tr.30, tr.33.
(13) (14) (15) (16) Phan Khanh, “Những sai lầm đáng trách trong việc sao lục thơ Quang Dũng” - Văn học số 125 ra ngày 11/4/1971, tr.22, tr.23, tr.33.
(17) (18) (19) Thiên Tướng “Sôi nổi chung quanh một bài thơ” - Văn học số 125 ra ngày 11/4/1971, tr.40, tr.42, tr.50.
(20) Phan Lạc Tiếp, “Quang Dũng và miền đất nhớ” - Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971, tr.44 - 45.
(21) Uyên Phương, “Hiệu đính về một sai lầm tai hại gán cho nhà thơ Quang Dũng bài thơ Kẻ ở” - Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971, tr.81.