Tác giả-tác phẩm
Di chữ từ vực thẳm
09:47 | 21/09/2018

NGUYỄN THANH TÂM    

    …đi về đâu cũng là thế… 

Di chữ từ vực thẳm
Ảnh: internet

Di chữ là tên tập thơ của Nguyễn Thị Thúy Hạnh, (Nxb. Hội Nhà văn, 2017). Khi tập thơ ra đời, tôi mới để ý nhiều hơn đến tác giả này, dù trước đó có đọc thơ Thúy Hạnh trên một vài website văn học. Di chữ có thể là gì? Đó là một nỗi buồn lữ thứ, một ưu tư trên tháng ngày tẻ nhạt, một lời kinh của kiếp lang thang, là vết thương của thanh xuân trên thân thể tháng năm bất ổn, là vực thẳm triền miên từ tiền kiếp,… Còn chủ thể trữ tình trong Di chữ là ai? Một dáng hình khuê phụ, một suối tóc u hoài, một mộng mơ tan vỡ, một ký ức tuột trôi vô vọng, một giai nhân cỏ dại, một lạc loài bơ vơ, một vực đêm ủ rũ, một chiếc bóng tổn thương, một môi hồng sắc máu, một làn hương ảo não, một hoang vu lưu đầy,… Những ý nghĩ ấy bám riết lấy tôi đòi được cất lời, còn tập thơ thì ở ngay trước mặt như một niềm thúc giục.

Ý thức về sự hiện diện của mình từ thơ/ chữ/ viết, đặt chủ thể phát ngôn vào tình thế phải cất lời xác tín ngay đầu tập thơ. Bởi vậy, tiếp cận Di chữ, cách tốt nhất có lẽ là xem xét ý hướng của chủ thể trình bày trong đoản ngôn khai mở. Tôi không biết nó có phải là tựa không? Còn hai câu đề từ phía trước: ta đi giặt áo thơ/ mặc mới một mùa chữ dường như đã hé lộ quan niệm nghệ thuật của chủ thể sáng tạo. Di chữ là một sinh mệnh, và những phô bày của nó chính là lời tự thuật. Mặt người là “gương mặt chữ” và lời tự thuật của thơ/ chữ là vọng âm từ vực thẳm của thân phận. Tại đó, độ sâu, bóng tối, bi kịch vừa thể hiện tình trạng bị lâm vào của chủ thể đồng thời gợi lên ý hướng vượt thoát. Khởi đầu tập thơ bằng ý niệm vực thẳm, Di chữ đã có được năng lượng cho những dự phóng hoặc ít nhất nó hàm chứa những điều ẩn khuất, sâu kín. Tôi tin rằng Nguyễn Thị Thúy Hạnh đã cất lời trong trạng thái ấy, với ý hướng ấy. Cũng vì thế, người đọc sẽ nhận ra gam trầm, màu tối, nỗi đau và những khoảng hé sáng hân hoan như một lần ngước mắt. Di chữ có năm phần (Gác nhỏ - Mùa xa vẫy gọi - Hà Nội - Bờ cổ - Thiên lý từ) tựa như năm chặng trên hành trình nội tâm của thân phận Người - Chữ.

Gác nhỏ - nơi nỗi đau thanh xuân nín lặng thành u uẩn. Hành trình khởi đi từ Gác nhỏ gợi lại những nỗi đau không thể nguôi ngoai. Từ khóa của phần này chính là “nỗi đau”, “máu”, “nước mắt”, “tan vỡ” với trạng thái “rỗng”, “lạnh”. Như thế, Di chữ bắt đầu bằng bi kịch, bằng vực thẳm của thân phận: Tôi đi tìm người che chở cho nỗi đau của mình/ những nỗi đau dẫu ngàn lời cũng không nói hết/ nỗi đau câm nín hành hạ tôi/ tiều tụy/ tuyệt vọng (thanh xuân ẩn ức). Dẫu nín lặng trong cơn tuyệt vọng, người đọc vẫn nhận ra một linh hồn bé nhỏ đang cầu mong được giải thoát, được cưu mang. Gác nhỏ được hình dung là một không gian trú ngụ của nỗi đau, là dung mạo của vực thẳm. Dường như, cùng với nỗi đau của sự tan vỡ mang gương mặt tình yêu là những nỗi đau muôn kiếp của con người - “nỗi đau di truyền”. Bởi vậy, Gác nhỏ còn là không gian của thi sĩ, nơi gãy đổ hiện hình như định mệnh.

Những dấu chân còn say đường đi dẫu lòng tay chưa khô giọt nước mắt. Mùa xa vẫy gọi. Không gian thay đổi, chỉ nỗi đau vẫn cũ dưới hàng mi xanh, trên khuôn mặt như trăng vỡ, bờ môi cong, gò má thơm, mảnh vai gầy. Một thân thể nặng nước mắt, một cõi lòng đã chật những u buồn, lạnh từ tiền kiếp… dường như đã nói lên sự thất bại của không gian khác với ý niệm cứu rỗi một thân phận. Mùa xa vẫy gọi vĩnh viễn là một dự phóng. Sẽ không thể nào thoát ra được, bởi định mệnh của thi sĩ là “kẻ thường chung sống với những gãy đổ”. Có lẽ, chính trong tình thế ấy, ý niệm vực thẳm vĩnh viễn lưu đầy được sinh ra. Chủ thể trữ tình đã hy vọng vào sự thay đổi không gian để tự hóa giải, nhưng không được. Càng xa lạ lại càng cô đơn, càng cô đơn càng nhớ, càng đau. Những vết đau, những tổn thương bỗng trở thành bầu bạn. Bởi chỉ có nỗi đau là quen thuộc ở nơi xa lạ này: giọt nước mắt không chịu khô trong lòng tay/ khoét sâu trong anh chín tầng cô đơn/ em đi đâu?/ anh nghe trái tim khô giòn đang vỡ/ em như đợt tuyết tan vào mùa tuổi trẻ/ để lại cho anh nỗi đau nóng bỏng cuối cùng (đêm viết ở Bắc Kinh). Vết đau cũ tấy lên khi chạm vào những nỗi đau thân quen nơi xứ lạ - những nỗi đau của con người muôn nơi: chiến tranh, xung đột sắc tộc, biệt ly, cô đơn, cái chết, nghèo đói, bệnh tật, tệ nạn,… Mùa xa mà không xa những vây bủa thường ngày, những bi kịch trùm lên thân phận. Làm sao có thể thoát ra khỏi những cơn đau ấy? Làm sao có thể kiếm tìm được một nơi nương tựa như vòm ngực người yêu? Hóa ra, ở đâu cũng là vực thẳm và loài người hiện diện chỉ như một minh chứng cho nỗi đau. Nỗi đau định nghĩa kiếp người…

Có một chặng trên hành trình Di chữ gọi tên Hà Nội. Một Hà Nội được nhìn thật gần trong hoài niệm, nơi khói bụi và tiếng ồn, ngụy trang, bất ổn, nhiễm độc, đau thương, tuyệt vọng. Hà Nội không còn những ngây thơ, trong sạch, chỉ còn những ngụy trang khoác lên hình hài như một sự đánh lừa, một thích nghi trống rỗng, vô nghĩa, phi lý. Điều đó cũng như là một vết thương trên thân thể rêu phong của thành quách, trên tưởng tượng u hoài về vẻ đẹp mộng mơ thanh lịch. Vết thương Hà Nội tượng hình trong một ngôn ngữ xa lạ nên không được chia sẻ, bởi mùa xa đã cách ngăn những kết nối: nhưng đêm nay ai lắng nghe tôi/ khi tôi viết bằng một ngôn ngữ khác (Hà Nội). Cất bước để lãng quên, ai ngờ nỗi nhớ cứ dày thêm bằng “hằng hà sa số vết thương”. Di chữ, từ vực thẳm làm hiện hình một hành trình tuyệt vọng. Chẳng còn gì ngoài nỗi đau ở hiện tại, ở quá khứ, trên thân thể, trên tháng ngày, trên không gian sinh tồn, trên những vùng hoài niệm. Di chữ là một tự thú thật buồn dưới vực thẳm…

Những đồng điệu cũ xưa trong dáng hình vò võ, Bờ cổ cho ta chiêm ngưỡng nỗi sầu muộn thiên thu của người khuê phụ. Hiện hình trên chữ một nỗi ai oán triền miên. Những nỗi đau, những vết thương trên thân thể “những con chữ gân xanh chằng chịt” là ý niệm lưu đầy mà Di chữ gợi lên cho người đọc. Ở đó, Di chữ dẫn chúng ta trở về với “tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đầy” (Lê Tuyên). Ý niệm vực thẳm qua cái nhìn hiện tượng luận của Lê Tuyên (về người chinh phụ) nhắc rằng, với Di chữ, đó là những phóng chiếu u buồn lên từng thân thể chữ: đêm nay ta bói Đường thi/ cỏ Lĩnh Nam buồn rối tóc em lùa/ nghìn nụ hôn dao cứa/ anh hôn em môi trắng/ răng trắng/ tóc trắng/ da trắng/ ngực trắng/ tràn thân thể trắng […] anh yêu em giai nhân cỏ dại/ Lĩnh Nam mưa tốt máu tươi (mưa Lĩnh Nam). Là Man Nương, Tây Thi hay Điêu Thuyền, là khuê phụ hay cung phi, là em hay giai nhân cỏ dại, hạt bụi đồng trinh, Di chữ nối kết những u uẩn chìm sâu trong thăm thẳm số mệnh. Bi kịch đó, nỗi đau từ đáy vực vừa hữu hình vừa siêu hình, nhưng đồng thanh cất lời về một hiện hữu hãi hùng. Nhà phê bình Văn Giá đã có phát hiện rất tinh tường rằng, Di chữ ẩn chứa những mã văn hóa chiều sâu, có lẽ chính trong những nối kết xuyên thời gian - không gian này. Và, một suy tưởng được gợi mở từ chữ, rộng hơn là từ những văn bản trầm tích trong văn hóa, những thân phận không hề bị lãng quên. Đối diện với tình thế vực thẳm, kỳ lạ thay, lại làm hiện diện con người trong ý nghĩa nhân văn của tồn tại, của siêu vượt.

Thiên lý từ hằn sâu một định mệnh chữ dan díu say mê mà khắc khoải u buồn. Như đã nói, ý niệm vực thẳm phóng chiếu lên hình hài con chữ, xô đẩy thành nhịp điệu của hình ảnh. Chữ - lời - ngôn ngữ - thơ là những mảnh vỡ âm thầm của thân phận trong bóng tối đau thương. Ý thức một cách máu thịt về sự đồng nhất thân phận và chữ, Nguyễn Thị Thúy Hạnh nhận ra những “âm”, “từ”, “lời”, “chữ”, “thơ” cũng đang rũ rượi và tuyệt vọng. Trang giấy trắng hay là bi kịch tuột trôi vô vọng, là sự trống rỗng sạch trơn, là bi kịch “không còn gì để viết”. Phải ý thức về hiện hữu chữ và hiện sinh người đến bao nhiêu thì ý niệm về sự mất đi của chữ mới khắc khoải đến thế (và hình như cũng hả hê nghiệt ngã đến thế) trong thơ Thúy Hạnh. Những tờ giấy trắng như một lãng quên phía sau cái chết. Bài thơ cuối cùng trong Di chữ (I-------I) không giấu nổi những gói ghém riêng tư về phận mình và thân phận những người đàn ông khác có lẽ đã từng chứng kiến “một hoang tưởng tử tế”, “một trùng trùng yêu thương”, “một đẹp- dị-biệt”. Cuộc hiện sinh khởi đi từ một đòi hỏi lựa chọn (S. Kierkegaard). Hiện sinh là chống lại nguy cơ bị xóa trắng. Thế nên phải lựa chọn. Mà, lựa chọn đồng nghĩa với dấn thân, thậm chí là chấp nhận lưu đầy vĩnh viễn trong vực thẳm. Điều đó, Người - Chữ ý thức rõ hơn ai hết: mi cô đơn cho đến chết, chúng ta đi theo mi dù mi muốn hay không (I-------I). Ở đây, một lần nữa chúng ta cảm nhận được ý niệm hiện sinh của Di chữ. Vực thẳm, cái chết không phải là điều khủng khiếp nhất. Bị xóa trắng mới thực sự hãi hùng. Xóa trắng là mất hiện hữu, không còn dấu vết gì trong thời gian, không gian. Niềm hy vọng thắp lên dưới đáy vực sâu có lẽ được nuôi dưỡng bằng ý niệm kiên trinh này.

Gác nhỏ - Mùa xa vẫy gọi - Hà Nội - Bờ cổ - Thiên lý từ là hành trình/ dự phóng của Di chữ. Từ góc độ triết mỹ, cách tổ chức này cho thấy ý thức khá sâu và thống nhất của Nguyễn Thị Thúy Hạnh về hữu thể trong Di chữ. Nhìn vào cấu trúc ấy, người đọc có thể hình dung ra hành trình của thân phận, từ gần đến xa, từ quê nhà đến quê người, từ thực tại đến hoài niệm, từ tuyệt vọng đến hy vọng, giữa không gian và thời gian, giữa hiện hữu và xóa trắng. Cũng bởi thế, Di chữ có được tính chỉnh thể cho ý niệm nghệ thuật đã gợi lên từ đoản ngôn khai mở: Thơ ca, chẳng phải sao, trước hết là lời tự sự của/ về thân phận? Mà, chẳng thể nào khác được, thân phận đó gắn liền với vực thẳm. Vực thẳm cho ta ý chí siêu vượt, nỗi khát khao hiện hữu, để biết nâng niu những “yêu dấu bên mình”.

N.T.T  
(TCSH355/09-2018)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng