Trong cuộc đời "bảy nổi ba chìm" của mình, Cao Bá Quát là người ngoài Bắc rất có "duyên nợ" với Huế từ nhiều phương diện: ông đứng cùng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) và Tuy Lý Vương Miên Trịnh (1820-1897) - hai nhà thơ, con vua Minh Mạng - trong những câu ngợi ca: Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán - Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường; ông từng khăn gói vào nam đi thi, từng làm quan triều đình nhà Nguyễn, từng bị giam trong các nhà ngục ở Huế, và có những khi đi đến các đồn lính tại xứ này theo hình thức "quân tiền hiệu lực". (Trong thời gian làm sơ khảo ở trường Thừa Thiên, thấy những thí sinh giỏi nhưng bài thi phạm tên huý của nhà vua, Cao Bá Quát đã cùng bạn dùng muội đèn chữa cho những bài ấy khỏi hỏng, việc phát giác, ông bị kết tội, phải giam, bị tra tấn, cuối cùng được lập công chuộc tội bằng cách đi phục dịch ở các đồn lính - gọi là "quân tiền hiệu lực" - hay theo phái bộ xuất dương đi giao thiệp với nước ngoài gọi là "dương trình hiệu lực" hoặc "xuất dương hiệu lực").
Cũng vì vậy, nhà thơ có khá nhiều dịp để viết về Huế (Xin lưu ý: thơ văn Cao Bá Quát chủ yếu viết bằng chữ Hán, còn thơ ông viết về Huế thì đều bằng chữ Hán Thơ Cao Bá Quát viết về Huế sớm nhất là bài Thôn cư vãn cảnh (Cảnh chiều ở thôn quê), có phần chắc là viết trên đường ông đi thi hội, lần đầu tiên đặt chân đến xứ này - chưa phải kinh đô Huế, mà là một làng quê nào gần đó. Ta sẽ thấy ở đây một khung cảnh yên ổn, thanh bình, thơ mộng, làm nhà thơ sảng khoái và đỡ được nhiều mệt mỏi sau những chặng đường dài (và nỗi lo thi cử?): Ly ngoại nhân yên, trực ngoại âm, Thung ca thanh yết, trạo ca thâm. Truy du khách chí phân thư khán, Tức sự thi thành bão tất ngâm. Hương thuỷ mộ trào sinh thiển lại, Trản sơn hồi chiếu đạm không lâm. Huân phong đa dữ nhàn phương tiện, Xuy khởi cô liêm nhất bán tâm. (Ngoài bờ dâu có khói bếp, ngoài rặng tre có bóng râm. Tiếng hát giã gạo vừa dứt, tiếng hò chèo đò lại văng vẳng. Có khách xa đến chơi, chia sách cùng đọc, Làm xong thơ tức sự bó gối ngồi ngâm. Nước thuỷ triều ở sông Hương xuống, bãi cát ngập nông. Cảnh rừng vắng trên Hòn Chén, nắng chiều đã lạt. Gió nồm thường giúp người ta mọi sự thoải mái, Đã thổi cuốn bức rèm treo làm cho lòng ta cũng nhẹ đi một nửa).
Tuy nhiên Cao Bá Quát làm thơ về Huế nhiều nhất là vào thời kỳ ông được tha và được vào làm ở Viện Hàn Lâm của triều đình Huế. Thật sảng khoái là bài Thập ngũ dạ đại phong (đêm rằng gió lớn). Thiên nhiên vùng ven biển ở đây, trong một đêm sóng to gió mạnh, làm cho nhà thơ hừng hực khí thế, trước cuồng vọng xâm lược của đế quốc phương Tây: Nhất dạ trường phong hám hải đài, Thuận An môn ngoại lãng như lôi. Thiên thu thượng tác Chu lang khí, Yếu đả Hồng di cự hạm hồi. (Suốt đêm gió lộng làm rung động cả toà hải đài, Ngoài cửa Thuận An tiếng sóng gầm như sấm. Hùng khí của chàng họ Chu nghìn thuở vẫn còn bốc lên Như muốn đánh cho cái tầu lớn của bọn Hồng mao phải lui trở lại) *
Riêng với sông Hương, Cao Bá Quát đã viết đến mười bốn bài, dưới đầu đề Hương giang tạp vịnh (Những bài làm khi chơi sông Hương), trong đó đặc sắc nhất là bài này: Nhất đới duyên giang giáp đệ hùng, Ngũ quân khai phủ chiếu tây đông. Vinh khổ tứ thập dư niên sự, Chỉ hữu hà hoa tự cựu hồng. (Một dải ven sông lâu đài hùng tráng, Nào trại năm quân, nào dinh đốc phủ, đông tây đối diện nhau. Việc đời hơn bốn mươi năm có lúc thịnh lúc suy, Chỉ có những đoá hoa sen vẫn đỏ thắm như ngày trước. Hoàng Tạo đã dịch thành thơ khá hay bài này: Ven sông lầu gác trập trùng, Đồn quân, dinh tướng tây đông mấy toà. Thịnh suy bốn chục năm qua, Riêng sen vẫn giữ màu hoa đỏ hồng.
Vẫn có khí thế của một xứ sở chuẩn bị đối phó với âm mưu xâm lược của kẻ địch như những bài khác, nhưng kèm theo là một triết lý hết sức giản dị mà thâm thuý: việc đời không ngừng thay đổi, chỉ có thiên nhiên là vĩnh cửu! Và đây là thiên nhiên xứ Huế!
Hiểu quá Hương giang (Buổi sớm qua sông Hương) của Cao Bá Quát cũng làm một bài thơ độc đáo: có núi non, ruộng đồng, chim chóc, có thuyền đò, có tiếng hò, có sông nước, và mang nặng ưu tư của nhà thơ trước cuộc đời. Câu thơ thứ hai (Trường giang như kiếm lập thanh thiên) lâu nay rất hay được nhắc đến, như là cách nhìn có một không hai về dòng sông này. Các dòng sông của xứ "Huế, đẹp và thơ" ấy, từ bao đời nay, cho dù có đôi khi dữ dội bởi những mùa nước lớn, vẫn lưu trong người đời một hình ảnh hiền lành, êm đềm, thơ mộng và hay được ví với người thiếu nữ. Như là: Êm êm dòng nước Hương giang chảy hoặc Hương giang: cô gái mỹ miều (Nam Trân), rồi: Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước - Ngập tràn sông trắng gợi bâng khuâng (Thúc Tề)... Với nhà thơ Nguyễn Bính, nó lại là mái tóc dài của một cung nữ... Chưa có ai như Cao Bá Quát, coi sông Hương là một thứ vũ khí: Trường giang như kiếm lập thanh thiên (Con sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh)
Giáo sư Vũ Khiêu, trong Lời giới thiệu quyển sách được làm rất công phu Thơ chữ Hán Cao Bá Quát (Nhà xuất bản Văn học, 1970) có suy luận như sau về câu thơ này: "Gươm của ai? Gươm của cái triều đình hủ bại đang treo trên cổ nhân dân, hay một thanh gươm nào khác muốn vung lên giữa trời xanh nước Việt?" (tr, 16). Căn cứ vào văn cảnh của câu thơ, với những hình ảnh, ngôn từ, âm điệu, cảm xúc... của bài thơ, chúng ta có thể nghĩ: nếu đó là lưỡi gươm của triều đình nhà Nguyễn đe dọa dân chúng, thì Cao Bá Quát - người đã từng không tiếc lời châm chọc, đã kích những xấu xa, thối nát của vua quan triều đình - khó mà giữ được giọng thơ êm đềm, man mác, và "hiền lành" đến thế!
Ta hãy đọc lại cả bài thơ này: HIỂU QUÁ HƯƠNG GIANG Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền, Trường giang như kiếm lập thanh thiên. Sở hàng ngư đĩnh liên thanh trạo, Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên. Trần lộ du du song quyện nhãn, Viễn trình hạo hạo nhất qui tiên. Kiều đầu xa mã phi ngô sự, Phả ái nam phong giác chẩm biền.
BUỔI SÁNG, QUA SÔNG HƯƠNG Muôn dãy núi như chạy vòng quanh khu ruộng xanh mướt, Con sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh. Mấy dãy thuyền chài không ngớt tiếng hò khoan đưa mái chèo, Hai con chim trên bãi đứng co chân ngủ. Đường trần dằng dặc, đôi con mắt đã mỏi, Tình xa man mác, một roi ngựa trở về. Xe ngựa qua cầu, không phải là việc ta nghĩ đến, Chỉ thích trước luồng gió nam, thảnh thơi nằm gối lên chiếc gối sừng.
Chúng tôi coi đây là một trong những bài thơ hay nhất của Cao Bá Quát. Trong những dòng đơn sơ này, chưa thể nói kỹ, nói hết những gì nhà thơ họ Cao viết về Huế. Thơ ông bị triều đình nhà Nguyễn hủy hoại nhiều; số còn lại thất lạc không ít; số hiện lưu giữ được cũng chưa dịch thuật, chú giải đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ với bấy nhiêu cũng có thể thấy Huế đã hấp dẫn Cao Bá Quát đến thế nào, cũng có thể thấy xứ này lại hiện ra với những dáng vẻ đặc biệt dưới con mắt một nhà thơ, cũng có thể thấy một phần con người và văn chương Cao Bá Quát - một bậc trượng phu, một danh nhân của đất nước vậy.
H.D (178/12-03)
---------------------------- * Hải đài: đài ven biển. Đời vua Tự Đức, ở cửa bể Thuận An có dựng những toà nhà kiên cố để phòng quân giặc đánh vào kinh đô Huế Chàng họ Chu: chỉ Chu Du đời Tam quốc đã lợi dụng gió đông nam đánh tan quân Tào Tháo ở Xích Bích. Hồng mao: chỉ nước Anh, hồi ấy gọi là nước Hồng mao, vì râu tóc người Anh thường hung hung đỏ. |