Tác giả-tác phẩm
Ngắm Chiều trên sông Hàm Luông
09:09 | 17/01/2019

LÊ KIM PHƯỢNG

Với thi sĩ Cao Quảng Văn, thơ là cảm xúc thăng hoa tuyệt đỉnh và nếu văn chương có đích, thì thơ là tuyệt đích của tâm hồn. Ở chốn đó, sáng tạo ra đời. Vì vậy, thưởng thức thơ không thể không bằng cảm xúc từ trái tim của người đọc: “Thơ là tiếng nói từ trái tim đập vào trái tim”.

Ngắm Chiều trên sông Hàm Luông

Cao Quảng Văn làm thơ từ rất sớm, từ cái thuở còn là cậu học trò lớp đệ tứ niên khóa 1960 - 1961 (lớp 9 bây giờ), ở trường trung học Nguyễn Du, thành phố Huế. Học môn văn thầy Tôn Thất Dương Tiềm và ông đã gây cho thầy rất ngạc nhiên khi viết vế Truyện Kiều: “Bốn phương phẳng lặng, ba kinh vững vàng...” (tập thơ lục bát). Nhắc chuyện cũ để thấy tố chất thơ trong con người ông đã hun đúc và hình thành thi sĩ Cao Quảng Văn về sau nầy. Tình thế “chẳng đặng đừng”, ông xa quê nhà 52 năm. Năm mươi hai năm buồn thốn tâm can, ông cố giữ chất Huế không bị vong thân dù phải trả cái giá: ông tự lưu đày ông giữa Sài Gòn. Thơ ông, hồn cốt tâm tư nằm ở cái chỗ tưởng dễ dãi, nhưng lại chặt chẽ, bởi tính ông cẩn trọng; song, nếu như cẩn trọng quá mức, nhất là ngôn từ thơ, đôi khi sẽ làm nghẽn mạch cái đẹp tự nhiên tiềm ẩn trong bản năng, hoặc làm hạn chế cao trào cảm xúc. Có lẽ, thi sĩ tiếp xúc rất sớm Đường thi và cũng có thể Đường thi là mối tình thơ đầu đời của ông. Đọc thơ ông, người đọc cảm nhận mây - trời - đất - nước, và người: một bức tranh thủy mạc bùi ngùi tang thương! Do đó, người đọc lướt qua thơ ông dễ bị dị ứng - cái dị ứng nhàm chán, nhịp đều như nhịp chày giã gạo dưới trăng khuya. Song, nếu người đọc, đọc bằng tâm thế “yêu thơ Huế” thì sẽ bất ngờ phát hiện thơ ông mang đủ tố chất Tam tài: Thiên - Nhân - Địa. Nghĩa là, với thơ - thơ không cần công cụ hỗ trợ, như: văn cần giấy bút; họa cần cọ, màu, giá vẽ; nhạc cần đàn... Chính vì vậy, thơ là đỉnh cao nghệ thuật, thơ hoàn toàn thuộc về tim chớ không phải óc; có lúc xuất thần và có khi nhập ma - Thần hay ma ở thơ là tiếng lòng của Người, sau thời khắc loại bỏ Con!

Có bạn nói với tôi rằng: “Thơ họ Cao mang hồn phương Đông, và đã là phương Đông thì hẳn nhiên nhẹ hoặc không có phương Tây”. Câu nói của bạn, khiến tôi chợt nhớ tới khổ đầu “Bài thơ Đông - Tây” của R.Kipling(*):

“Ôi, phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây, và hai bên sẽ chẳng thể bao giờ gặp nhau,
Cho đến khi Đất Trời có mặt tại Toà phán xử tối cao của Thượng Đế; Nhưng sẽ chẳng có Đông cũng chẳng có Tây, chẳng có Ranh giới, chẳng có Giống nòi, cũng chẳng có Sinh sôi,
Khi hai người đàn ông mạnh mẽ đứng đối diện nhau, dù họ đến từ những nơi tận cùng của Trái đất!”


Xét cho cùng, R.Kipling không bao giờ tuyên bố một cách dứt khoát về sự khác biệt Đông - Tây.

Thường thì, người ta hay cho rằng: người phương Tây duy lý, người phương Đông duy cảm; người phương Tây hành xử nặng về lý, người phương Đông hành xử nặng về tình. Thật ra, trong thơ Cao Quảng Văn có đủ lý - tình; và tất nhiên, cái tình là nền tảng vững chắc xây nên ngôi nhà thơ một cõi riêng của Cao Quảng Văn - bóng dáng hao giống con sông Bồ nuôi sống vùng đất Quảng Yên - nơi chúa Nguyễn tựa lưng Rồng dựng nghiệp và mở mang bờ cõi Đàng Trong.

Ở tập thơ “Chiều trên sông Hàm Luông” không hẳn tất cả các bài thơ vượt trên mức hay đối với người thưởng thức thơ và yêu thơ. Song, nhìn chung, Cao Quảng Văn đã đạt được các yếu tố cấu thành bài thơ thật là thơ, rất thơ: Lời hay ý đẹp, âm điệu, tiết tấu và truyền cảm - sự truyền cảm - chân thành và thật, từ trái tim của ông. Thơ ông dễ thuộc, dễ gây sự xúc động nơi người đọc, bởi câu thơ trọng ý hơn lời, bởi những khía cạnh nhiều mặt của đời sống được ông nhẹ nhàng và khéo léo cài cắm và thể hiện.

Nhà thơ Cao Quảng Văn đất Quảng Yên, không làm thơ chơi và cũng không làm thơ để đời; thi sĩ làm thơ để giải tỏa áp lực con tim thương quê nhớ xứ; yêu đất nước và cuộc sống, dù đó là thời chiến (trước 1975) hay thời bình (sau năm 1975), mà tập thơ “Chiều trên sông Hàm Luông” đã ghi chép lại: Hồn thơ thi sĩ Cao Quảng Văn!

Không ngẫu nhiên ông có mặt trong “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh” (Nxb. Văn Hóa - Văn Nghệ, 2016), cũng không ngẫu nhiên mà ông viết bài thơ Quê hương, Mẹ già và Em bé (1966), khi bị phải biệt xứ tới đất Sài Gòn. Tôi nhắc điều đó, để những ai yêu thơ Cao Quảng Văn thoáng chút suy ngẫm và nhận ra thơ của ông “Ý trọng hơn Lời”!

Với mặt bằng thơ hôm nay, thi phẩm “Chiều trên sông Hàm Luông” đã đóng cột mốc đời thơ và khẳng định Cao Quảng Văn là thi sĩ, góp phần tích cực vào sự sáng đẹp của văn chương: Chân - Thiện - Mỹ.

L.K.P  
(SHSDB31/12-2018)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng