Tác giả-tác phẩm
Tản mạn bàn tròn về thơ
09:44 | 22/03/2019

NGỌC THẢO NGUYÊN

Buổi sinh hoạt được đặt tên là Tọa đàm bàn tròn về thơ. Đây là buổi sinh hoạt mang tính chất thử nghiệm của Phân hội văn học (lại một cách nói rào đón nữa chăng?)

Tản mạn bàn tròn về thơ
Ảnh: internet

Đến dự có gần đầy đủ các tác giả quen biết trong tỉnh: Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Hải Bằng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Lê Thị Mây, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Quang Hà, Bửu Ý, Vĩnh Nguyên... Có một người khách: anh Tân Quỳnh, phóng viên thường trú ở miền Trung của Báo Nông Nghiệp và cả một lớp chuyên văn của cô giáo Quỳnh.

Hai vấn đề, câu hỏi gợi mở của những người tổ chức xem ra có vẻ kinh điển, mông lung: 1) Quan niệm riêng về thơ; 2) Nhận định về tình hình thơ ca hiện nay - Có một số tác giả khi nhận được câu hỏi gợi mở đã chắt lưỡi: Ôi! Đặt ra làm gì, người ta đã nói tràn đìa ra rồi!

Anh Thái Ngọc San, người chủ trì buổi tọa đàm, phát biểu mở đầu thay lời đề dẫn, cũng đã xuýt xoa như vậy: Quả là nhân loại năm châu người ta đã đua nhau định nghĩa, thế nhưng, theo anh, người ta sẽ còn tiếp tục định nghĩa nữa; cho nên vấn đề đặt ra chắc sẽ không thừa và, biết đâu, từ đây sẽ bật lên một vài ý nghĩa thi vị đóng góp vào kho tàng thơ ca chăng?

Riêng anh (TNS), anh quan niệm, việc làm thơ của mình như là ném bom xăng vậy; trái bom hội đủ xúc tác thì phát tiếng nổ và bung lên ngọn lửa, bằng không thì chỉ còn là những tiếng rổn rảng của những mảnh vụn thủy tinh. Đây là cách vi von của người một thời tham gia phong trào đấu tranh đường phố.

Về tình hình thơ ca hiện nay anh Thái Ngọc San có một đề nghị: Đã đến lúc các nhà nghiên cứu văn học nên có cái nhìn toàn diện, đầy đủ và công minh về toàn bộ lịch sử văn học cận đại sau một thời gian dài đất nước chia cắt. Anh lưu ý đến một vài sự kiện quan trọng, hay là những cái mốc trong việc đổi mới thơ ca, trong đó cần xem điểm mốc sau năm 1954...

Anh Bửu Ý, nhà nghiên cứu văn học phương Tây, đã phát biểu bổ sung lời đề dẫn, về một số tình hình thơ ca nước Pháp: Theo đúc kết của anh, quả là nhân loại có xem thi sĩ như là Thượng đế thật (anh Thái Ngọc San có nói ý này) thế nhưng cũng có người xếp nhà thơ vào hạng người không ra gì và có một sự thực không ai chối cãi: Hiếm có nhà thơ nào sống bằng thơ cả, nghĩa là bán thơ để tự nuôi sống, ngoài một trường hợp đặc biệt: Đó là Jacques Prévert ở Pháp, tập thơ ông có tập còn nằm ở nhà in đã có người lũ lượt đăng ký đặt mua. Nói đến các trường phái, các nhóm thơ ca, theo anh Bửu Ý, ở Việt Nam từ trước đến nay chưa hình thành nên một trường phái nào hẳn hoi, nghĩa là có tuyên ngôn về khuynh hướng thơ ca của mình, ngoài nhóm Xuân thu nhã tập, với tuyên ngôn Thơ là đạo...
 

Một người theo cách nói của dân Huế, rất "ít ỏi”, không mấy khi đăng đàn phát biểu trong các buổi hội họp, hôm nay đã làm cho mọi người ngạc nhiên và nhiệt liệt ủng hộ. Đó là anh Nguyễn Khắc Thạch, chánh văn phòng của Hội. Anh Thạch đăng đàn với nội dung chuẩn bị dài chi chít cả mấy trang sổ tay, không kể mấy xấp báo kèm theo làm tư liệu trích dẫn. Trước hết anh tổng lượt qua một số quan niệm về thơ của người khác, như: Thơ là không gì cả nhưng là tất cả; là sự cảm hứng của sự chênh vênh, hoang mang, cô đơn... là cảm xúc của tâm và trí v.v và v.v; cuối cùng đi đến quan niệm của riêng anh: Thơ là cuộc đời, là vết sẹo của sự thật. Từ quan niệm này anh đưa ra một số nhận định về thơ hiện nay và, theo anh, đúc kết lại có 2 loại: 1)Thơ báo chí, 2) Thơ văn học; thơ báo chí chỉ có một nghĩa, còn thơ văn học thì đa nghĩa. Tất nhiên khi phân loại như thế này ai cũng hiểu anh Thạch muốn nói gì và anh hướng về loại thơ nào. Tiếp theo, anh Thạch đề cập đến một vấn đề đã trở thành điểm nóng tranh cãi một thời: Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ. Trước hết anh cho rằng chính trị là đời, thơ là đạo, một bên dẫn dắt người ta đi từ Đại lộ vào Ngõ hẻm, một bên hướng đi từ Ngõ hẻm ra Đại lộ, cho nên mối tình này khó mà hòa hợp. Từ kết luận bất ngờ này anh Thạch đi tới một quan niệm mới: Thơ đồng nghĩa với hiểm họa và anh kêu gọi các nhà thơ không bán mình...

Có một ý kiến của anh Nguyễn Khắc Thạch không được người khác đồng tình, khi anh lớn tiếng phủ nhận cái mà anh gọi là Thơ văn xuôi (nói chính xác là thơ xuôi). Anh Bửu Ý nghĩ có lẽ anh Thạch quá ảnh hưởng kinh điển nên mới dám lớn tiếng như vậy, bởi vì xu hướng vần điệu trong thơ ca thế giới hiện nay đang bắt đầu suy tàn...

Nhà thơ Ngô Minh, tác giả "Chân dung tự họa", cũng đồng ý rằng việc bày ra chuyện ngồi định nghĩa thơ như thế này có vẻ hơi thừa, cần tìm ra một phương thức nào khác hay hơn. Thế nhưng anh cũng say sưa phát biểu quan niệm của mình. Theo anh lao động thơ ca là loại lao động cá biệt, khi khỏe chẳng nặn ra một câu nhưng khi đau yếu thì thi tứ lại bật ra tràn trề, đôi khi nhờ sự may rủi... Và có được sự đồng cảm hay không đồng cảm chẳng có gì quan trọng, bởi vì có ở cùng chung nhau trong một từ trường thì mới bắt được làn sóng của nhau, bằng không thì đừng hòng, riêng nhà thơ thì cứ thế mà làm...

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, Phó tổng biên tập mới của Sông Hương, nói rằng anh nhớ hình như trước kia anh có làm thơ - (đúng vậy, xin nhắc anh Xuân cái bút hiệu Tâm Hằng hơn 20 năm trước) - và anh đã đúc ra một kết luận mà chắc không ai tranh cãi: Bài thơ nào cảm xúc cao thì bài thơ đó đạt. Rồi anh quan niệm: Thơ phải thực. Anh Dương Thành Vũ, tác giả tiểu thuyết Đứa con Nguyệt thực, quan niệm thơ một cách vắn tắt: Thơ là kinh.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (nghe nói có làm rất nhiều thơ nhưng chỉ để cho một ai đó đọc) rất tán thành ý kiến anh Nguyễn Khắc Thạch và đồng ý với quan niệm: Thơ đồng nghĩa với hiểm họa (có lẽ anh Vỹ đang ngậm ngùi nhớ lại những bài thơ "tai tiếng" trên Sông Hương thời anh còn làm Tổng biên tập chăng?) Anh Vỹ nói thêm, theo anh dân trí thơ ngày càng được nâng cao dù thơ liên tục bị phê phán. Và anh kết luận: Có cực đoan mới thành thơ và tính đa dạng bao giờ cũng có ích.
 

Người phát biểu cuối cùng là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Mặc dù anh là người không mấy tin vào tính hiệu quả của nội dung buổi tọa đàm, nhưng anh đã đến với một bài phát biểu viết hẳn hoi như một bản tham luận có thể in riêng trên báo. Theo anh Tạo làm thơ rất khó, và không nên xếp thang bậc các nhà thơ bởi vì khẩu vị mỗi người mỗi khác, người thích kiểu này, người muốn loại kia và người ta chỉ có thể thích ai gần với mình mà thôi. Rồi anh quan niệm: Thơ như những con sóng thủy tinh vỗ ở một cõi khác, đó là trạng thái thăng hoa không bình thường - trạng thái - "tâm thần". Bởi vậy, anh tâm đắc với ý kiến của G.Lorca: thơ gần với máu hơn với mực, hay nói một cách khác, thơ là tâm huyết. Về tình hình thơ ca hiện nay anh Tạo mượn cách nói của các nhà kinh tế trong cuộc vận động hàng tây hàng ta, đò nội, đò ngoại, để đặt vấn đề: Thơ đúng hướng nội hay hướng ngoại, bung ra hay bung vô? Anh Tạo cho rằng tình hình thơ ca xem ra như có vẻ được mùa, nhưng ngó lại thì cái đậu thì ít, cái bay đi thì nhiều, diện mạo giống như tấm ảnh bị phóng nhiễu...

Cuối cùng anh Nguyễn Trọng Tạo bày tỏ ý kiến về kết quả cuộc thi thơ vừa được công bố của Tuần báo Văn Nghệ. Anh nói: không biết đáng mừng hay đáng lo!. Trước đó, trong phát biểu của mình, anh Nguyễn Khắc Thạch cũng đã chỉ trích kết quả cuộc thi và đi đến kết luận: "Đây là một giải thơ không có tác phẩm và tác giả".

Mặc dù còn nhiều ý kiến chưa kịp phát biểu, nhưng cuộc tọa đàm đã phải kết thúc vì kim đồng hồ đã vượt qua con số 5, trời lại lắc rắc mưa lạnh báo hiệu sắp có áp thấp nhiệt đới.

Đáng lẽ bài viết có thể kết thúc ở đây nhưng người ghi vẫn tiếc một chi tiết hi hữu: khi mọi người đang lục tục ra về thì có một tác giả hớt ha hớt hãi chạy tới... dự tọa đàm. Tác giả đó là anh Trần Vàng Sao, một người mà chắc không cần ghi chú gì thêm. Hóa ra chiều nay anh bị bất ngờ kéo về dự một cuộc họp quan trọng tại làng Dương Nỗ, liên quan đến vấn đề Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đây (nhà này nguyên là nhà của gia đình vợ anh Trần Vàng Sao). Họp xong anh ba chân bốn cẳng đạp 10 cây số và mong sao còn kịp lên tiếng về Thơ của mình! Âu là cái số không may vẫn tiếp tục đeo đuổi nhà thơ lận đận!

N.T.N
(lược ghi)
(TCSH46/04-1991)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng