Tác giả-tác phẩm
Tô Thùy Yên là hiện tại
10:01 | 19/07/2019

ĐỖ LAI THÚY
 

Khi mọi thần thoại gãy đổ,
thơ chính là nơi thần linh trú ngụ.

            (Saint John Perse)
Tôi không tiến đi đâu cả,
Tôi là hiện tại.

            (Pablo Picasso)

 

Tô Thùy Yên là hiện tại

Thơ thành thị miền Nam 1954 - 1975 đa dạng, phong phú. Trong khu rừng nhiệt đới xum xuê cá tính ấy nổi lên ba đại thụ: Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng và Tô Thùy Yên. Thơ họ hay, khỏi phải nói, đáng nói họ mở ra những con đường sáng tạo khác nhau, đưa thơ Việt cập nhật và cập… thế giới. Thanh Tâm Tuyền, như Trần Dần sau đó, đi hết mình về phía (chủ nghĩa) hiện đại. Bùi Giáng, cũng như Lê Đạt sau đó, đặt một chân vào hậu hiện đại. Còn Tô Thùy Yên, rẽ ngang vào một hiện đại khác, hiện - đại - cổ - điển.

Sau vụ Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc tháng 9/1949, thơ kháng chiến dần đi vào chính thống hóa. Trong khi đó, ở các thành phố tạm chiếm, nhất là Hà Nội, thơ ít nhiều vẫn phát triển theo quy luật tự nhiên, nội tại của nó. Các nhà thơ trẻ ấp ủ nhiều sáng tạo mới. Bởi vậy, sau 1954, khi các lực lượng sáng tác này “hành phương Nam”, họ đã bứt thoát khỏi mỹ học tiền chiến, Thơ Mới và tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn. Tạp chí Sáng tạo ra đời vừa là một tuyên ngôn lý thuyết vừa là một thực hành sáng tác, đồng thời cũng là nơi hội tụ các văn nghệ sĩ cách tân. Trong quán văn này có một thành viên độc đáo là Tô Thùy Yên. Ông là người trẻ nhất, sinh 1938, và là người miền Nam (Gò Vấp, Gia Định) duy nhất. Và, sau này, số phận sẽ biến ông trở thành một nhà thơ Việt Nam nhất.

Bấy giờ thơ tự do nổi lên như một thể thơ mang tính hệ hình. Nó chứa đựng toàn bộ các quan niệm thẩm mỹ mới của chủ nghĩa hiện đại. Các nhà thơ của/ trên Sáng tạo hầu như ai cũng làm thơ tự do. Dẫu rằng, ngay từ khi mới ra đời, thơ tự do đã gặp phải những phản ứng (như trường hợp Nguyễn Đình Thi) hoặc xa cách (như trường hợp Thanh Tâm Tuyền). Nhưng, điều đó hẳn chỉ mài sắc thêm ngòi bút của các nhà sáng tạo. Rồi, từ 1963, khi miền Nam rơi vào tình trạng bất ổn, các nhà thơ quan tâm nhiều hơn đến thân phận con người. Các đề tài vĩnh cửu như chiến tranh, hòa bình, tình yêu, số phận lại thêm một lần nữa được nhìn nhận dưới những cảm quan triết học mới: cấu trúc luận, hiện tượng học, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng học hiện sinh… Vấn đề cách tân thể loại sôi nổi hào hứng của giai đoạn trước, trong đó có thơ tự do, vì thế, lui vào hậu trường. Hơn nữa, thơ tự do, sau những thành công chói sáng của Thanh Tâm Tuyền, đã chinh phục được mỹ cảm bạn đọc và dần dần mất tính tiền phong, trở lại là một thể thơ như bao nhiêu thể thơ quen thuộc khác của thơ Việt Nam.

Cũng như các nhà thơ thành viên sáng lập của Sáng tạo, Tô Thùy Yên, cũng làm thơ tự do. Nhưng bài thơ thành công nhất của ông được giới thiệu đầu tiên trên Sáng tạo hóa ra lại là một bài thơ 7 chữ: Cánh đồng con ngựa chuyến tàu (4 - 1956).

Trên cánh đồng hoang thuần một mầu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau,
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu,
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt,
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.


Hẳn vì để mô phỏng cuộc rượt đuổi liên tục, khốc liệt của con ngựa với chuyến tàu, nên Tô Thùy Yên đã không phân khổ bài thơ này. Và, nếu phân thì sẽ được 4 khổ, ba khổ 4 câu, một khổ 3 câu, theo Du Tử Lê là 4-4-4-3, còn tôi thì 3-4-4-4. Có lẽ, cách phân khổ của Du Tử Lê là theo ý tưởng, còn của tôi theo cấu trúc vần điệu. Như vậy, Cánh đồng con ngựa chuyến tàu, xét về mặt thể thơ, hoàn nguyên là một bài Thơ Mới. Có điều thể thơ thất ngôn tự do này thuở. Thơ Mới là thể loại, tức hình thức của nội dung, thậm chí mang tính hệ hình, còn bây giờ, ở Tô Thùy Yên, lại chỉ còn là thể thơ thuần túy, một thứ hình thức của hình thức. Sử dụng một thể cũ của thơ tiền hiện đại, có thể Tô Thùy Yên không phải chịu gánh nặng thành công của Thơ Mới, không hề quyết chí “chôn tiền chiến” như các thi hữu của ông. Cũng có thể ông còn quá trẻ để có đủ thời gian “ngấm” Thơ Mới đến mức trở thành trói buộc. Cũng có thể trời nước mang mang đồng bằng sông Cửu Long, một mặt đủ sức làm loãng tan những suy tư vón cục, mặt khác không sợ khuôn mình vào những khung khổ hạn hẹp. Hay đơn giản chỉ vì thể thơ bảy chữ phù hợp với điệu tâm hồn Tô Thùy Yên.

Tuy nhiên, tinh thần thời đại bao giờ cũng là một nét đậm của tâm hồn Tô Thùy Yên. Thơ thất ngôn tự do của ông, vì thế, trên hết có một nhịp điệu mới. Thứ nhịp điệu mà thơ tự do nhắm tới. Đó là nhịp điệu gấp gáp của đô thị hiện đại, nhịp điệu mới, mới nữa, mới mãi của tư duy, nhịp điệu của những sinh thể tự nhiên rượt đuổi những máy móc nhân tạo, như con ngựa đuổi theo chuyến tàu. Thay vì nhịp điệu đều đặn 4/3 và vần bằng ở cuối câu 2 và câu 4, hoặc câu 1, 2, 4 (“Sóng gợn tràng giang/ buồn điệp điệp, Con thuyền xuôi mái/ nước song song, Thuyền về nước lại,/ sầu trăm ngả, Củi một cành khô/ lạc mấy dòng” - Huy Cận, Tràng Giang. Hoặc “Mỗi lần nắng mới/ hắt bên song, Xao xác gà trưa/ gáy não nùng, Lòng rượi buồn theo/ thời dĩ vãng, Chập chờn sống lại/ những ngày không” - Lưu Trọng Lư, Nắng Mới) của Thơ Mới là một nhịp điệu khác, đa dạng hơn, dồn dập hơn, gắn với hơi thở của sự sống hơn, như nhịp 3/2/2 (“Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu”, “Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau”, “Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu”), nhịp 2/5 (“Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt”, “Ngựa ngã/ lăn mình mướt như cỏ”), thậm chí nhịp 2/1/4 (“Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết”).

Thi tài Tô Thùy Yên, tuy vậy, không phải ở sự biến điệu, điều mà nhiều người cũng làm được, mà ở sáng tạo chữ, điều chỉ Trần Dần, Lê Đạt mới làm được, và đấy cũng là lý do để ông chọn thơ bảy chữ. Thơ tiền hiện đại/ Thơ Mới chủ yếu là sáng tạo cú pháp theo hướng văn xuôi hóa, nên nghĩa đi trước chữ, có ý tưởng, có tứ thơ rồi mới đi tìm ngôn ngữ để biểu đạt, còn lâu đài thơ hiện đại được xây cất trên chữ, chữ đi trước nghĩa. Trần Dần cưỡng ép chữ cả trên cạnh khía thị giác lẫn âm thanh để chữ làm ra nghĩa mới, nghĩa trinh nguyên, nghĩa trường hợp. Lê Đạt “nhể” chữ ra khỏi dòng ngữ lưu văn phạm tiêu dùng, rồi “cấy” vào đó những chữ tương tự âm, tương tự nghĩa để người đọc thoạt tiên tưởng đó là lỗi/ nhịu lời/ ngọng nói mà khôi phục lại nguyên bản, bản đúng. Nhưng rồi anh ta dần nhận ra đó không là lỗi phong cách mà là ý đồ của thi nhân và nó cũng có nghĩa, thậm chí nghĩa rộng/ mới/ khác. Thế là trong tâm tưởng anh ta chữ ấy, câu ấy cùng lúc phát ra nhiều nghĩa. Và, trong cái vùng mù mờ chữ - nghĩa - nghĩa - chữ này, anh ta được tự do lựa chọn cho mình một/ nhiều nghĩa phù hợp. Sáng tạo chữ của Trần Dần, nhất là ở mặt thị - giác - chữ, chủ yếu trên thơ tự do, còn của Lê Đạt ở thơ tứ tuyệt, nhưng rồi cả hai đều gặp nhau ở loại thơ ngắn, cực ngắn, như mini (Dần), hai kâu (Đạt). Tô Thùy Yên cũng đã từng thành công ở thơ tự do (Chiều trên phá Tam Giang), ở thơ văn xuôi (Lễ tấn phong tình yêu), nhưng chỉ ở thơ bảy chữ, về sau chia thành các khổ móc - nối - độc - lập nhau có thể kéo dài, về mặt lý thuyết, đến vô tận, mới mang lại cho thi nhân thành công tột bậc, những sáng tạo riêng biệt, những tập đại thành (Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, Tưởng tượng ta về nơi bản trạch, Em nhỏ, làm chi chim biển bắc, Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai, Góa phụ, Vườn hạ, Anh hùng tận, Qua sông, Trường Sa hành, Tàu đêm, Ta về...). Bị giam nhốt trong một giới hạn chữ, thi nhân mới thể hiện được nội lực thâm hậu của mình trong việc làm mới chữ/ chữ mới để tạo ra nghĩa mới, nghĩa siêu/ siêu nghĩa. Như con tằm, cái tôi sáng tạo của thi nhân tự xây kén/ “bế quan”, để rồi sau đó lại phá kén/ “xuất quan” thành con bướm tự do bay lượn và rực rỡ sắc màu.

Lấy chữ làm tính thứ nhất, làm thơ với các thi nhân hiện đại chủ nghĩa là làm chữ, “công tác chữ” (Trần Dần), “phu chữ” (Lê Đạt). Sáng tạo của Tô Thùy Yên, bởi vậy, chủ yếu ở địa hạt từ pháp. Cũng như sự đoạt thai hoán cốt thể thơ bảy chữ của Thơ Mới, Tô Thùy Yên trước hết làm mới lại các từ cũ, quen dùng/ dùng quen đến nhờn mòn. Có nhiều thủ pháp để lạ hóa từ ở thơ Tô trong đó quan trọng nhất là phép đảo ngữ. Như trong bài “Con vỏi con voi cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước...”, trật tự từ tiếng Việt, theo cố Cả L. Cadière, là cái gì nhìn thấy trước nói trước, diễn ra trước nói trước, cái gì diễn ra sau nói sau, cái thực thể nói trước, cái tính chất nói sau, nên động từ bao giờ cũng đi trước trạng từ, danh từ đi trước tính từ/ ngữ. Vậy mà, trong nhiều trường hợp, Tô Thùy Yên đã làm ngược lại:

- Mùa đông bắc, gió miên man thổi
- Vầng khói chim đen thảng thốt quần hoặc:
- Cửa thần phù dựng trường sơn sóng
Mỗi ngọn xô chìm một giấc mơ
hoặc:
- Những người thuở trước như là mộng
Diễm tuyệt dung nhan thảo mộc sầu


Các đảo ngữ miên man thổi, thảng thốt quần, trường sơn sóng, diễm tuyệt dung nhan, thảo mộc sầu chống lại sự trờn mòn dễ rơi vào tự động, lưu giữ sự chú ý của người đọc, đồng thời nhấn mạnh, dành sự quan trọng cho các định ngữ đứng trước như miên man, thảng thốt, trường sơn, diễm tuyệt... Từ đó biến trạng thái, cảnh tượng của sự vật trở thành tâm trạng, tâm cảnh của con người. Đặc biệt, trường sơn sóng vừa tạo dựng một hình ảnh sóng to gió lớn, thậm chí sóng thần do sự liên tưởng chữ thần phù ở trước đó. Nhưng nó cũng gợi nhắc đến hai địa danh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam: một cửa (sông) Đáy/ Thần Phù với câu ca dao “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”, hoặc câu chuyện Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, dẫn binh thuyền qua cửa sông này gặp sóng to gió lớn phải hiến cung nữ của mình cho Long Vương mới được yên; hai Trường Sơn, dãy núi xương sống của đất nước, chạy dài từ Bắc vào Nam, với những đỉnh trùng điệp, cao ngất. Đưa núi ra biển, biến Trường Sơn núi thành trường sơn sóng, Tô Thùy Yên đã tạo ra biểu tượng hiểm ác của cuộc đời “Mỗi ngọn xô chìm một giấc mơ”, thâm uy, vĩnh cửu của vũ trụ tương phản với sự mỏng manh của kiếp người.

Tô Thùy Yên cũng còn hay dùng liên tiếp hai động từ, vừa chỉ những hành động kế tục nhau, vừa chỉ các hành động nhân quả:

- Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn
- Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
- Mỗi ngọn xô chìm một giấc mơ

Hoặc sử dụng thần tình nhiều từ láy, đặc biệt là láy điệp từ:

- Trống trải hồn ta cơn gió rã
Tiếng
tàn tàn rụng suốt mênh mông
- Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai
cựa cựa nhanh
Mầm cỏ
ngoi ngoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh


Hoặc găm những từ Hán Việt trang trọng, đài các vào những từ thuần Việt sống động, dân dã để tạo nên cảm giác hỗn độn:

Biển tù hãm dẫy, vô phương thoát
Quẳng bờ những xác sóng
mưu toan
Để đổi lấy một hạn kỳ tạm ngụ
            (Hành giả âu sầu)

Nhưng, có lẽ, đặc sắc nhất trong ngôn - ngữ - Tô - Thùy - Yên là sáng tạo từ mới, rất nhiều từ mới như: ngổn ngang câm, bất an già, án tử hình treo, lãng quên xanh, nỗi sầu vô dạng, u hoài mốc, gió hao đuối, rợp hải hà, réo đuối, nhớ hư hoài... Trong bài Trường Sa hành, nói về khoảng cách “nhớ không tới” từ đảo về đất liền, sự ngăn cách cô đơn của những người lính đảo, Tô Thùy Yên viết:

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở dùm ta
khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Khoảng cách thì bao giờ cũng rỗng, vì thế người ta có thể gia tăng hoặc thu hẹp khoảng cách. Nhưng, khoảng cách đặc là sự lắp ghép hai từ nghịch nghĩa, trở thành nghịch lý, khiến nó nói được sự ngăn cách ghê gớm giữa đảo và đất liền, cũng như sự cô đơn đặc quánh trong tâm hồn lính đảo. Hoặc trong bài Mòn gót chân sương nắng tháng năm Tô Thùy Yên viết:

Thăm hỏi con chim màu sặc sỡ
Lời ca u uất giấu nơi đâu
Con chim thoát xác thành cơn mộng
Bay liệng dài trên
trí nhớ không

Trí nhớ không không phải là không có trí nhớ, mà là một trí nhớ không còn gì làm nó bận tâm nữa nên rất nhớ, giống như bầu trời quang mây, sáng sủa nên dễ in một bóng chim qua, giống như người vô ý không phải là không có ý, mà là không để cho những ý khác, ý có trước/ định kiến cản trở tư duy.

Ngoài ra, Tô Thùy Yên còn sử dụng rất nhiều từ trắc, như vần trắc trong một khổ thơ, đặc biệt rất nhiều câu thơ chữ thứ 5 theo luật thơ 7 chữ là vần bằng cũng được thi nhân trắc hóa. Hơn nữa, Tô Thùy Yên còn dùng liên tiếp 3 chữ trắc trong một câu đã có đến 5 chữ trắc, như “Cát vùi cả xương trắng lưu dấu”, “Cỏ cây sống chết há ta thán”, hoặc “Nghe tiếng mõ chùa khô khốc khóc”. Điều này, trúc trắc hóa câu thơ, làm đứt đoạn quán tính suy nghĩ, phá vỡ sự êm đềm xuôi dòng của Thơ Mới với tư duy liên tục. Hơn nữa, việc dùng liên tiếp 3 vẫn kh/ khô khốc khóc và đảo ngữ khiến cho người đọc có thể hiểu theo nhiều nghĩa: tiếng mõ khô khốc/ khóc khô khốc...

Mặc dù có nhiều sự vi phạm từ pháp và cú pháp tiêu dùng như vậy, thơ Tô Thùy Yên không bị cố ý, nhân tạo như Trần Dần, Lê Đạt, mà vẫn đạt đến một thần thái tự nhiên, “xuất khẩu thành thi”, như thơ Nguyễn Bính. Nhưng, đó không phải là thứ tự nhiên nhi nhiên của Nguyễn Bính hoặc của ca dao tục ngữ, mà là thứ tự nhiên, như thơ Đào Tiềm, do gọt rũa mà thành. “Một tác giả vô thượng thừa, theo ý tôi [Tô Thùy Yên], chẳng bao giờ để lộ hình tích tuyệt tử công phu của mình khi thi triển tài năng trong tác phẩm”. Nhưng khác với thơ Đào Tiềm tự nhiên mà bình dị, thơ Tô Thùy Yên tự nhiên mà không bình dị. Bởi, chất người ông một phần, phần khác tính hiện đại, đúng hơn chủ nghĩa hiện đại.

Ở miền Nam trong giai đoạn 1954 - 1975, văn học lại trở lại tình trạng liên thông với thế giới, như cả nước trước 1945. Bởi vậy, những trào lưu triết mỹ của thế giới, chủ yếu của phương Tây, như cấu trúc luận, hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng học hiện sinh... được tầng lớp trí thức cập nhật qua các trường đại học, báo chí và dịch phẩm... Với tư cách trí thức, Tô Thùy Yên hẳn phải tiếp nhận các lý thuyết này. Nhưng, với tư cách nhà thơ, hẳn ông muốn vượt thoát chúng, nhất là trong thực hành thơ. Thanh Tâm Tuyền trong Một bài thơ đã viết: “không đa đa siêu thực/ thẳng thắn/ khởi từ ca dao sang tự do”. Thi nhân ngụ ý rằng mình không hề chịu, đúng hơn đã vượt qua, ảnh hưởng của các trào lưu văn học thế giới, nên mới có thể đi một lèo từ truyền thống (ca dao) đến hiện đại (thơ tự do). Hành trình đến với thơ hiện đại của Thanh Tâm Tuyền đã thành công rực rỡ. Có điều ngôn ngữ Thanh Tâm Tuyền ít nhiều hướng ngoại, tiếng nói cứ phóng ra, như đã nói xong. Còn ngôn ngữ Tô Thùy Yên thì ngược lại, hướng nội, đi vào tâm thức, đa nghĩa, khêu gợi. Ở Thanh Tâm Tuyền, vì thế, vẫn còn âm hưởng của phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, còn ở Tô Thùy Yên thì chỉ thấy dấu ấn của khảo cổ học tri thức Đông phương, thậm chí thuần Việt Nam. Như vậy, những cách tân ngôn ngữ thơ Tô Thùy Yên mang tính lưỡng trị, vừa đi vào tương lai vừa đi về quá khứ, vừa đi ra thế giới vừa đi vào dân tộc, tạo ra một cái nhìn thế giới mới.

Một cái nhìn thế giới mới dường như bao giờ cũng do một triết thuyết nào đó đưa lại. Nhưng, ở Tô Thùy Yên, người ta không thấy rõ nét hình bóng một nhà triết học Tây phương thời thượng, hay nhà triết gia Đông phương cổ đại nào, mà chỉ thấy một nỗi ám ảnh siêu hình, một di sản của tư tưởng hiện đại, nổi lên như là một nét đậm, một nhịp mạnh. Đó là sự băn khoăn của phận người hữu hạn, cảm thấy mình nhỏ bé (“Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi”) trước một vũ trụ bí ẩn, vô biên. Thi nhân không thôi tra vấn cái vũ trụ đó dưới những tên gọi khác nhau được viết hoa, như Thầm Lặng Lớn (“Nghĩ tới bao điều Thầm Lặng Lớn/ Mà trí ta không đủ lực đo lường”), Hiu Quạnh Lớn (“Ta hỏi han, hề, hiu quạnh lớn/ Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ”), Vô Biên (“Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng”), Ngôi Nhà Lớn (“Ngày kia trở lại Ngôi Nhà Lớn/ Lòng những bằng lòng một kiếp chơi”)…

Thực ra, cái khắc khoải siêu hình này hiếm có ở thơ trung đại, vì thi nhân còn đứng chân vững chắc trên cái ta, còn ở Thơ Mới ít thôi vì nó mải chú ý đến cái xã hội, cái lịch sử. Nhưng, cả thơ trung đại lẫn Thơ Mới nói đến vũ trụ như một đối tượng bên ngoài con người, ở tầm vĩ mô, còn ở thơ Tô Thùy Yên thì vũ trụ ở ngay trong mỗi cành cây ngọn cỏ, hòn đá, dòng suối, ngôi nhà… Mà các vũ trụ ấy thì lại ở trong thi nhân. Bởi vậy, dường như ở đâu thi nhân cũng thấy những chuyển động âm thầm mà bền bỉ của vũ trụ, như “Trời đất bào thai cựa cựa nhanh/ Mầm cỏ nhoi nhoi lên rạo rực”, “Hàng cây đứng bóng ôm tròn gốc/ Đất ẩm vương hương, cỏ trổ màu”, “Cây cỗi càng sưng vết chặt lồi”, “Cây rách sâu thâm chắt giọt lòng”... Cái nhìn của thi nhân như lặn sâu vào lòng sự vật để “Truy tìm mê mỏi lý nguyên sơ”. Bởi thế, những băn khoăn siêu hình ở ông đã trở thành trước một cái nhìn thế giới, và sau một cái nhìn nghệ thuật. Triết học Tô Thùy Yên, vì vậy, trở thành triết học đời thường.

Việt Nam cổ truyền vốn không có truyền thống triết học duy niệm như ở phương Tây. Cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Đông Tây đã sản sinh ra triết gia Trần Đức Thảo, một cô sơn cho đến nay có lẽ còn là duy nhất ở Việt Nam. Tuy vậy, nếu triết Thảo suy nghĩ bằng một đầu óc tư biện, làm việc với khái niệm để đẻ ra khái niệm, thì triết Yên nghĩ suy bằng toàn bộ tâm hồn và thân thể, bằng cảm xúc trí tuệ. Triết Tô Thùy Yên, vì vậy trở thành triết - thơ. Và thơ Tô Thùy Yên trở thành thơ - triết. Thi triết Tô Thùy Yên đã hướng những băn khoăn siêu hình của ông từ vũ trụ trở về mặt đất, về với cuộc sống, trở thành đạo sống. Cuộc sống với người Việt, chẳng biết tự bao giờ, đã trở thành đạo, đạo sống. Trước hết đó là sự tôn thờ sự sống, mà biểu hiện đầu tiên là sùng bái sự sinh sôi nảy nở ở tín ngưỡng phồn thực. Có phải những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, của hoàn cảnh xã hội, của lịch sử khiến cho cái tín ngưỡng tôn thờ sự sinh đẻ này, một mặt còn duy trì cho đến thời hiện đại, mặt khác dễ chuyển sang tôn thờ sự sống sót, sự tồn tại, tồn sinh. Trên cơ sở đó, nảy ra nhiều triết lý sống, tích cực có, tiêu cực có. Từ thái độ “trông nhiều bề” của ca dao, “chơi xỏ” kẻ mạnh bằng mẹo vặt của Trạng Quỳnh, thay thân đổi phận bằng hoang tưởng của Trạng Lợn, Xuân Tóc Đỏ đến thái độ thực tế, thậm chí thực dụng sát đất. Hẳn vì thế mà Việt Nam từ lâu đã trở thành một nước thơ/ thi quốc. Một cuộc sống thứ hai của người Việt như một bù trừ. Và, thơ ca, vì thế cũng mang tính lưỡng trị, vừa yêu đời vừa than thở về cuộc đời, vừa giáo huấn vừa mộng tưởng.

Tiếp tục đạo sống của cha ông, nhưng Tô Thùy Yên đặt lại vấn đề sống. Đó là một sống có ý thức của con người cá nhân. Nhận thức được tất cả sự hữu hạn, nhỏ nhoi, thoáng chốc của phận người, nhưng không phải để buông tay, cúi đầu, mà để thêm trân quý cái sống có một lần ấy bằng một sống thức. Một mặt, ông thấy “Hữu hạn nào chẳng tủi nhỏ nhoi”, mặt khác ông lại thấy “Ta lớn lao và ta cô đơn”. Từ nhận thức trên, Tô Thùy Yên biểu dương con người:

Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than một kiếp người
Hy hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.


Nhưng sống trong một thời buổi chia rẽ, nhiều ngã ba ngã bảy, con người không biết nên chọn một ngã nào. “Đến ngã ba đành theo một lối/ Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia”. Khác với người chinh phu của Thế Lữ, khách giang hồ của Nguyễn Bính, những người thấy trước mặt mình một con đường, còn Tô Thùy Yên thì thấy trước mặt mình nhiều đường đi, mà con đường nào cũng cần/ phải/ đáng đi. Hẳn vì thế mà Tô Thùy Yên đã không chọn đường mà để cho đường chọn. Ông chỉ chọn cho mình một lối sống, một cách thế ở đời có thể tương ứng với mọi con đường. Đó là trở thành một đãng tử. Một lối sống thi sĩ, như triết gia Heidegger nói: Con người, sống trên đời, như một thi sĩ.

Đãng tử là người sống cùng, sống với cuộc đời, nhưng lại luôn giữ được một khoảng cách với cuộc đời, để quan sát nó như một kẻ ngoại cuộc. Hai vị thế này, một của người tham dự, một của kẻ đứng ngoài, hay đúng hơn, với Tô Thùy Yên, tham dự mà vẫn đứng ngoài, đứng ngoài mà vẫn tham dự, tạo ra một lối sống tự do, không ràng buộc, tự do khỏi chính mình nhằm đạt tới tự do để là mình.

Nhưng suy nghĩa sâu sắc hơn, mang tính siêu hình, tính vũ trụ khi Tô Thùy Yên đến đảo Trường Sa.

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốn quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya,
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây đỏ thảm thê

Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức, âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền ta gọi nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên

Ôi! lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.


Ngày xưa, nói về nỗi khổ của con người, Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm đã dùng thiên nhiên để đặc tả: “Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”. Nghĩa là nỗi đau khổ của con người lan sang cả thiên nhiên. Còn thiên nhiên hoang sơ, dữ dội ở đảo Trường Sa lại làm cho con người phong trần, tang thương. Nhưng cả con người và cây cỏ đều dũng cảm chống lại sự hoang hóa đó. Nhưng, quan trọng hơn, Tô Thùy Yên đã suy nghĩ rất nhiều và rất sâu về lẽ tồn sinh của vạn vật qua một trường hợp cụ thể, một mảnh của vũ trụ nhân sinh.

Tô Thùy Yên là như vậy. Một con người hành động trong suy nghĩ và suy nghĩ trong hành động. Chẳng thế mà sống một cuộc đời động, ông luôn luôn mơ về một cuộc sống tĩnh ở quê hương (Bao giờ trở lại nơi bản trạch), nơi có mảnh vườn tuổi thơ cất dấu những kỷ niệm về tình yêu, những bí sử của cuộc đời mình (Vườn hạ), nơi có gian nhà cỏ giữa vòm cây xanh, bên cạnh dòng sông “vô tư, hiền triết” và những người hàng xóm chất phác, nơi có thể rũ sạch được bụi đời, giải hết mọi chuyện để cuộc sống một lần nữa được ra đời:

Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang, thế sự nhòa
Trận lốc cười tròn trên quá vãng
Ta làm lại cả tâm hồn ta.


Chất Việt Nam, một thứ rất khó nắm bắt, không chỉ ở, như có người nói, cảnh sắc miền Nam, suy tưởng siêu hình miền Trung và ngôn ngữ điêu luyện miền Bắc, mà trong sâu thẳm hồn ông có một cái Việt Nam. Đó phải chăng là ngưỡng văn hóa của dân tộc. Thơ Tô Thùy Yên với thể thơ quen thuộc, có vần điệu, vừa là thơ đọc vừa là thơ nghe đọc đã đi tới chân trời đón đợi của người đọc, đồng thời cũng mở ra một chân trời khác đang vẫy gọi. Nhờ thế, Tô Thùy Yên đã đưa thơ về với mọi người. “Thế kỷ mà chúng ta đang sống đây càng lúc càng biểu lộ một hiện tượng tách biệt trầm trọng lạ lùng giữa thơ và đời sống. Tách biệt đến mức tưởng chừng thơ bây giờ đã trở thành một công việc riêng tư hết sức chuyên môn trong một hội kín giữa những người làm thơ với nhau thôi”. Từ nhận thức trên, Tô Thùy Yên cho rằng “Nếu lịch sử là nỗ lực mô tả những diễn biến cụ thể của tác giả thì thơ, một cách khái quát, là lịch sử trừu tượng của tác giả, là phần hồn thiêng của lịch sử”1.

Thơ Tô Thùy Yên, là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa cảm xúc và tư tưởng, giữa cõi nhìn thấy và cõi không nhìn thấy. Trong thời đại của những đối lập, của tư duy nhị nguyên biện biệt, của nguyên lý loại trừ hoặc là hoặc là, thi nhân đã dạo bước trên mép rìa của núi cao và vực sâu, lựa chọn lối tư duy nhất nguyên và nguyên lý bổ xung vừa là vừa là. Nhờ thế, thơ Tô Thùy Yên đã đạt đến sự hài hòa ở cả vi - mô - chữ lẫn vĩ - mô - thế - giới - nghệ - thuật. Do vậy, thơ Tô Thùy Yên là cổ điển. Nhưng không phải thứ cổ điển chủ nghĩa bị đóng đinh vào quy phạm, mà là nguyên lý cổ điển trong thế đối sánh với nguyên lý lãng mạn, Platon Tô Thùy Yên đối sánh với Dionisos Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng. Cổ điển như vậy là thứ cổ - điển - hiện - đại. Mỗi thời đại mới đến, người ta lại thấy tinh thần thời đại của mình ở thơ Tô Thùy Yên. Bởi vậy, về Tô Thùy Yên, có thể mượn câu nói của Picasso, Tôi không tiến đi đâu cả, tôi là hiện tại.

Hà Nội, 23/12/2014
Đ.L.T  
(TCSH364/06-2019)

---------------
1. Bài nói chuyện của Tô Thùy Yên trong buổi ra mắt Thơ Tuyển tại Houston, 9/3/1996.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sự đọc lại (25/06/2019)
Xoài xanh (17/05/2019)