Tác giả-tác phẩm
Đọc "Phan Bội Châu toàn tập"
16:14 | 23/09/2019

(Một đôi chỗ cần lưu ý)

CHU TRỌNG HUYẾN

Đọc "Phan Bội Châu toàn tập"
Ảnh: internet

Phan Bội Châu (1867-1940), con người mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với một giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp của dân tộc Việt nam đầu thế kỷ 20. Không ít người thuộc thơ phú của ông, tàng trữ ít nhiều trước tác của ông và nhiều người muốn sưu tập được càng nhiều càng tốt những di thảo của ông. "Phan Bội Châu toàn tập" do Chương Thâu sưu tập biên soạn, Trần Văn Giàu viết giới thiệu và Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành (1990), trước tiên phù hợp với lòng mong muốn của nhiều lớp người như vậy.

Với tấm lòng tôn quý nhà cách mạng và nhà văn Phan Bội Châu và với tấm lòng trân trọng công trình sưu tập biên soạn này, nhân khi đọc, bước đầu, chúng tôi thấy có đôi điểm sau đây muốn trao đổi với soạn giả.

Toàn tập đã đưa các tác phẩm thành văn (vốn đã được công bố) vào các tập: 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10: Về văn bản học, phần này đã đi vào ổn định. Các tập 4, 5, 6 chủ yếu là câu đối, thơ, phú, bài luận thuyết của Phan Bội Châu, mới sưu tập được từ năm 1945 lại nay. Ở cả hai phần, đều đã được soạn giả làm việc công phu, tuy nhiên, cũng có đôi chỗ cần lưu ý thêm.

Ví ở tập 1 (tr. 236), bài "Qua đò Lách" là bài thơ được góp nhặt và lưu truyền một cách tản mát ở Nghệ Tĩnh mà chưa thật rõ là của ai. Soạn giả có chú thích là Ninh Viết Giao cho rằng đó là thơ bà Tú Ý. Bài có những câu:

"Trông lên Hồng Lĩnh mây tuôn ngược,
Ngó xuống Lam Giang nước chảy xuôi
"

Chỉ tâm trạng của một con người bị mất mát, chán đời. Rồi tiếp đến:

"Còn trời, còn đất, còn vũ trụ
Còn vua, còn chúa hãy còn tôi"
.

Câu trước là một lời triết lý dễ dãi. Câu sau là một niềm tin mù quáng. Tất cả đều không phù hợp với tư tưởng của Phan Bội Châu. Nhất là, bài thơ có ghi thời gian xuất xứ là 1905, cái thời điểm Phan Bội Châu đang hăm hở:

"Nguyễn trục trường phong Đông Hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi
"

Chỉ vì muốn:

"Nắm địa cầu vừa một tý con con
Đạp toang hai cái cánh càn khôn
"

(Bài: "Chơi xuân", cùng trang, cùng tập)

Vậy, thêm bài "Qua đò Lách", một tiếng nói lạc điệu so với thơ Phan Bội Châu hồi 1905. Kể cả những bài chưa đủ cơ sở để nói là của Phan Bội Châu như "Từ biệt thân hữu" (trang 231, T1) thì cũng không nên đưa vào. Người phản biện có thể khẳng định, đây không phải là lời Phan Bội Châu. Vì, "Phong vi vi hề chấp quân quyết" tức "Gió thổi hiu hiu vậy ôi! tay nắm lấy chéo áo bạn". Ra đi với lòng ước mong có sự nghiệp lớn như Phan Bội Châu mà lại cứ "Chấp quân quyết" mãi thì đi làm sao được? Sao lại gán cái bịn rịn ấy cho Phan Bội Châu, con người đang mong "nắm địa cầu vừa một tý con con" lúc này!

Phải chăng, ở đôi chỗ, Toàn tập còn thiếu đi cái tinh. Về kịch bản "Truyện Trưng Nữ Vương diễn tuồng" (trang 23 T3) thì ở Nghệ Tĩnh trước đây nhất là Nam Đàn, Hưng Nguyên, nhiều người đã thuộc lòng với tên gọi là "Tuồng Trưng Trắc" mà tên gọi này nghe cũng nghệ thuật hơn. Các độc giả, khán giả ấy rất tôn kính Phan Bội Châu, thuộc nhiều thơ của ông, coi ông là "thánh" nhưng họ đã lưu diễn "Tuồng Trưng Trắc” với sự ghi nhận đó là kịch bản do Vương Thúc Lương, người làng Sen, Nam Đàn viết. Sau này họ mới nghe nhiều nhà nghiên cứu văn học nói thêm rằng, kịch bản ấy có được Phan Bội Châu nhuận sắc. Về lai lịch tác phẩm và tác giả kịch bản "Tuồng Trưng Trắc" ta phân định như vậy là thỏa đáng thế nhưng trong toàn tập, soạn giả không có phần lai lịch tác phẩm, nên cũng không nhắc gì đến Vương Thúc Lương cả.

Đáng chú ý hơn, ở các tập 4, 5, 6 là những tập ghi chép về câu đối, thơ phú về các bài xã thuyết của Phan Bội Châu trong 15 năm ở Bến Ngự (Huế). Bởi toàn cảnh sống và tuổi tác của tác giả như ta đã biết, chúng tôi thấy việc đưa vào toàn tập phần sáng tác của ông trong thời gian này cũng cần có sự chọn lọc thỏa đáng.

Câu đối (tr. 432, T6) sau đây:

"Trùng tuyền hạ đối án hàn huyên cầm sắt hữu thanh giai quốc tháo
Trấp tải dư ngã thế huynh vị nhi tiều tụy vô mộng bất thăng nhai
".

Ghi là "Điếu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc” thì cần phải xem lại. Về nội dung, chí hướng, ông Phan và ông Nguyễn không phải là bạn "cầm sắt hữu thanh". Trong "Trấp tải dư", cả hai đều chẳng phải là "tiều tụy vô mộng". Phan Bội Châu hẳn đã không nghĩ như vậy. Về lời thì hai câu đối trên, nhiều chỗ khổ độc và đối ngẫu không chỉnh như "đối án hàn huyên" mà đối với "ngã thế huynh vị" vừa không có nghĩa vừa sai luật bằng trắc, từ loại. Cũng như "Quốc tháo" là lòng tiết tháo vì đất nước mà đem đối với "thăng nhai" là bên bờ (?) thì thật là vô nghĩa.

Cũng ở trong tập này (tr. 433), câu đối điếu Đặng Chính Kỷ thì đúng là của Phan Bội Châu, nhưng toàn tập đã ghi:

"Phụ tử bất dữ mưu, thử sự dĩ tri nga phó hỏa;
Phù sinh hà túc tích, lân quân tuy tử báo lưu bì
" là không đúng.

Về văn chữ Hán, Phan Bội Châu không viết dễ dãi với ý "thử sự dĩ tri" (chuyện ấy đã biết) và "phù sinh hà túc tích" (cuộc phù sinh sao khá nhớ) rẻ rúng như vậy. Cũng có thể là sự phàn nàn nhưng đã là lời lẽ của Phan Bội Châu thì tâm huyết và nhuần nhuyễn. Văn của Phan, nhất là thơ chữ Hán và câu đối, khiến người đọc dễ thuộc và khi đọc đến là người ta có lúc phải đứng lên dù là nói đến những điều bất hạnh, vì ý thơ của ông rất sâu có sức lay động rất lớn.

Hai câu này nguyên là:

"Phụ tử nan dữ mưu, để cục tảo tri nga phó hỏa;
Phù sinh hà túc luyến, lân quân do tự báo lưu bì
"

nghĩa là: Trẻ con khó mà mưu nổi việc (lớn), rốt cuộc sớm biết (đó là) con thiêu thân lao vào lửa; Cuộc phù sinh sao mà tiếc nổi, thương anh còn là con báo (chết) để da.

(Tục ngữ Việt Nam: "Con báo chết để da; người ta chết để tiếng")

Đặng Chính Kỷ là học trò thân của Phan Bội Châu đã vào Bến Ngự sống với Phan một thời gian khi Phan mới về ở đó (khoảng 1925-1926). Sau đó Đặng về quê đi dạy học, hoạt động cách mạng rồi hy sinh vì cao trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh. Khi nghe tin Đặng mất Phan đã viết câu này vì đau xót thực lòng. Song, đó cũng là điều đau lòng của ta. Bởi Phan Bội Châu đã không đủ những thông tin để nhận thức đúng về phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh và tấm gương chiến đấu oanh liệt của người học trò của mình lúc này. Về sau, ông có hiểu ra và thay đổi nhận thức đối với phong trào cách mạng 1930-1931, tuy có muộn. Vậy thì những việc riêng lẻ nhất thời như câu đối nói trên không phản ánh được tư tưởng yêu nước, cách mạng nói chung của Phan Bội Châu do đó, không đưa nó vào toàn tập thì hơn. Nêu ra vài ví dụ như vậy, chúng tôi muốn nói phần sáng tác của Phan Bội Châu ở trong các tập 4, 5, 6 nếu sau này được in lại thì nên có sự chọn lọc thêm.

Cũng nhân đây, chúng tôi muốn đề cập đến việc đánh giá Phan Bội Châu qua "Lời giới thiệu" và "Nhận thức của người sưu tập, biên soạn" trong "Phan Bội Châu toàn tập".

Ở lời đề của "Lời giới thiệu" chỉ nên viết: Phan Bội Châu nhà cách mạng, nhà văn, nhà tư tưởng dân chủ của Việt Nam đầu thế kỷ 20 là đủ. Không nên thêm tính từ "yêu nước" sau chữ "nhà văn", cũng như không cần thêm trạng từ "lớn nhất" sau "nhà tư tưởng dân chủ". Vì đã là nhà cách mạng thì tất phải là yêu nước. Còn tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu thì chưa nên khẳng định là lớn nhất. Vì cách đề như thế có thể khiến người ta đặt câu hỏi Phan Bội Châu là nhà dân chủ lớn nhất thì ai là thứ nhì, ai là thứ ba? khi lịch sử chưa cho phép chúng ta đánh giá khẳng định. Cùng với Phan Bội Châu có Phan Chu Trinh, Đặng Thúc Hứa, Ngô Đức Kế... và, nếu như theo thời gian đã được tác giả khẳng định trong "lời giới thiệu" là khoảng 25 năm đầu thế kỷ, thì phải kể đến cả Nguyễn Ái Quốc.

Cũng như trong bài "Nhận thức của người sưu tập, biên soạn" ở trang 23 viết: "Phan bội Châu đã đặt nền móng cho cách mạng về sau (đoàn kết dân tộc, con người cách mạng...)". Nhận định như vậy trọn vẹn quá, lớn quá. Chỉ nên nói: Phan Bội Châu đã góp phần đặt nền móng cho cách mạng về sau. Như thế, dễ chấp nhận hơn. Không nên mở dấu đơn để nối thêm đặt nền móng về "con người cách mạng". Vì nói con người làm nền móng cho cách mạng sau này thì phải nói đến tư tưởng, ý thức hệ... Như vậy thì với nhận thức và hoàn cảnh của Phan Bội Châu làm sao ông ta đặt nổi "nền móng".

Ý nhỏ cuối cùng là vấn đề in chữ Hán. Khi nâng quyển 1 của toàn tập ai cũng có thêm điều mừng là thấy đằng sau có phần in chữ Hán. Nhưng từ tập 2 cho đến tập 10 thì không có phần chữ Hán như thế. Người đọc dễ hiểu là nếu in trọn phần chữ Hán thì công viết, công sắp chữ lớn, toàn tập dày thêm, tốn kém nhiều hơn mà kinh phí có hạn. Nhưng dẫu sao, người đọc vẫn muốn cả 10 tập đều có phần in chữ Hán. Hoặc giả, ở mỗi tập chọn in những câu bài chữ Hán cần đối chiếu.

Ngọc còn có vết, huống chi một bộ "Phan Bội Châu toàn tập", 10 quyển, ngót 4900 trang sách do từ nhiều văn bản nhiều địa phương (trong và ngoài nước) được tập hợp, ghi chép lại thì sao mà mười phần vẹn mười được. Chúng tôi chỉ là một người đọc sơ bộ góp phần điểm sách với tấm lòng mong khi toàn tập được in lại thì sẽ tốt hơn.

Xin ghi lại ở dòng cuối tấm lòng biết ơn đối với soạn giả Chương Thâu và Nhà xuất bản Thuận Hóa.

C.T.H
(TCSH47/05-1991)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sự đọc lại (25/06/2019)