PHẠM PHÚ PHONG
Trong bài thơ mở đầu cho tập thơ đầu tiên Cái lùng tung (2007) của Trần Văn Hội, anh có viết rằng: “có những điều anh chưa nói với em/ đó là sự lặng im trong thơ anh” (Đó là sự lặng im), không chỉ là dự cảm, là sự ướm thử mà là định mệnh, là thi mệnh thể hiện quan niệm nghệ thuật của tác giả, trở thành tuyên ngôn cho cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật, xuyên suốt cuộc đời và thơ ca Trần Văn Hội.
Trần Văn Hội làm thơ, viết báo từ thời phong trào sinh viên tranh đấu, khi anh đang là Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Viện Đại học Huế, hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, trong “nhóm Trương Văn Hoàng, Trần Văn Hội, Bửu Nam, Nguyễn Công Thắng… đã hình thành tập san văn nghệ Đất mới, cổ vũ xu hướng văn hóa văn nghệ dân tộc, hướng đến hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc.”(*) Là một thanh niên yêu nước, anh cũng đã gặp nhiều hoạn nạn trong cuộc đời, nhưng đã âm thầm chịu đựng và lặng lẽ vượt qua mọi gian lao thử thách để ngước nhìn cuộc đời thông qua sáng tạo thơ ca. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có lần nói đại ý rằng, con người phải có quyền được buồn, nhà thơ là người luôn sống trong ngôi nhà nỗi buồn của mình. Đời người, ai chẳng có nỗi buồn riêng. Thi nhân càng buồn hơn. Không buồn thì làm gì có thơ hay. Tôi không tin những người lúc nào gương mặt cũng hớn hở vui như tết mà lại làm được thơ, lại càng không thể có thơ hay. Những nỗi buồn, những khổ đau, những tự vấn, những phán xét, những thẩm định là những cái bắt buộc con người nhất thiết phải lớn lên và trung thực hơn, tự bóc dần cái giả dối, phải tự lọc dần cái ươn hèn, biết vượt qua cái cay đắng lắm lúc như một thứ định mệnh ập xuống đầu, tất cả những cái ấy cả khi thắng và khi thua, cả lúc được và lúc mất, nhìn một phương diện nào đó, trở nên quý giá xiết bao! Chính vì thế, những trải nghiệm về nỗi đau, những bầm dập rủi may lên rừng xuống biển, có cả những đỗ vỡ về niềm tin trong cuộc sống, không làm mất đi những cảm xúc ấm áp của tia nắng cuối ngày, mà ngược lại càng dồn nén, lắng lại, kết tủa thành những sinh thể nghệ thuật mà nội dung mang đậm đặc tâm trạng thế sự, có sức lay động tận đáy tâm hồn người đọc: “Bây giờ ở Huế mùa thu/ cũng đành lá rụng sương mù chưa em/ Nhặt giùm anh sợi tơ mềm/ chút hương hồ cạn ngó sen cuối mùa/ Trăm năm như thể trò đùa/ với em thơ dại đeo bùa trăng non/ Nhớ thăm cỏ rối dốc mòn/ gió từ thưở ấy gió còn mênh mông/ Một mình đừng bước qua sông/ lỡ khi bóng ngã giữa dòng ai hay/ Em về gió lạnh bàn tay/ dấu trong vạt áo ủ ngày nắng lên (Bây giờ ơ Huế).
Ở tập thơ thứ hai - tập Giấc mơ trôi dạt, Trần Văn Hội vẫn tiếp tục mạch cảm xúc về tâm trạng thế sự - đời tư ấy, nhưng cảm quan nghệ thuật sáng rõ hơn, thi pháp biểu hiện được quan tâm chăm sóc hơn, nhất là cách bung thả về cảm xúc, cách lựa chọn về ngôn từ, lối nói điềm đạm, lắng đọng, tất cả như được chắt lọc qua cả một cuộc đời từng trải, không ít sóng gió gian nan. Quê ở làng Chuồn, Phú Vang, nhưng anh trưởng thành ở Huế, nơi có dòng sông thơ mộng chảy qua, và ai đi xa cũng cứ muốn quay về. Chàng trai xứ sở của thi ca như anh cũng không là ngoại lệ. Anh phải sống tha hương nên luôn sống trong hoài niệm, lúc nào cũng mong muốn quay về, dường như từ trong vô thức/ tiềm thức những hình tượng sống động đã trở thành nỗi ám ảnh, thành niềm hữu thức, dẫu chỉ là vô tình chứ không phải là cố ý, anh vẫn thường hay nhắc đến dòng sông (18 lần), đến những giấc mơ (15 lần), đến mong muốn được trở về, trở lại (15 lần),… hoặc hay nói đến hồn quê, mùi quê, chốn cũ, người cũ, và không dưới mười lần anh hình dung ra bóng dáng mẹ già, người đã từng “rặn đẻ tôi trên một dòng sông/ từ đó/ mặt nước xô dạt tôi lên rừng/ xuống biển/ lặn lội kiếm tìm những giấc mơ/ mẹ dặn” (Từ một dòng sông). Đối với người mẹ, con mình bao giờ cũng bé bỏng, cho dù người con đã trưởng thành, đã đi qua bao núi bao đồi, uống nước bao dòng sông, tắm mình bao biển lạ. Không biết sóng biển nào, sông nào đã vỗ vào ký ức, hay chính chân sóng ở quê nhà qua bao mùa mưa nắng bãi bồi đã làm đầy thêm ký ức, để một người đàn ông đã bước vào tuổi bảy mươi như anh, vẫn trào dâng cảm xúc khi nhớ lại những kỷ niệm xưa như vẫn còn mới tinh khôi: “vào thời mạ tôi lấy chồng/ có con/ mạ chong ngọn đèn dầu/ thức đêm/ tỉ mẩn se từng sợi chỉ/ xanh/ đỏ/ cột đồng tiền xu/ đeo vào cổ tôi trừ tà ma/ và cầu mong con mình khôn lớn/ thành người (...)/ mạ nhìn tôi lớn lên/ ngày ham chơi/ đêm ngủ mớ/ mạ tỉnh giấc lần tìm lá bùa/ đồng tiền xu vuột mất/ mạ bần thần soi đèn từng ngõ ngách/ qua vùng đất chơi bi đánh đáo/ mày ở chỗ mô hỡi đồng xu sứt mẻ/ qua bãi đá banh bến tắm sông bụi cây trốn tìm/ mày ở chỗ mô hỡi đồng tiền xu xấu xí (…)/ những lúc trái gió/ trở trời/ mạ tôi sợ vu vơ khấn thầm trời đất/ thay đồng tiền xu làm phép/ mạ vạch vào trán tôi dấu chữ thập/ bôi đen muội khói đèn/ như một lời nhắc nhủ/ đứa con của mạ/ đừng bao giờ đi lạc giữa cuộc đời” (Đồng tiền xu của mạ). Tôi biết, cho dẫu từ lúc trưởng thành cho đến bây giờ đã bước về phía bên kia con dốc cuộc đời anh phải sống xa quê, nhưng nhờ tình yêu thương bao la trong phép màu nhiệm của người mẹ, anh không bao giờ đi lạc, anh ủ hơi ấm ấy đến bây giờ để truyền vào tao nôi cho cháu nội của mình: “Ông nhớ bốn tao nôi/ Tiếng đêm đưa thao thiết/ Câu hát ru bồi hồi/ Một đời thương da diết/ Rồi Bin sẽ lớn lên/ Ngày xưa thành nỗi nhớ/ Không bao giờ nguôi quên/ Như ông, còn ngủ mớ” (Bin ơi).
Thế giới hình tượng nghệ thuật thơ Trần Văn Hội khá phong phú. Ngoài những bài thơ viết cho những người thân trong gia đình như Đồng tiền xu của mạ, Nếu có em ở Đà Lạt, Tìm lại giêng hai, Gửi cháu nội, Bin ơi, hoặc viết cho chính mình, giải tỏa những nỗi niềm đa mang đầy ắp, mà nếu không được giãi bày, nó nặng đầy chật cứng trong tâm hồn, nhưng khi tiếng thơ bật ra nó trở nên rộng rinh, sâu thăm thẳm trong những âm thanh, màu sắc rõ nét chứ không nhạt nhòa nhưng không thể xác định gọi tên. Hình tượng cái tôi trữ tình hiện lên có tính chất đồng tâm, trong các bài thơ như Tôi tìm tôi, Một tôi và…, Những giấc mơ trôi dạt, Từ một dòng sông, Ra Giêng, Suy nghĩ trước cơn giông, Ngồi ở bến sông, Mỗi ngày, Tìm lại giêng hai, Lắng nghe… Thi nhân ngước nhìn hình tượng núi sông kỳ vĩ, hình tượng những người thân như trong gia đình và bạn bè, nhất là với người bạn đời của mình trong thái độ mang chút hàm ơn: “Chẳng níu lại được những câu hỏi/ ẩn dụ ngày/ và đêm/ nhiều khi không kịp thở/ tôi mím môi rượt đuổi/ chính mình/ vỡ vụn từng dòng ngụ ngôn/ về một cuộc sống khác/ và em/ bước qua ngày thanh tẩy/ dịu dàng/ tinh khiết/ đã cứu chuộc tôi/ và những giấc mơ/ trôi dạt” (Những giấc mơ trôi dạt). Thi nhân là người “khảo thí”, luôn mang trong tâm hồn mình một ngân hàng câu hỏi trĩu nặng, khó tìm câu trả lời cho đạt độ chuẩn xác. Cái chân lý mà anh ta muốn kiếm tìm bao giờ cũng là ảo vọng xa xôi, cho dẫu có đến trăm nghìn lần đã từng gõ cửa cuộc đời dâng bao điều vấn tâm cháy bỏng. Cái bất lực trước cuộc đời, trước hư vô của trời đất, lại làm nên cái hư ảo của thi ca lấp lánh giữa nhân gian. “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Cái “thiện” đó không chỉ là thiện - ác, không chỉ hàm ý phạm trù đạo đức, mà là một tập hợp rỗng, trống trơn không có chi trong đó hết. Con người khi sinh ra tâm hồn rộng rinh như nhà thơ khi đã dốc hết cõi lòng. Nghĩa là khi anh ta nhìn cái không gian mênh mông trước mặt, nơi mà cảm xúc vừa ào ạt tràn qua, như một sa mạc không người. Bản ngã của nhà thơ cũng giống như sự bắt đầu một đời người. Nhưng tức tốc ngay sau đó lại nạp đầy năng lượng, trĩu nặng nỗi niềm đau đớn rất nhanh. Đó là sự ươm mầm cho tâm thức sáng tạo, cho sự ngân nga của nhịp điệu ngôn từ. Và, dường như trên sa mạc hun hút xa kia đã lờ mờ xuất hiện những dấu chân. Bởi chính nhà thơ đã tri nhận được cái cán đích cuối cùng không vẫn hoàn không, nhưng vẫn cứ kiếm tìm. Có chăng, cái khác của Trần Văn Hội là anh tự gõ vào chính tâm hồn mình: “Tôi tìm tôi/ Bạc tóc vẫn lớ ngớ không hiểu nổi đời mình/ Bòn mót từng giấc mơ/ Vỗ cánh” (Tôi tìm tôi).
Trần Văn Hội hầu như bất chấp mùa nào, thời tiết ra sao, bao giờ cũng kính cận, mũ bê-rê với nụ cười hiền, tuy có chút phong trần, nhưng trông phong thái có vẻ giống một triết gia hoặc là một linh mục, hơn là nhà thơ, nhà báo. Ai nói gì cũng cười. Chuyện hay cũng cười. Chuyện dở cũng nhếch môi. Chuyện gì cũng có thể cười mà không chấp, không tranh luận. Tất nhiên, chuyện buồn thì im lặng. Cái im lặng cố hữu của đời anh. Nụ cười không kiêu bạc mà cao sang. Cười và ít nói. Đúng như bản chất của thi nhân. Tôi gặp anh hàng nghìn lần, “lai rai” với anh hàng vạn cuộc, nhưng chưa bao giờ nghe anh đọc thơ, hay nghe anh kể chuyện đã từng đi đây đi đó. Hóa ra, đọc thơ anh, tôi mới biết anh cũng thuộc nòi xê dịch. Ngoài những bài thơ viết cho nơi chôn nhau cắt rốn ở quê nhà (Từ một dòng sông, Ra Giêng, Quê nội, Và nếu Huế…, Ngồi ở Blach and white, Tìm lại giêng hai), thơ anh còn in dấu nhiều miền quê của đất nước; gần thì có Ơi H’năng tôi gọi vời theo con nước, Paranưng, Lượm đá trên dòng sông H’năng; xa hơn thì có Đôi mắt Lý Sơn, Nếu Đà Lạt có em, Khi qua Ninh Chữ, Phải vậy không Phan Thiết, Gặp gỡ Vũng Tàu, Ghi chép trên đảo Bình Ba, Thăm mộ cụ Nguyễn Du, Viết ở hồ Đại Lãi, Ghi chép ở Hạ Long, Lên Yên Tử,…
Anh thể hiện nguyên lý “văn là người” rất rõ. Người anh ra sao thì thơ anh cũng vậy. Từ tâm hồn đến giọng điệu đều trầm buồn, lặng lẽ và khá kiệm lời. Thơ anh không phải bài nào cũng hay, bài nào cũng tròn tứ, cũng lưu lại ấn tượng lâu bền, nhưng ẩn bên dưới vẻ sần sùi, thô mộc có chút hiền lành, lặng lẽ là những thảm cỏ xanh thăm thẳm, trong đó, nó óng ánh những vệt sáng lung linh và tỏa ra sự ấm áp của ngôn từ. Nhiều bài thơ ngắn, rớt dòng một cách tự do, thong dong, mỗi dòng có khi chỉ một hai chữ, nhưng lại mang âm điệu lục bát khá chuẩn mực (Cái tình chi, Về nghe gió thổi, Quê nội, Ngồi ở bến sông, Không đề, Xàng xê ứ hự, Một tôi và…, Sắc không, Thế là, Tung còn, Tình tang, Lục bát, Và em, Gửi cháu nội, Lục bát (2), Thăm mộ cụ Nguyễn Du). Nhiều bài thơ, nhất là thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu ngân nga, gần với ngôn ngữ chính văn của âm nhạc là hình tượng âm thanh (Phép thử đầu năm, Giải oan cốc, Bin ơi…), nên thơ anh đã được nhiều bạn bè phổ nhạc.
Như đã nói, Trần Văn Hội đã làm thơ từ thời tham gia phong trào sinh viên tranh đấu trước 1975. Nhưng mãi cho đến hơn ba mươi năm sau, anh mới có tập thơ đầu tay Cái lùng tung (2007) ra đời. Đến nay, lại hơn mười năm sau nữa, anh mới cho ra đời tập thơ thứ hai Những giấc mơ trôi dạt. Thơ là nghệ thuật tinh túy như rượu được chưng cất từ ngũ cốc. Ý thức đầy đủ về điều ấy nên anh viết rất chậm và cẩn trọng. Trong thế giới nghệ thuật ngôn từ, hơn ai hết, nhà thơ là người đầu tiên có trách nhiệm với từng con chữ, nếu muốn nó sinh sôi thành hình tượng, trở thành những sinh thể có sức sống lâu bền trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc.
P.P.P
(TCSH367/09-2019)
----------------
(*) Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975 (Nhiều tác giả), Nxb. Trẻ, tr.425.