Tác giả-tác phẩm
Bất ngờ một tập thơ tứ tuyệt
09:28 | 31/10/2019

VƯƠNG TRỌNG  

Với người làm thơ và bạn đọc Việt Nam, hầu như ai cũng biết thơ Đường luật phát sinh từ đời Đường Trung Quốc cách nay trên một thiên niên kỷ, nhưng không nhiều người biết thơ Tứ tuyệt cũng khởi sinh từ đời nhà Đường.

Bất ngờ một tập thơ tứ tuyệt
Ảnh: internet

Sau khi thơ Đường luật thịnh hành, các nhà thơ Trung Quốc tìm ra một cách “chơi thơ” là rút bốn câu từ một bài thơ Đường luật (thường là thất ngôn bát cú) để có được một bài thơ bốn câu. Như vậy chữ “tuyệt” ở đây mang nghĩa rút ra, lẩy ra, trích ra, ngắt ra. Và như thế, thơ Tứ tuyệt là bài thơ bốn câu được rút ra từ một bài thơ khác. Từ một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, tùy theo vị trí khác nhau của các câu được rút ra mà ta có những bài thơ tứ tuyệt khác nhau, cách gieo vần cũng khác nhau. Một thực tế là có những bài thơ Đường luật rất hay, nhưng những bài thơ Tứ tuyệt dẫn xuất từ nó chưa chắc đã hay, bởi thế về sau người ta không dùng cách trích đó nữa, mà trực tiếp sáng tác ra bốn câu để có một bài thơ Tứ tuyệt. Tin chắc rằng những bài tứ tuyệt nổi tiếng như “Lũng Tây hành” của Trần Đào, “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương… cũng được các tác giả trực tiếp sáng tác, chứ không trích xuất từ một bài thơ khác.

Thơ Tứ tuyệt nhập vào Việt Nam cũng sớm ngang bằng thơ Đường luật và trở thành một thể thơ quen thuộc. Người Việt Nam “đốt cháy giai đoạn” trích xuất, mà trực tiếp sáng tác ra các bài thơ tứ tuyệt. Trong khi thơ Tứ tuyệt ở Trung Quốc chỉ có thơ thất ngôn, ngũ ngôn… thì ở Việt Nam ngoài các loại thơ ấy còn thêm thất ngôn biến thể, lục ngôn, tứ ngôn và đặc biệt là lục bát tứ tuyệt.

Ở nước ta, số người làm Thơ tứ tuyệt ngày một đông. Bởi vậy không chỉ có Tuyển tập thơ Tứ tuyệt của nhiều tác giả, và không ít tác giả xuất bản những tập thơ Tứ tuyệt của riêng mình. Trong số những tập thơ hàng tuần tôi được bạn viết cả nước gửi tặng, không hiếm những tập thơ Tứ tuyệt như thế. Với bạn viết nói chung, làm thơ thường hay đã khó, làm thơ Tứ tuyệt hay lại càng khó, vì vậy tôi thường có cảm giác “sợ” khi nhận được một tập thơ tứ tuyệt gửi tặng!

Vừa qua tôi nhận được tập thơ của một tác giả Đà Nẵng gửi tặng. Mở ra thấy thơ Tứ tuyệt, tôi mỉm cười một mình. Đợi khi thanh thản tôi mới mở đọc, với ý định là đọc cho biết, nhưng chỉ cần đọc qua dăm bài, thái độ của tôi đã thay đổi, chuyển từ “đọc cho biết” sang “đọc để thưởng thức”, vì chất lượng của các bài thơ. Đấy là tập thơ “Chín chín nhịp” của tác giả Vạn Lộc. Với không ít bất ngờ lý thú, tôi đã đọc nhấm nháp 99 bài thơ Tứ tuyệt của chị, và trước khi đưa sách lên giá sách, tôi muốn nói đôi điều về tập thơ này.

Tránh sự thường tình trong thơ là thái độ đáng trân trọng của tác giả Vạn Lộc. Người mới làm thơ thường hướng tới cái đích là thơ có thể đăng báo được, nhưng với người đã từng có thâm niên thi ca, thì tránh sự thường tình. Khi đặt tên tập thơ “Chín chín nhịp”, là tác giả đã thể hiện ý thức đó. Ta từng quen nhịp cầu, nhịp bước, nhịp tim… hình như tác giả cũng đã lướt qua các từ này rồi dừng lâu hơn ở nhịp tim, trước khi gọi mỗi bài thơ Tứ tuyệt của mình là mỗi “nhịp đa mang”. Vâng, mỗi bài thơ là một nhịp cảm xúc về gia đình, người thân và đặc biệt là trước các trạng thái tình yêu như chia ly, gặp gỡ, đợi chờ… Với Tứ tuyệt, thất ngôn là một thể thơ nhiều người sử dụng, bởi thể thơ này dễ hàm chứa chất cổ điển của Tứ tuyệt:

Người đi buổi ấy sương vừa xuống
Ngõ nhỏ hoàng hôn lá rụng đầy
Sao hôm, nhân chứng tình ta muộn
Bịn rịn chân cầu sương khói vây.

                        (Tiễn)

Thi nhân từ xưa viết về chia ly đã nhiều, đã hay nên thời nay viết về chia ly không dễ. Bài thơ này tác giả hồi tưởng về một cuộc chia ly, cụ thể hơn là một cuộc tiễn đưa người tình về một nơi xa nào đó, và tin chắc hai người chưa từng gặp lại. Hoàng hôn có ngôi sao hôm chứng kiến, có sương khói vây bủa trong ngõ nhỏ lá rụng đầy là ngoại cảnh đủ nói lên nỗi lòng tác giả trước cuộc chia xa. Ở đây tác giả sử dụng thủ pháp quen thuộc mà cụ Nguyễn Du thường dùng trong Truyện Kiều: mượn cảnh nói tình. Phải chăng chính người tình tác giả từng đưa tiễn đó, hiện nay:

Ai vẫn chân trời chênh nửa bước
Đường xa tóc rối gió quê người
Con đò trên bến sông cô lẻ
Mưa rớt hay là nước mắt rơi?

                        (Người đi)

Bạn đọc không dễ gì hiểu được rạch ròi ý nghĩa “chênh nửa bước” tác giả muốn nói cũng không sao, mà chỉ cần lĩnh hội nỗi thương cảm của tác giả với người nơi xa phải sống cảnh cô lẻ ở quê người. Đọc câu “Đường xa tóc rối gió quê người” (đáng ra nên chèn vào hai dấu phẩy), tôi nghĩ về ý thức lèn ý cho chặt câu thơ của tác giả. Thơ có lối ngữ pháp riêng, nhiều khi không cần đủ các thành phần của câu như văn xuôi, mà có thể tung ra tập hợp một số từ, rồi bạn đọc dựa vào đấy mà hình dung hoàn cảnh: “Đêm khuya, thân gái, dặm trường” trong Truyện Kiều và “Đường xa, tóc rối, gió quê người” là sử dụng thủ pháp nghệ thuật đó.

Và, đâu chỉ vì “gió trái mùa duyên” mà bạn đọc đồng cảm với tác giả trong “nhịp” thơ này:

Dẫu cố tìm quên em vẫn nhớ
Phổng tay từ thuở mới gieo cầu
Gió trái mùa duyên, thuyền lỡ bến
Tình trôi, sông vắng, lạc đời nhau.

                        (Lạc)

Tôi đã có ý định chỉ giới thiệu với bạn đọc ba bài thơ thất ngôn Tứ tuyệt điển hình của tập. Nhưng đọc lại, thấy như vậy không công bằng với:

Thu tiễn người đi, mùa luyến tiếc
Vầng trăng đơn lẻ đợi ai về
Chao thầm chiếc lá sầu ly biệt
Sương lạnh hồ như buốt bến mê.

                        (Cuối thu)

Vẫn chưa thể dừng trích dẫn thể thơ Tứ tuyệt đặc trưng này được. Trong thơ thất ngôn Tứ tuyệt, có hai kiểu gieo vần là bằng, bằng, trắc, bằng (bốn câu ba vần) và trắc, bằng, trắc, bằng (vần cách). Với thơ thất ngôn Tứ tuyệt Trung Quốc đời nhà Đường, phần lớn người ta dùng lối gieo vần thứ nhất, ở Việt Nam, lối gieo vần thứ nhất cũng phố biến hơn, còn tác giả “chín chín nhịp” phần lớn quen lối gieo vần thứ hai, nhưng khi sử dụng thể gieo vần thứ nhất thì không kém mượt mà, điêu luyện:

Hương Giang lặng lẽ cuốn ngày trôi
Phượng trĩu hoàng hôn níu mặt trời
Ai thả bóng thuyền thơ lãng đãng
Ướt lòng chiều lạnh, tím Huế ơi.

                        (Giọt tím Huế)

Với thâm niên 35 năm biên tập thơ ở một tờ báo văn nghệ, tôi có một thói quen (hay gọi là “thói xấu” cũng được) khi đọc thơ người khác thường thích can thiệp vào câu chữ; nhưng thú thật, với những bài thơ như thế này, nhà biên tập hoàn toàn thất nghiệp, bởi tác giả đã dày công “thôi xao” trong từng con chữ.

Chúng ta dễ dàng nhận ra “hơi” cổ điển trong năm “nhịp” thơ này bởi ngoài lối tu từ nhằm gợi nhiều hơn là lý giải, ở đây phải kể đến âm điệu của từng câu thơ. Chúng ta đều biết rằng, trong mỗi câu thơ Đường luật thất ngôn, nói về thanh, “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”, nghĩa là các chữ thứ 1, 3, 5 mang thanh bằng hay trắc đều được, nhưng các chữ 2, 4, 6 phải tuân thủ nghiêm ngặt: chữ thứ 2 bao giờ cũng cùng thanh với chữ thứ 6 và ngược thanh với chữ thứ 4. Khi làm thơ Đường luật, người làm thơ nào cũng phải tuân thủ điều đó, khi làm thơ thất ngôn nói chung hay thất ngôn Tứ tuyệt, nhiều người không chú ý điều đó, nhưng nhà thơ Vạn Lộc thì tuân thủ tuyệt đối, nên ta đọc không hề có chút gợn trúc trắc nào. Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên điều này, nhưng qua tìm hiểu mới biết, chị Vạn Lộc là người mê thơ Đường Luật, trong 7 tập thơ riêng đã xuất bản, chị có hẳn một tập thơ thất ngôn Đường luật mang tên “Lá thức” được nhiều nhà thơ và bạn đọc ghi nhận thành công.

Như trên đã nói, lục bát Tứ tuyệt là sáng tạo lớn nhất về mặt hình thức đối với thơ Tứ tuyệt ở Việt Nam. Bốn câu lục bát có tổng số chữ đúng bằng tổng số chữ của bài thơ thất ngôn Tứ tuyệt (56 chữ) nên người sáng tác không cảm thấy gò bó gì khi diễn đạt ý tưởng của mình. Trong tập thơ này, tác giả đã dùng 42/ 99 bài thể lục bát và không hiếm bài hay, ngay chỉ với đề tài rừng thông mà chị tạo được hai bài không dễ có được:

Ta thẩn thơ với ngàn thông
Nắng thêu triền gió, hương lồng phố mây
Hoàng hôn trời thắp sương đầy
Tình xưa bỗng hóa một ngày trong veo

                        (Thắp sương)

Và:

Thông xanh dạo khúc đại ngàn
Người xưa, phố cũ bàng hoàng nước mây
Cạn chiều, ấm lạnh đan tay
Chưa xa, mà đã hao gầy dáng thông.

                        (Một thoáng ngàn thông)

Phải chăng sự cẩn trọng, cân nhắc ngôn từ trong thơ Đường luật đã giúp chị khi làm thơ lục bát “cũng lắm công phu” chọn từ để tránh sự thường tình. Những “triền gió”, “thắp sương”, “cạn chiều”, “ấm lạnh đan tay”… đâu dễ có được với người không dày công tìm kiếm?

Rồi:

Giọt khuya rỏ xuống bên trời
Trăng chênh chếch bóng, gió rời rã thân
Dế kêu dưới cỏ mấy lần
Hồn nghe tê dại muôn phần đếm ơi!

                        (Khuya)

Lục bát Tứ tuyệt của “Chín chín nhịp” nhiều bài thấm đẫm chất cổ điển do cách tu từ của tác giả cũng như lối sử dụng tiểu đối trong thơ lục bát. “Nắng thêu triền gió/hương lồng phố mây”, hay “Trăng chênh chếch bóng/gió rời rã thân”… là những câu bát sử dụng tiểu đối 4/4, cắt câu bát ra hai phần đối xứng nhau. Trong các tác phẩm thơ lục bát của Việt Nam từ xưa đến nay, có lẽ Truyện Kiều sử dụng tiểu đối này nhiều nhất: trong tổng số 1.627 câu bát, Nguyễn Du đã dùng đến 289 tiểu đối 4/4, nghĩa là cứ đọc khoảng 5 câu bát, chúng ta gặp một câu tiểu đối 4/4. Chính loại tiểu đối này làm cho câu thơ cân xứng, có tính biền ngẫu, một trong những đặc điểm của thơ cổ điển.

Ngoài hai thể thơ thất ngôn và lục bát, “Chín chín bậc” còn sử dụng thất ngôn phá thể, ngũ ngôn… mà thể nào cũng có bài hay. Ví như:

Quá chiều rồi sẽ mất
Khuôn mặt một ngày qua
Khóc cười hay ảo vọng
Ai nhớ mùa trăng xa.

            (Ảo vọng)

Hay:

Tơ duyên từng sai mối
Đàn đã lạnh lùng dây
Đục trong ai thấu nổi
Tình bây chừ rủi, may.

            (Phó mặc)



Có người quả quyết phần lớn những bài thơ tình hay là thơ thất tình! Còn tôi nói rằng, không có thất tình, không có chia ly, xa cách… thì chắc thơ tình nhạt nhẽo lắm! Nhưng có lẽ chúng ta cũng không nên đồng nhất hoàn cảnh, tâm trạng của tác giả bài thơ, tập thơ với tâm trạng, hoàng cảnh của người thực trong đời. Có người hạnh phúc viên mãn, nhưng họ cảm thương những cuộc đời bất hạnh, họ hóa thân vào nhân vật đó để nói hộ tâm tư, tình cảm của nhân vật đó và truyền sự thương cảm đến bạn đọc. Bạn đọc chúng ta không nên đặt vấn đề hoàn cảnh trong bài thơ có phải là hoàn cảnh thật của tác giả hay không, mà nên thẩm định xem, cảm xúc của tác giả có chân thành hay không, và hơn hết, bài thơ có hay hay không!

Vài ba thập niên nay có hiện tượng nhà thơ xuất bản rồi không biết bán thơ mình cho ai, còn bạn đọc muốn đọc thơ cũng không biết mua sách ở đâu! Đó là một thiệt thòi lớn cho các nhà nhà thơ mới xuất hiện trong khoảng thời gian này.

Đọc “Chín chín nhịp” của chị Vạn Lộc, tôi mới nhận ra một điều: Thì ra thời gian qua có những tập thơ rất đáng đọc, thậm chí gây bất ngờ, mà vô tình mình không biết!

Hà Nội, 7/2019
V.T
(SHSDB34/09-2019)






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sự đọc lại (25/06/2019)