Tác giả-tác phẩm
Những con sóng thi ca
08:31 | 03/08/2020

NGUYỄN HỮU QUÝ    

Biển. Những con sóng. Những con sóng làm nên biển cả mênh mang. Hay diễn đạt cách khác, biển bắt đầu từ sóng

Những con sóng thi ca
Ảnh: internet

Có sóng mới có Dễ hay ruột bể sâu cạn/ Khôn biết lòng người vắn dài (Nguyễn Trãi). Có sóng mới có Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (Nguyễn Du). Có sóng mới có Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa khôn trung (Xuân Diệu). Có sóng mới có Buồm ơi buồm, ngươi có thực hay chăng/ Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự/ Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên (Anh Ngọc). Và đây nữa, có sóng mới có Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác/ Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên (Trần Đăng Khoa). Có sóng mới Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mang nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu (Xuân Quỳnh). Còn nhiều nữa những câu thơ hay về sóng, về biển.

Trên tay tôi là tập sách dày dặn; một tuyển thơ gồm 108 tác giả của nhiều vùng miền, nhiều thế hệ trong cả nước mang tên Biển bắt đầu từ sóng(*) do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên, (Nxb. Đà Nẵng, 5/2020). Tập thơ này là kết quả của sự mời gọi, nâng niu, chọn lọc thi ca bền bỉ, tâm huyết của những người yêu thơ đang sống ở thành phố biển xinh đẹp này. Chuyện này tôi sẽ kể sau như một sự trân trọng, khâm phục những người đã góp công làm cho thơ Việt được xuôi chảy và lấp lánh. Tên tuyển thơ mang nội hàm khác nữa; cái này mới quan trọng, những con sóng thi ca đã làm nên biển thơ Việt trong thời kỹ trị, khi tưởng chừng thơ đã đuối sức, đã co rút tầm kích và khổ đau hơn là không còn chỗ đứng trong cuộc sống bộn bề với muôn vàn kết nối trong thế giới siêu phẳng hiện tại. Thực ra, không phải như thế, thơ vẫn tồn tại như sự tồn tại của ngôn ngữ, thơ tự biết lo liệu cho mình, thơ vẫn là thơ như cách nghĩ về nó của những người sáng tác trong tập sách này. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: Thơ là dòng nước chảy giữa hai bờ: hiện thực đời sống và trí tưởng tượng. Nhà thơ Mai Văn Phấn suy nghĩ về công việc làm thơ: Viết là để khai sáng chính mình, được thấy mình khác những người khác. Nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt lại khác: Thơ với tôi là những câu chuyện kể được viết bằng chính những trải nghiệm của bản thân. Nó vừa là niềm vui cũng vừa là nỗi buồn, vì đôi khi tôi biết mình có đôi lúc không thể thoát ra khỏi cảm xúc của câu chữ do chính mình viết ra. Nhà thơ Vương Trọng nghĩ về thơ bằng chính thơ mình: Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu/ Dòng suối cạn muốn dọa người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu lên nước đục/ Nông, sâu là ý tứ/ Trong, đục ấy ngôn từ. Một nhà thơ đang định cư ở Đức, Trương Anh Tú đúc kết: Thơ là hiện thực được khúc xạ qua thấu kính - qua đôi mắt thơ. Nhà thơ nữ Hoàn Nguyễn: Với tôi, thơ đến như một món quà của đời ban tặng. Thơ đã cho tôi tìm lại sự ấm áp, hạnh phúc nhỏ nhoi của chính mình. Còn nhiều lắm những lối nghĩ về thơ thú vị và bổ ích cho người viết, người đọc mà tôi chưa dẫn trích vào đây. Với tôi, thì công việc làm thơ là sự sáng tạo đơn độc của thi sĩ. Mỗi bài thơ đích thực đều xuất phát từ cảm xúc và đương nhiên nó cũng sẽ kết thúc bằng cảm xúc. Cái cảm xúc này không dừng lại ở chữ cuối cùng của một thi phẩm mà nó sẽ có cơ hội đi tiếp hay nói cách khác sẽ lan tỏa, thấm sâu vào tâm hồn bạn đọc. Bài thơ càng hay thì sự truyền cảm càng rộng rãi và sâu sắc. Thơ, mặc nhiên là tiếng nói của trái tim; nếu thi phẩm hay tiếng nói của trái tim ấy được kết nối từ tác giả đến bạn đọc, từ người này đến người khác, từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, để có một tác phẩm thơ hay là chuyện rất khó. Cái hay của thơ bao giờ cũng không nhiều. Thực tiễn đã chứng tỏ điều đó, trong hàng trăm tập thơ, hàng nghìn bài thơ được công bố của nhiều tác giả mấy năm gần đây thì cũng không nhiều những thi phẩm xuất sắc, lắng đọng lại với công chúng. Công việc làm thơ là hành trình sáng tạo nghệ thuật tinh tế, cực kỳ tinh tế. Nó không chấp nhận sự cẩu thả, ăn non, quả chưa chín đã hái. Thơ cần sự chín về cảm xúc, sự dày về vốn sống, cái đủ về tài năng. Quá trình làm thơ là sự hòa trộn của những yếu tố đó; hòa trộn nhuần nhuyễn và tự nhiên như nước chảy vào nước, như lửa góp vào lửa. Thơ đương đại có mối quan hệ với thơ truyền thống; kế thừa và làm mới truyền thống, đồng thời cũng tiếp thu những trào lưu phương pháp sáng tác của thơ thế giới. Những biến đổi về hình thức thơ là đặc điểm không thể bỏ qua về thơ đương đại. Tuy nhiên, sự biến đổi này cũng từng gây ra nhiều tranh luận bất phân thắng bại về thơ. Điều cần khẳng định là thơ phải luôn được đổi mới. Truyền thống hay cách tân đều phải đổi mới. Đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Khi hiện thực cuộc sống đổi thay, cái tôi cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ, thì thơ mang dấu ấn của người sáng tác rất rõ. Ai chưa tạo ra được dấu ấn này coi như chưa thành công trong sáng tác thơ. Chính dấu ấn sáng tạo riêng biệt của nhà thơ đã tạo nên tính đa thanh, đa điệu, đa sắc của thi đàn. Đó cũng là cái để phân biệt nhà thơ này với nhà thơ khác.

108 tác giả có mặt trong tập tuyển này cùng những thi phẩm của họ đã góp phần minh chứng sự tồn tại và chuyển động của thơ Việt hiện thời. Nói về đội ngũ, thì Biển bắt đầu từ sóng tập hợp được khá nhiều nhà thơ tên tuổi trên đất nước Việt Nam. Xin được điểm danh sơ bộ: Bùi Kim Anh, Dương Kỳ Anh, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Cường, Trần Bạch Diệp, Hải Đường, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Kim Huy, Trần Tuấn, Đinh Thị Như Thúy, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Đông Nhật, Phùng Hiệu, Phan Hoàng, Văn Công Hùng, Thái Thăng Long, Nguyễn Ngọc Hưng, Trần Mai Hường, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Đăng Khoa, Huỳnh Thúy Kiều, Lữ Mai, Đoàn Văn Mật, Ngô Minh, Hoàn Nguyễn, Phan Huyền Thư, Mai Văn Phấn, Võ Quê, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Nguyễn Ngọc Phú, Thanh Quế, Đoàn Mạnh Phương, Lê Minh Quốc, Trần Quang Quý, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Vũ Thuật, Lê Hưng Tiến, Vương Trọng, Trương Anh Tú, Nguyễn Phong Việt, Ngân Vịnh, Tần Hoài Dạ Vũ... Tuy nhiên, cũng đáng tiếc là trong tập tuyển còn thiếu những nhà thơ danh tiếng mà tôi nghĩ sự góp mặt của họ sẽ làm cho tuyển thơ này thêm đủ đầy, sang trọng hơn... Người làm thơ đông đảo ở nước ta, có lúc tôi nghĩ phải chăng đó cũng là một phẩm tính của người Việt. Làm thơ để lưu giữ những khoảnh khắc tâm hồn trong cuộc sống. Theo dòng thời gian thơ dở bị rụng rơi dần, nhiều lắm, những gì còn đọng lại của thi ca thành của hiếm và tỏa sáng tâm hồn, bản lĩnh dân tộc. Thơ chính là nơi lưu giữ sâu bền nhất tâm hồn dân tộc, phải chăng là thế.

Cái xôn xao của biển là muôn đời. Thơ cũng vậy, xôn xao bởi những con sóng thi ca. Cũ và mới, bé hay lớn, hiền lành hoặc dữ dội hình như đều được bảo lưu trong thơ. Thơ không cung cấp nhiều cho ta diện mạo cuộc sống mà cho ta những lắng sâu của đời. Hạnh phúc và đau khổ. Nụ cười và nước mắt. Cõi thực và chốn ảo. Thiên nhiên và con người. Làng quê và đất nước. Chiến tranh và hòa bình. Trên dòng thời gian một chiều và không phải thế, sự đa chiều. Những ngược xuôi của ký ức trong dấu vết của quá khứ, dự cảm chạm vào tương lai dẫu tiên tri không phải là sứ mệnh của thơ. Những rung ngân khẽ khàng hay dào dạt thông qua những thi tứ, thi ảnh, thi điệu được gửi gắm trong ngôn từ chọn lọc. Mỗi thi phẩm là một rung ngân, chẳng mấy giống nhau nhưng đều chung cái đẹp, khi bình dị, lúc sang trọng. Nhiều giọng điệu là điều tôi cảm nhận rõ từ tuyển thơ này. Ghi nhận công lao, tâm huyết, khả năng thẩm thấu của người biên soạn với tình yêu thơ là sợi chỉ xanh xuyên suốt. Rất khó để đưa hết những dẫn dụ vào trong bài viết không dài này, tôi đành chọn lựa ít con sóng làm minh chứng cho điều mình vừa nói. Nghe từ Người chơi đàn bầu của làng Chùa của Nguyễn Quang Thiều những âm thanh đắng đót thân phận: Mang thân trôi dạt dặm trường/ Soi gương thì khóc, đập gương lại cười/ Đêm đêm ngồi tựa bóng người/ Gẩy lên một khúc vọng mười kiếp sau... Cũng từ nhà thơ nổi tiếng này, ta nhận ra kết nối xưa nay bằng sợi dây vô hình mà rất bền chặt; thi sĩ đối thoại với “hai chiều” thời gian, vượt ra ngoài quy luật tự nhiên làm nên vẻ đẹp huyền ảo không dễ áp chế được: Phăng phắc một lá sen già/ Đợi ta trên miền nước lặng/ Hỡi người hái hoa kiếp trước/ Kiếp này có hóa bình không (Lễ tạ). Nhiều con sóng đổ về miền quê, như sự trở lại của lòng tri ân dung dị. Đây là Thanh Thảo bỗng trở nên dung dị và sâu lắng đến rưng rưng: Má ơi cây chuối trổ buồng/ mang sức nặng mà con không rõ/ bây chừ từ khoảng trống xa xăm/ má nhìn về bằng đôi mắt ngọn gió (Thư gửi má). Đây Vương Trọng khi Khóc giữa chiêm bao cũng là lúc thấm thía hơn nỗi quê, nỗi mẹ: Con lang thang vất vưởng giữa đời thường/ Đâu cũng sống, không đâu thành quê mẹ... Đây Trần Quang Quý chiêm trải trên “Cánh đồng” như cuộc hồi hướng cội nguồn, quá khứ: Tôi đã mở cuộc đời ra/ Trên lưỡi cày cha lầm lũi/ Và sâu thẳm trong tôi một cánh đồng thiêng không mùa vụ/ Mẹ tôi/ Gieo gặt lòng nhân từ/ Màu mỡ cất từ trái tim khổ hạnh... Thơ gắn với cuộc đời bằng những nỗi niềm được gửi gắm vào ngôn từ, trong phút thăng hoa cảm xúc và bừng sáng trí tuệ trên những trải nghiệm thế sự và tình yêu. Ta gặp trong tuyển thơ này những bài thơ câu thơ viết về cuộc đời và tình yêu khá ấn tượng. Trong bài thơ “Phiến hoa hồng trầm cảm”, Hoàng Vũ Thuật thực sự mới mẻ và sâu sắc: Anh là hạt muối được vớt lên từ lòng biển/ mặn trên môi em/ như một phiến hoa hồng trầm cảm/ chiếc gai biết nói/ xuyên thủng cả nụ cười nước mắt/ ngày ra đi/ cuộc sống đã đóng băng trong cỗ quan tài trống rỗng... Còn nỗi buồn trong thơ Nguyễn Kim Huy lại dằn vặt thâu đêm: Em nghiêng về phía trái/ Nước mắt lăn dài áo gối/ Bóng hình anh bất chợt cũng nghiêng theo/ Em nghiêng về phía phải/ Chiếu chăn vướng vít hơi người/ Một mình em quẫy đạp nỗi cô đơn. Phan Huyền Thư cứ ẩn trú trong ngôi nhà vĩnh cửu mang tên tình yêu: Nhà của em/ là nơi bàn tay anh mở từng nút áo/ cho bóng hoàng hôn vỡ òa ngực đêm... (Đường về nhà). Nguyễn Phong Việt quen và lạ khi phác thảo quỹ đạo cho những vết thương lòng: Chỉ cần đi cạnh nhau trên cùng một con đường thì dù có bao xa trong lòng vẫn hoài tin rồi sẽ đến/ chúng ta trở thành những đứa trẻ con suốt đời mong làm người lớn không bao giờ chạy trốn/ nếu đó là yêu thương... (Về đâu những vết thương). Cái sự chia trong thơ Nguyễn Trọng Tạo đầy ám ảnh giữa muôn vàn khúc nhôi đời thường, buồn và thương: Chia cho em một đời thơ/ một lênh đênh/ một dại khờ/ một tôi/ chỉ còn cỏ mọc bên trời/ một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm... (Chia). Nhà thơ nữ Hoàn Nguyễn thành thật đằm thắm bao nhiêu thì da diết khát khao bấy nhiêu: nhà không có đàn ông/ không nhớ ngày nhớ tháng/ mỗi bước đi về chân nhẫm dấu chân/ chông chênh lạc lõng dòng đời/ nhà không có đàn ông/ gương soi chẳng thấy mặt người (Nhà không có đàn ông). Có lẽ thơ gần với nỗi buồn, sự cô đơn hơn cả. Những thảng thốt mơ hồ thấp thoáng trong thơ như Ngô Minh “Tự họa”: thức sợ vắng ngủ giật mình mộng mị/ điệp khúc âm thầm - điệu dế đời ta/ dưới chân cỏ chân dung tự họa/ bằng nỗi u hoài của triệu đêm mưa...

Trong tập thơ này, nhiều bài thơ của các tác giả tên tuổi miền Trung như những con sóng làm mênh mang biển xanh một vẻ đẹp rất riêng của vùng đất này như Văn Công Hùng, Mai Thìn, Đặng Bá Tiến, Nguyễn Ngọc Hưng, Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Giúp, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Tuấn, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Tấn Sĩ, Hồ Đăng Thanh Ngọc và còn nhiều nữa… những câu thơ neo vào lòng biển mà tôi chưa kịp dẫn ra đây của 108 tác giả trong tuyển tập này. Đã có những con sóng thi ca vỗ vào lòng biển, tạo ra những nhấp nhô mang những sắc âm của mênh mang. Có lẽ, cũng không nên trích dẫn nhiều, diễn luận nhiều bởi khi cầm trong tay tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng bạn đọc sẽ biết cách cảm nhận cho riêng mình, của riêng mình. Thơ sẽ nói lên tất cả, như sóng đã nói về biển ồn ào và dịu êm, phẳng lặng và tố giông. Thơ sẽ nói cùng ta trong những khoảng vắng cuộc đời, cái hay được lưu giữ lại như quy luật cuộc sống.

Điều cuối cùng tôi muốn nói đôi chút về một nhà thơ, người có công lớn cho tuyển thơ đẹp này ra đời. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Trời cho anh cái duyên thơ. Làm thơ. Đọc chọn thơ in trên báo Đà Nẵng cuối tuần và Công an Đà Nẵng. Trang thơ trên hai tờ báo này đã quy tụ nhiều người làm thơ trong cả nước bởi chất lượng nghệ thuật và hình thức trình bày. Đẹp và trang trọng. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có các tập thơ Khi xa mặt đất; Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh; Phơi cơn mưa lên chiều. Thơ anh bám rễ vào đời; những cung bậc quê nhà xưa và nay làm nên một Nguyễn Ngọc Hạnh hoài niệm, ân tình, mang mang sương khói gió mưa xứ sở. Nguyễn Ngọc Hạnh nâng niu hồi ức, một nét núi, một viền sông, một chấm người trong không gian, thời gian trải theo xứ Quảng. Đây, một ví dụ: ngõ hẹp dần/ lối mòn cũng nhỏ dần/ mòn như cái cối xay trầu của bà tôi/ mòn con đường làng/ mỗi ngày mẹ tôi ra sông giặt áo/ mòn ánh trăng khuya/ cong vút lưỡi liềm/ rơi xuống/ chạm ngõ nhà em... (Ngõ hẹp). Từ “ngõ hẹp” Nguyễn Ngọc Hạnh đã đi tới biển rộng. Biển đất nước. Biển thi ca. Biển đời. Trong đó tình yêu thi ca của anh luôn đầy đặn. Tuyển tập thơ này là một minh chứng cho tình yêu đẹp đẽ đó. Nguyễn Ngọc Hạnh biết yêu thơ một cách hữu ích. Và không thể không nhắc đến tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng mà anh là người rất có công trong tập hợp chọn lọc tác phẩm từ bạn bè làm thơ ở nhiều miền đất trên Tổ quốc ta. Tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Hạnh là một con sóng chiều, từ sông Hàn chảy ra biển Việt bao la.

Hà Nội, Tháng Ba, 2020
N.H.Q  
(TCSH376/06-2020)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng