LÊ THÀNH NGHỊ
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt trên cả hai miền đất nước. Quảng Bình, quê hương của Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những vùng đất bom đạn tàn khốc nhất.
Từ Hà Tĩnh trở vào, những địa danh như Bến Thủy, Ngã ba Đồng Lộc, Đèo Ngang, Bến phà Long Đại, Bến phà Gianh, phà Ròn… đều là những túi bom với sự tàn phá khủng khiếp. Cam go, cơ cực chưa từng thấy, hy sinh chết chóc ngoài sức tưởng tượng, cái ăn, cái mặc vô cùng gian nan. Tuổi vừa lớn dậy, Lâm Thị Mỹ Dạ gắn chặt với mảnh đất ấy như số phận chị phải thế,… và chăm chỉ làm thơ mỗi ngày. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong trẻo, tình tứ, tươi tắn và hồn nhiên… như thể bất chấp, như thể muốn vượt lên những gian khổ kia. Ở đây, có gì đó khó giải thích đối với những người không sống trong thời kỳ đó về sự trái ngược, bất công, không cân sức… giữa một bên là thơ ca vô phương tự vệ, và bên kia là mưa bom, bão đạn đang thét gào?
Nhưng thơ ca vốn là một lĩnh vực tinh thần có bản năng sinh tồn kỳ lạ, không theo quy luật thông thường. Càng khổ cực con người càng cần có thơ ca, càng gian nan cuộc đời càng cần sự lãng mạn, càng khốc liệt tâm hồn càng tươi xanh. Lâm Thị Mỹ Dạ có thể là cây cúc đắng (Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng - PTD), giấu đi những giọt nước mắt: Em có nỗi buồn như tro/ Hoang lạnh cả một đời thiếu nữ (Anh đã nhìn thấy em), quên đi những phiền muộn để hướng về cái đẹp, những câu thơ đẹp. Nhưng đây là cái quên không phải “lên gân”, cần phải nhiều cố gắng. Vì Lâm Thị Mỹ Dạ vốn là nhà thơ hồn đầy hoa cúc dại, đầy những mộng mơ, ngơ ngác như cỏ xanh, xôn xao như nắng gió hai bờ sông Kiến Giang quê hương chị:
Đã quá xa rồi
Thời trẻ dại
Câu thơ hiền như nước
Xanh như lá
Mơ hồ như gió
Lãng đãng mây chiều ngơ ngác trôi
(Ngoảnh lại)
Trong Tuyển tập thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (Nxb. Hội Nhà văn, 2011) bài Ngoảnh lại trên đây không ghi năm tháng sáng tác. Nhưng cũng không khó nhận ra bài này chị viết lúc đã không còn trẻ: Năm tháng tươi xanh/ Đời đến lúc cỗi già…/ Ta thành trái mà hồn còn như lá/ Cứ xanh hoài chồi biếc thuở non tơ (Ngoảnh lại). Không ít lần chị nói về cái “tươi xanh” đáng quý này. Khi thì mắt xanh, sao xanh: Đôi mắt xanh nhìn ngôi sao xanh (Chú mèo bên cửa sổ); Khi thì trăng xanh: Tròn đầy như trăng/ Xanh mềm như cỏ (Anh đã nhìn thấy em); cỏ xanh: Xin cho tôi suốt đời làm con dế/ Hát li ti trong cỏ xanh non (Du ca - dế), Rồi cỏ sẽ xanh trên tên tuổi chúng ta/ Dòng sông sương mù trôi mãi (Những tứ thơ quên lãng); trời xanh: lòng kiêu hãnh trong em anh không sao thấy hết/ Như trời xanh đo mãi không cùng (Lòng kiêu hãnh); vườn xanh: Sao sớm nay vườn xanh như cổ tích (Buổi sáng trong vườn); hạt sương xanh: Như cánh chuồn vụt bay không níu được/ Hạt sương xanh - hạt cốm nhỏ tan dần (Cốm non); tiếng chim xanh: Tiếng chim gù xanh biếc đồng quê (Mẹ ngày xưa); thời gian xanh: Theo bài ca tôi về tìm lại/ Khoảng thời gian xanh biếc dưới cỏ mềm (Khoảng thời gian xanh biếc); sự im lặng màu xanh: Nỗi im lặng của trăng non và lá xanh (Không đề); cái nhìn cũng xanh: Còn ở trong hồn/ Cái nhìn xanh biếc (Tôi về với tôi), Mùa xuân lên xanh dây bầu/ Trăng non lên xanh đêm thâu (nói chuyện với con trước giấc ngủ)… Quả là mênh mang biến ảo màu xanh. Lâm Thị Mỹ Dạ cố ý (trong ý thức) hay vô tình (trong tâm hồn) mà cái tươi xanh này để lại trong trang viết của chị như một đặc trưng khó quên? Hay ở chị sự tàn khốc của chiến tranh, sự nghiệt ngã của thiên nhiên, sự ngang trái của nỗi đời… đang bị phủ định theo luật của cái đẹp, luật của thơ trữ tình?
Cũng thường gặp trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hình ảnh vầng trăng. Hình như vầng trăng mỗi khi một vẻ chen vào mọi góc riêng của chị. Khi chị trò chuyện với con: Con nằm trong nôi nhìn mẹ/ Ngoài kia trăng xanh lên non (Nói chuyện với con trước giấc ngủ); Khi chị nghĩ đến bạn bè: Tri âm nào ai thấu/ Chỉ một vầng trăng xanh (Sự tích của đá); Khi chị phân thân: Chú ngựa làm trời đêm xúc động/ Giữa cao vời dâng tặng mảnh trăng non (Giấc ngủ mặt trời); Khi chị ngẫm nghĩ về bản thân: Muôn đời im lặng/ Vầng trăng xanh biếc (Tôi thấy mình), Nỗi im lặng của trăng non và lá xanh (Không đề); Khi chị nói về tình yêu: Đã nhìn thấy em/ Tròn đày như trăng (Anh đã nhìn thấy em), Vầng trăng trong hồn anh/ Chỉ riêng mình em biết (Chỉ mình em thấy), Đêm nhìn lên ánh trăng xinh/ Vầng trăng ấy - nơi chúng mình gặp nhau (Vầng trăng), v.v.
Lâm Thị Mỹ Dạ cũng viết nhiều về thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, cây trái miền đất quê hương chị… Có cảm giác chị luôn ngơ ngác, lạ lẫm trước thiên nhiên, trước cuộc sống:
Có buổi sáng hồn như bông tỉ muội
Ta lạ lùng tìm lại ta xưa
(Buổi sáng trong vườn)
…Tìm lại ta xưa tức là tìm về những thú vui thuở nhỏ, chị ao ước:
Xin cho tôi suốt đời làm con dế
Hát li ti trong cỏ xanh non
…Lại ngu ngơ hát bài ca muôn thuở
Hát vu vơ lời cỏ dại khờ
(Du ca …dế)
Tìm lại ta xưa là tìm lại thời gian:
Theo bài ca tôi về tìm lại
Khoảng thời gian xanh biếc dưới cỏ mềm
(Khoảng thời gian xanh biếc)
Cho tôi về thời con gái
Sáng tròn như một vầng trăng
(Với bạn gái)
Nhà văn Lê Minh Khuê nhớ lại: “Năm 1971, ngoài hai mươi tuổi, lần đầu Lâm Thị Mỹ Dạ tới thủ đô, mắt mở to, trái tim choáng ngợp những xúc động, thiếu nữ nhìn Hà Nội như một đứa trẻ nhìn thế giới đầy những màu sắc mới lạ”*. Bài thơ Đường thủ đô của Lâm Thị Mỹ Dạ viết trong thời gian đó có những câu lung linh như những hạt nước trong trẻo sau mưa rào (Lê Minh Khuê):
Qua Bà Triệu thấy Quang Trung
Gặp Hồ Gươm sáng một vùng sóng xao
Ngẩn ngơ hoa sữa trên cao
Tìm Nguyễn Du lại lạc vào Xuân Hương
(Đường thủ đô)
Tôi nhớ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng có một câu thơ trong veo: Khi mùa xuân đến/ Trái tim như hạt sương/ Trong chiếc lá của hạnh phúc (Hạt sương). Trái tim ấy sung sướng, ngạc nhiên, bộc lộ chân thành sau những tiếng đập đa cảm:
Trời ơi, hoa Hà Nội
Làm sao nói nên lời
(Hoa Hà Nội)
Một lần đến nước Nga, chị cũng không giấu những xúc động, ngơ ngác của mình:
Bông cúc dại nhìn ai
Cái nhìn màu nắng
Thơ ngây, dịu dàng
Và tôi
Như một chiếc mầm
Bật lên sau tuyết
Ngơ ngẩn nhìn nước Nga
(Nước Nga vừa xanh)
Tâm hồn chị tràn đầy lạc quan, một tinh thần lạc quan không tếu, đã vượt qua những đau buồn, qua những trải nghiệm, những đúc kết: Tôi lại yêu cuộc đời vô hạn/ Bao lo buồn chợt thấy nhẹ tênh (Chú mèo bên cửa sổ). Bởi vì chị đã trải qua, đã thức ngộ: Người đàn bà làm thơ trăm thứ khổ/ Thấm vào trong như cát chẳng thấy gì (Thân phận tơ trời), Em đã thành người đàn bà khác/ Nụ hoa xanh, nụ tầm xuân đã khác (Nụ tầm xuân đã khác), Đời người thoảng chốc tan vào gió/ Hạnh phúc mong manh hương ổi bay/ Chị ơi hạnh phúc ai cầm nổi/ Mong manh bọt biển thoáng làn mây (Đêm Như Ngân), Đời qua nhanh có ai ngờ/ Giật mình ngoảnh lại ngẩn ngơ tuổi mình (Tuổi anh), Một mình lắng, một mình nghe/ Ơ kìa cái cõi - đi - về gang tay (Giấc ngủ mặt trời).
Bởi vì chị đã trải qua những thời khắc rất bi quan:
Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Rơi không thành tiếng
Trong xứ sở anh
Em bị lạc
Xứ sở hiếm hoi niềm vui
Khô khắt đến nao lòng
(Tặng nỗi buồn riêng)
Thực ra với những người lọc lỏi, từng trải, kỹ tính rất có thể họ giấu kín những “ngơ ngác”, “ngẩn ngơ”… như Lâm Thị Mỹ Dạ. Bởi vì có gì đó thật thà quá, thậm chí hơi… “quê quê” nữa. Nhưng với trực cảm mạnh mẽ Lâm Thị Mỹ Dạ hồn nhiên không cần che giấu cảm xúc. Thơ của chị vì thế cởi mở chân thành, “rất Lâm Thị Mỹ Dạ”. Sự chân thành đó như suối nguồn từ một trái tim trung thực. Bài thơ Anh đừng khen em của chị được người đọc các lứa tuổi yêu thích, vì người con gái trong bài thơ tâm hồn rất thật thà, trong trẻo, thánh thiện, không phải như các cô gái khác chỉ thích được khen. Điều chị cần cao hơn lời khen:
Hãy chỉ cho em cái kém
Để em nên người tốt lành
Hãy chỉ cho em cái xấu
Để em chăm chút đời anh
Anh ơi, anh có biết không
Vì anh em buồn biết mấy
Tình yêu khắt khe thế đấy
Anh ơi anh đừng khen em
(Anh đừng khen em)
Như vậy trong bản năng trực giác vượt trội dường như đã có sự tham gia của ý thức giúp ngòi bút của chị tìm đến những ngôn từ biểu cảm, nhưng trong sự biểu cảm đã bao gồm cả lý lẽ làm người đọc không nhận ra “dấu vết” của ý thức. Tính chính trị, tính giáo dục, những yêu cầu mà văn chương luôn đặt lên hàng đầu đối với thế hệ chị, chỉ như một mạch ngầm giấu kín phía sau các dòng chữ, đến sau của quá trình cảm nhận thẫm mỹ. Nếu đó là ý thức thì phải thừa nhận Lâm Thị Mỹ Dạ nhận biết khá sâu sắc bản chất của văn chương nghệ thuật. Mọi sự thuyết giáo lộ liễu, nhất là trong thơ trữ tình đều phản tác dụng trong quá trình tiếp nhận. Nhiều bài thơ chị viết trong chiến tranh không mấy khi miêu tả trực tiếp cảnh bom đạn, điều chị quan tâm là: Đạn bom thù chẳng sợ đâu/ Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh (Gặt đêm). Bộ mặt chết chóc của chiến tranh được “mờ hóa”: Màu vàng bom bi lẫn trong màu vàng của lúa/ Mỗi người đội một vầng trăng nhỏ (Gặt đêm). Ở bài thơ nổi tiếng Khoảng trời, hố bom cũng vậy, chị có cách khai thác về chiến tranh rất riêng: chiến tranh vẫn hiện diện, nhưng thấp hơn, bị chìm lấp, khi sự mất mát đã hóa thân thành “phạm trù” của cái đẹp, cái cao cả:
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Máu đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
…Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
(Khoảng trời, hố bom)
Ở bài thơ Hương vườn cũng viết về chiến tranh, nhưng cái ác hình như không hiện diện, dù chỉ mới hôm qua bom đạn Mỹ vừa trút xuống trước thềm nhà chị. Nhưng tiếng bom đã là quá vãng. Trước mắt chị là hoặc là sự lặng im, hoặc là tiếng chim hót: trời vẫn ngọt mềm tiếng chim, hai chùm ổi chín lặng im cuối vườn. Điều nhà thơ quan tâm lúc cầm bút là vẻ đẹp thanh khiết của bình yên, hạnh phúc:
Hôm qua bom nổ trước thềm
Sớm ra trời vẫn ngọt mềm tiếng chim
Nghe hương cây vội đi tìm
Hai chùm ổi chín lặng im cuối vườn
(Hương vườn)
Có thể tìm thêm những ví dụ tương tự, những nơi thể hiện ý thức của nhà thơ, giúp ta nhận ra nét riêng của Lâm Thị Mỹ Dạ, một “cây cọ” không quen chất liệu sơn dầu, chị thích bột màu, thuốc nước, có xu hướng muốn xanh hóa, mờ hóa “những điều trông thấy”, muốn vượt lên để cho cái cảm thức khoảng trời đã nằm yên trong đất…/ Những vì sao ngời chói lung linh cũng như cái màu xanh nhiều cung bậc trên kia lay chuyển trái tim người đọc ở tận sâu xa nơi tan hòa cảm xúc và ý thức.
Chất tươi xanh, hồn nhiên vượt trội trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ làm người đọc dễ tưởng nhầm như thể đó là tất cả thế giới bên trong của chị. Thực ra không phải vậy. Thế giới nội tâm của chị không hề đơn giản. Lâm Thị Mỹ Dạ có một “tuổi nhỏ” không mấy suôn sẻ, có một “tuổi lớn” cũng không mấy nhẹ nhõm. Chị có người cha vào Nam làm ăn sinh sống sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945, bỏ lại hai mẹ con chị với sự vây bủa của biết bao tiếng bấc tiếng chì, biết bao sự kỳ thị, biết bao sự thương tổn. Mang vết thương tinh thần thời niên thiếu, vết thương khó quên nhất, khó lành nhất của đời mỗi con người, Lâm Thị Mỹ Dạ có những câu thơ đầy thương cảm:
Em có nỗi buồn như tro
Hoang lạnh cả một đời thiếu nữ
(Anh đã nhìn thấy em)
Cái “hoang lạnh” này rồi theo chị suốt cả cuộc đời, làm nên nỗi cô đơn nguyên phiến trong tâm khảm chị. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhiều khi là hiện thân của nỗi cô đơn, hòa trộn với những nỗi buồn muôn thuở: Bây giờ chỉ một mình ta/ Một mình ta với bao la một mình/ Bây giờ chỉ một trái tim/ Một mình tung hứng một mình vết thương…/ Một mình lắng một mình nghe/ Ô kìa cái cõi - đi - về gang tay/ Một mình cho hết đêm nay/ Ta ngồi với bóng ôm đầy nhân gian (Một mình); Năm tháng cuốn trôi/ Một thời con gái/ Trên gương mặt em/ Nếp buồn đọng lại (Em sợ)…
Đọc các tập thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ từ Khoảng trời, hố bom, Trái tim sinh nở, Bài thơ không năm tháng, Hái tuổi em đầy tay, Mẹ và con, Đề tặng một giấc mơ, đến Hồn đầy hoa cúc dại… có thể nhận thấy chị là người hạnh phúc: hạnh phúc với gia đình riêng của chị, hạnh phúc do nghề làm thơ mang đến. Nhưng cuộc đời của chị cũng không ít những năm tháng nhọc nhằn gian truân, nhất là từ khi chồng chị gặp bạo bệnh:
Bao vết thương trái tim sẹo chai lỳ
Tưởng là vậy, tưởng là mình gan góc
Nào đâu ngờ nước mắt cạn đêm nay
(Viết về câu trả lời của con)
Đời bất chợt thác ghềnh ào trút xuống
Vùi lấp anh - cơn bạo bệnh kinh hoàng…
Trên đôi vai bình yên
Mà bão giông nghiêng ngửa
Em quặn mình như rễ giữa đất im
(Cho anh tựa vào em)
Mang trong tim “nỗi buồn nguyên khối”, “nỗi đau trường cửu”, vết thương “không thành sẹo”, gánh trên đôi vai nhỏ những “thác ghềnh ào trút xuống”, “bão giông nghiêng ngửa”, một mình chống chọi, một mình làm điểm tựa cho gia đình, chị “quặn mình như rễ giữa đất im”:
Em tựa vào em - đơn độc quen rồi
Em tựa vào em - gắng vững giữa đời
(Cho anh tựa vào em)
Bởi vì, tâm hồn chị luôn rộng mở, luôn bao dung:
Xin biết ơn mây trắng
Cho tôi lòng bao dung
(Ngước nhìn trời sao)
Vậy nên, có thể hiểu cái màu xanh biến ảo trong thơ trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là sự hòa trộn bản năng và ý thức. Nếu chỉ là bản năng thì có thể dẫn câu thơ đến sự “xanh lép” không mong muốn nào đó. Còn nếu chỉ là ý thức thì câu thơ có thể như bị “cài đặt” dẫn đến mất đi tính hồn nhiên, tự nhiên muôn thuở của thể loại.
Đến đây, bạn yêu thơ phần nào có thể nhận thấy Hồn xanh như cỏ…/ Hồn đầy nụ xanh (Ừ thôi tưởng tượng), Một khoảng xanh êm đềm/ Dập dờn chao giữa hồn tôi (Hội An)… chỉ là một mặt của “khối lục lăng” nhiều sắc màu phản chiếu tâm hồn đầy hoa cúc dại của Lâm Thị Mỹ Dạ.
Nếu trước mắt chúng ta là một nhà thơ có tâm hồn đầy hoa cúc dại thì ngòi bút của nhà thơ đó chắc chắn sẽ có đặc trưng riêng biệt. Trên kia chúng ta biết Lâm Thị Mỹ Dạ thường có ý thức làm “mờ hóa”, “mềm hóa”, “xanh hóa”, “trăng hóa”… những thô tháp, góc cạnh, cằn cỗi... của hiện thực. Cái cách Nhìn đời bằng đôi mắt xanh non (XD) ấy đã tạo nên chất trữ tình mượt mà lấn át chất tự sự trong thơ chị, ngay cả ở những bài Lâm Thị Mỹ Dạ chủ ý sử dụng bút pháp tự sự: Chuyện một cô bảo mẫu, Khoảng trời hố bom, Một cuộc đời âm vang, Anh thương binh kể chuyện, Chuyện cũ tuổi thơ, Sự tích hoa đá… vv. Lối ví von, so sánh của Lâm Thị Mỹ Dạ không sa vào sáo mòn cằn cỗi, ngược lại khá độc đáo, có lẽ xuất phát từ tâm hồn đầy hoa cúc dại của chị. Để nói tấm lòng thương yêu thơm thảo của chị gái, Lâm Thị Mỹ Dạ có lối so sánh, ví von thú vị trong sự liên tưởng về hương thơm: Lòng chị thương em như quả chín (Đêm Như Ngân). Để nói về một ký ức, chị trộn lẫn cái thực với cái ảo: Ánh trăng tan vào hoa cau/ Nồi cơm sôi có tiếng cơn mưa (Buổi sớm). Chị khoác lên không gian khái niệm “tuổi mười bảy” để nói cái tươi trẻ của thiên nhiên và của tâm hồn: Sớm nay thời tiết như mười bảy/ Tở mở lá cành ngơ ngác hương (Màu phố Phái). Để nói cái màu xanh của khu vườn, chị mượn những hình ảnh đã in dấu thật xa trong ký ức: Cánh chuồn đỏ chao một vòng thơ dại/ Chú ếch vàng ngơ ngác giậu thưa…/ Sao sớm nay vườn xanh như cổ tích/ Cho ta thành cô bé lọ lem xưa (Buổi sáng trong vườn). Phép “lãng mạn hóa” ở chị là đặt cái cụ thể bên cái không cụ thể: Tổ Quốc như cánh tay…/ Ôi cánh tay biếc xanh như tình ái (Tổ quốc). Để vô hiệu hóa cái ác, chị trộn lẫn cảm giác về màu sắc: Màu vàng bom bi lẫn trong màu vàng của lúa (Gặt đêm). Với cảm thức thời gian, chị có những câu thơ tê buồn: Đời qua nhanh có ai ngờ/ Giật mình ngoảnh lại ngẩn ngơ tuổi mình (Tuổi anh), Đời người thoảng chốc tan vào gió (Đêm Như Ngân), Cuộc đời trần gian ngắn lắm/ Sao người không thương người hơn (Tôi có bao nhiêu đêm trắng), vv.
*
Đọc thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, ký ức lại tìm về vùng đất từ bờ nam Bến Thủy đến hết Quảng Bình, vùng đất hẹp, vùng đất lửa, thất thường mưa nắng, hun hút gió nóng thổi từ đất Lào, mênh mông cát trắng chạy dài ven biển, bầu trời tứ thời xanh ngăn ngắt, những dòng sông bốn mùa chảy xiết. Từ ngàn đời nay, con người nơi đây như được “trời phú” những “kỹ năng mềm” để đương đầu chế ngự cái khắc nghiệt kia. Đó là nét dịu dàng mềm mại trong đối nhân xử thế, lãng mạn tình tứ trong tính cách, đa cảm phong tình trong cõi đời, cõi người… Nhà thơ Thanh Tịnh có lần nói rằng ở miền đất ấy con sông nào cũng ngắn nhưng câu hò nào cũng dài. Cái “ngắn” ở đây là sự khắc nghiệt của đất trời, cái “dài” chính là sức thanh xuân trường tồn trong tâm hồn con người. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ góp phần sáng tỏ nghịch lý ấy.
Tháng 3 năm 2020
L.T.N
(SHSDB37/06-2020)
................................
* Lê Minh Khuê, Nhà thơ của tình yêu, trong sách Lâm Thị Mỹ Dạ tuyển tập, Nxb. Hội Nhà văn 2011, tr.407.