Tác giả-tác phẩm
Tinh thần nhập thế của Ngô Thì Nhậm
15:55 | 02/02/2021

THÍCH CHẤN ĐẠO

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một Thiền phái nhất tông mang tinh thần nhập thế tích cực đã góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Tinh thần nhập thế của Ngô Thì Nhậm
Ảnh: internet

Tinh thần “Cư trần lạc đạo” của Thiền phái đã ảnh hưởng vào đời sống sinh hoạt của dân tộc một cách sâu đậm và kéo dài cho đến hôm nay. Xét riêng vào thế kỷ XVIII, tinh thần này đã giúp cho các sĩ phu bấy giờ thoát khỏi những bế tắc trong kiến trúc thượng tầng. Nổi bật lên có Ngô Thì Nhậm được xem là vị tổ thứ tư của Thiền phái với pháp hiệu là Hải Lượng đại thiền sư.

Giai đoạn Ngô Thì Nhậm sống là giai đoạn rối ren của lịch sử Việt Nam. Giai đoạn mà triều chính rỗng mục tận gốc, vừa có vua lại có chúa. Biến động triều quyền diễn ra liên tục, sáng sớm chiều vua, ba bè bảy mối tranh giành quyền lực. Trước thực trạng đó nhiều nhân sĩ đương thời đã ẩn dật để giữ gìn thanh tiết, lui về với tư tưởng của Đạo giáo. Riêng Ngô Thì Nhậm đã vượt qua những lời dị nghị, những quan điểm của Nho gia để đi theo Tây Sơn phục vụ xã tắc. Mặc dù bước ra từ cửa Khổng sân Trình nhưng ông đã theo con đường của sơ Tổ Trần Nhân Tông, nhị Tổ Pháp Loa và tam Tổ Huyền Quang, mang khát khao dấn thân nhập thế, kiến tạo nhân sinh trên nền tảng tư tưởng Phật giáo. Bài viết này bỏ qua tinh thần nhập thế của Nho giáo bởi thời bấy giờ ý thức hệ Nho giáo đã lung lay tận gốc, chỉ xét trên phương diện nhập thế của Phật giáo.

Con đường nhập thế dấn thân trước hết cần vượt qua những cám dỗ lợi danh địa vị chức quyền, tham lam ích kỷ, nhận chân được giá trị của tự tâm sau đó mới hòa mình vào chốn hồng trần mà không bị bụi đời vướng bận. Ngô Thì Nhậm đã đi con đường đó để khẳng định tấm lòng vì lợi ích của quần chúng nhân dân, vì sự an bình cho lê dân trăm họ.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng:

“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác”


(Phật pháp ở thế gian
Không có việc rời khỏi thế gian mà giác ngộ).

Đến thời Trần, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông chuyển thành một quan điểm rất thiết thực, đó là quan điểm Cư trần lạc đạo. Sự tu tập giải thoát không đi ra ngoài cuộc đời, Bồ Đề không ngoài phiền não, Phật không ngoài chúng sinh. Không chỉ tu tập ngay trong cuộc đời này để giải thoát mà còn dấn thân phục vụ, cứu khổ ban vui cho chúng sanh bằng tâm- hạnh- nguyện của một vị Bồ tát.

Tinh thần nhập thế được xem là điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam. “Tinh thần này đã có từ thời Phật giáo mới vào Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, trải qua các đời Ngô, Đinh, Tiền Lê… giành độc lập tự chủ, rồi phát triển mạnh ở các triều đại sau” [5, tr.101]. Đời Trần, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với quan điểm cư trần của Trần Nhân Tông - người sáng lập tông phái đã đưa Phật giáo đi vào cuộc đời làm lợi cho xã hội một cách tích cực. Những nhân vật vua chúa, quan lại, tướng sĩ thời Trần là minh chứng rõ ràng nhất. Họ vừa phục vụ, xây dựng đất nước vừa tu tập giải thoát. Vì đề cao Phật tại tâm nên khi dấn thân nhập thế không bị vòng danh lợi bó buộc, không bị bụi trần làm vướng bận. Trong Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông viết:

“Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”

Cho thấy rằng quan điểm tu không phải ở rừng mà đề cao tính nhập thế không bị ô nhiễm. Nhận rõ tự tánh, thấy Phật tại tâm và không còn bị ràng buộc lợi danh nên tu Phật cũng chính là dấn thân nhập thế cứu độ chúng sanh. Tinh thần này đã làm nên thời kỳ vàng son của lịch sử Việt Nam dưới thời Trần. Ngô Thì Nhậm tiếp thu tư tưởng Phật giáo và quan trọng hơn hết, ông đã thâm hiểu chủ trương nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử một cách rốt ráo. Trong sáng tác của mình, Ngô Thì Nhậm đã thể hiện mình là một con người tận lực vì nhân dân, xã tắc. Nhưng trước những biến chuyển của cuộc đời, của thế sự quyền hành danh lợi mà khuôn thước của Nho gia không còn giữ vững khiến ông ưu tư nhiều hơn nữa. Như ngọn hải đăng giữa biển khơi đêm tối, tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo đã định hướng tư tưởng cho Ngô Thì Nhậm. Ông đã vận dụng Phật giáo vào sự nghiệp xây dựng xã hội, ra sức kiến tạo con đường vì nhân dân.

Thơ văn của Ngô Thì Nhậm đã thể hiện tấm lòng nhập thế tích cực. Khi không còn nhận bổng lộc của triều đình, ông vẫn phục vụ nhân dân. Ông viết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh không ngoài mục đích kiến tạo một hệ ý thức phù hợp cho xã hội đương thời. “Động cơ sáng tác của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là lòng yêu nước thương dân, ưu tư cho vận mệnh của đất nước. Mục đích cứu cánh mà tác phẩm nhắm đến cũng là giải quyết những loạn lạc bất ổn xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XVIII, với mục đích đoàn kết để tạo nên sức mạnh toàn dân tộc nhằm phục hưng đất nước. Nội dung chủ đạo của tác phẩm là khôi phục, xiển dương tư tưởng nhập thế yêu nước trên tinh thần vô ngã của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, lấy đó làm cơ sở lý luận về mặt tư tưởng nhằm hóa giải những chống trái của các tầng lớp xã hội mà cụ thể là Phật tử, Nho sĩ và Đạo sĩ.”[5, tr.102]

Ngay từ đầu, Ngô Thì Nhậm đã chọn con đường đi của Tam Tổ Trúc Lâm để tiếp bước. Trong bài Thưởng liên đình phú, ông đã nói rõ:

“Nội khởi dịch lâm chi thi thất hề, ngoại cấu trúc làm chi thiền đường”.

(Trong dựng nhà Dịch Lâm mà bói cỏ thì chừ, ngoài xây Thiền đường thờ tổ Trúc Lâm).

“Phỉ viễn cầu ư Bồng doanh hề, ngụ “Tam tổ” chi thâm chí”

(Chẳng mơ tìm thú cõi tiên chừ, theo Tam Tổ mà hướng bước) [7, tr.94].

Con đường mà Tam Tổ đi đó là sự dấn thân không mỏi mệt vì cuộc sống của nhân dân. Tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều từ bỏ danh lợi, tu tập giáo pháp giải thoát và hành Bồ Tát hạnh cứu độ chúng sanh. Tam Tổ đã đem đạo lý từ bi của đạo Phật phục vụ và chăm lo cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân tu thân hành thiện, giữ gìn ổn định xã hội. Trước những thực tại khách quan, Ngô Thì Nhậm đã nhìn ra con đường cần phải đi của xã hội đương thời.

Trong bài Thứ Thái sử thự đình hầu, ông đã thể hiện chí lớn không sờn của một người khát khao phụng sự.

“Hàn nho thiêu chúc tái tư lương
Tráng chí hoàn nghi lão ích đương”


(Nho nghèo chong nến, suy lại tính đi
Chí lớn vẫn nên càng già càng mạnh) [7, tr.304]

Chí lớn xây dựng cuộc sống bình ổn luôn sôi sục trong con người ông. Và có lúc ông cười cho thế sự đao binh rồi lại đem ngọc lụa để giao hòa.

“Ký mâu kích chi tường tầm hề, nãi ngọc bạch chi tương lân”

(Đã gươm đao giết hại lẫn nhau chừ, lại ngọc lụa để hòa giao) [7, tr.72]

Cuộc đao binh khiến nhân dân lầm than, cơ cực đã thôi thúc vào trong tâm hồn những người như ông một mong muốn:

“Hà thời vũ khố thác cung thỉ
Hạc cốt sương đề phản cố lâm”


(Bao giờ đút túi cung tên cất vào kho vũ khí
Xương hạc, móng sương trở về rừng xưa) [7, tr.305]

Nhưng rồi cuộc thế biến chuyển, chiến tranh vẫn cứ diễn ra khiến ông luôn để tâm hướng đến việc nước việc dân. Ông mong muốn đem thân vận động, đem lòng điều chỉnh kỷ cương phép tắc:

“Dư quan phù vân hề, bát hoang tất tại minh đình. Cẩu năng mục chi sở cập, túc chi sở kinh, khả dĩ ngô lực vận động. Ngô kính dinh, tuy đạo nguy lý hiểm, diệc bất phụ hồ bình sinh.”

(Ta nhìn mây kia, tất bay qua khoảng sân rộng bao la của tám cõi. Nếu mắt mà nhìn trời, chân mà dạo qua, thì có thể đem sức mà vận động, đem lòng ta mà điều chỉnh. Dù có dẫm đạp trên con đường nguy hiểm, cũng không phụ bạc với bình sinh của ta.) [7, tr.68]

Ngô Thì Nhậm thấy vui khi:

“Lão giả an chi, thiếu giả hoài chi”
(Người già được an vui, trẻ thơ được ẵm bế) [10, tr.296]

Khát vọng của ông là tế độ chúng sanh theo tinh thần từ bi của Phật giáo:

 “Thiên ý chi sở tồn giả, dĩ kỳ năng tế độ chúng sanh”
(Cái mà ý trời muốn lưu giữ lại là cứu vớt chúng sanh) [10, tr.316]

Nếu nhìn vào thực tế xã hội Đại Việt thời bấy giờ thì tế độ chúng sanh chính là cứu vớt, chăm lo cho bách tánh lê dân trong cơn dầu sôi lửa bỏng, là mong cho chiến tranh chấm dứt. Cũng vì thế mà Ngô Thì Nhậm bày tỏ quan điểm của mình về bổn phận và trách nhiệm của Vua quan là phải thương yêu dân chúng, nếu không là làm trái ý của trời.

“Vi nhân quân nhi bất nhân, vi nhân phụ chi bất từ, vi thiên ý giả”
(Làm vua mà không có lòng nhân ái, làm cha mà không có đức từ thân là trái với ý trời) [10, tr.319].

Ngô Thì Nhậm viết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh không ngoài mục đích tiếp nối tinh thần nhập thế tích cực để lo cho dân cho nước. “Có thể khẳng định, tâm hồn thiền của Ngô Thì Nhậm trước sau vẫn là tâm hồn của những người theo Thiền học Trúc Lâm - một Thiền học Việt Nam luôn kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần đạo lý với tinh thần dân tộc. Đó cũng là thiền học của một con người luôn nặng lòng yêu nước, yêu đời, xả thân nhập thế.” [1, tr.35].

Phật giáo Việt Nam mà sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã làm cho tư tưởng Phật giáo thiết thực hơn. Phật giáo không đi ngoài cuộc sống, con người tu giải thoát không đi ra ngoài cuộc đời, không lánh xa trần thế mà là sự dấn thân nhập thế vì nhân quần xã hội. Ngô Thì Nhậm đã tiếp nối tư tưởng ấy để xiển dương Phật giáo, cũng là xây dựng xã hội, cứu giúp nhân dân.

Ngô Thì Nhậm sớm được tiếp xúc với Phật giáo, ảnh hưởng trực tiếp từ cha của mình nên ông đã để tâm đến việc học Phật, nghiên cứu Thiền tông. Ông đã vượt qua những quan niệm của Nho giáo, thoát khỏi vướng bận trong vòng danh lợi, chức tước, quyền lực mà khát khao phục vụ nhân dân, tế độ chúng sanh.

Ngô Thì Nhậm đã bước theo con đường của Tam Tổ Trúc Lâm nhập thế tích cực. Ông lập Thiền viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu (Ba Đình - Hà Nội) nghiên cứu và viết nên bộ Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh rất hay, vừa có giá trị triết học Phật giáo vừa có giá trị văn học. Chính ông xem đây là bài giảng về tư tưởng Phật học để phổ biến cho quần chúng, hướng dẫn hậu học tiếp nhận những giá trị thiết thực của Phật giáo. Ngô Thì Nhậm là một nhà tư tưởng lớn của thế kỷ XVIII, có vị trí quan trọng trong nền văn học nước nhà.

T.C.Đ
(SHSDB39/12-2020)

-------------------------
Tài liệu tham khảo:

1. Trần Ngọc Ánh (2003), “Ngô Thì Nhậm - tấm gương sáng về đạo làm người trong thời kỳ biến loạn lịch sử”, Tạp chí Triết học, số 5 (144), tr 32-35.
2. Doãn Chính (2012), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền Phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức.
4. Nguyễn Duy Hinh (2006), Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Trần Hoàng Hùng (2013), Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại, Luận án Tiến sĩ, trường ĐHKHXH-NV Tp. Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Nxb. Văn học, Hà Nội.
7. Ngô Thì Nhậm (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Mai Quốc Liên (Chủ biên), Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, Hà Nội.
8. Ngô Thì Nhậm (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 2, Mai Quốc Liên (Chủ biên), Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, Hà Nội.
9. Ngô Thì Nhậm (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, Mai Quốc Liên (Chủ biên), Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, Hà Nội.
10. Ngô Thì Nhậm (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Lâm Giang (chủ biên), Viện KHXH Việt Nam- Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
11. Trần Thị Băng Thanh (2003), “Ngô Thì Nhậm - một tấm lòng Thiền chưa viên thành”, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (58), tr 8-20.  



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng