LÊ HỒ QUANG
Dưới “áp lực” của tiêu đề, khi đọc Thỏa thuận, gần như ngay lập tức, trong óc tôi nảy sinh hàng loạt câu hỏi: Thỏa thuận nói về cái gì?
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
Thỏa thuận
Ngôi nhà muốn bay
con đường muốn trôi
dòng sông muốn dựng ngược
các sự vật muốn được gọi tên
các sự việc muốn có đời sống mới.
Ngôn từ kết nối
phân chia.
Một người nói một người nghe
một người nói nhiều người nghe
nhiều người nói một người nghe
nhiều người nói nhiều người nghe.
Người nghe lặng lẽ nghe
người nói thản nhiên nói
người nghe tự hiểu
người nói tự im
và ngôn ngữ
tự do tạo nghĩa.
Thế giới không thuần nhất
bấp bênh
những ý nghĩa thỏa thuận.
9/2010
(Nguồn: Trương Đăng Dung (2018), Những kỷ niệm tưởng tượng, Nxb. Európa, Budapest).
Là sự “thỏa thuận” trong cấu trúc ngôn ngữ, giữa hai mặt ký hiệu và hình ảnh âm thanh cấu thành, vốn có mối quan hệ võ đoán? Là sự “thỏa thuận” trong hoạt động giao tiếp xã hội, giữa người nói và người nghe mà ngôn ngữ là phương tiện kết nối? Là sự “thỏa thuận” trong hoạt động tiếp nhận văn học, được xác lập trên mối quan hệ giữa độc giả và văn bản, một mối quan hệ cũng đầy tính bất định? Hay Thỏa thuận còn là gì đó khác?
Thoạt tiên, tôi thử áp dụng cách đọc lược, bao quát nhanh nội dung chính của văn bản, đồng thời kết nối một số yếu tố trong văn bản với những yếu tố bên ngoài, có mối liên hệ gần, chẳng hạn thông tin về con người tác giả; hoặc, những lý thuyết triết học, mỹ học… bàn về vấn đề liên quan. Thao tác đó cho phép tôi “lược quy” một số nét chính trong nội dung bài thơ như sau:
- Bài thơ bàn đến một tính chất đặc thù của hoạt động ngôn ngữ - tính “thỏa thuận” (hoặc diễn đạt theo cách khác - tính quy ước), trong giao tiếp đời sống và nghệ thuật. Đó là mối quan hệ vừa có tính xác định vừa đầy bất định.
- Bài thơ mô tả hoạt động ngôn ngữ thông qua một số biểu hiện cụ thể: nói, nghe, hiểu… khá sinh động. Ngôn ngữ là hình tượng trung tâm của bài thơ.
- Bài thơ giàu tính khái quát, triết lý. Nó gợi mở suy ngẫm về các mối quan hệ giao tiếp trong nghệ thuật và đời sống.
Có một số “điểm tựa” dẫn tôi đến sự suy luận về nghĩa/nội dung văn bản nói trên. Cụ thể như sau:
a) Tên bài thơ là Thỏa thuận. Toàn bộ câu chữ, hình ảnh trong văn bản tập trung vào việc làm sáng tỏ luận đề “tính thỏa thuận” trong giao tiếp ngôn ngữ.
b) Mối liên hệ giữa nội dung Thỏa thuận với một số tri thức, lý thuyết triết học, ngôn ngữ, văn hóa, nghiên cứu văn học hiện đại. Chẳng hạn, lý thuyết ngôn ngữ học cấu trúc của F. de Sausure với quan niệm về bản chất võ đoán của dấu hiệu ngôn ngữ1; lý thuyết Ký hiệu học với quan niệm về giao tiếp ngôn ngữ trong đời sống và nghệ thuật “như là sự giao nhau đầy căng thẳng giữa những hành vi ngôn ngữ tương thích và không tương thích” (IU.M. Lotman)2; Mỹ học tiếp nhận với quan niệm khẳng định bản chất giao tiếp của nghệ thuật và tính tích cực, sáng tạo trong hoạt động tiếp nhận của độc giả3. Ngoài ra, về vấn đề này, còn có thể nhắc đến lý thuyết giải cấu trúc, lý thuyết diễn ngôn, lý thuyết hậu hiện đại…
c) Mối liên hệ giữa Thỏa thuận với kiểu tư duy, cảm quan thẩm mỹ của nhà thơ (đồng thời cũng là nhà nghiên cứu văn học) Trương Đăng Dung và với những sáng tác khác của ông.
Nhưng có thực nghĩa/ ý nghĩa của bài thơ chỉ nằm ở đó?
Theo quan điểm tiếp nhận hiện đại, nghĩa/ ý nghĩa của bài thơ được tạo sinh trong hoạt động tiếp nhận của độc giả. Nghĩa là, tùy vào năng lực đọc của độc giả, sẽ xuất hiện vô số văn bản Thỏa thuận phái sinh, trên cơ sở văn bản ngôn từ đã được Trương Đăng Dung khởi tạo. Như vậy, một số nghĩa mà tôi “đọc lược” ở trên, thực chất cũng chỉ là sự “thỏa thuận” của cá nhân tôi với văn bản. Văn bản phát, còn tôi nhận. Với tầm đón nhận của tôi, nghĩa của văn bản có thể là vậy. Nhưng với độc giả khác, nghĩa của Thỏa thuận sẽ không, hoặc không chỉ như vậy.
Mặt khác, sự lược quy nội dung của tác phẩm vào việc tóm tắt nội dung, kèm theo một số chú giải như cách tôi đã làm ở trên là hoàn toàn không đủ. Không thể truyền đạt bản chất của tác phẩm văn học dưới dạng trình bày tóm tắt nội dung của nó. Ngoài ra, việc lý giải văn bản bằng những yếu tố nằm ngoài cấu trúc chỉnh thể văn bản rất dễ dẫn đến nguy cơ áp đặt và suy diễn. Hệ quả là, thay vì bản chất thẩm mỹ của tác phẩm, tôi chỉ nhìn thấy “cái vỏ biểu kiến bên ngoài” của nó.
Vấn đề tiếp theo là, giữa “thỏa thuận” của tôi và “thỏa thuận” của độc giả khác với bài thơ, đâu là kết quả đúng? Đâu mới thực sự là nghĩa và ý nghĩa của bài thơ?
Ở trên, tôi mới dừng lại ở cách đọc lược, tức tìm kiếm những yếu tố ngôn từ lặp lại, tập trung vào tiêu điểm “thỏa thuận”, kết nối chúng với chủ đề, dùng những kinh nghiệm và tri thức đã có về những yếu tố ngoài văn bản (thông tin về tác giả, các lý thuyết triết học, mỹ học, khoa học…), cố gắng tìm mối liên hệ giữa chúng, nhằm tìm ra những lớp nghĩa tương ứng. Điều này thực ra không khó, bởi giữa văn bản Thỏa thuận và những yếu tố bên ngoài ấy quả thực có mối liên hệ khá rõ, khá trực tiếp. Tuy nhiên, những lớp nghĩa mà tôi tìm thấy chủ yếu là nghĩa đen, nghĩa xã hội học.
Việc đọc văn bản, nếu muốn tiệm cận tới những lớp nghĩa sâu hơn, đòi hỏi đọc kỹ (close reading). Với cách đọc này, bài thơ được nhận thức như một cấu trúc có tính tự trị, với sự toàn vẹn hữu cơ của nó.
Vậy có gì đặc biệt trong cấu trúc nội thân của Thỏa thuận?
Bài thơ chia làm 5 đoạn. Đoạn thứ nhất, gồm 5 dòng, tôi tạm gọi là phần tạo tình huống:
Ngôi nhà muốn bay
con đường muốn trôi
dòng sông muốn dựng ngược
các sự vật muốn được gọi tên
các sự việc muốn có đời sống mới.
Ngôi nhà, con đường, dòng sông là những sự vật, hình ảnh quen thuộc, gắn liền những ý niệm tính chất, đặc điểm đã thành ổn định, bất biến trong lịch sử ngôn ngữ. Bằng cách đặt tên cho sự vật, con người đã thực hiện hành vi cưỡng chế sự vật, buộc chúng tồn tại trong khuôn khổ ý niệm có tính định mệnh. Bài thơ nêu lên một tình huống giả tưởng, và cũng là một đề nghị cùng suy nghĩ: ngôi nhà muốn bay, con đường muốn trôi, dòng sông muốn dựng ngược. Đòi hỏi “được gọi tên”, đòi hỏi có một “đời sống mới”, thực chất là đòi hỏi thay đổi nhận thức của con người về những chân lý mặc định, những “đại tự sự” bất biến.
Từ tình huống giả tưởng về sự nổi loạn của sự vật nhằm chống lại sự áp chế của ngôn ngữ, bài thơ tiếp tục mạch mô tả về hoạt động ngôn ngữ trong thực tiễn đời sống:
Một người nói một người nghe
một người nói nhiều người nghe
nhiều người nói một người nghe
nhiều người nói nhiều người nghe.
Người nghe lặng lẽ nghe
người nói thản nhiên nói
người nghe tự hiểu
người nói tự im
Vô số tình huống giao tiếp được phác nhanh trong tám dòng thơ. Có giao tiếp cá nhân với cá nhân (một người nói một người nghe); giao tiếp cá nhân với tập thể (một người nói nhiều người nghe); giao tiếp tập thể với tập thể (nhiều người nói nhiều người nghe)… Ấy là ta tạm định danh và phân loại thế, để lược quy chúng về một số dạng thức giao tiếp phổ biến trong đời sống với hai hoạt động tương tác là nói - nghe. Tuy nhiên, với sự lặp đi lặp lại liên tục của những cụm từ nói/ nghe, một người/ một người, nhiều người/ nhiều người… những đường nét, sự kiện cụ thể bị nhòe đi, chỉ còn lại cảm giác về một cuộc đối thoại liên tu bất tận nhưng âm thanh đã bào mòn, trượt nghĩa, rỗng nghĩa, gợi liên tưởng tới Tháp Babel âm thanh lở lói, nham nhở, trống rỗng… Cuộc hội thoại khổng lồ nhưng câm lặng của nhân loại được “tạo hình” thật xuất sắc.
Rốt cục, đến lúc đối thoại cũng sẽ trở thành độc thoại. Đến lúc chủ thể và đối tượng giao tiếp cũng biến mất. Đúng hơn, chủ thể hòa lẫn vào mênh mông câm lặng: lặng lẽ nghe/ thản nhiên nói/ tự hiểu/ tự im.
Khi chủ thể và đối tượng giao tiếp (là người) dần đánh mất vị thế, ngôn ngữ trỗi dậy khẳng định quyền tự trị của mình:
- Ngôn từ kết nối
phân chia.
- và ngôn ngữ
tự do tạo nghĩa.
Ý tưởng về sức mạnh ngôn ngữ trên khiến ta liên tưởng đến Kinh Thánh - Khởi thủy là Lời. Lời (ngôn ngữ) là sức mạnh nối kết, cũng là sức mạnh hủy hoại. Tính tự do tạo nghĩa của nó, một mặt, hàm chứa vẻ đẹp và giá trị tự thân, mặt khác, báo trước những nguy cơ, thậm chí là hiểm họa. Vấn đề nằm ở nhận thức của con người:
Thế giới không thuần nhất
bấp bênh
những ý nghĩa thỏa thuận.
Biến một ý niệm trừu tượng (ngôn ngữ) thành một hình tượng, đồng thời, đứng từ/ trong điểm nhìn của đối tượng, cất lên tiếng nói “phản biện”, đòi hỏi một nhận thức thấu đáo hơn về bản chất ngôn ngữ, và cùng với nó - bản chất của giao tiếp xã hội, nghệ thuật, đó là một cách lập tứ độc đáo.
Thực ra, về mặt thông tin, Thỏa thuận không đặt ra vấn đề gì mới (dĩ nhiên đây không phải mục đích chính của nó). Mặt khác, sự nhất quán từ tiêu đề đến hệ thống hình ảnh, ngôn ngữ đã tạo áp lực dẫn đến kết luận có tính tất yếu. Bài thơ, do vậy, rất chặt chẽ về cấu tứ song tương đối “đóng” về nghĩa. Việc tập trung mô tả ngôn ngữ như một khách thể độc lập với ý thức con người, bằng giọng điệu khách quan, trung tính, dẫn đến hiện tượng “giải chủ thể” ngay trong chính văn bản. Sự giấu mặt triệt để của tác giả cũng khiến ngôn ngữ, giọng điệu thơ trở nên đơn điệu.
Thi tính của bài thơ, đôi khi, nằm ở một số yếu tố tưởng chừng phụ trợ. Chẳng hạn, cái cảm giác tức tối cựa quậy của ngôi nhà muốn bay/ con đường muốn trôi/ dòng sông muốn dựng ngược ở phần mở đầu. Hoặc, cảm giác bội trương đến tức thở của những cuộc hội thoại, mà phần biểu cảm đã bị cắt bỏ, chỉ còn lại phần nhiễu thanh:
Một người nói một người nghe
một người nói nhiều người nghe
nhiều người nói một người nghe
nhiều người nói nhiều người nghe.
Hệt như ta đang đứng trước một bức tranh siêu thực, ảnh tượng nhòe vào nhau, chồng lấn lên nhau, bội trương đến n lần. Lớp lớp ảo cảnh đan xen đến đau mắt, đến tức thở, nhức nhối. Giống như trong cơn Ác mộng mà tác giả từng kể:
Tất cả áp sát tôi
tôi nói, họ không hiểu
họ nói, tôi không hiểu
Hoặc trong Giấc mơ của Kafka:
Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng người không có cổ
những bàn chân
càng bước càng lún sâu vào đất
Nhận thức về một thế giới “không thuần nhất”, “bấp bênh” và “ý nghĩa” giao tiếp chỉ là kết quả của sự “thỏa thuận” đồng thời gợi cảm giác đời sống đầy lo âu, hoài nghi và bất an. Trong một đời sống thiếu vắng sự kết nối, cảm thông và thấu hiểu, im lặng là một thứ ngôn ngữ bắt buộc. Một thứ ngôn ngữ bất lực và buồn bã:
Người nghe lặng lẽ nghe
người nói thản nhiên nói
người nghe tự hiểu
người nói tự im
Ngay việc chọn đặt tên bài thơ, thay vì một số từ/ cụm từ hay cách diễn đạt có tính minh xác và khoa học hơn (chẳng hạn, quy ước ngôn ngữ…, dĩ nhiên đây không phải phương án hay), tác giả lại chọn từ Thỏa thuận, một cách diễn đạt có phần đời thường, khá lấp lửng, chắc chắn tạo nên những suy diễn xa hơn hoạt động giao tiếp ngôn ngữ thuần túy. Cách diễn đạt này, vì thế, hàm chứa một ý vị mỉa mai kín đáo. Ngôn từ, ở đây, một lần nữa đã “tự do tạo nghĩa”.
Đọc kỹ, với tư cách là một phương pháp, rất có ý nghĩa trong tiếp nhận tác phẩm văn học. Đó là cách đọc coi trọng cấu trúc chỉnh thể của văn bản, với các yếu tố cấu thành hữu cơ. Dẫu vậy, trên thực tế, không thể bỏ qua các cách đọc hỗ trợ như đọc bao quát, đọc liên hệ bối cảnh… Trong trường hợp Thỏa thuận, không thể thiếu sự hỗ trợ của các thông tin ngoài văn bản.
Cùng một hiện tượng văn học, có nhiều cách tiếp cận, lý giải và không thể ảo tưởng đòi hỏi một cách đọc/ hiểu duy nhất đúng. Riêng về điều này, Thỏa thuận chính là một nhắc nhở cần thiết.
Vinh, 14/4/2021
L.H.Q
(TCSH389/07-2021)
-----------------------------
1. F. de Sausure (2005), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Khoa học Xã hội.
2. IU.M. Lotman (2016), Kí hiệu học văn hóa, Lã Nguyên dịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.74.
3. Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb. Khoa học Xã hội.